Chúa Nhật IV Thường Niên - Năm B
ĐẤNG CÓ UY QUYỀN
                      Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, sau khi rời bỏ quê nhà Nadarét, Chúa Giêsu đi tới Caphácnaum, một thành phố nằm ven biển Hồ Tibêria. Nơi đây dân chúng tấp nập với nghề chài lưới và buôn bán. Thành phố này được Chúa Giêsu chọn làm trung tâm hoạt động rao giảng Tin Mừng. Như thường lệ, mỗi lần tới đâu, Chúa thường vào Hội Đường cầu nguyện và giảng dạy.

Bởi vì bổn phận của mỗi tín hữu Do thái trong ngày lễ Sabát, là đến Hội Đường để cùng nhau cầu nguyện, hát Thánh Vịnh và đọc sách Luật. Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài không miễn trừ cho mình khỏi bổn phận ấy.

Điều các tín hữu Do thái hôm nay, nhận thấy lời giảng dạy của Chúa Giêsu rất khác so với lời giảng của các Kinh Sư. Chúng ta có thể đan cử một vài sự khác biệt sau đây:

Thứ nhất, các Kinh Sư thường dựa vào lời các ngôn sứ hoặc dựa vào truyền thống của tiền nhân để giảng dạy. Nên lời giáo huấn của họ phần lớn rập khuôn theo truyền thống mà không có tính sáng tạo, thiếu đi tính thời sự.

Còn Lời giáo huấn của Chúa Giêsu thì dựa vào uy quyền Thiên Chúa, nên lời đó có giá trị vĩnh cửu. Bởi Chúa Giêsu chính là Lời hằng sống đến từ Thiên Chúa.  Lời mặc khải về tình yêu và lòng bao dung tha thứ. Đồng thời cách thức giảng dạy của Chúa mới mẻ. Ngài không dài dòng giải thích các đoạn Kinh Thánh như các Kinh Sư thường làm, nhưng Ngài đặt mình vào tầm hiểu biết của dân chúng, giảng đơn sơ, nhưng sâu sắc.

Chúa Giêsu không chỉ có uy quyền trong lời giáo huấn, nhưng uy quyền đó còn được thể hiện trong hành động dưới nhiều hình thức khác nhau nữa.

Uy quyền trên thiên nhiên: Ngài khiến sóng to gió lớn trên biển cả im lặng (Mt 8,26).

Uy quyền trên ác thần: Ngài xua trừ ma quỉ (Mt 8, 28-34); Chữa các bệnh tật (Mt 8, 1-17).

Uy quyền trên sự sống: Ngài phục hồi sự sống cho Lazarô (Ga 11,1-44); Cho con trai bà góa thành Na-im (Lc 7, 11-17).

Uy quyền biểu lộ tình thương: Biến nước thành rượu (Ga 2, 1-12); Hóa bánh ra nhiều (Mc 6, 30-44).

Thứ hai, lời giảng dạy của Chúa khiến mọi người thán phục, vì Chúa luôn thích ứng lời giảng với hoàn cảnh của người nghe. Ngài dựa vào sự kiện cụ thể để giảng, nhất là khi muốn dạy một chân lý cao siêu, mới lạ, khó tin. Chẳng hạn như nói về Nước Trời. Ngài luôn lấy những sự kiện thật gần gũi quen thuộc trong đời sống minh họa cho dân chúng dễ hiểu. Đó là cách giảng dạy bằng dụ ngôn. Ví dụ như Nước Trời giống như….(Mt 13, 31-52).

Một lý do nữa, lời giảng của Chúa khiến dân chúng bỡ ngỡ thán phục, là cuối bài giảng, Ngài thường đúc kết lại thành những câu ngắn gọn dễ nhớ.

Chẳng hạn như: “Ai xin thì sẽ được”; “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống”; “Tôi đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”; “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”; “Kẻ được gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít”...

Với một vài sự khác biệt trên đây, cũng đủ cho chúng ta thấy cách giảng dạy và nội dung lời giảng của Chúa khiến dân chúng kinh ngạc và thán phục là như thế.

Anh chị em thân mến,

Từ sứ điệp Tin mừng hôm nay, có thể chúng ta rút ra những kinh nghiệm sống:

Thứ nhất, chúng ta cần noi gương Chúa chu toàn bổn phận người tín hữu trong ngày Sabát. Có khi vì hoàn cảnh khó khăn, bởi cơm áo gạo tiền, chúng ta không thể thường xuyên đi tham dự Thánh Lễ ngày thường được, thì ít ra ngày Chúa Nhật, ngày dành riêng cho Chúa, chúng ta cố gắng đừng bỏ lễ.

Thứ hai, dân Do thái năm xưa khi nghe Chúa giảng họ sửng sốt thán phục, nhưng rất tiếc họ chỉ có tình cảm hời hợi bên ngoài lúc đó thôi, nên Lời Chúa không sinh hiệu quả trong tâm hồn họ.

Đây là điều lưu ý chúng ta. Chúng ta đừng chỉ nghe Lời Chúa hay thán phục Lời Chúa, nhưng còn biết sống Lời Chúa, đem Lời Chúa áp dụng vào đời sống hằng ngày nữa.

Thứ ba, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động, cùng với những mưu mô quỉ dữ. Một thế giới tục hoá, không tôn trọng sự sống; một thế giới đầy dẫy những bất công và đói nghèo; một thế giới thù hằn ngày càng chồng chất, chiến tranh, khủng bố đe doạ đến sự tồn tại của nhân loại, dễ làm chúng ta đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa Chính vì thế, hơn lúc nào hết, thế giới này cần biết bao sự hiện diện của Thiên Chúa.

Ước gì lời quyền năng của Chúa xưa kia khiến cho thần ô uế xuất ra khỏi người bệnh, nay cũng được vang lên, để bớt đi những mưu mô của ác thần; làm cho thế giới này bớt đi hận thù, chia rẽ và thay vào đó là một thế giới biết quý trọng sự sống, biết yêu thương và phục vụ hướng tới một thế giới đại đồng trong sự bình an của Thiên Chúa.

Xin cho chúng ta biết đặt tin tưởng vào Chúa Kitô là vị Thầy duy nhất, là Thiên Chúa toàn năng, là niềm hy vọng vững chắc của chúng ta. Amen.