Chúa Nhật XX - Thường Niên - Năm B
CHÚA KITÔ, LƯƠNG THỰC NUÔI SỐNG
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CÂU HỎI GỢI Ý

 

1. Từ câu 51, chúng ta có thể suy diễn được gì từ quan niệm của Chúa Giêsu về sự sống và sự chết?

2. Nơi câu 53-55, Chúa Giêsu có hé cho thấy là những lời của Người phải được giải thích theo một nghĩa biểu tượng không?

 

GIẢI THÍCH

 

1) "Chính Ta là bánh hằng sống bởi trời xuống? Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt mình Ta vì sự sống thế gian" (c.51). Chúa Giêsu là “bánh sự sống" nghĩa là ban sự sống thần linh (c.48), vì Người là "bánh hằng sống" (c.51), là Đấng có sự sống thần linh trong mình, hay nói đúng hơn, Người chính là sự sống. Những lời quả quyết của Chúa Giêsu càng lúc càng rõ rệt và táo bạo.

 

"Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời" một sự sống đích thực, sung mãn. Chỉ có thể quán triệt được lời quả quyết trên đây của Chúa Kitô nếu chúng ta đặt mình trên quan điểm đức tin, một đức tin cao sâu và liều lĩnh, đức tin mà trước đây Chúa Giêsu đã nhấn nạnh đến tầm quan trọng quá sức. Đức tin này làm cho ta thấy được "sự sống" (và sự chết) một cách hoàn toàn khác hẳn quan niệm thông thường của ta. Vì xét cho cùng, cái mà chúng ta thường gọi là "sự sống" trong lãnh vực tự nhiên, đáng được gọi là "chết" hơn là "sống". Trong Tin Mừng thánh Gioan, Chúa Kitô, Đấng chính là sự sống. Điều chỉnh quan niệm của ta bằng cách nói cho ta hay Thiên Chúa nghĩ gì về sự sống. Khi Chúa Kitô của Gioan nói về sự sống cụt lủn, là Người cố ý nói về sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã thông ban cho tổ tông nhân loại và sau lúc Ađam sa ngã thì Chúa Kitô đã đến trả lại cho ta. Từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã chỉ muốn ban sự sống siêu nhiên ấy cho con cái Ngài; Ngài đã chẳng muốn tạo dựng một sự sống thuần túy tự nhiên không có sự sống siêu nhiên. Nhìn sự vật với con mắt của Thiên Chúa, thì sự sống thuần túy tự nhiên thiếu mất cái đặc tính riêng của sự sống, thành thử nó không có quyền được gọi là "sự sống" theo nghĩa đen và sâu xa.

 

Cũng thế, cái chết thể lý chỉ đáng gọi là "chết" khi nó, xét như là hình phạt của tội lỗi, làm nên khởi điểm của sự chết đời đời. Nơi đâu mà cái chết thân xác không còn có đặc tính trên, nghĩa là nơi những con người đã được cứu chuộc đang mang sự sống đích thực trong Chúa Kitô, thì chúng ta không thể gọi như thế được.

 

Vì vậy, khi Chúa Giêsu tự xưng là "bánh hằng sống", và khi bảo bánh ấy ban sự sống cho ai ăn nó vào, là Người nói về "sự sống" theo nghĩa đầy đủ nhất, sự sống thần linh mà cái chết thân xác sẽ không thể nào hủy diệt được. "Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi" (Kinh Tiền Tụng lễ An táng) .

 

Đối với chúng ta, sự sống thể lý mà chúng ta có kinh nghiệm nhiều hơn, chiếm chỗ quan trọng nhất; sự sống siêu nhiên xem ra thường ít quan trọng và mơ hồ. Phải sửa sai quan niệm chúng ta lại theo quan niệm Chúa Kitô. Khi Chúa Kitô dựng trước một kẻ nào chỉ chết cách thể lý, như trước đứa con gái Giairô hay trước mồ Ladarô, thì người gọi cái chết là một giấc ngủ (Mt 9,24; Ga 11,11); thánh Phaolô cũng vậy (1Cr 7,39; 11,30; 15,6.18.20.51...). Từ đó, danh từ đạo gọi chỗ chôn người chết là "cimetière": koimotôrion, coemeterium, dortoir: Phòng ngủ. Trong các hang toại đạo, người ta thường thấy hàng chữ khắc sau đây: "Vivas in Deo: hãy sống trong Thiên Chúa". Ngang phần lễ qui thánh lễ, linh mục cầu nguyện cho tất cả những ai "đang ngủ giấc bình an". Sau hết, tinh thần duy thực siêu nhiên của Giáo hội còn biểu lộ ra qua việc Giáo Hội gọi ngày qua đời của các thánh là diosnatalis: “ngày sinh ra" trong sự sống đích thực và sung mãn.

 

2) "Vậy Chúa Giêsu nói với họ: Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Người, các ngươi sẽ chẳng có sự sống nơi mình các ngươi" (c.53). Không tìm cách làm dịu kiểu nói, không dùng lối phát biểu ám dụ, Chúa Giêsu tiếp tục quả quyết một cách long trọng và mạnh hơn, trước tiên dưới hình thức tiêu cực (c 53), sau đó dưới hình thức tích cực (c.54). Vẫn biết Chúa Kitô, nhất là Chúa Kitô của Gioan, thường hay dùng những lời bóng bẩy; Nhưng nơi đây, Người đang ở trong những hoàn cảnh đặc biệt đến nỗi không thể để cho thính giả của Người (và độc giả của Tin mừng thứ 4) phải bị lầm về ý nghĩa đích thực của các lời Người nói. Thay vì loại bỏ một sự mập mờ. Nguyên nhân gây công phẫn, người còn thêu dệt thêm điều vừa phán bằng cách dùng động từ trôgô: nhai, nghiền nát với răng (còn mạnh hơn dộng từ esthiô dùng trong các câu trước) và bằng cách đề cập đến máu phải uống nữa: chi tiết này chắc hẳn đã làm cho người Do thái chói tai lắm, vì lề luật cấm uống máu loài vật: "Bất cứ ai thuộc nhà Israel hoặc ngụ cư giữa các ngươi mà ăn huyết bất kỳ thứ nào, thì Ta sẽ quay lại chống kẻ đã ăn huyết ấy, và Ta sẽ khai trừ nó khỏi dân nó" (Lv17,10). Một trong những điều khoản mà thánh Giacôbê cho ghi vào sắc lệnh của cộng đồng Giêrusalem (Cv 15,20) là yêu cầu của các người ngoại giáo trở lại không được dâng "thịt ngọi và máu huyết".

 

Vì lời có vẻ tuyệt đối nên Giáo hội Hy lạp đã kết luận rằng phải cho trẻ em đã chịu phép rửa được rước Mình Thánh Chúa trước lúc đến tuổi khôn. Còn Giáo Hội Latinh đòi đến tuổi khôn, vì để lãnh nhận Mình Thánh Chúa, phải có lòng kính trọng và tôn sùng; mà muốn thế, phải phần nào hiểu biết của ăn thiêng liêng ấy đã.

 

"Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời và Ta sẽ cho nó sống lại trong ngày sau hết" (c.54). Điều đã nói một cách tiêu cực nơi c.53, bây giờ được lặp lại một cách tích cực, và còn rõ ràng hơn nữa: để chân đứng mọi lối thoát muốn giải thích theo nghĩa tượng trưng, Chúa Giêsu dùng động từ trôgô: nhai một lần nữa; động từ này không bao hàm một nghĩa xấu, song cốt nói lên tính cách tả thực.

 

Chúa Giêsu gán cho việc ăn thân xác Thánh Thể Người cùng những hiệu quả mà Người đã chỉ định cho đức tin vào Người (6,40): sự sống đời đời được chiếm hữu ngay lúc này đây và sự tôn vinh thân xác sau này; nói thế, Chúa Giêsu muốn ngụ ý ai từ chối ăn Người trong bí tích Thánh Thể, kẻ đó không có đức tin đích thực. Với nhà thần học trung cổ Rupert de Deutz, ta co thể thiết lập sự song đối lý thú sau đây: tổ tông chúng ta đã đánh mất sự sống siêu nhiên vì đã phạm tội, trước hết một cách vô hình qua việc nghi ngờ không tin và sau đó bằng cách ăn trái cấm hữu hình; tội nghịch cùng đức tin đã mở màn cho việc mất sự sống, và tôi ăn trái cấm đã hoàn tất việc đánh mất sự sống . Cũng vậy, để phục hồi sự sống thần linh ấy trước hết chúng ta phải tin vào Chúa Kitô, và đức tin này không thấy được, rồi tiếp đến phải ăn lương thực hữu hình là Người, như thế chúng ta mới hoàn tất việc công chính hóa của chúng ta.

 

"Vì thịt Ta là của ăn thật, và máu Ta là của uống thật" (c. 55). Một lần nữa, Chúa Giêsu rõ ràng muốn loại bỏ một cách giải thích ám dụ về diều Người đã phán về việc ăn mình Người: đừng tưởng rằng Ta nói một cách bóng gió: Thịt Ta là của ăn thật và máu Ta là của uống thật. Một lần nữa, Rupert de Deutz đối chiếu cách gọi "của ăn thật'' này với của ăn giả trá mà tên cám dỗ dã dâng cho tổ tông chúng ta: “Tên điêu ngoa và cha sự láo khoét" (Ga 8,44) đã giới thiệu cho Eva trái cấm và hứa với bà điều mà thức ăn đó không thể ban được, trái lại Chúa Kitô, quả phúc của lòng Maria và là chính chân lý ban cho ta của ăn đích thật, lương thực thông ban sự sống trường sinh. "Ông bà sẽ trở nên như Thiên Chúa" (St 3,5): con rắn đã bảo vậy. Ai ăn Chúa Kitô, sẽ có trong mình thần tính, sẽ trở nên "Thiên Chúa" nhờ sự tham dự, thông phần" (Pl 169,485CD)

 

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

"Các người Do thái xô xát tranh luận với nhau": Việc mặc khải Chúa Giêsu tiến triển chừng nào, thì sự chống đối lớn dần chừng ấy. Các người kêu ca lẩm bẩm mới đây giờ biến thành cuộc tranh luận sôi nổi. Một số người có lẽ hiểu xác quyết sau cùng của Chúa Giêsu theo nghĩa ẩn dụ ít nhiều, vì kể ra việc ăn và uống cũng có thể áp dụng đối việc nghiên cứu lề luật (Strack- Billerbeck, t.II, tr.485). Song những kẻ khác, căn cứ vào giọng nói của Chúa Giêsu, cách thế Người phát biểu và những chữ Người chọn, thấy rằng tất cả phải hiểu theo nghĩa đen; cho nên họ phê phán lời Người là phi lý.

"Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người". Đối với một số đông các nhà chú giải, động từ này làm nên một chứng cớ quyết định bênh vực cho việc đồng hóa Chúa Giêsu với Con Người. Trong những đoạn khác, khi Chúa Giêsu nói về Con Người, thì không luôn luôn rõ ràng là Người nói về bản thân. Nhưng ở đây, không thể nghi ngờ gì được.

 

"Lưu lại trong Ta và Ta trong kẻ ấy". Cụ thể mà nói, hình dung trước tiên sự hiện diện của Chúa Giêsu trong kẻ đón nhận Người thì tự nhiên hơn. Song cách nói "lưu lại trong Ta và Ta trong nó" (x.14,10-20; 15,4-5; 1Ga 3,24; 4,15-16) chỉ một sự kết hiệp vừa thân mật vừa tương hỗ. Đó chính là hiệu quả riêng của Bí tích. Người rước lễ ở lại trong sự sung mãn của Chúa Kitô, đón nhận sự sống Người tuôn chảy vào họ. Và về phần Người, Chúa Kitô ở lại trong kẻ rước lễ như một người bạn thân tình và được yêu mến.

 

KẾT LUẬN

Thánh Thể là bữa ăn của Thiên Chúa. Bàn thờ dâng hy lễ cũng chính là bàn ăn nơi đó thịt và máu Chúa Kitô được trao ban như của ăn và thức uống cho các người dự tiệc.

 

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG.

1. Trong bản văn hôm nay, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu không nói là "thân thể" Người như trong những lời thiết lập Bí tích ở nhà Tiệc ly, nhưng nói "thịt" của Người”. Và vì thế, diễn từ này của thánh Gioan cũng đưa ta về một câu trong Bài tựa của Tin Mừng ông, câu bảo rằng Ngôi Lời Thiên Chúa đã hóa thành "nhục thể" (xác thịt). Nói "thịt", trước tiên Gioan muốn quả quyết những gì Kinh Thánh luôn luôn hiểu qua danh từ đó. Trong cách nói của người Sêmita, tiếng "xác thịt" luôn luôn chỉ con người toàn diện, chứ không phải một phần con người hay chỉ cái mà ngày nay - hầu như theo một nghĩa y học chúng ta gọi là thân xác để đối lại với linh hồn thiêng liêng. Thịt và máu có nghĩa là cả con người, đúng hơn là con người cụ thể, đang chiếm một chỗ trong khung cảnh sống của trái đất này, con người mà ta có thể sờ mó và biết có giá trị ra sao đối với ta. Vì thế khi Gioan tuyên bố: "Ngôi lời đã hóa thành xác thịt" là ông muốn nói: Ngôi Lời thật sự ở nơi chúng ta đang ở, Người ở giữa chúng ta, Người chia sẻ sự sống chúng ta, Người chia sẻ thời gian và không gian của chúng ta, Người chia sẻ cuộc hiện hữu của chúng ta: chúng ta có thể và phải tìm Thiên Chúa vĩnh cửu ở đây, trong trần gian này. Nếu điều đó đúng với Chúa Kitô lịch sử, thì cũng đúng với Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì trong Thánh Thể, Người hiến thân cho chúng ta hoàn toàn, thực sự, dù dưới một phương thức hiện diện khác với phương thức hiện diện ở Palestin. Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã sống lại vinh hiển và biến hình vinh quang. Và vì Người mang trong mình sự sống muôn đời, nên Người cũng có thể làm cho chúng ta được hằng sống.

 

2. Nếu chúng ta thường mang tâm trạng, hầu như nặng nề, là mình quá xa Chúa, là tâm hồn mình quá trống vắng Thiên Chúa, nếu chúng ta tưởng rằng mình không thể tìm Ngài với những ý nghĩ và tâm tình của con tim, nếu chúng ta có cảm tưởng mình ở đây, trong lúc Thiên Chúa đích thực, ánh sáng bất khả đạt thấu, thật quá xa vời, thì ít nữa chúng ta hãy ao ước tiếp nhận thân xác của Chúa. Dĩ nhiên, nếu không tiếp nhận với đức tin và lòng mến, thì Thịt và máu Người sẽ chẳng có ích lợi gì, chỉ đem lại án phạt. Nhưng nếu chúng ta, vốn là những kẻ khó nghèo và đói khát, hành khất và què quặt, mù lòa và đau yếu, là những kẻ được mời gọi từ khắp mọi lối của trần gian và mọi chuồng, nếu chúng ta biết tiến lại với ý thức rõ ràng về thân phận nghèo đói, khốn khổ và lang thang của chúng ta, biết bước lại với lòng tin tưởng mà nói: "Chúng con ao ước được ăn Mình Chúa ít nữa là một lần thì lúc đó Thiên Chúa sẽ làm những gì còn lại. Lúc đó Ngài sẽ đổ xuống trên chúng ta ân sủng với sức mạnh, ánh sáng và sự sống của Ngài, ngay chính khi chúng ta tưởng mình còn là hư không và tối tăm, còn là những kẻ đã chết và tội lỗi khốn nạn. "Hãy nhận lãnh mà ăn, này là Mình Ta". Và Chúa còn nói: "Ai ăn thịt Ta thì sống đời đời". Người đã đến với chúng ta trong xác thịt chúng ta và chính thịt này Người ban cho chúng ta, vì chúng ta không biết làm sao để đến với Người. Vì thế, chúng ta ta có thể luôn tin tưởng vào người, dù chúng ta có cảm thấy gì đi nữa cũng không sao, và có thể đến gần bàn tiệc sự sống vĩnh cửu vì Người ở nơi chúng ta ở, và bởi thế chúng ta không nên sợ người xa chúng ta vì Người cho chúng ta Mình và Máu Người cùng sự sống vĩnh cửu.

 

3. Ăn thịt Chúa Kitô hay ăn Chúa Kitô trong Thánh Thể và phương thế duy nhất giúp ta tránh được lâu dài bệnh thiếu máu thiêng liêng và cái chết. Ăn Chúa Kitô là sống bằng Chúa Kitô. Việc rước lễ đều đặn tự nhiên đặt chúng ta. Ngay từ bây giờ và một cách vững chắc, vào giai đoạn đầu của sự sống vĩnh cửu; giai đoạn này được gọi là ân sủng và sẽ triển nở về sau trong vinh quang của thị kiến hồng phúc, rồi trong sự sống lại của thân xác vinh hiển vào ngày cánh chung.