Chúa Nhật IX - Năm B - MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
NÀY LÀ MÌNH TA – NÀY LÀ MÁU TA
Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Bữa tiệc Vượt Qua" của Người

Các câu từ 12 đến 16, làm thành phần thứ nhất của bài Tin Mừng hôm nay, tập trung vào việc chuẩn bị lễ Vượt Qua của Đức Giêsu, lễ Vượt Qua "của Người”. Những miêu tả rất chi tiết không phải để thoả mãn óc hiếu kỳ của ta, nhưng để dẫn ta vào ý nghĩa sâu xa của những biến cố sắp diễn ra.

-Cũng như Matthêu và Luca, Máccô biến bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ thành một bữa tiệc Vượt Qua, bữa tiệc Vượt Qua "của Người”. "Ngày thứ nhất trong tuần lễ bánh không men, lúc người ta sát tế chiên vượt qua, các môn đệ Đức Giêsu hỏi người: Thầy muốn chúng con dọn lễ Vượt Qua của Thầy ở đâu?”.

Chắc chắn lối ghi chép tuần tự theo dòng thời gian của Gioan đúng hơn (xem chương trình "Corpus Christi" phát hình trên kênh "Arte" suốt Tuần Thánh 1997), nhưng dù sao, tác giả Tin Mừng muốn độc giả chú ý đến ý nghĩa của bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu: bữa ăn Vượt Qua của người Do Thái, tưởng niệm biến cố lập quốc của dân Israel, phát triển thành một lễ Vượt Qua mới, cái chết, sự sống lại của Đức Giêsu, từ đó phát sinh một dân tộc mới. Trong bài tường thuật về bửa tiệc của Đức Giêsu với các môn đệ, không thấy có chỗ nào nhắc đến con chiên Vượt Qua, vì theo đức tin Kitô hữu, như thánh Phaolô đã viết: "Đức Kitô là chiên Vượt Qua đã bị sát tế" (1 Cor 5, 7).

Nếu bài Tin Mừng mở đầu bàng cuộc vận động của các môn đệ, đoạn kế tiếp lại nhấn mạnh đến sáng kiến của Đức Giêsu. Cũng như ngày người long trọng vào thành Giêrusalem như Đấng Cứu Thế, Người đã sai hai môn đệ dắt về một con lừa non (Mc 11,1-6), Đức Giêsu cử hai môn đệ đi chuẩn bị lễ Vượt Qua:

+ Không những Người đã thấy trước "căn phòng”.

+ Mà Người còn đưa ra một dấu hiệu để nhận ra ông chủ nhà: "một người đàn ông mang vòi nước”, cử chỉ rất khác lạ ở miền Trung Đông nơi phụ nữ phải làm công việc múc nước.

+ Thậm chí cả đến một mật hiệu: "Thầy chúng tôi hỏi ông: Căn phòng Thầy ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?”.

Cũng như trong đoạn trước, Đức Giêsu "hành xử như một tiên tri, có khả năng biết những sự việc ẩn giấu”. (M.E.Boismard, trong "Đức Giêsu, một người Nagiarét, Cerf, 1 996, trang 150).

2. Bữa tiệc Vượt Qua mới cho một dân tộc mới.

Bỏ qua các câu 17-21 loan báo việc Giuđa phân bội, bản văn dùng trong lễ hôm nay kể ngay đến việc lập phép Thánh Thể. J. Hervieux nói trước: ‘truyện kể vắn tắt, sắp xếp gọn gàng’. Hiển nhiên đó là một băn văn phụng vụ đã thành hình. Trong những từ ngữ ít ỏi, rất cô đọng, bản văn chỉ nhắm làm sáng lên ý nghĩa của các động tác và các lời nói của Đức Giêsu trong Bữa Dạ Tiệc (Cena tiếng Latinh có nghĩa là ‘bữa ăn tối’) (Tin Mừng Máccô, Centurion, 1991, trang 208).

- Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Đức Giêsu đã lặp lại hai cử chỉ theo nghi thức nơi người Do Thái để mở đầu và kết thúc bữa tiệc: "chúc phúc" trên bánh mì; "chúc phúc" trên rượu.

+ Đầu bữa ăn, vị chủ toạ cầm bánh dâng lời chúc tụng Thiên Chúa: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, chúc tụng Chúa, Vua vũ trụ, Chúa đã tạo ra bánh từ ruộng đất! Rồi ông bẻ bánh, chia cho mỗi người đồng bàn một miếng; khi ăn bánh, mọi người đều nhận biết đó là một quà tặng của Thiên Chúa.

+ Cuối bữa ăn, người ta mang tới cho vị chủ toạ một ly rượu có pha nước. Ông cầm ly rượu trong tay, nâng lên, rồi, trong một lời đối thoại theo nghi thức, ông mời gọi các khách tham dự cũng tạ ơn Chúa: "Nào ta hãy tạ ơn Chúa, Người đã nuôi dưỡng ta no thoả! Mọi người đáp lời: "Chúc tụng Đấng đã dùng sự phú túc nuôi dưỡng ta và dùng lòng nhân hậu làm cho ta được sống!”. Rồi ông xướng kinh "chúc tụng". Tạ ơn vì sự sáng tạo, vì giao ước và vì quà tặng Đất hứa, đồng thời cầu nguyện cho hiện tại và tương lai của Giêrusalem. Sau đó ông chuyển ly rượu cho mọi người tham dự.

+ Khi làm lại những cử chỉ nghi thức của dân Người: chiều hôm ấy Đức Giêsu đã ban cho những cử chỉ ấy một ý nghĩa tuyệt đối mới mẻ, đặt chúng trong tương quan với mầu nhiệm phục sinh của Người.

+ "Này là Mình Ta” Người nói khi trao bánh đã bẻ ra cho các môn đệ. Như thế, Người xác định, theo nhân chứng học Do Thái, không có tách biệt giữa xác và 'hồn, nhưng toàn bộ con người của Người: Này là chính Ta (tự hiến). Phải hiểu như thế.

M. Autané bình luận: “Đối với một người Do Thái như Đức Giêsu, chẳng có phân biệt giữa "nhục thể” (sarx) và "xác thân" (sôma) như đối với người Hy Lạp. Xác thân hay nhục thể cũng là trọn vẹn con người. Khi nói: "Này là Mình Ta" Đức Giêsu chỉ có ý nói "Đây là tất cả bản thân, sự sống của tôi”. Như người chủ gia đình, trong bữa ăn Vượt qua, cắt nghĩa rằng bánh không men là "bánh nhục nhằn" (Tl 16,3), Đức Giêsu giải thích bánh của bữa tiệc vượt qua mới bằng cách đồng hoá bánh với chính bản thân Người. Người trao cho các môn đệ không chỉ có bánh để ăn, nhưng là chính bản thân Người" ("Hồ sơ Kinh Thánh" số 14).

+ Cũng vậy, sau khi đã chuyền ly rượu đầy, Người tuyên bố: “này là Máu Thầy, Máu giao ước, đổ ra cho mọi người" (nghĩa là "cho toàn thể nhân loại"), để công bố ý nghĩa của cái chết của Người.

M. Autané nói tiếp: "Máu ‘giao ước’ gợi nhớ đến Xuất Hành 24,3-8, khi Môsê ký giao ước với Thiên Chúa bằng việc rảy máu con vật tế hiến lên bàn thờ rồi trên dân chúng. Giao ước mới ra đời nhờ chính mạng sống của Đức Giêsu, sự sống được tượng trưng bằng máu đổ ra để cứu chuộc số đông nhân loại. Đức Giêsu, khi sắp bị địch thù tuyên án tử, đã để lại cho cộng đoàn của Người Thánh Thể như một lễ vượt qua mới. Như thế, trong bữa ăn này, các môn đệ vừa cảm nghiệm được sự giải phóng - không phải giải phóng khỏi tay người Ai Cập, nhưng khỏi những lực lượng sự chết- và nếm trước bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa, khi thời gian chấm dứt.

Ta chẳng bao giờ biết được lời lẽ chính xác của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly. Nhưng ta biết chắc rằng các môn đệ đã lưu giữ, dạy dỗ, và lưu truyền những gì các ngài cho là chính yếu: sự trao tặng của Đức Giêsu, sự trao tặng chính mạng sống của Người vì tình yêu. Và điều họ phải ghi nhớ đó là sự hiện diện mới của Đức Giêsu: Đấng Phục sinh đã đảo lộn đời họ và Người còn tiếp tục biến đổi thế giới qua Giáo Hội " (Sđd, trang 19).

BÀI ĐỌC THÊM

1. Vĩnh viễn ta chỉ bập bẹ về bí tích Thánh Thể

(Đức Cha L.Daloz, trong "Vậy Người là ai?". DDB. trang 90 -91).

Chỉ bằng một cử chỉ đơn sơ và duy nhất, Đức Giêsu trao phó cho các môn đệ kho tàng Mình và Máu Người. Bằng những lời lẽ vắn tắt và long trọng Người tuyên đọc di chúc của Người. Đó sẽ là trung tâm của các cộng đoàn Kitô hữu, và sẽ thẩm định các cộng đoàn dọc dài suốt lịch sử, cho tới ngày các môn đệ Người sẽ uống rượu mới trong Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu truyền lại cho các môn đệ những cử chỉ và những lời lẽ của phép Thánh Thể, dấu chỉ của thân thể và máu giao ước. Người nộp mình vào tay chúng ta. Vào thời điểm Người sắp bước vào cuộc khổ nạn và hoàn tất thời hiện diện hữu hình. Người có ý tiếp tục bằng sự hiện diện vô hình và tầm vóc phổ quát của hiến tế đời người. "Chén mà ta sắp uống, các ngươi sẽ uống”, Đức Giêsu đã loan báo như thế (11,39). Người lên tiếng, cầm lấy chén và trao cho ta. Nhờ bánh và rượu này, ta thục sự dấn bước theo Người lên con đường khổ nạn và phục sinh của Người. Ta không chỉ dừng lại ở việc gợi lại lịch sử và thử bắt chước Người. Chúng ta bị lôi kéo vào cuộc phiêu lưu của Người và thành những kẻ tham dự vào số phận của Người. Lời lẽ bất ngờ chưa từng thấy: "Hãy cầm lấy, này là Mình Thầy, Này là Máu Thầy”. Thật ra, người này là ai mà dám nói những lời như thế? Người đã khai mở lỗ hổng nào nơi nhân tính chúng ta để cho giao ước có thể đi vào, thấm nhập vào đến tận thâm tâm của mỗi người? Ta có thể làm gì khác hơn là linh cảm được điều đó trước khi uống chất rượu mới của Nước Trời? Vĩnh viễn ta chỉ biết bập bẹ nói về phép Thánh Thể.

2. Những bài tường thuật nền tảng về việc cử hành Thánh Thể

(M.Scouarnec, trong “Hồ sơ Thánh Kinh" số 41, "Phép Thánh Thể", trang 24).

Giáo Hội coi những bài tường thuật bữa ăn tối là nền tảng của việc cử hành Thánh Thể. Luca (cũng như Phaolô) tường thuật lệnh truyền của Chúa: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Lệnh truyền mới tương quan với giao ước mới. Dẫu việc soạn thảo bản văn có những khác biệt, vẫn thấy xuất hiện những nét chính yếu:

(1) Bài ca tiếp liên trọng tâm của phép Thánh Thể:

Đức Giêsu cầm lấy bánh, rồi cầm lý rượu.

Người tạ ơn, hoặc dâng lời chúc tụng.

Người bẻ bánh.

Người trao cho các môn đệ.

Bốn động từ, 4 hành động diễn ra trong nghi thức của phép Thánh Thể: chuẩn bị và trình bày những quà tặng, kinh nguyện tạ ơn long trọng, cử chỉ bẻ bánh và rước lễ.

(2) Trong cử chỉ cuối cùng, cử chỉ trao ban, Đức Giêsu đã nói những lời này: "Này là mình Thầy”. Như vậy, đó là chìa khoá để hiểu toàn bộ hành động. Đức Giêsu ban tặng mình và máu Người. Mạng sống của Người, chính bản thân Người. Cái chết của Người, hy tế của Người là một quà tặng cụ thể chính bản thân Người: một hành vi tạ ơn dâng trước cho Chúa Cha và một quà tặng bản thân Người cho anh em.

(3) Một khung cảnh Vượt qua. Dù có những mâu thuẫn giữa Gioan và các Tin Mừng Nhất Lãm về ngày giờ chính xác của bữa Tiệc Ly, ta vẫn thấy ý định của các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm là ghi lại bài tường thuật về việc lập phép Thánh Thể trong khung cảnh lễ Vượt Qua của người Do Thái và của Giao ước, và cho biến cố một nội dung Vượt qua: Đức Kitô vượt qua từ sự chết đến sự sống, thực hiện công cuộc giải phóng mới khỏi tội lỗi nhờ Đức Kitô - Tôi Tớ, cho mọi người chứ không riêng cho dân Israel.

(4) Cử hành ngày Chúa nhật: ngày dân Chúa làm nên một thân thể hữu hình (Thư các Đức Giám Mục gởi người Công giáo Pháp, Cerf, 1 996, trang 93-94).

Còn về phép Thánh Thể, các cộng đoàn đã tiến bộ trong nhận thức tầm quan trọng của bí tích ấy đối với đời sống Giáo Hội. Nhưng vẫn phải luôn luôn đổi mới ý nghĩa việc cử hành ngày Chúa nhật như thời gian dân đã được Rửa tội kết thành thân thể hữu hình, khi đáp lại lời mời gọi mà Đức Kitô ngỏ với các môn đệ với mục đích cho họ tham dự vào việc tặng bản thân của Người cho sự sống của thế giới.

Tất cả chúng ta đã có kinh nghiệm về những buổi cử hành đầy tinh thần đón tiếp nồng ấm khiến cho ta như cảm được ơn cứu độ Thiên Chúa ban tặng, đến phục hồi sức lực cho ta giúp ta tiếp tục rong đuỗi đường dài. Đó không phải và một lý tưởng không đạt tới được đối với các cộng đoàn của ta, nhất là nếu tất cả những ý thức và những truyền thống thiêng liêng chấp nhận điều tiết những đòi hỏi sau đây mà đôi khi người ta chống báng vì sai lầm: sự tôn trọng truyền thống phụng vụ, lời kêu gọi mọi người tích cực tham dự, sự đóng góp của những diễn tả khác nhau về thẩm mỹ vả nghệ thuật.

Một thực hành Thánh Thể như thế không thể tách rời khỏi ý thức về những tác vụ được loan truyền vì sự sống và vì sự xây dựng Thân Thể Giáo Hội.