Chúa Nhật III Thường Niên - Năm B
CHÚNG TA LÀM GÌ VỚI LỜI CHÚA
Suy niệm của Jean-Yves Garneau

Không bao giờ chúng ta coi trọng Lời Chúa mà lại không thay đổi gì trong đời sống của mình.

Thiên Chúa lên tiếng.

Chúng ta thuộc vào số những kẻ tin rằng Thiên Chúa đã ngỏ lời với nhân loại và Ngài vẫn tiếp tục ngỏ lời bằng nhiều cách.

Các biến cố xảy đến trên thế giới hoặc trong chính cuộc đời chúng ta thường là Lời Chúa: một thiên tai, một chiến thắng trên bệnh tật, cái chết của một người thân, một đứa con ra đời, một cử chỉ tử tế hoặc thù hằn mà người nào đó làm cho chúng ta. Có bao nhiêu sứ điệp của Thiên Chúa mà ta cần biết nhận ra.

Cả Thánh Kinh nữa, tức là Lời mà Thiên Chúa đã nói với loài người suốt lịch sử thánh và đã được ghi chép cẩn thận. Luôn luôn mang tính thời sự. Lời này được loan báo và giải thích cho chúng ta mỗi Chúa nhật. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể đọc, suy gẫm và đào sâu Lời này.

Chắc chắn, Lời Chúa luôn luôn ở trong tầm tay chúng ta như một ánh sáng có thể soi sáng chúng ta, như một nguồn suối, mà bao giờ chúng ta cũng có thể đến giải khát.

Trân trọng Lời Chúa.

Tuy nhiên, vấn đề là biết được chúng ta đã làm gì với Lời Chúa. Vì, đọc và nghe Lời Chúa chưa đủ, ta cần phải đem ra thực hành nữa. Biết Lời Chúa không đủ, còn phải lấy Lời Chúa mà hướng dẫn đời mình nữa.

Những gì được nói với chúng ta trong các bài đọc Thánh lễ hôm nay soi sáng và thách thức chúng ta. Ngôn sứ Giona rao giảng khắp thành phố Ninivê loan báo hình phạt của Chúa. Dân chúng trong thành phố lớn này có thể giả điếc làm ngơ và tự nhủ Giona này chỉ là một tiên tri giả thôi hoặc là một kẻ mơ mộng, không bình thường. Nhưng trái lại, họ đã khôn ngoan tin rằng người này nói nhân danh Thiên Chúa và họ đã đáp lại lời giảng của ông: họ ăn chay và thay đổi cuộc sống. như vậy, họ đã khiến Thiên Chúa “từ bỏ hình phạt mà Ngài đe dọa họ”.

Vậy việc trân trọng Lời Chúa đã khiến dân thành Ninivê thay đổi cuộc sống. Đối với họ, không phải chỉ kính cẩn, chăm chú nghe Lời Chúa, chỉ suy gẫm Lời Chúa mà thôi, còn phải hành động theo những đòi hỏi của Lời ấy nữa. Lời Chúa đòi hỏi gắt gao.

Cũng một sứ điệp như vậy trong Tin Mừng. Trước lời mời gọi của Chúa Giêsu, các tông đồ tương lai đáp trả bằng cách biến đổi hoàn toàn cuộc sống của họ. “Tức khắc, họ bỏ lưới, (Simon và Andrê) để đi theo Chúa Giêsu”.

Giacôbê và Gioan em ông cũng làm như vậy nữa “bỏ cha và những người làm công lại trong thuyền, họ đi theo Ngài”.

Chúng ta đừng đọc trang Thánh Kinh này như một câu chuyện thần tiên trong đó các anh hùng giải quyết mọi sự mà không cần cố gắng. Đối với Simon và Andrê, đối với Giacôbê và Gioan, đối với dân thành Ninivê, quyết định trân trọng lời mời gọi của Thiên Chúa là điều vất vả. Quyết định ấy đã đòi hỏi thay đổi cuộc sống.

Ta không thể thật sự trân trọng Lời Chúa mà không bao giờ thay đổi gì cả trong cuộc sống của mình. Đây là sứ điệp của hôm nay. Về điểm này, chúng ta phải tự hỏi: trong cụ thể, chúng ta làm gì với Lời Chúa mà chúng ta đã nghe từ Chúa nhật này đến Chúa nhật khác? Trong bao nhiêu năm nay chúng ta đã đi lễ, chúng ta có thực sự coi trọng Lời Chúa vẫn được loan báo và giải thích cho chúng ta không? Chúng ta hãy chính xác hơn nữa: chúng ta có thể kể ra những lần chúng ta đã thay đổi điều gì đó trong cuộc sống của mình vài Lời Chúa ta đã nghe không?

Thời gian thật ngắn ngủi.

Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Thời gian thật ngắn ngủi”. Vậy không phải ngày mai mà ngay hôm nay chúng ta phải tìm cách gạt đi những gì giả tạo hay vô ích trong cuộc sống chúng ta và tập trung vào điều chính yếu. Những gì dân Ninivê đã làm. Những gì các môn đệ sơ khởi đã làm.

Chắc hẳn chúng ta cần một ơn đặc biệt để hành động như vậy. Ơn này không thiếu cho chúng ta đâu. Hôm nay Thiên Chúa không ít quảng đại hơn hôm qua đâu. Vậy chúng ta hãy nài xin Ngài cho chúng ta được ơn không những biết nghe Lời Chúa mà còn biết “đem ra thực hành” nữa. “Không phải những kẻ nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời đâu, nhưng những kẻ thực thi ý Cha Ta trên trời” (Mt 7,21).