Chúa Nhật XVII - Thường Niên - Năm B
XÂY DỰNG PHÚC LỢI CỘNG ĐỒNG
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

Thói vô cảm lan tràn

Chủ nghĩa Makeno (có nghĩa là mặc-kệ-nó, một cách nói khôi hài chỉ thái độ vô cảm, thờ ơ trước những đau thương khốn khổ của người khác, không quan tâm đến lợi ích chung) là một thói xấu tai hại đang lan rộng trên quê hương đất nước chúng ta. 

Vì tiêm nhiễm thói vô cảm cùng với tham lam, người sản xuất thực phẩm độc hại chỉ cần biết thu lãi thật nhiều cho mình mà không thiết gì đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Vì tiêm nhiễm thói vô cảm cùng tham lam, nhiều người sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc độc hại để hốt tiền, bất chấp sinh mạng và sự thiệt hại lớn lao của người khác.

Thấy xe chở bia gặp nạn thì nhiều người ào ào xông tới hôi của, thấy người đi đường lâm nạn thì nhào tới móc tiền, bất chấp nỗi mất mát đau thương của người khác.

Nhiều hình thức gian manh lừa đảo không chỉ xảy ra ở chốn giang hồ, chợ búa mà ngay cả trong những bệnh viện danh tiếng (như vụ nhân bản kết quả xét nghiệm, đánh tráo thuỷ tinh thể ở bệnh viện mắt…)

Gặp nạn nhân nghèo không có tiền ứng trước thì ngay cả một số “lương y như từ mẫu” cũng làm lơ, để nạn nhân chết thảm...

Tất cả cũng chỉ vì vô cảm cùng với hám lợi mà ra.

 Thói vô cảm cực kỳ tai hại vì nó hủy diệt tình nghĩa đồng bào, phá vỡ nền móng đạo đức, làm đất nước suy yếu, gây thiệt thòi, mất mát đau thương cho nhiều người... Thói xấu tai hại nầy hoàn toàn trái ngược với chủ trương sống yêu thương phục vụ của Chúa Giê-su.

 Chúa Giê-su hiến thân xây dựng phúc lợi cộng đồng

Mang lại phúc lợi cho cộng đồng nhân loại là ưu tiên hàng đầu của Chúa Giê-su. Vì thế, Ngài đã hạ mình xuống thế để phục vụ nhân loại và hiến ban cả mạng sống để cứu rỗi muôn người.

Trong ba năm bôn ba rao giảng Nước Trời, Chúa Giê-su luôn sống vì mọi người: “Cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kể điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7, 22).

Qua Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng đặc biệt quan tâm đến hạnh phúc người khác. Ngài không dừng lại ở việc rao giảng Tin Mừng mà còn chăm lo cho cả cái bao tử trống không của họ nữa.

 Chúa Giê-su mời gọi chúng ta quan tâm giúp ích cho người khác

Xây dựng phúc lợi cộng đồng là sự nghiệp chung của mọi người, thế nên Chúa Giê-su không thực hiện một mình mà còn kêu mời các môn đệ cùng tham gia vào việc nuôi ăn đoàn dân đông đảo đang theo Ngài ngày hôm ấy.

Trước hết Chúa hỏi Phi-líp-phê, để mời gọi ông cùng chung lo với Ngài: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."

Bấy giờ môn đệ thứ hai là An-rê tham gia: “Thưa Thầy, ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! "

Thế là em bé nầy được đưa đến với Chúa Giê-su. Ngài đã thuyết phục em chịu hy sinh phần ăn quý hóa của mình cho tập thể. Thế là ngay cả trẻ con cũng được Chúa Giê-su mời gọi góp phần cho phúc lợi của cộng đồng.

Khi bụng đói cồn cào thì chẳng có gì cần hơn cơm bánh. Vậy mà em bé nầy đã quảng đại trao năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ vào tay Chúa Giê-su.

Nhờ có sự tham gia của các môn đệ và đứa bé, “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Ngài cũng phân phát như vậy.”

Thế là phép lạ xảy ra: bánh và cá liên tiếp được trao tay từ người nầy qua người khác, mọi người được ăn no nê, “ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.”

 Xây dựng xã hội lành mạnh và phát triển là điều kiện tiên quyết để mỗi người được hạnh phúc

Số phận của mỗi tế bào trong cơ thể tùy thuộc vào số phận của toàn thân. Khi thân thể lâm trọng bệnh thì các tế bào cũng bị ảnh hưởng nặng nề và khi thân thể chết đi thì các tế bào không thể nào tồn tại. Trái lại, khi toàn thân khỏe mạnh an lành, thì mỗi một tế bào trong cơ thể cũng được hưởng nhờ. Vì thế, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, phát triển, hòa bình là điều kiện cần thiết để từng cá nhân trong xã hội được an bình hạnh phúc.

 

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đến trần gian hiến trọn đời mình để mưu cầu lợi ích cho toàn thể nhân loại. Chúa không chỉ cứu rỗi linh hồn con người mà thôi, nhưng còn nỗ lực xây dựng một thế giới lành mạnh, hạnh phúc ngay trên mặt đất bằng cách cổ võ mọi người dấn thân phục vụ, yêu thương.

Xin dạy chúng con xa lánh chủ nghĩa “Makeno” đang dần dần tàn phá xã hội; trái lại, biết noi gương Chúa, học với Chúa để trở nên người hiến thân đem lại phúc lợi cho anh chị em chung quanh mình.

 

 

 

 

Tin Mừng Gioan (6, 1-15)

1 Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? "6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.7 Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! "10 Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi."13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! "15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.