Chúa Nhật IX - Năm B - MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
MẦU NHIỆM CAO CẢ
                     Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Kính thưa anh chị em,

Trong các bí tích, Thánh Thể là bí tích cao trọng hơn cả, bởi vì các bí tích khác chỉ chứa ơn thánh, còn bí tích Thánh Thể chứa chính Thiên Chúa, Đấng ban nguồn ơn thánh.

Trong sách có tựa đề “Tiếng gọi tình yêu”. Chúa Giêsu dạy chị nữ tu Joseppha rằng: “Cha là tình yêu, Trái tim Cha không nén được ngọn lửa hồng, luôn luôn thiêu đốt lòng Cha. Cha yêu dấu các linh hồn đến nỗi đã thí mạng sống Cha vì họ. Vì yêu, Cha đã muốn tự nhốt mình trong Nhà Tạm hơn 20 thế kỷ qua, Cha ở lại đó đêm cũng như ngày, ẩn náu dưới hình bánh, nép thân trong của lễ hèn mọn, vì yêu mà phải chịu bỏ quên, lạnh lẻo, khinh bỉ và xúc phạm”.

Trong Tông Thư về “Bí tích Thánh Thể”, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II có viết: “Thánh thể là trung tâm sống còn, là nguồn mạch, là đỉnh cao của đời sống Giáo hội. Đồng thời, là nguồn mạch sự sống siêu nhiên cho hết mọi người tín hữu ”.

Vì như mầu nhiệm Giáng sinh, Chúa Giêsu chỉ là một em bé để ở gần chúng ta; Mầu nhiệm tử giá, Chúa Giêsu chịu chết và lấy Máu mình để cứu chuộc chúng ta; Nhưng bí tích Thánh Thể thì gồm tất cả các mầu nhiệm, từ mầu nhiệm Nhập thể, Giáng sinh, Cứu chuộc, Sống lại... cho đến hiến thân thành Mình và Máu để nuôi linh hồn chúng ta. Ngài đích thân đi vào linh hồn, Ngài muốn nên một với chúng ta “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta, thì người đó ở trong Ta và Ta ở trong người ấy ” (Ga 6,54-55). Cho nên, Mầu Nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm cao cả, thân thương và gần gũi chúng ta nhất.

Tin mừng thánh Gioan chương 13, Chúa Giêsu nói trong bữa Tiệc ly: “Người đã yêu thương đến cùng ”. Yêu đến cùng ở đây không phải là thời gian đến cùng, không phải là yêu cho đến chết, nhưng yêu cho đến cùng ở đây là nói đến mức độ yêu của Thiên Chúa, nghĩa là khả năng Ngài có bao nhiêu thì yêu chúng ta hết bấy nhiêu.

Khi suy niệm về bí tích Thánh Thể thánh Âugustinô nói: “Đức Chúa Trời quyền năng vô cùng làm được mọi sự, nhưng Ngài không làm gì hơn nữa cho con người; Đức Chúa Trời khôn ngoan thượng trí vô cùng, nhưng Ngài không nghĩ gì hơn nữa cho con người; Đức Chúa Trời giàu có vô cùng, nhưng Ngài không biết lấy gì hơn nữa cho con người. Ngài chỉ còn cách cuối cùng là lập nên bí tích Thánh Thể để hiến trọn tình yêu cho con người”. Cho nên bí tích Thánh Thể là sáng kiến cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

Anh chị em thân mến,

Trong bài giảng đầu tiên ngày 20/04/2005, Đức thánh cha Bênêđictô XVI kêu gọi: “Tôi kêu gọi tất cả mọi người, hãy yêu mến và sống Thánh Thể một cách tích cực hơn; hãy can đảm tuyên xưng đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

 Nói đến tôn thờ Thánh Thể thật sự hình thức bề ngoài tương đối chúng ta làm rất nhiều như: việc tổ chức chầu Thánh Thể, hay rước kiệu... Nhưng mà chiều sâu bên trong chúng ta còn thiếu, chưa đủ.

 Chiều sâu theo ý Đức thánh cha yêu cầu là: “Ước gì sự tôn thờ Thánh Thể sẽ là mối quan tâm đặc biệt của các hội đoàn, cộng đoàn Giáo xứ hay Dòng tu! Hãy quỳ gối lâu giờ trước Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, với đức tin và tình yêu, sửa lại những thờ ơ, những quên lãng và cả những xúc phạm, mà Đấng Cứu Chuộc của chúng ta phải chịu trong nhiều phần thế giới. Nhất là cần chấn chỉnh lại khi chúng ta tham dự Thánh lễ”.

Đáp lại lời mời gọi của Đức thánh Cha, mỗi lần đi tham dự thánh lễ chúng ta nên ý thức đi lễ là đi gặp gỡ Chúa. Chúng ta gặp Ngài trong cộng đoàn tín hữu; gặp Ngài qua Lời Chúa; qua vị linh mục tế lễ, gặp Ngài nơi bàn tiệc Thánh Thể khi rước lấy Mình Máu Chúa.

Đi lễ là đi dâng của lễ. Dâng Chúa Kitô lên Cha trên trời, dâng hiến bánh rượu là lao công con người và hoa mầu ruộng đất Chúa ban để trở nên Mình Máu Chúa; dâng hiến cuộc đời chúng ta với mọi niềm vui nỗi buồn, mọi biến cố trong cuộc sống, cùng với những người thân yêu, thù nghịch và dâng cả thế giới chúng ta đang sống…

Đi lễ là đi dự tiệc: Dự tiệc Lời Chúa và dự tiệc Thánh Thể, là bảo đảm cho phúc trường sinh cho chúng ta.

Đồng thời, vì là việc tôn thờ Chúa, cho nên chúng ta cần phải trang nghiêm trong tư thế đứng, ngồi, quì, và trang nghiêm trong cách ăn mặc kín đáo nết na.

Rồi phải linh động, nghĩa là cùng đọc kinh, cùng thưa cùng hát chúc tụng Chúa. Và cuối cùng chúng ta phải tham dự đầy đủ trọn vẹn, không được bỏ bớt phần nào, nếu thiếu thì phải bù, trừ khi có lý do chính đáng.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta chung lời tạ ơn tình yêu vô biên Chúa đã hiến mình trở nên lương thực Thần Linh nuôi sống linh hồn chúng ta.

 Xin cho chúng ta biết đáp lại tình yêu vô biên của Chúa, bằng cách siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể và năng đến chầu Chúa trong các nhà Tạm trên toàn thế giới. Đồng thời, noi gương Chúa, chúng cũng biết quên mình, hiến thân phục vụ anh chị em đồng loại như Chúa đã hiến mình vì yêu chúng ta. Amen.