Chúa Nhật thu nam
 
 

TAM NHẬT VƯỢT QUA

Mỗi người Ki-tô hữu cũng như toàn dân Thiên Chúa cảm thấy có nhu cầu phải lần lượt ôn lại, trong kỳ lễ Vượt Qua hằng năm, những gì xảy ra trong cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su như các sách Tin Mừng thuật lại. Từ bữa tối Người ăn với các môn đệ trước khi đi chịu chết cho đến lần Người hiện ra với cũng các môn đệ đó ngày Chúa nhật kế tiếp, tất cả những gì Người đã làm, nhất là việc Người chịu chết và sống lại, đều đem lại ơn cứu độ, tất cả những gì Người đã nói đều là lời cứu độ.

Giáo Hội xưa nay vẫn đặc biệt lưu tâm đến việc cử hành ba ngày trọng đại nhất “trong đó Chúa Ki-tô sẽ chịu đau khổ, đã an nghỉ và đã phục sinh” (thánh Am-rô-xi-ô). Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu bằng thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc chiều ngày Phục Sinh, sau khi đã đạt tới những giờ phút sốt sắng nhất trong buổi canh thức Đêm Thánh, gồm tóm lại tất cả việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô.

Tam Nhật Vượt Qua liên hệ đến đời sống thâm sâu nhất của mỗi cộng đoàn Ki-tô hữu, vì toàn thể dân Thiên Chúa đều cùng với Chúa Ki-tô thực hiện cuộc “Vượt Qua” đi về với Chúa Cha. Đêm Vượt Qua là đêm thanh tẩy long trọng nhất trong năm, và các tín hữu cầu nguyện cách khẩn thiết hơn trong hai ngày mà các anh chị em dự tòng trực tiếp sửa soạn để được cùng chết và sống lại với Chúa Ki-tô. Cũng trong chiều hướng ấy, người có tội chuẩn bị bằng hai ngày ăn chay, tức là ngày thứ Sáu, và nếu được, cả ngày thứ Bảy nữa, để được làm hoà với Thiên Chúa và với anh chị em, nếu chưa lãnh bí tích Hoà Giải trong những ngày cuối Mùa Chay. Ngoài việc liên đới nói trên với các người dự tòng và những người sắp được ngồi lại vào bàn ăn của Chúa, tất cả các Ki-tô hữu cũng mừng lễ Phục Sinh khi họ lặp lại các lời đã cam kết khi chịu thanh tẩy, và khi họ tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Vì thế, ta có thể áp dụng cho cả tam nhật Vượt Qua chỉ thị mà một trong những tài liệu cổ nhất, về Phụng vụ đã ra về Đêm Thánh : “Toàn dân phải ở trong ánh sáng.”

Thánh lễ chiều : THÁNH LỄ TIỆC LY

Ý NGHĨA

Mỗi năm, dân Do-thái ăn lễ Vượt Qua để tưởng niệm việc họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh áp bức, và giao ước với họ. Chúa Giê-su Ki-tô đã khai mào cuộc Thương Khó khi cùng với các môn đệ dùng bữa ăn Vượt Qua đó. Nhưng Người đã muốn cho bữa ăn này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thập giá. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn thức uống đã trở thành Mình và Máu của Người, Người đã thiết lập nghi thức tưởng niệm lễ tế mà hôm sau Người sẽ dâng trên thập giá.

Mỗi lần cử hành thánh lễ, chúng ta cũng tái diễn bữa tiệc của Chúa để nhớ đến Người, để tưởng niệm Người đã chịu chết, mừng vui vì Người hiện diện, và trông mong Người trở lại. Nhưng chúng ta tưởng niệm cách sốt sắng hơn cả, trong thánh lễ thứ Năm Tuần Thánh. Thánh lễ này cử hành vào buổi chiều, với đông đủ giáo dân tham dự sau một ngày làm việc, và với tất cả các linh mục trong giáo xứ đồng tế để cho thấy rằng chức tư tế chỉ là một. Sau bài diễn giảng, vị chủ tế làm lại cử chỉ của Chúa Giê-su và rửa chân cho mười hai đại diện cộng đoàn tín hữu. Trong khung cảnh đặc biệt của buổi lễ, không bài giảng nào nói rõ hơn rằng chức linh mục là để phục vụ, cho bằng việc chủ tế quỳ xuống trước mặt người anh em như thế.

Lễ xong, mỗi người có thể yên lặng chầu Thánh Thể và suy gẫm những lời tâm sự cuối cùng của Chúa Giê-su nói với các môn đệ trước khi vào vườn Ghết-sê-ma-ni, nhất là suy gẫm lời trối long trọng nhất : “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.”

NHỮNG ĐỒ CẦN CHUẨN BỊ

1.     Trên bàn thờ chính : bàn thờ trang trí trọng thể
nhà tạm để trống

2.     Trên bàn nhỏ cạnh bàn thờ chính :
tất cả những đồ cần dùng trong thánh lễ, riêng bánh lễ, dự trù số cần thiết cho lễ hôm nay và ngày mai. - chuông và mõ sẽ thế chuông. - khăn choàng khi kiệu Mình Thánh.
+ nếu rửa chân : chậu thau, bình nước, khăn lau

3.     Trong cung thánh : - ghế cho chủ tế và các phụ tế
ghế cho những người được rửa chân

4.     Trong phòng thánh : lễ phục trắng cho chủ tế và các phụ tế
hương, lửa, đèn dùng khi đi kiệu Mình Thánh

5.     Trên bàn thờ sẽ đặt Mình Thánh :
nhà tạm, khăn thánh, đèn, hoa

QUY LUẬT CẦN BIẾT

Theo truyền thống lâu đời của Hội Thánh, hôm nay cấm cử hành mọi thánh lễ không có giáo dân tham dự.

Thánh lễ Tiệc Ly cử hành ban chiều lúc thuận tiện, có toàn thể cộng đoàn địa phương tham dự đông đủ, trong khi các linh mục và thừa tác viên thi hành phận vụ mình.

Các linh mục đã đồng tế trong thánh lễ làm Phép Dầu, hoặc đã cử hành thánh lễ vì lợi ích giáo dân, thì lại được đồng tế trong thánh lễ Chiều nữa.

Nơi nào lý do mục vụ đòi hỏi, thì Đấng Thường Quyền Sở tại có thể cho cử hành một lễ thứ hai trong các nhà thờ, nhà nguyện công và bán công, vào ban chiều. Còn trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể cho phép cử hành thánh lễ cả vào lúc ban sáng, nhưng chỉ dành cho các tín hữu không có cách nào tham dự thánh lễ Chiều được. Tuy nhiên đừng cử hành chỉ vì lợi ích riêng tư, kẻo làm thiệt hại cho việc cử hành thánh lễ chính ban chiều.

Chỉ có thể cho giáo dân rước lễ trong thánh lễ mà thôi ; nhưng bất cứ giờ nào trong ngày, cũng có thể đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân.

Fr. Jude Siciliano, OP.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2002. (Ga 13,1-15)

Thưa quý vị.

Chương 13 của Tin Mừng theo thánh Gioan, là khúc ngoặt của sách Phúc âm này. Bởi lẽ nó kết thúc phần một, quen gọi là “sách các dấu lạ”. Chúa Giêsu chấm dứt sứ vụ công khai của Ngài. Bây giờ chúng ta bước vào phần thứ hai, tựa đề là : sách vinh quangtừ chương 13 đến chương 17. Từ then chốt của phần này là yêu thương”. Ngài sẽ kêu gọi các môn đệ của Ngài vào vương quốc đó và bày tỏ cho họ biết tình yêu thương nào mà Ngài nghĩ tới khi Ngài hiến dâng thân mình cho họ, cho nhân loại. Ngài là hạt lúa rơi xuống đất, chết đi và mang nhiều hoa trái như chính Ngài đã tiên báo ở Chúa Nhật V mùa Chay (Năm B).

          Câu mở đầu của Tin Mừng hôm nay (Ga 13,1) liên kết giờ cuối cùng của Chúa Giêsu với biến cố vượt qua. Do đó có sự lựa chọn bài đọc thứ nhất từ sách Xuất hành, đoạn nói về trình thuật Vượt Qua nguyên thủy. Chúa Giêsu sẽ tắt thở vào chính lúc con chiên Vượt Qua chịu sát tế làm lễ toàn thiêu trong đền thờ. Đây là một sự tiên báo, sẽ có biến cố trọng đại thê thảm xảy ra cho Ngài vào giờ này. Giờ Ngài đã chờ đợi từ lâu để làm đầy đủ ý nghĩa “vượt qua”. Máu chiên bôi lên khung cửa nhà các người Do thái ở Ai cập để cứu họ thoát tay Thiên Thần chinh phạt. Cũng thế, máu con chiên vẹn toàn Giêsu cũng cứu chữa toàn thể nhân loại khỏi chết vì tội lỗi. Ngài cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ không chỉ nêu gương sáng cho chúng ta. Những điều Ngài khởi sự từ giây phút này đều có quyền năng cứu chữa nhân loại khỏi áp lực của tội lỗi trên cuộc đời họ.

Rửa chân là một phần không thể thiếu của lòng hiếu khách trong văn hóa Do thái. Đường sá ở đó rất bụi bặm. Các khách đến thăm hay đến dự bữa đều phải được rửa chân cho sạch trước khi bước vào nhà.

Thường thường công việc này dành cho thành viên trẻ nhất của gia đình hay cho đầy tớ hoặc nô lệ hèn hạ nhất của chủ nhà, Chúa Giêsu đảo lộn và bẻ gãy tục lệ đã được duy trì bao đời nay trong xã hội. Đó là điểm quan trọng gây ngạc nhiên cho mọi người có mặt, kể cả các Tông đồ. Giữa bữa ăn, Ngài đứng dậy, tự mình làm công việc rửa chân ! Nghĩa là giờ của Ngài đã đến gần, chỉ trong giây phút nữa. Cho nên Ngài đã hạ mình đến tột độ, dốc hết cái tôi của Ngài đi, ngõ hầu dễ dàng chấp nhận Thánh ý Đức Chúa Cha. Ngài bắt đầu chết. Cuộc sống mới của nhân loại sắp ló dạng. Trong cuộc sống này, cộng đồng nhân loại đã có một dấu hiệu chỉ dẫn, mà hành động bất ưng của Chúa Giêsu ngụ ý. Đó là mọi người phải trở thành “kẻ rửa chân”, làm đầy tớ cho những người nghèo khổ, thiếu thốn trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc làm của Chúa Giêsu còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa.

Tại sao ông Phêrô từ chối để Chúa rửa chân cho ? Ông thừa hiểu việc rửa chân là truyền thống, và ý nghĩa của nó ra sao. Ông có đủ can đảm theo gương Chúa không ? Ông không phải là một gã ngốc nghếch, dại khờ. Ông theo Chúa với một mục tiêu đầy tham vọng. Lúc này ông đang bị ngỡ ngàng vì hành động của Chúa, ông chưa dám chấp nhận số phận tệ hại như thế : Làm đầy tớ thiên hạ. Ông chưa sẵn sàng để mọi người hạ nhục. Bị nhục nhã trước công chúng chưa phải là tư tưởng của ông. Ông chưa chấp nhận cho nên ông từ chối để cho Chúa rửa chân.

Nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi là Ngài phải rửa chân cho ông. Ông phải học bài học khiêm nhu của Ngài, bằng không, ông sẽ không được dự phần vào “gia sản” của Ngài. Gia sản ấy là cuộc sống mới, tư tưởng mới, thái độ mới, là tình yêu của Chúa Cha, là bác ái với mọi người mà việc rửa chân cho nhau là dấu chỉ. Gia sản ấy là cộng đồng mới, ngôi nhà mới có Chúa Giêsu cư ngụ. Phêrô với ơn Chúa Thánh Thần, nhận ra lời dạy bảo của Chúa, và ông đã chấp nhận.

Tuy nhiên, Chúa không đòi hỏi Phêrô phải có một cuộc tắm rửa toàn diện mà chỉ cần rửa chân khỏi những bụi bặm bên đường. Sau này, các tín hữu của Chúa trên hành trình qua cuộc sống trần gian, cũng vương nhiều bụi bặm. Cuộc thanh tẩy toàn thể không cần thiết nữa (tức không cần rửa tội lại) mà chỉ cần bí tích Hòa Giải, để có thể đồng bàn với Thiên Chúa tình yêu. Suy rộng ra, Hội Thánh luôn phải thanh tẩy mình, làm cho mình được đổi mới luôn, trong sạch luôn để xứng đáng tham dự lễ Vượt Qua với Chúa Kitô.

Sự kiện xảy ra tại bàn ăn, lệnh truyền yêu thương cũng được ban ra tại bàn ăn. Thế thì bàn tiệc Thánh Thể luôn luôn là đề tài để chúng ta suy nghĩ. Bàn ăn phải là nơi chúng ta tha thứ cho nhau, phục vụ nhau tẩy sạch mọi bụi bặm trần gian để có thể đón nhận giới răn mới của Chúa.

Thực ra, về hình thức, giới răn này chẳng có chi mới. Nhưng nội dung của nó thì hoàn toàn mới, và đã trở nên giới răn riêng của Chúa Giêsu, là dấu hiệu để thế gian nhận biết chúng ta là môn đệ của Ngài. Thực ra, yêu thương đối với Chúa Giêsu cực kỳ quan trọng đến nỗi Ngài phải làm gương, trước khi ban ra lệnh truyền, bởi Ngài biết rõ chỉ nhờ yêu thương mà thế gian sẽ được cải tạo, được đổi mới.

Thánh Gioan viết trình thuật này cho cộng đoàn của ngài trong tình hình rất cụ thể của cộng đoàn đó. Vậy thì mục tiêu của ngài là gì ? Ngài nhắm đạt tới điều chi ? Có lẽ sau khi chịu phép Thánh tẩy, trở lại với Chúa Giêsu, đã có nhiều điều xảy ra cần được tẩy rửa, sửa chữa. Đúng như tình trạng của các giáo xứ chúng ta ngày nay. Thánh Gioan đã dùng ngòi bút của mình mà thôi thúc mọi phần tử trong cộng đoàn tha thứ cho nhau, làm tôi tớ cho nhau, để có thể cùng nhau mừng lễ vượt qua. Thế thì các giáo xứ, các cộng đoàn tín hữu, tu trì ngày nay có cần lời khuyên nhủ của thánh nhân để cũng có thể cử hành lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu không ?

Lễ Vượt Qua này bắt đầu bằng nghi thức rửa chân, hạ mình ra không để đón nhận thánh ý Chúa, mà thánh ý Chúa là yêu thương. Thì chúng ta không thể nào làm khác được. Bữa tiệc Mình Máu Thánh Chúa cử hành hằng ngày tại các giáo xứ, các cộng đoàn cũng phải bắt đầu bằng nghi thức rửa chân, xin lỗi nhau và tha thứ cho nhau. Chỉ khi nào chúng ta thành thực trong tâm hồn, ngoài cử chỉ thực hiện nghi thức này, lúc đó mới xứng đáng được Chúa ngự vào lòng. Amen.

Fr. Jude Siciliano, OP.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2003 (Ga 13, 1-15)

Thưa quý vị. Cả 3 bài đọc hôm nay cùng nói về một chủ đề : Đó là bữa ăn. Trước nhất tôi nghĩ ngay đến những bữa ăn hàng ngày trong các gia đình. Rồi đến bữa ăn thánh thể. Mọi thành phần gia đình ngồi quây quần bên một cái bàn, cùng chia nhau bữa ăn bồi bổ, họ cũng chia nhau vui buồn sướng khổ qua các câu chuyện ngoài xã hội, nơi làm việc, chợ búa, trường học v.v… Ngày nay hình ảnh này đang phai nhạt dần, bởi sự lấn át của công ăn việc làm hoặc các hoạt động bận rộn ở nhà trường. Cho nên may mắn lắm, các gia đình tân thời mới có cơ hội ngồi lại với nhau ăn một bữa cơm. Thường thì vào dịp cuối tuần hay các ngày lễ lớn như lễ Tạ ơn chẳng hạn. Ngoài ra họ dùng các bữa ăn nhanh ở các tiệm. Đối với các cha mẹ bận rộn suốt tuần thì nhà hàng Mc Donald là nơi lý tưởng để ăn chung với nhau. Sau đó ai đi việc nấy cho kịp với thời khoá biểu của các công ty.

Dầu ăn uống ở đâu đi nữa, thì bữa ăn chung cũng là nơi chia sẻ. Chẳng có nhà tâm lý nào đủ khả năng để liệt kê các đề tài chung quanh bữa ăn, từ tiền bạc cho đến tình cảm, từ bạn bè cho đến đối thủ, những thành công, thất bại, căng thẳng, mệt nhọc, con cái, học hành, cãi cọ, tranh chấp, tương lai, quá khứ, hiện tại, thôi thì đủ cả. Nhưng có điều là chúng ta không có nhiều thời gian nghỉ ngơi sau bữa ăn. Tôi nhớ vào mấy chục năm trước đây, trong một thế giới xa lạ với bây giờ, gia đình tôi hàng ngày ăn chung với nhau. Má tôi làm việc tại gia, ba tôi làm công sở. Ông thường về nhà ăn tối. Những bữa ăn thật tuyệt vời. Cả nhà đông đủ, mọi thứ truyện được mang ra bàn tán : vui buồn, quá khứ, hiện tại, tương lai. Và như vậy mới đầy đủ ý nghĩa gia đình. Con nít chúng tôi được nghe cổ tích từ quê hương cũ và ăn những món ăn truyền thống từ thời ông bà tổ tiên.

Giữ vai trò giảng thuyết tôi chẳng dám đi xa hơn nữa, bởi lẽ bây giờ hầu hết các gia đình đều bận rộn trong việc kiếm sống, chẳng có nhiều thời gian sau bữa ăn. Cho nên những bữa ăn kiểu cũ trở nên lạ lẫm với cộng đoàn. Dầu sao giữa thế giới thức ăn nhanh, chúng ta cũng có nhiều cơ hội gặp nhau như lễ Phục Sinh sắp tới, Ngày độc lập, Noel, Tết Dương lịch… Còn những ngày riêng của gia đình, như rửa tội, thêm sức, rước lễ lần đầu, kỷ niệm hôn phối… Vào những thời gian này nghĩa nào đó cũng có liên quan đến bữa ăn Thánh thể hôm nay. Đây là những cơ hội đặc biệt để chúng ta dọn bàn, thắp nến, món ăn đặc sản v.v… Mới đây cháu gái tôi 5 tuổi, mừng sinh nhật bằng thịt gà hầm và bánh ngọt bôi kem xúc cù là. Rồi cũng là cơ hội để các câu chuyện cổ xuất hiện. Lần nữa thế hệ kế thừa được nghe các chuyện gia đình và nhận ra rằng họ cũng có một dòng tộc trên thế gian này.

Vậy thì việc tổ chức những bữa ăn như thế giúp chúng ta nắm bắt được nội dung các bữa ăn quan trọng trong Kinh thánh. Bài đọc 1, trích sách Xuất hành, nói về bữa ăn vượt qua. Trong ý nghĩa nào đó, bữa ăn vượt qua đầu tiên tại Ai cập rất giống các bữa ăn nhanh của xã hội tân thời. Đó là bữa “vừa ăn vừa chạy” (eat-and-run meal). Những người ăn bữa phải thắt lưng gọn gàng, tay cầm gậy, hành lý sẵn sàng như người chạy trốn. Họ ăn với những cảm súc khác thường và mạnh mẽ, bị rã rời vì kiếp sống nô lệ mà chẳng làm sao thoát khỏi. Thiên Chúa sẽ can thiệp để họ được tự do? Liệu có thể tin được hay không? Một khi đã trốn chạy, số phận sẽ ra sao? Đủ sức để vượt những con đường khó khăn trong sa mạc? Cơ hội sống sót rất ít, chỉ có thể là một phần trăm. Nếu như bị chết dục trong đồng vắng vì đói khát, hay bị chủ cũ đuổi bắt lại ? Điều này đã thường xảy ra trong quá khứ ! Lúc ấy hình phạt sẽ là cái chết đau đớn. Chẳng đời nào người Ai cập để cho họ thong thả ra đi. Mười cuộc vật lộn vừa qua chưa đủ là bằng chứng? Vì thế, cũng có những tư tưởng xét lại. Họ thà sống chung với lũ quỉ Ai cập còn hơn làm cuộc phiêu lưu liều lĩnh!  Ngược lại, đa số dân chúng háo hức về cuộc ra đi, thoát kiếp nô lệ Ai cập. Họ vững tin vào sự trợ giúp của Đức Chúa, Thiên Chúa tổ tiên mình. Cuối cùng rồi sẽ được tự do. Bữa ăn này, vì thế, được cử hành hàng năm để tưởng nhớ cuộc ra đi khỏi Ai cập : “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm. Ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này. Đó là luật quy định cho đến muôn đời.” (Ex 12,14)

Những thế hệ Do thái về sau đã cẩn thận chu toàn mệnh lệnh này. Họ ăn bánh không men, thịt chiên và rau đắng. Câu truyện thoát ly khỏi Ai cập được kể lại cho con cháu mai sau. Họ kể ở thì hiện tại, mặc dầu nó đã xảy ra trong quá khứ: “Tại sao đêm hôm nay lại khác với các đêm khác ?” Ý hẳn họ muốn nói cho con cháu hay những cực khổ đã qua vẫn còn đe doạ xã hội Do thái cho tới những thế hệ tương lai. Kiếp sống nô lệ mới, những áp bức đè nén mới, sợ hãi và khao khát giải phóng vẫn còn hiện diện, cho nên phải kể bằng thì hiện tại trong bữa ăn tưởng niệm hằng năm. Thiên Chúa của tổ tiên đã giải phóng cha ông, thì cũng giải phóng họ khỏi những khốn khổ hiện thời. Từng bước, từng bước Ngài sẽ dẫn đưa họ tới bến bờ tự do.

Trong bài đọc thứ 2, ám chỉ bữa ăn Cựu ước, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta câu truyện bữa ăn vượt qua mới mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Câu truyện cũng lại vừa quá khứ, vừa hiện tại. Quá khứ khi chúng ta nhớ đến sự sống và cái chết của Thiên Chúa Cứu Chuộc. Ngài đã cung cấp cho chúng ta bữa ăn mới, thịnh soạn và đầy đủ. Hiện tại khi chúng ta mang gì đến bữa ăn hôm nay ? Một thế giới đầy dẫy những khó khăn, chiến tranh, nô lệ, tàn phá, cướp bóc, áp bức, xì ke, ma tuý, đĩ điếm… trăm ngàn hình thức nô lệ mới. Những quyền bính nào đang kìm kẹp xã hội loài người trong kiếp trâu ngựa đó ? Những áp lực nào, quyết định nào buộc con người thụ động, bất lực, không ngóc đầu lên nổi ? Vùng lãnh địa Egyptô (nô lệ) của mỗi cá nhân là gì ? Cờ bạc, trai gái, thuốc sái hay bất cứ thói xấu nào đang kìm kẹp cá nhân ?

Đừng tưởng linh mục, tu sĩ mà đã thoát khỏi nhà tù thói xấu ! Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và đã dâng hiến mạng sống để giải thoát chúng ta. Hôm nay chúng ta tưởng niệm biến cố đó, được tràn đầy can đảm và hy vọng. Một lần Thiên Chúa đã yêu thương cứu thoát, thì Ngài vẫn còn thi hành lòng xót thương đó. Ngài giúp đỡ chúng ta vượt qua cái chết đến cõi sống, thói hư tật xấu đến thánh thiện, nhân đức, nhát đảm đến hy vọng, tối tăm đến ánh sáng mà chỉ có mình Ngài mới thực hiện được !

Khi chúng ta tụ họp để tưởng niệm bữa ăn Vượt Qua mới của Chúa Giêsu, thánh Gioan lo liệu câu truyện phải được các thế hệ tín hữu tương lai kể cho đầy đủ. Vì thế ngài thuật lại với nhiều chi tiết, đến nỗi chỉ nghe đọc mà thôi, chúng ta cũng cảm nhận trực tiếp liên hệ, kể cả việc rửa chân. Đúng ra, trình thuật rửa chân là câu truyện trung tâm của thánh sử Gioan. Ngày nay nhiều cộng đoàn giáo dân chỉ cần dùng hình ảnh của các dụng cụ như chậu thau, khăn lau, bình nước để làm biểu tượng mình có đạo. Nhiều thánh đường, nhà nguyện cũng cho vẽ các biểu tượng này. Tự nó biểu tượng đã nói lên đầy đủ ý nghĩa, không cần vẽ Chúa Giêsu và các Tông đồ. Những hình ảnh đó đúng lý phải là huy hiệu của người tín hữu. Chúng nối kết quá khứ với hiện tại của Hội Thánh. Những huy hiệu thời xưa là cây kiếm, cờ trận hay pháo đài. Ngày nay thì vô số, nhan nhản trên xe tăng, máy bay, tàu chiến, xe bọc thép v.v…. Chúng là những biểu tượng của thù hận, chiến tranh.

Trong bữa ăn truyền thống của người Do thái, đứa nô lệ thấp hèn nhất phải giữ nhiệm vụ rửa chân. Chúa Giêsu đã tự nguyện giữ vai trò đó ở bữa tối cuối cùng. Nghĩa là khi các môn đệ đã yên vị, trước sau, trên dưới thì Chúa Giêsu làm cho họ phải sững sờ kinh ngạc. Bất cứ mơ ước chỗ nhất nào, tham vọng nào, cũng phải buông xuôi, tiêu tán thành mây khói. Ngài nói, người môn đệ “thành công” nhất trong chúng con, là người cầm khăn, cầm chậu, cầm bình đi rửa và lau khô chân tay cho các anh em ! Đúng thật, làm như vậy là mất địa vị đấy, nhưng được lợi ý nghĩa sang trọng mới, đích thực, tức được nhận biết là môn đệ chính danh của Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh. Cho nên, huy hiệu của người tín hữu không phải là quyền lực, tham vọng mà là chiếc bình, khăn lau và cái chậu. Chúng ta không vẽ chúng trên xe tăng, tàu chiến, khiên mộc hay gươm đao ! Người môn đệ Chúa Giêsu vẽ chúng trong trái tim của mình. Amen.

THỨ NĂM. (Lễ tối) Gioan 13,1-15.

A. Hạt giống...

Chỉ một mình Thánh Gioan ghi lại cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Nhưng Gioan không chỉ tường thuật, mà còn chen vào những chi tiết rất có ý nghĩa :

- “Ngài yêu thương họ đến cùng” : đây là hành động biểu lộ tình thương.

- “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu” : việc này làm có nhiều ý nghĩa sâu sắc.

- “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy” : việc làm này còn có “phần” trong màu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu.

- “Nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì…” : đây là cung cách của người làm lớn.

- “Các con cũng phải rửa chân cho nhau” : việc làm này hàm chứa một lệnh truyền.

B...Nẩy mầm.

1. Ta đã cảm nhận tình thương của Chúa Giêsu. “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình … thì đã yêu thương đến cùng”. Cũng giống như một người mẹ sắp đi xa, còn làm gì được cho con cái thì tận dụng thời gian còn lại để làm, như quét căn phòng, vá chiếc áo, để sẵn thuốc uống bên cạnh giường con … và lặp đi lặp lại những lời dặn dò …

2. “Tuy chúng con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu” : ngay trong hàng ngũ các tông đồ mà còn có kẻ không sạch. Huống chi trong tập thể của chúng ta. Thái độ đối với người không sạch ấy phải thế nào ? Chúa Giêsu không dạy lên án, khai trừ; nhưng dạy phải rửa. Dòng nước tẩy rửa thì nhẹ nhàng, ên ái chứ không gay gắt, nặng nề…

3. Khi tay chân dơ, ta làm gì ? Tôi không chặt bỏ, nhưng rửa cho sạch. Bởi vì phần dơ đó là chi thể của ta. Cũng thế, ta sẽ không “chặt bỏ” nhưng nhẹ nhàng “rửa sạch” một người sai lỗi trong tập thể của ta nếu ta biết coi họ là tay chân, là chi thể cả ta.

4. Cha Doncoeur, khi giải thích một bức họa nhỏ trong tập thánh vịnh của Chantilly, đã diễn tả rất đúng ý nghĩa của hoạt cảnh này : “Hai tay (của Đức Kitô) đã khéo léo hành sự là lau chân Phêrô với chiếc khăn ở thắt lưng. Ngài đứng hơi nghiêng xuống như một người đầy tớ, vai trò Ngài muốn đóng lấy lúc bấy giờ. Điều quan trọng không phải là rửa chân, nhưng là phục vụ các môn đệ và phá đổ nơi họ cái tâm thức huênh hoang tự phụ vẫn chưa nhường bước chịu thua. Chúng ta hiểu tại sao mắt của họ như nói lên một nỗi bối rối, bởi lẽ trong họ một tấm kịch đang diễn ra” (Le Christ dans lart francais, I, Paris,Plon, 1939, trang 104).

Chúng ta sẽ không thể hiểu được cuộc khổ nạn trong Tin Mừng của Gioan nếu không hình dung ra tấn kịch này và nếu không nhớ tới sự đảo lộn đang diễn ra trong tâm hồn của Gioan cũng như Phêrô, gây nên bởi câu nói của Đức Giêsu : “Nếu Thầy không rửa chân con, thì con không có phần nào với Thầy”.

Trong hoạt cảnh Đức Giêsu đã hạ giáng, đã bước xuống chỗ thấp nhất này, tất cả đều trái ngược với ý nghĩ mà xưa nay các ông có về Đấng Messia. Đến nỗi các ông thấy như bị thách đố. Cách đây không lâu, Gioan đã chẳng mưu tính với anh mình là Giacôbê để vận động cho hai người được cái vinh dự là ngồi bên Đức Giêsu trong ngày Ngài được quang vinh hay sao ? Thế mà bây giờ Đấng là “Chúa và Thầy” của các ông đang ăn mặc như một nô lệ và đang phục vụ dưới chân các ông ! Tệ hơn nữa, Ngài còn lấy đó làm quy luật cho các môn đệ : “Thầy đã nêu gương cho anh em, để theo như Thầy đã làm như thế nào thì anh em cũng làm y như vậy” (13,15).

Có lẽ cũng như Phêrô, “sau này” Gioan mới hiểu được điều đó (13,7). Như một bài học đã được ghi khắc bằng những nét giống như lửa vào trong tâm hồn tự cao tự đại này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Để giải cứu con người, Thiên Chúa đã hạ mình đến mức đó. Từ đây tất cả mọi sự đều thay đổi ý nghĩa: tự hạ trở thành “nâng cao”. Bước xuống chỗ thấp nhất là leo lên chỗ cao nhất. Tự huỷ của một tên nô lệ chính là sự siêu tôn Con Người (“Tìm hiểu Tin Mừng theo Thánh Gioan. Trang177-178).

BỮA TIỆC VƯỢT QUA

. Những bài học từ bữa tiệc ly

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu dạy các môn đệ mình những bài học sâu sắc bằng việc làm và lời nói của Ngài :

- Bằng việc làm : Trước khi hiến thân chịu chết trên thập giá và trước khi hiến mình làm của ăn, Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. 3 việc làm này liên kết với nhau và đều dạy bài học phục vụ: phục vụ như Người Tôi tớ mà ngày xưa ngôn sứ Isaia đã tiên báo; phục vụ cách khiêm tốn, phục vụ với tình yêu và phục vụ đến nỗi hy sinh bản thân mình.

- Bằng lời nói : trong bầu khí thân mật của gia đình, Chúa dạy một điều răn mới. Điều răn này mới không phải ở nội dung ("chúng con hãy thương yêu nhau) mà ở cách thức và mức độ thi hành (hãy yêu thương nhau "như Thầy yêu thương chúng con"; "Thầy đã làm gương để chúng con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho chúng con”).    

Cử hành Lễ Vượt qua với Chúa Giêsu trước hết là chấp nhận để cho Chúa Giêsu phục vụ chúng ta và yêu thương chúng ta. Có như thế chúng ta mới được thực sự rửa sách, như lời Chúa Giêsu đã nói với Phêrô xưa.   

Cử hành lễ Vượt qua với Chúa Giêsu còn là phải noi gương Ngài để trở thành người tôi tớ yêu thương và phục vụ những người khác theo cách của chính Chúa Giêsu.

2. Hai chiều kích của bữa tiệc ly

Thánh lễ ngày nay là hiện tại hóa bữa tiệc ly đêm thứ năm tuần thánh đầu tiên. Nó có hai ý nghĩa chính :

- Đó là một bữa ăn gia đình : mọi người cùng ngồi một bàn với nhau, cùng ăn những món chung nhau, cho nên phải đoàn kết yêu thương nhau. Đó là chiều ngang. Nhưng nếu chỉ lưu ý tới chiều ngang này thì Thánh lễ hầu như chỉ còn như một bữa giỗ.

- Thánh lễ còn loan báo việc Chúa Giêsu chịu chết và sống lại và hiện tại hóa những ơn sủng dồi dào do việc Chúa Giêsu chết và sống lại ban cho loài người. Đó là chiều đứng.

Khi dâng Thánh lễ chúng ta phải để ý đến cả hai chiều kích ấy và phải có đủ cả hai tâm tình ấy : vừa liên kết với Chúa vừa liên kết với anh em. Sai lầm thường mắc phải là chỉ chú ý đến chiều kích này mà quên đi chiều kích kia.

 3. Rửa chân không phải chỉ là một việc vệ sinh

Phêrô không hiểu ý nghĩa việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, nên Chúa Giêsu nói : "Việc Thầy làm, bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Về sau, Phêrô đã hiểu gì ? Thưa hiểu rằng đó không phải chỉ là một việc làm vệ sinh, mà ý nghĩa còn sâu sắc hơn nhiều…

Khi tay chân mình dơ thì mình làm gì ? Chặt bỏ đi ư ? Không, không ai muốn chặt tay chặt chân mình bao giờ cho dù nó dơ bao nhiêu đi nữa. Nó dơ thì mình rửa cho sạch. Bởi vì nó là một phần của thân thể, một phần của sự sống mình.     

Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, bởi vì họ là anh em của Ngài ("Anh em như thể tay chân"). Ngài dạy chúng ta rửa chân cho nhau vì chúng ta cũng là anh em của nhau, tay chân của nhau. 

Khi chúng ta chặt bỏ ai thì đó là dấu chúng ta không còn coi người đó là anh em của mình nữa. Chặt bỏ bằng kết án, khai trừ. Còn nếu chúng ta vẫn còn coi người đó là anh em của mình thì dù người đó dơ bao nhiêu đi nữa, mình sẽ cố gắng rửa cho sạch… Dòng nước tẩy rửa rất nhẹ nhàng, trong lành, êm ái ...

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Gioan 13, 1-15

Trong câu truyện được các sách Phúc Âm kể, có một số ít sự việc bày tỏ đặc tính của Chúa Giêsu và bộc lộ tình yêu thương trọn vẹn của Ngài. Khi nghĩ Chúa Giêsu phải là người cao trọng như thế nào và có thể làm những việc vĩ đại gì, thì việc Ngài làm ở đây khiến chúng ta vô cùng ngỡ ngàng.

1. Chúa Giêsu biết mọi sự đều đã được phó thác vào tay Ngài.

Chúa biết rõ giờ chịu sỉ nhục sắp đến và cũng biết giờ Ngài được tôn vinh cũng cận kề. Ngài biết chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ an vị trên chiếc ngai bên hữu Chúa Cha. Đáng lẽ một ý thức như thế khiến Chúa Giêsu tự hào về chính mình, thế nhưng Ngài lại đi rửa chân cho các môn đệ. Đúng vào lúc đáng lẽ ra Ngài hãnh diện tuyệt đỉnh, Chúa lại có tâm tình khiêm hạ đến tột cùng. Tình yêu thương bao giờ cũng thế. Chẳng hạn khi có một người đau ốm, ai yêu thương người bệnh sẽ sẵn sàng làm những công việc vụn vặt hơn cả để phục vụ người bệnh. Kẻ đó thích làm thế vì yêu thương vốn là vậy. Có lắm người cảm thấy mình quá quan trọng, cao cả đến nỗi không thể làm những việc nhỏ nhặt, tầm thường. Nhưng Chúa Giêsu không như vậy, Ngài biết mình là Chúa tể vạn vật, nhưng vẫn rửa chân cho các môn đệ .

2.Chúa Giêsu biết Ngài là TC đến và sắp trở về với TC :

Ngài có thể khinh thường mọi người và những điều thuộc về trần thế. Ngài có thể nghĩ mình đã xong việc, bây giờ sắp lên đường trở về với Thiên Chúa. Nhưng chính lúc Thiên Chúa đang gần Ngài hơn hết, Chúa Giêsu đã đi sâu vào tận giới hạn của việc phục vụ loài người, Ngài rửa chân cho môn đệ. Rửa chân cho quan khách đến dự tiệc là nhiệm vụ của đầy tớ. Môn đệ của các rabi được dạy phải phục vụ thầy mình, nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến một công việc phục vụ như thế. Điều kỳ diệu nơi Chúa Giêsu là sự thân cận của Ngài với Thiên Chúa thay vì khiến Ngài phân cách với loài người, trái lại đưa họ gần gũi với họ hơn bao giờ hết. Một sự việc luôn luôn đúng là chẳng ai gần gũi với loài người cho bằng những người gần gũi Thiên Chúa. R.Glover kể về một số người trí thức khôn khéo rằng : “Họ tưởng mình sùng đạo, trong khi họ chỉ là những người khó tính mà thôi”.

Câu truyện về thánh Phanxicô Assisi được truyền tụng : Thuở thiếu thời, nhà ông vốn giàu có, ông chỉ bằng lòng với những gì tốt nhất. Ông là người quí phái của những người quí phái. Nhưng ông không cảm thấy thoải mái, không được bình an trong tâm hồn. Ngày nọ, ông cưỡi ngựa đi ra khỏi thành phố, đang khi ngồi trên lưng ngựa, ông trông thấy một người cùi, một khối ghẻ lở thật ghê tởm. Bình thường, có lẽ chàng Phanxicô khó tánh sẽ quay mặt khỏi con người xấu xí, ghê tởm họ ngay tức khắc. Nhưng một điều gì đó đã khuấy động lòng ông. Ông xuống ngựa, choàng đôi tay ôm lấy người ấy, và khi ông đang ôm thì gương mặt người cùi bỗng biến thành gương mặt của Chúa Giêsu. Không phải lúc xa rời người khác là lúc chúng ta được gần gũi với Thiên Chúa, nhưng càng gần với nhân loại khổ đau bao nhiêu, chúng ta càng gần gũi với Thiên Chúa bấy nhiêu.

3. Chúa Giêsu biết sắp bị phản bội.

Biết như vậy, đáng lẽ phải khiến Ngài cay đắng, oán ghét loài người, trái lại lòng Ngài tuôn trào một tình yêu thương cao cả hơn bao giờ hết. Điều lạ lùng khiến chúng ta phải ngạc nhiên, ấy là loài người càng gây tổn hại cho Chúa Giêsu bao nhiêu, Ngài lại càng yêu thương họ bấy nhiêu. Tức giận kẻ làm sai, cay cú sỉ nhục, gây tổn thương mình là điều hết sức dễ dàng và tự nhiên. Nhưng Chúa Giêsu đã đối phó với sự tổn thương lớn nhất, cùng sự bất trung tệ bạc nhất bằng thái độ khiêm hạ nhất và bằng tình thương yêu cao cả hơn hết.

THỨ NĂM : Ga 13, 1 - 15 :

Bí tích Thánh Thể

Tại một ngôi làng nhỏ bên Tây Đức, trước năm 1940 là nơi gặp gỡ của các danh họa Âu Châu, nhưng kể từ thế chiến thứ hai, nó trở thành nhà tù giam giữ những phạm nhân của Đức Quốc xã, có mặt một Phó tế được phong chức linh mục tại đây. Sau khi chết, ngài để lại chúc thư "Tình yêu và đền bù". Thế rồi 15 năm sau, nhà tù đó biến thành Dòng kín Carmel, các nữ tu đến đó để sống cho lý tưởng tình yêu và đền bù.

Tình yêu chính là ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã quì gối rửa chân cho các Tông đồ và cũng trong Bữa Tiệc ly Ngài đã thiết lập Bích tích Thánh Thể cũng như loan báo về cái chết của Ngài. Phêrô đại diện các Tông đồ đã có lý khi khước từ Chúa Giêsu rửa chân cho ông vì đây là công việc của tôi tớ trong nhà. Theo tục lệ người Do Thái, trước khi vào bàn ăn tôi tớ trong nhà phải đi rửa chân cho khách. Chúa Giêsu đã muốn thực hiện cử chỉ ấy để thực thi chính điều Ngài đã nói : Con người không đến để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người.

Cử chỉ yêu thương mà Chúa Giêsu đã làm cho các Tông đồ là một quyết tâm sống trọn ý nghĩa yêu thương của Ngài, cũng như người tôi tớ không sống cho mình mà cho người khác. Nhưng Ngài chưa lấy làm đủ, Ngài còn biểu lộ tình yêu qua hình ảnh một miếng bánh trao ban để ở mãi với con người. Bị bẻ ra và tiêu tan, Chúa Giêsu đã sống đến cùng những đòi hỏi của yêu thương. Thánh Gioan đã tóm gọn cuộc sống Chúa Giêsu qua câu: "Ngài đã yêu các kẻ thuộc về Ngài và đã yêu đến cùng", nghĩa là sẵn sàng sống chết cho người mình yêu. Tình yêu đến cùng ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện qua cái chết trên Thập giá, và Ngài còn muốn tái diễn hàng ngày dưới hình dạng Bánh và Rượu trong bí tích Thánh Thể. Cũng như tôi tớ chỉ sống và chết cho người khác, chiếc bánh chỉ hiện hữu để được ăn, được hao mòn, được tiêu tán. Dưới hình thức lương thực, Chúa Giêsu muốn thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta ; tiếp nhận Ngài qua Bí tích thánh thể, chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài, ăn uống Ngài, chúng ta cũng được mời gọi nên giống Ngài và san sẻ sự sống của Ngài cho người khác.

Sống và chết cho người khác, nên một với Ngài là thực hiện sứ mệnh của Ngài tức là phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Sứ mệnh phục vụ ấy Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta qua Bí tích Truyền chức. Linh mục là người được ủy thác để lặp lại lời của Chúa Giêsu. "Các con hãy làm việc này, mà nhớ đến Ta". Làm việc này không những là cử hành Bí tích Thánh Thể để Chúa Giêsu luôn ở mãi giữa nhân loại, mà con chu toàn sứ mệnh phục vụ của Ngài. Không chỉ riêng linh mục, nhưng tất cả những ai nhờ phép rửa được tháp nhập vào sự sống Đức Kitô, nghĩa là mọi kitô hữu trong lời nói và hành động cũng yêu thương và chết để nhớ đến Ngài. Mỗi cử chỉ và hành vi bác ái đều là một nghĩa cử tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, đều là một tiếp tục, hay đúng hơn là một hiến lễ được dâng trên bàn thờ.

Tưởng nhớ việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể và truyền chức linh mục trong ngày thứ năm tuần thánh, chúng ta nhớ đến cách đặc biệt các linh mục. Xin chúa ban cho các ngài luôn trung thành với sứ mệnh phục vụ. Xin cho tình yêu Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn chúng ta để chúng ta cũng sống yêu thương và phục vụ.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

(Trích thứ năm Tuần Thánh tập I)

Ba mầu nhiệm cần được suy niệm trong Thánh lễ hôm nay  : - Chúa lập phép Thánh Thể. - Chúa lập chức Linh mục. - Chúa ban giới răn bác ái.

I. CHÚA LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Chúa lập Bí tích Thánh Thể, trước hết để làm của ăn hằng ngày cho chúng ta : “Ta là bánh bởi Trời… Ai ăn thịt và uống Máu Ta sẽ có sự sống đời đời”. Thứ đến để chữa bệnh và bồi bổ sự yếu đuối của linh hồn ta. Công Đồng Tridentinô có nói : “Đó là linh dược hằng ngày để điều trị những lỗi lầm hằng ngày của chúng ta”. Và sau cùng, Chúa lập Bí tích Thánh Thể để yên ủi những nỗi sầu muộn của ta, ban nghị lực cho ta trong cuộc chiến đấu với xác thịt và ma quỷ : “Hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho chúng con”.

II. CHÚA LẬP CHỨC LINH MỤC.

Nhưng để có Bí tích Thánh Thể, Chúa đã lập chức Linh mục. Hằng ngày, qua chức Linh mục, chúng ta có Thánh lễ, dâng lính Mình Máu Chúa lên Đức Chúa Cha, để đền tội lỗi chúng ta, và để ta có của ăn thiêng liêng là Mình Máu Chúa; chức Linh mục còn tham dự vào những biến cố của suốt cuộc đời ta: Ta vừa sinh ra, qua Bí tích Thánh tẩy, Linh mục đã biến chúng ta thành con cái Chúa; qua Bí tích Giải tội, Linh mục dùng quyền Chúa ban, tha mọi tội lỗi cho chúng ta, để đưa lại bình an cho tâm hồn ta, và trong lúc ta sắp bỏ cõi đời này, qua Bí tích Xức dầu và của ăn đàng, Linh mục giúp được tha tội lỗi cũng như đưa lại sức mạnh cho ta trong cuộc hành trình tiến về nước Trời.

III. CHÚA BAN BỐ GIỚI RĂN MỚI.

Cùng với việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể và chức Linh mục, Chúa ban bố một giới răn mà Chúa gọi là giới răn của Chúa. Chúa rửa chân cho các môn đệ, Chúa làm công việc thấp kém, để rồi nhắc cho các môn đệ biết, chính Ngài là Thiên Chúa, là thầy của các ông, mà còn sẵn sàng khiêm nhượng giúp đỡ hầu hạ các ông, thì chính các ông đối với nhau, giữa con người với con người, chúng ta đối với nhau, phải tha thứ cho nhau, sống bác ái với nhau. Mến Chúa thôi, chưa đủ để lên Thiên đàng, mà còn phải biết sống bác ái với tha nhân. Chúng ta chỉ lập cha nhiều công phúc khi chúng ta giữ đức bác ái thực sự, không nói hành nói xấu, không hằn giận, không nghi kỵ, biết rộng lượng tha thứ bỏ qua lỗi lầm người khác… Đó chính là những hành vi ta biểu lộ lòng mến Chúa.

Trong lễ hôm nay, ta cảm tạ Chúa đã ban chính mình để nuôi dưỡng ta, đã cho ta các phương tiện, qua các chức Linh mục, đề ta đạt được cước Trời, và chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết thánh hóa đời sống chúng ta bằng Bí tích Thánh Thể và bằng hành động bác ái.

THỨ NĂM : Ga 13,1-30

HÃY RỬA CHÂN CHO NHAU

Chiều tiệc ly được thánh Gioan ghi lại tỉ mỉ và gợi hình. Chúa Giêsu làm bảy cử điệu rõ ràng: đứng dậy, cởi áo, lấy khăn, thắt lưng, đổ nước, rửa chân và lau lọt. Khi cởi áo choàng ngoài Chúa Giêsu đã làm cử chỉ của một người nô lệ hay ít ra của một người thợ bắt tay vào việc. Thời đó, phận sự của nô lệ, đặc biệt các nô lệ không phải là người Do thái có nhiệm vụ rửa chân cho khách tới nhà (1Sm 25,41).

Đây là một việc làm hoàn toàn tự nguyện của Chúa. Ngay cử chỉ Chúa cởi áo và tự lấy mặc lại (c.12) làm chúng ta liên tưởng đến những lời Chúa đã nói (Ga 10,17-18) để nói đến cái chết hoàn toàn tự nguyện và sự sống lại uy quyền của riêng Ngài. Khi Chúa Giêsu vừa làm xong công việc của một nô lệ, thì Chúa muốn nhấn mạnh đến sự bất tương xứng tự nhiên giữa công việc ấy đối với một vì Thiên Chúa (c.14), là họ thực sự là những môn đệ phục vụ hoàn toàn cho nước Trời, phục vụ cho đến chết, như lời Chúa nói “Tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai không lớn hơn kẻ sai mình” (Mt 10,14 Lc 6,40. Ga 15,20). Đấy chúng ta thấy một vì Thiên Chúa thực hiện câu “Ta đến để phục vụ...” (Mt 20,28). Rất có thể có một ông vua trần thế làm công việc khiêm tốn ấy cho bầy tôi trước khi từ giã rút lui khỏi ngai vàng của mình.

Nhưng khó và rất khó mà tin được có một nhà vua làm như thế khi sắp trở lại kinh đô chiến thắng huy hoàng của mình. Còn Chúa đã làm gương trước khi về trời với Thiên Chúa Cha, Ngài đã cúi gập mình rửa chân cho từng môn đệ kể cả Giuda Iscario. Có vậy chúng ta mới hiểu được câu “Vốn dĩ là một Thiên Chúa song chẳng coi mình bằng TC. Người tự hạ vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Ph 2,6).

Chúng ta hiểu thế nào về một vì Thiên Chúa chỉ vì tình yêu nhân loại đã bỏ vinh quang trời cao đến giữa loài người, thân phận khổ lụy bèo mây. Ngài đã bằng lòng nhận những đau khổ lầm than nơi thân xác mình để làm gánh nhẹ nhàng cho mọi người. Ngài đã lấy tinh thần là phần bất tử một hủy diệt sự chết đã giết chết loài người.

Ngài bị điệu đi như con chiên và bị giết như con cừu. Ngài đã cứu chúng ta ra khỏi tà đạo như cứu khỏi Ai cập, khỏi tay Pharaon. Ngài đã làm cho thần chết phải bẽ bàng và khiến cho ma quỉ phải tru trếu khóc lóc, như Maisen làm cho Pharaon. Chính Chúa đã đón muôn khổ lụy trong muôn người. Ngài là Đấng bị giết trong con người Abel, bị trói chân tay trong con người Isaac, bị lưu lạc trong con người của Gicop, bị bắn trong con người của Giuse, bị bỏ trôi sông như Maisen, bị bách hại nơi con người David và bị nhục nhã trong các vì tiên tri. Chính Chúa là Đấng nhập thể trong cung lòng trinh nữ Maria, bị treo trên cây gỗ, bị chôn vùi dưới đất, chính Ngài từ trong nấm mồ kẻ chết sống lại và lên trời cao thẳm.

Vâng, đấy là giá trị của phục vụ. Phục vụ trong tình yêu vô vị lợi, không điều kiện, không ơn huệ. Chúa Giêsu là Chúa, là thầy nhưng cũng là tôi tớ. Đã yêu những kẻ thuộc về mình cho đến cùng, đến thí mạng sống, Ngài thanh tẩy vết nhơ của họ. Ngài phục vụ tất cả, kể cả Phêrô và Giuda. Nhờ ánh sáng gương lành của Chúa, Giáo hội khám phá ra ơn kêu gọi của mình là phục vụ anh em không trừ ai trong tình yêu với tư cách là một tôi tớ khiêm cung.

Bài học Khiêm Nhường

Lễ Rửa chân tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên

Ba ngày tuần thánh là thời gian chúng ta trở về nguồn.

Nguồn nói đây là nơi tuôn chảy ra ơn thánh cứu độ, nơi mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, nơi toả sáng các nhân đức quan trọng, cần thiết cho những ai đi theo Đấng Cứu thế. Nguồn đó chính là Chúa Giêsu.

Như thế, trở về nguồn là trở về với Chúa Giêsu. Cụ thể như : Lại gần Ngài, ở lại bên Ngài, thinh lặng lắng nghe tâm tình của Ngài, tạ ơn Ngài, cầu nguyện với Ngài.

Chắc chắn là chẳng ai trở về với Ngài, mà lại bị Ngài ruồng bỏ. Trái lại, cho dù chúng ta là người đầy tội lỗi, chúng ta vẫn có quyền tin rằng : Chúng ta được Ngài thương yêu, được Ngài tha thứ, được Ngài đón nhận. Miễn là chúng ta hết sức chân thành. Nhất là chân thành xin vâng ý Chúa.

Vậy ý Chúa là thế nào ? Tôi có cảm tưởng là : Nếu chúng ta hỏi Chúa điều đó, thì Chúa sẽ không trả lời ngay đâu. Nhưng trước hết, Chúa đòi ta phải có những điều kiện căn bản đã. Theo tôi thì : Điều kiện thứ nhất là khiêm nhường. Điều kiện thứ hai là khiêm nhường. Điều kiện thứ ba cũng là khiêm nhường.

Thực vậy, khi trở về nguồn, chúng ta sẽ thấy khiêm nhường là phong cách lạ lùng Chúa Giêsu đã chọn để thực hiện chương trình cứu độ.

Khiêm nhường khi giáng sinh tại Belem. Khiêm nhường khi trốn sang Ai Cập. Khiêm nhường trong 30 năm sinh sống ở Nagiarét. Khiêm nhường trong ba năm ngược xuôi rao giảng. Nhất là khiêm nhường trong cuộc thương khó.

Phải rất khiêm nhường mới có thể vâng phục ý Chúa Cha đến cùng. Phải rất khiêm nhường mới có thể yêu thương con người đến cùng. Do đó khiêm nhường là điều ít người muốn chọn, bởi vì khó chọn. Ngay trong tuần thánh, chúng ta đã thấy : Một người sau này sẽ giữ vai trò lãnh đạo Hội Thánh, tức thánh Phêrô, cũng phản đối quyết liệt sự chọn lựa quá khiêm nhường của Chúa Giêsu.

Khi thấy Chúa Giêsu qùi gối xuống rửa chân cho các môn đệ, thánh Phêrô đã cực lực chối từ. Ngài cho việc làm khiêm nhường như vậy là không đúng, không hợp với bậc thầy. Nhưng Chúa vẫn cứ làm, sau khi giải thích.

Khi thấy đoàn người đến bắt Chúa Giêsu, thánh Phêrô đã cương quyết ra tay chống lại. Ngài cho rằng thầy không nên để mình bị nhục như thế. Nhưng Chúa Giêsu đã cứ để mình bị bắt, sau khi trách mắng Phêrô.

Thế rồi, trong khi bị hạch hỏi, bị đánh đập, bị xỉ vả, bị kết án, Chúa Giêsu vẫn một mực khiêm tốn. Khiêm tốn trong lời nói. Khiêm tốn trong thái độ. Khiêm tốn trong cái chết. Và khiêm tốn cả khi sống lại.

Tôi nghĩ là : để khiêm tốn lâu dài, khiêm tốn khắp nơi, khiêm tốn đến tận cùng như vậy, thì phải có sức mạnh thiêng liêng phi thường.

Đức khiêm nhường, Chúa Giêsu đã đưa ra một cách mới trong việc sử dụng quyền bính. Đối với Ngài, sử dụng quyền bính là sử dụng tình thương.

Mà đối với Ngài, thương là thương đến cùng. Mà đối với Ngài, thương đến cùng là tự hạ, tự nguyện làm người hầu hạ, đến một lúc nào đó dám tự nguyện chết đi.

Như thế, khiêm nhường là con đường minh chứng. Chúa Giêsu minh chứng Ngài tuyệt đối vâng phục ý Chúa Cha.

Như thế, khiêm nhường là con đường trao tặng. Chúa Giêsu trao tặng chính mình như một của lễ đền tội.

Như thế, khiêm nhường là con đường hy vọng. Chúa Giêsu cho thấy ai khiêm nhường chắc chắn sẽ đi tới phục sinh.

Như thế, khiêm nhường là con đường đón nhận. Chúa Giêsu sẽ đón nhận bất cứ những ai biết mình bé nhỏ, tội lỗi, bất xứng, hết sức khiêm nhường, không dám kết án ai, để khỏi bị Chúa kết án

Khi ngắm nhìn gương khiêm nhường của Chúa Giêsu trong tuần thánh, tôi thấy sự khiêm nhường của Chúa Giêsu chính là câu trả lời cho những thao thức của chúng ta, về mình, về gia đình, về quê hương, về Hội Thánh.

Nhiều khi chúng ta có những lo toan chính đáng. Và để giải đáp, chúng ta có những lựa chọn mà chúng ta tưởng là tốt. Nhưng đó là ý riêng ta. Còn ý Chúa thì lại khác.

Để đón nhận được ý Chúa và tuân phục ý Chúa, chúng ta rất cần khiêm nhường. Những tâm hồn tự mãn, kiêu căng sẽ không bao giờ là đất tốt để cho Ý Chúa gieo vào đó nảy mầm sinh cây được.

Với nhận thức như trên, chúng ta trở về Nguồn là Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc chúng ta bằng sự khiêm nhường. Cúi xin Ngài thương xót chúng ta, giúp chúng ta biết khiêm nhường.

Để biết khiêm nhường, chúng ta cần phải có ơn Chúa: ơn thông thường và ơn khác thường. Nhờ đó chúng ta sẽ biết vâng phục ý Chúa Cha và biết yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương chúng ta. + GM Bùi Tuần

PHÉP THÁNH THỂ

l. VIỆC LẬP PHÉP THÁNH THỂ

Tối hôm thứ năm trước khi chịu chết, Đức Giêsu đồng bàn với các môn đệ để chia sẻ với các ông bữa tối cuối cùng và trong bữa ăn, qua cử chỉ và lời nói mang tính tiên tri, Ngài làm trước sự trao hiến bản thân Ngài cho con người sẽ xảy ra cách dứt khoát trên thập giá.

Ngài muốn khai mào một cử chỉ, tạo một khí cụ làm Ngài còn sống tiếp để thực hiện hiệu quả phổ quát của lễ Vượt qua. Cử chỉ này cho phép Ngài tìm lại nghị lực, sức mạnh hòa giải và hiệp thông được thực hiện vào lễ Vượt qua về mặt lịch sử. Cử chỉ này đó là phép Thánh thể. Trong Phụng vụ của giáo hội, phép Thánh thể được trình bày như là cách thế bí tích làm cho hy lễ vượt qua của Đức Giêsu thành vĩnh cửu bằng cách mở ra cho nhân loại sự sống vĩnh cửu. Phép Thánh thể không những biểu lộ ý định của Đức Giêsu thiết lập một cử chỉ cứu độ, nhưng còn biểu lộ chính Đức Giêsu.

Bây giờ ta lấy hai đoạn Tân ước tả những gì xảy ra trong bữa tiệc cuối cùng đó. Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy hánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho môn đệ và nói: “anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy" Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy khôn còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy". (Mt. 26, 26-29)

Đoạn thứ hai trong thơ thứ nhất Thánh Phaolô gởi cho tín hữu thành Corintô :

"Thực vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em : trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói : “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy". Cũng thế cuối bữa ăn Người nâng chén và nói : "Đây là chén máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao ước mới, mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy". Thật vậy, cho đến ngày Chúa đến, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. (11,23-26)

Đoạn Kinh thành trích thơ Thánh Phaolô gởi cho tín hữu thành Corintô bắt nguồn từ bài huấn dụ dài trước những cộng đoàn Kitô hữu tại thành Corintô. Trong lòng những công đoàn này có vấn đề, những cuộc lộn xộn, những lúc bực bội. Để làm sáng tỏ ý tưởng của mình và tái lập trật tự, thánh Phaolô qui chiếu vào truyền thống cổ xưa nhất mà người ta biết được về Phép Thánh thể và truyền đạt lại cho Ngài sau cái chết của Đức Giêsu. Đây là chứng từ trước hết mà ta có được về việc cử hành phép Thánh thể. Ta ghi nhận nó chứa đựng ba chiều kích : 1. Ám chỉ quá khứ ("Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy"). 2. Công bố cho hiện tại ngày hôm nay (đây là mình Máu Chúa). 3. Hướng về tương lai ("Cho tới khi Người lại đến, trong niềm chờ đợi Chúa trở lại)

a). Tưởng nhớ quá khứ. Bữa ăn Vượt qua của người Do Thái được sống như một tưởng nhớ hiện tại hóa nhưng sự kiện giải phóng, giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập. Phép Thánh thể không chỉ nối kết chúng lại với sự kiện trong quá khứ, nhưng đúng hơn còn nối kết ta lại với một người; đó Đức Giêsu, Đấng Cứu thế chịu đóng đinh và sống lại. Trong toàn bộ phép Thánh thể, Ngài loan báo sự chết của Ngài hủy diệt sự ác độc hung dữ của con người chống lại Ngài bằng cách tha thứ cho họ và đã chiến thắng sự sợ chết. Và sau đó người ta công bố sự sống lại của Ngài.

b). Đối với hiện tại, Thân mình và Máu Đức Kitô thực sự tiếp tục được ban cho ta. Qua Máu Đức Giêsu, giao ước mới bây giờ đươc thực hiện, tạo nên và củng cố mối tương quan phụ tử và bằng hữu nối kết con người với Thiên Chúa. Lịch sử nhân loại tập trung lại trong thời điểm lạ thường của việc cử hành Phép Thánh thể.

c) Phép Thánh thể công bố tương lai của con người và của nhân loại, cho ta tham dự trước Mùa Xuân vĩnh cửu, trong đó ta được ngồi đồng bàn với Thiên Chúa, sống với Ngài trực tiếp trong tình thân

Phép Thánh thể là sự vâng phục và trung thành với lệnh truyền rõ ràng của Đức Giêsu. Nó là sự hiệp thông với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Nó là sự hướng mở đến mọi dân tộc, là việc thực hiện trước và dấu chỉ cho vinh quang tương lai.

2. Ý NGHĨA CỦA PHÉP THÁNH THỂ

Tôi muốn dừng lại vài cách nói trong hai bài tường thuật của Matcô và Phaolô liên quan đến những gì giúp ta hiểu mầu nhiệm này tốt hơn.

- Điểm đầu tiên chung cho cả hai bản văn : "Máu của giao ước mới". Đức Giêsu đặt mình trên nền giao ước mới của Thiên Chúa với dân Israel, giao ước làm họ thành dân của Thiên Chúa. Hiến lễ của Đức Giêsu nhằm mục đích tạo nên một dân mới, không rút ra điều gì cả từ dân Do thái (x. Thơ Rôma chương 9 và 11), nhưng trải dài đến mọi chiều kích của toàn thể nhân loại.

Nói đến giao ước là diễn tả tình yêu không mệt mỏi của Thiên Chúa bắt đầu từ lúc sáng tạo đã đối xử con người như bạn hữu Ngài, ban ơn cứu độ sau khi con người phạm tội, giải thoát dân Israel khỏi Ai cập, đồng hành với họ trên đường vượt qua sa mạc, dẫn đưa họ vào đất hứa là dấu chỉ cho những điều thiện huyền nhiệm trong tương lai, khai mở cho họ niềm hy vọng vào việc Đức Mêsia ngự đến. Khi tường thuật việc lập Phép Thánh thể theo kiểu giao ước, Đức Giêsu muốn chỉ ý nghĩa Phép Thánh thể ban cho ta sức mạnh để mình bị cuốn hút hoàn toàn bịởi chuyển động của tình yêu huyền nhiệm của Thiên Chúa được loan bịáo trong Cựu ước, được cử hành vĩnh viễn trong lễ Vượt qua và đạt đến đỉnh cao viên mãn của ngày Người trở lại. "Cho đến khi Người đến", trong niềm mong đợi Người đến.

- Điểm thứ hai duy nhất được Phaolô tường thuật :  “Trong đêm bị nộp". Điều này ám chỉ đến Giuđa và đến mọi người chúng ta. Chúa ban Mình và Máu Ngài cho những kẻ sắp phản bội, chạy trốn và chối Ngài. Những sự phản bội của ta, những cuộc chạy trốn và bất trung của con người chỉ có thể tán dương tình yêu vĩ đại của Ngài, giống như sự sâu thẳm của thung lũng làm ta thấy chiều cao của ngọn đồi.

Thiên Chúa yêu thương theo cách đó. Mức đo lường tình yêu quá mức của Ngài lại là nhu cầu của người được yêu thương. Người nghèo, kẻ khốn khổ, quân tội lỗi: kẻ lầm lạc, lại được thương hơn những người khác. Như người mẹ thương đứa con trai của mình vì nó là con trai của bà và nếu nó là một tên du đãng. Bà lại càng thương hơn vì biết rằng nó có thể trở nên tốt hơn khi biết mình được thương yêu.

Thiên Chúa là Cha đối với ta hơn người cha trần thế của chúng ta và là người mẹ hơn mẹ của chúng ta, Ngài ôm chúng ta vào lòng, làm cho lòng thương xót của Ngài thành một thục tế bao phủ ta từ trên xuống dưới, từ đông sang tây. Trong lòng thương xót của Ngài, chúng ta là điều chúng ta là và nỗi khốn công của ta trở thành chỗ hội tụ và đo lường lòng thương xót của Ngài.

Phép Thánh thể không chỉ là ơn ban cho những ai được quyền chọn và đạt đến mức toàn thiện.

- Kiểu nói thứ ba, được Thánh Mathêu truyền lại, là “Máu ta ... được đổ ra cho muôn người" nghĩa là cho tất cả mọi người và cho con người ở mọi thời đại "được tha tội". Trong đêm tối của thất vọng, tù đày, ích kỷ, khô khan lạnh lẽo của tâm hồn ta, Đức Giêsu hiến mình cho ta để dứt ta ra khỏi bóng tối, để mời gọi ta tin vào một Thiên Chúa không nổi giận, bực mình, cay đắng, thất vọng trước những bất trung của ta, nhưng lại lộ diện đầy âu ếm, tin tưởng, đam mê đối với mỗi tạo vật xuyên qua gương mặt dịu hiền của Đấng chịu đóng đinh.

3. PHÉP THÁNH THỂ TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Đối với những người Kitô hữu chúng ta, điều nền tảng là hiểu được rằng tiếng “vâng" hoàn toàn và trung thành của Đức Giêu đối với Chúa Cha, cũng là tiếng "vâng” của chúng ta và với tất cả anh chị em chúng ta, ngay cả với những chỉ trích, khinh để, chống đối chúng ta. Phép Thánh Thể sẽ trống rỗng ý nghĩa nếu nó không trở thành sức mạnh yêu thương đối với tha nhân nơi ta : “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy" không phải là một lời phù phép. Khi đọc những lời đó, Đức Giêsu xin chúng ta hiến dâng thân xác và máu ta, trao ban sự sống ta cho mọi người, nộp mình.

Nộp mình đồng nghĩa với một não trạng mới thế chỗ cho não trạng cũ chỉ biết nghĩ đến mình mà không biết nghĩ đến người khác. Chính vì thế, "Bữa tiệc ly của Chúa" mà Giáo hội cử hành mỗi ngày, không dung thứ cho việc mình bị xử dụng phục vụ cho những lợi ích trần tục, nhưng đòi hỏi một cõi lòng không bị phân chia, vào lúc Giáo hội được dành để tạo nên trong thời gian một thân mình duy nhất của Đức Kitô. Giáo hội phải chấp nhận và đi theo hành động thương xót của Thiên Chúa. Quá thường xuyên chúng ta đến gần Phép Thánh thể mà không có ý muốn nghiêm túc tự hỏi mình cách thành thực về ý nghĩa cuộc sống của mình; ta nghĩ đã thực hiện một hành vi tôn giáo, nhưng ta còn ở rất xa việc đặt lại vấn đề về cuộc sống của mình theo gương Đức Giêsu .

Trong thánh lễ, Đức Giêsu nối kết chúng ta với sự Vượt qua của Ngài và ta ý thức nghiêm túc về điều đó, mỗi khi cử hành thánh lễ Ngài đặt trong ta động lực tình yêu, sức mạnh của đức bác ái là phản ánh của chính Thiên Chúa. Trong những miền tăm tối của tình trạng xa cách thiêng liêng, Phép Thánh thể đón nhận chúng ta, hiệp nhất ta với Đức Giêsu và với người khác, thúc đẩy ta cùng với Đức Giêsu hướng về Chúa Cha và về con người. Nó như mặt trời lôi kéo nhân loại và đồng hành với nhân loại để đạt tới một đích điểm huyền nhiệm nhưng chắc chắn.

Lương thực Thánh thể giới thiệu trong thời gian một dân tộc diễn tả-ở mức độ xã hội chứ không nguyên ở mức độ cá nhân-sức mạnh của Thần khí Đức Kitô biến đổi lịch sử. Với viễn tượng trên, việc suy nghĩ về sự hiệp nhất cụ thể mà cuộc sống con người gặp được trong Phép Thánh thể lại là điều quan trọng. Chắc chắn phải tránh những lẫn lộn giữa sự siêu việt sự hiệp nhất huyền nhiệm đươc thực hiện trong Phép Thánh thể với những hình thức đồng nhất hóa do những nỗ lực của con người tạo ra và thực hiện trong những lãnh vực khác nhau.

Giữa cả hai vẫn có những mối liên hệ. Trong Phép Thánh thể người Kitô hữu sống một kinh nghiệm đặc biệt về cuộc sống của họ bị thu hút vào trong huyền nhiệm hiệp nhất của tình yêu Thiên Chúa. Họ phải cảm thấy mình bị liên lụy để từ đó rút ra những hậu quả trong mối tương quan của họ với nội bộ cộng đoàn tín hữu, nhưng cũng để làm cho mầu nhiệm này rạng ngời trong toàn thể xã hội cách dễ dàng hơn.

Với thiện chí, mọi bước đời hướng tới cuộc đối thoại giữa các cá nhân, tới thói quen lĩnh hội và cộng tác, tới sự thỏa thuận về hình ảnh con người với qui mô rộng lớn là dấu chỉ và sự chuẩn bị cho sự hiệp nhất con người với nhau trong sự hiệp nhất vào giữa cuộc cử hành Thánh thể.

Bản dịch Việt Ngữ của J.B Đặng Minh An

Bài giảng ĐTC trong Lễ Tiệc Ly 2001

1. "In supremae nocte Cenae / recumbens cum fratribus … Đêm dự Bữa Tiệc ly cùng bạn hữu"

Với những lời này, bài thánh ca cảm động "Pange Lingua" giới thiệu Bữa Tiệc Ly. Trong bữa tiệc này, Đức Giê-su đã để lại cho chúng ta Bí tích kỳ diệu là Mình và Máu Người. Các bài đọc vừa công bố làm rõ ý nghĩa sâu sắc của Bí tích này. Chúng hợp thành một bức tranh bộ ba : trình bày việc thiết lập Bí tích Thánh Thể; Con Chiên Vượt Qua, tiền ảnh của Bí tích này; và sự thể hiện cụ thể qua tình yêu và việc phục vụ anh em.

Chính thánh Tông đồ Phao-lô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô nhắc lại cho chúng ta về việc Đức Giê-su đã làm "trong đêm Ngài bị nộp". Ngoài phần tường thuật có tính lịch sử, thánh Phao-lô còn thêm lời bình luận : "Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này là anh em công bố Chúa đã chịu chết cho tới khi Ngài lại đến" (1Cr 11, 26). Sứ điệp của thánh Tông đồ thật rõ ràng: khi cử hành Bữa Tiệc của Chúa, cộng đoàn hiện tại hoá cuộc Vượt qua của Người. Bí tích Thánh Thể không chỉ đơn thuần là việc tưởng nhớ một nghi thức quá khứ nhưng còn là sự thể hiện sống động cử chỉ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc. Từ kinh nghiệm này, cộng đoàn ki-tô hữu không thể nào không bị thúc bách để trở nên tiếng nói ngôn sứ về tạo thành mới được khai mở vào ngày Phục sinh. Chiều hôm nay, khi chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu mà Bữa Tiệc Ly lại trình bày cho chúng ta, chúng ta đắm chìm trong sự thờ phượng say mê và thinh lặng.

2. "Verbum caro, / panem verum verbo carnem efficit… Câu tuyên phán của Ngôi Lời nhập thể/ đã làm cho bánh thật nên Mình Người"

Đây là điều kỳ diệu mà chúng ta, các linh mục, chạm đến mỗi ngày bằng chính đôi tay của mình khi cử hành Thánh Lễ! Giáo hội tiếp tục lập lại những lời của Đức Giê-su và biết rằng mình phải thực hiện điều này cho tận thế. Chính nhờ những lời này mà một sự biến đổi lạ lùng xảy ra: ngoại hình của Thánh Thể vẫn giữ nguyên, nhưng theo cách diễn tả khéo léo của Công Đồng Tren-tô, bánh và rượu là đã trở nên Mình và Máu của Chúa "cách đích thực, thực sự và bản thể"

Tâm trí cảm thấy bất lực trước một mầu nhiệm cao vời như thế. Nhiều câu hỏi nảy sinh trong tâm hồn các tín hữu là những người chỉ tìm thấy bình an nơi những lời của Đức Ki-tô. "Et si sensus deficit / ad firmandum cor sincerum sola fides sufficit – Ta hãy lấy đức tin mà thờ lạy/ nếu giác quan không cảm thấy sự gì". Được nâng đỡ bởi đức tin như thế, nhờ ánh sáng chiếu soi bước đi của chúng ta ngay cả trong đêm tối của ngờ vực và khó khăn, chúng ta có thể thốt lên: "Tantum ergo Sacramentum / veneremur cernui – Đây nhiệm tích vô cùng cao quý/ chúng ta phục bái tôn thờ".

3. Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể gắn liền với nghi thức Vượt qua của Giao Ước thứ nhất, giao ước này đã được mô tả cho chúng ta trong đoạn sách Xuất Hành vừa mới công bố: nó nói về con chiên "đực một tuổi, không tì tích" (Xh 12,6), về hy tế sẽ cứu dân khỏi cuộc tàn sát sắp xảy đến. "Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập" (12,13).

Bài thánh ca của thánh Tô-ma giải thích: "Et antiquum documentum / novo cedat ritui – Nghi lễ xưa đâu sánh bí tích này" ! Thật hợp lý khi những bài đọc Kinh thánh trong Phụng vụ chiều hôm nay hướng sự chiêm ngắm của chúng ta về Con Chiên mới, Đấng nhờ máu mình tự nguyện đổ ra trên Thánh giá đã thiết lập một Giao Ước mới và vĩnh viễn. Vì thế Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện huyền nhiệm của thân thể hi tế và máu tuôn đổ của Con Chiên mới! Trong Bí tích Thánh Thể ơn cứu độ và tình yêu được trao ban cho toàn thể nhân loại. Làm sao chúng ta lại không bị thu hút bởi mầu nhiệm này? Chúng ta hãy biến những lời này của thánh Tô-ma A-ki-nô thành của chúng ta "Praestet fides supplementum / sensuum defectui -- Ta hãy lấy đức tin mà thờ lạy/ nếu giác quan không cảm thấy sự gì". Vâng, đức tin dẫn chúng ta đến sự thán phục và tôn thờ.

4. Chính từ điểm này mà con mắt chúng ta hướng sang yếu tố thứ ba của bức tranh bộ ba của phụng vụ hôm nay. Yếu tố này chúng ta có được là nhờ bài tường thuật của thánh Gio-an. Ngài phác hoạ cho chúng ta ảnh tượng tuyệt vời là việc rửa chân. Qua hành động này, Đức Giê-su nhắc nhở cho các môn đệ của Người ở mọi thời đại là họ phải làm chứng cho Bí tích Thánh Thể bằng việc phục vụ và yêu thương người khác. Chúng ta đã nghe những lời này của Thầy Chí Thánh : "Nếu Thầy là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau" (Ga 13,14). Đây chính là một kiểu sống mới phát sinh từ việc làm của Đức Giê-su : "Vì Thầy đã nêu gương cho anh em nên anh em cũng phải làm như Thầy đã làm" (13,15).

Việc rửa chân được xem như là một cử chỉ nêu gương, cử chỉ này có được chìa khoá giải thích và được giải nghĩa hoàn hảo nhất nơi cái chết của Đức Ki-tô trên Thập giá và nơi sự Phục sinh của Người. Trong cử chỉ phục vụ khiêm hạ này, đức tin của Giáo hội mới tìm thấy được hiệu quả tất nhiên của mỗi lần cử hành Bí tích Thánh Thể. Việc tham dự đích thực vào Thánh lễ không thể không làm phát sinh tình yêu huynh đệ nơi cá nhân mỗi tín hữu và nơi toàn thể cộng đoàn giáo hội.

5. "Người đã yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1). Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ vĩnh cửu của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu nâng đỡ cuộc hành trình chúng ta cho đến khi hiệp thông hoàn toàn với Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Đây là một tình yêu trỗi vượt hơn trái tim nhân loại. Khi chúng ta dừng lại để tôn kính Bí tích Thánh Thể chiều hôm nay, và khi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Bữa Tiệc Ly, chúng ta cảm thấy bị đắm chìm trong biển tình yêu mênh mông chảy tràn từ trái tim Thiên Chúa. Với tâm tình biết ơn, chúng ta hãy xem bài thánh ca tạ ơn này của dân đã được cứu chuộc như của chính chúng ta : "Genitori Genitoque / laus et iubilatio ...

Lòng hớn hở cùng tán dương trìu mến
Cha uy quyền và Con Một từ nhân
cùng tôn vinh ca ngợi Chúa Thánh Thần
xin chúc tụng Ba Ngôi ngàn muôn thuở". Amen !

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thứ Năm Tuần Thánh - Ga 13,1-15

Cách đây 2002 năm, Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại ba món quà quí giá nhất của Ngài : - Bí tích Thánh Thể để Chúa nuôi dưỡng nhân loại. - Bí tích Linh mục thừa tác để Chúa tiếp tục phục vụ nhân loại. - Giới răn yêu thương để Chúa luôn là sự hiệp nhất cho mọi người.

Suy nghĩ về biến cố hôm nay, chúng ta tự hỏi : tại sao Chúa lại làm những công việc ấy và tại sao Chúa lại trối lại những món quà quí giá ấy cho nhân loại đầy tội lỗi ?

Khi trở về biến cố ngàn năm có một, chúng ta không khỏi miên man suy tưởng : chỉ vì yêu. Chữ Yêu được viết hoa nói lên tình thương vô bờ, vô bến của Chúa Giêsu đối với nhân loại, đối với môn đệ, đối với từng người. Lời nói của Chúa Giêsu năm xưa vẫn như còn rõ nét trong tâm khảm của từng con người "không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15,13). Chúa đã sống cho tới tận cùng chữ Yêu của Ngài. Ngài đã hiến mạng vì con người, Ngài đã chấp nhận tất cả, kề vai gánh lấy tội lỗi con người dù rằng Ngài vô tội.

Vào chiều hôm ấy cách đây 2002 năm trong bữa tiệc ly, trước khi lìa xa các môn đệ để thực hiện ý định của Cha, cứu độ nhân loại vào tối trước ngày lễ Vượt qua (Ga 13,1). Đây là lễ Vượt qua cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giêsu dưới trần thế này trước ngày Chúa Giêsu từ biệt các môn đệ (Lc 22,5-16).

Đang nửa chừng bữa ăn, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ đột ngột, Ngài chỗi dậy khỏi bàn, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu, rồi rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,4-15).

Cử chỉ rửa chân cho các môn đệ là một bài học hùng hồn Chúa muốn dạy các môn đệ trước khi Ngài lập Bí tích Thánh Thể : Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu. Chính vì Yêu, Chúa đã hiến thân chịu chết để mọi người, để nhân loại có thể ăn Ngài và uống máu của Ngài.

Bí tích Thánh thể chỉ rõ rằng vì Yêu Chúa đã lập Bí tích Thánh thể, nên mỗi người sống ở trần gian cũng phải hiệp nhất trong yêu thương như thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 10,16-17 đã viết : "Chén chúc tụng ta cầm mà đội ơn, lại không phải là chung phần Mình Chúa Kitô sao? Vì chưng chỉ có một bánh, nên ta tuy nhiều, ta cũng chỉ là một thân mình, vì hết thảy ta cùng chia phần một bánh" (1 Cr 10,16-17).

Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể để hiện diện với nhân loại mãi mãi qua thừa tác của các linh mục (1Cr 11, 26). Vâng, xét cho cùng Chúa đã yêu nhân loại và qua trái tim nồng nàn như rực cháy, Ngài đã trối lại cho nhân loại, cho mọi người một gia tài vĩ đại, một gia tài lớn lao đến nỗi con người không bao giờ có thể dùng tiền của để mua được. Gia tài này là gia tài Tình yêu. Gia tài phát xuất từ kho tàng là con tim, là cõi lòng đầy lửa mến của Chúa Giêsu.

Chúa mời gọi và chia đều phần gia tài ấy cho từng người, mỗi người đều có phần của mình và không có một người nào thiếu tên trong con tim của Chúa. Chúa đã gửi gia tài tới từng địa chỉ của từng con người. Chúa âu yếm kêu mỗi từng người đến lãnh phần gia tài của mình.

Tuy nhiên, đã có nhiều lần con người khước từ gia tài tình yêu Chúa gửi tặng; đã có nhiều lần con người nhiệt thành, nhưng nông nổi chối từ tình yêu của Chúa như Phêrô đã chối từ Chúa ba lần dù rằng trước đó, ông đã cương quyết muốn đi theo Thầy tới cùng; đã có lần chúng ta cũng ngủ say và say bí tỉ như các môn đệ trong vườn cây dầu vì ta chưa tỉnh thức và sẳn sàng để lãnh gia tài tình yêu.

Chúa đã cứu chuộc chúng ta với tất cả sự say sưa vì tình yêu nồng cháy của Ngài. Chúa muốn đổi mới ta, Chúa muốn ta đi theo Ngài. Chúa muốn ta gọt dũa, cởi mở, khắc đục những gì là sần sụi, là gồ ghề để nên giống Ngài. Giống Chúa, ta sẽ sống cuộc đời của Ngài như thánh tông đồ Phaolô đã nói : "Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi."

Gia tài Chúa để lại cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta là Con Tim của Chúa: con tim nhạy cảm, con tim thương xót và con tim rực cháy lữa tình yêu, 2002 năm đã qua, gia tài của Chúa vẫn là kho tàng quí giá nhất, Chúa đang chờ đợi mỗi người chúng ta tới lấy. Tuần Thánh 2002

CÁC LINH MỤC LẶP LẠI LỜI TUYÊN HỨA

Giám mục : Anh em linh mục thân mến,

      Trong ngày kỷ niệm Đức Ki-tô chia sẻ chức vụ tư tế của Người cho các thánh Tông Đồ và mỗi người chúng ta, anh em có muốn lặp lại những lời anh em đã tuyên hứa trước mặt giám mục của anh em, và trước mặt cộng đoàn dân Chúa, trong ngày anh em lãnh nhận chức linh mục không ?

Linh mục : Thưa con muốn.

GM : Ngày chúng ta lãnh nhận chức thánh vì yêu mến Chúa Kitô và để phục vụ Hội Thánh Người, chúng ta đã vui lòng chấp nhận trách nhiệm phục vụ cộng đoàn được giao phó cho chúng ta.

Vậy, anh em có muốn ngày càng gắn bó hơn với Chúa Giê-su và cố gắng noi gương Người mà từ bỏ bản thân và trung thành giữ những lời chúng ta đã cam kết không ?

Linh mục : Thưa con muốn.

Giám mục : Chúng ta phải là những người quản lý trung thành đối với các mầu nhiệm của Thiên Chúa khi rao giảng Lời Chúa, cử hành bí tích Thánh Thể và các bí tích khác.

      Vậy, theo gương Chúa Ki-tô là thủ lãnh và là mục tử của chúng ta, anh em có muốn thi hành chức vụ của mình một cách nhiệt thành và vô vị lợi không ?

Linh mục : Thưa con muốn.

GM (hướng về giáo dân): Anh chị em giáo dân thân mến,

Xin anh chị em cầu nguyện cho các linh mục của anh chị em, xin Thiên Chúa ban cho các ngài đầy tràn ân sủng, để các ngài trở nên những tôi tớ trung thành của Đức Ki-tô Thượng Tế, và nhờ đó mà dẫn đưa anh chị em đến với Người là nguồn mạch duy nhất của ơn cứu độ.

Cộng đoàn : Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con.

Giám mục : Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho giám mục của anh chị em, để chính tôi cũng trung thành với sứ mạng tông đồ Chúa đã giao phó cho tôi ; nhờ đó, giữa anh chị em, tôi trở nên hình ảnh ngày càng sống động và trung thực hơn của Đức Ki-tô là tư tế, mục tử, tôn sư và tôi tớ của mọi người.

Cộng đoàn : Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con.

Giám mục : Xin Thiên Chúa giữ gìn tất cả chúng ta trong tình thương của Người. Xin Người đích thân hướng dẫn mục tử cũng như đoàn chiên tới sự sống muôn đời. Mọi người : Amen

THỨ NĂM TUẦN THÁNH (Lễ thiếu nhi)

Chúng con yêu quí, hôm nay là ngày thứ năm tuần thánh : Ngày kỷ niệm Chúa lập Bí tích Thánh thể. Bí Tích Thánh thể được gọi là Bí Tích  Tình yêu. Tại sao thế ?

1. Cha đọc trong báo tuổi trẻ ngày 9-12-96. Cha có thói quen hễ đọc được câu truyện gì hay là cha cắt để giữ lại. Hôm đó báo Tuổi trẻ đăng một câu truyện mà báo nói là ”đang làm đề tài cho báo chí và truyền hình suốt 12 năm qua và đang có một sức thu hút kỳ lạ”. Câu truyện như thế này. Một người thanh niên Thái tên là Samak Teepawatt lập gia đình với một thiếu nữ nghèo. Hai người yêu thương nhau và chẳng bao lâu vợ của Samak có thai. Nhưng thật là không may cho hai người là đứa con gái đầu lòng của họ sinh ra bị thiếu tháng và có tật ở cả hai chân, đặc biệt là chân phải. Dầu vậy hai vợ chống vẫn hết lòng yêu thương đứa con của mình. Thời gian qua đi, năm nay Natjaree đã được 18 tuổi và hiện cô đang là sinh viên của hai trường Đại học nổi tiếng ở Bangkok. Làm sao cô được như vậy ? Thưa chính là vì cô có một người Cha  hết lòng yêu thương cô. Suốt 12 năm trời Ông kiên trì đưa cô dến trường và bây giờ Ông cũng vẫn còn làm như thế. Hằng ngày ông chở cô trên chiếc xe tuk-tuk một lại xe đặc biệt ở Bangkok. Chiếc xe đó ông không chở ai khác. Không cho mượn và cũng không cho thuê. Người khách duy nhất mỗi ngày trên chiếc xe ấy là đứa con sinh viên tàn tật của Ông.

Vợ của Ông đau yếu cho nên không làm đươc gì nhiều ngoài một vài công việc nội trợ nhẹ nhàng trong gia đình. Thông  thường thì không sao, nhưng có những lúc cái xe của ông dở chứng. Những lần như thế Ông phải đưa con đi học bằng xe búyt. Có lần Ông nói với một ngưòi phỏng vấn ông : “Tôi  vẫn thường cõng (Ông đã già 68 tuổi, cõng một cô con gái 18 tuổi đi học) Tôi vẫn thường cõng Natjakee chui qua cầu đến trạm xe búyt và đưa con tôi lên xe. Tuy nhiên cũng có lúc gặp khó khăn. Nhiều xe búyt không chịu chở hai cha con chúng tôi. Những lúc ấy tôi gào lên để gọi họ. Tôi hóa điên lên vì họ”. Còn Natjaree thì  gọi ba cô là Tia, theo cách xưng hô thân mật trong gia đình của người Trung hoa.

Cha hỏi chúng con... đố chúng con biết là tại sao mà Ông Samak Ông làm như thể ? Tại sao Ông vất vả như vậy ?. Tại sao mà Ông ta lo cho đứa con Ông ta như vậy?......

Cha hỏi chúng con. Chúa có thương người ta không. Làm sao biết Chúa thương ? Hôm nay Chúa cúi xuống rửa chân.... Chúa làm như thế để làm gì ?.......Chúa thương.

2. Còn một câu truyện nữa Cha kể cho chúng con (Góp nhặt 6 trg 211) Tại Miami năm 1970 cũng có một người con gái tên là Edwarda. Một ngày kia tự nhiên cô cảm thấy đau dầu dữ  dội. Cha mẹ cô đưa cô vào bệnh viện. Càng ngày cô càng cảm thấy mệt hơn. Cô nói với mẹ cô : “Mẹ ơi, Mẹ đừng  bỏ con nghe Mẹ” sau đó chẳng bao lâu thì cô lâm vào tình trạng hôn mê hoàn toàn. Lúc đầu người ta hy vọng rồi cô sẽ hồi tỉnh lại, nhưng rồi ngày qua ngày... hết năm này lại qua năm khác : 3 năm, 5 năm, 10 năm....Mẹ của cô vẫn kiên nhẫn ở bên cô... Bà lo lắng mọi sự : Tắm rửa, hớt tóc, thay đồ ... Tất cả mọi sự cho Edwada.

Tình trạng bệnh tật của cô kéo dài đã làm cho gia đình bà Kaye lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ Hoa Kỳ thấy như vậy cho nên đã cấp cho Bà một khoản trợ giúp 750USD một tháng nhưng số tiến ấy đâu có thấm gì với những cái phải có để lo cho con. Nhiều người thấy Bà như thế cũng giúp đỡ bà thêm Có lần bà nói sự với người ta : “Nhiều lúc tôi cảm thấy mệt mỏi quá. Tôi đã định buông xuôi, nhưng rồi tôi lại không thể”. Rồi thời gian lại tiếp tục qua đi… 15 năm, 20 năm.... Đến năm thứ 23 cách đây 3 năm bà nói với phóng viên tờ W.W.News “Thiên Chúa luôn tốt lành. Người sẽ làm điều tốt cho chúng tôi. Một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ cho Edwarda tỉnh dậy. Lúc dầu tôi không bao giờ có thể tin rằng  tôi có thể ở bên cạnh con tôi suốt 23 năm. Vậy mà tôi đã làm được. Tôi đã hứa với Edwarda rằng tôi sẽ ở với nó cho đến khi nó thức dậy”. Bà quả là một người Mẹ tuyẹt vời. Bạn bè của Bà đã lập ra quĩ Erwarda O’ Bara để giúp Bà.

Giả sử như chúng con, chúng con có thể làm được như thế hay không ?  Làm sao mà Bà có thể làm được như thế ? Tại sao... Đúng chỉ vì Tình thương. Chuá Giêsu cũng vậy chúng con. Chúa thương chúng ta quá. Và vì thương Chúa muiốn mãi mãi ở gần chúng ta. Nhưng ở làm sao được nếu Chúa cứ mãi mãi là một con người. Bởi vậy Chúa đã nghĩ ra một cách... Chúa làm nên Bí tích Mình Thánh Chuá. Với cách đó Chúa có thể có mặt ở khắp mọi nơi, Chúa có thể ở với mọi người để tiếp tục săn sóc chữa lành cho chúng ta.

1. Suy Niệm của Lm Damian OFM

Yêu thương đến cùng.

Thứ năm Tuần Thánh là ngày lễ của các linh mục và cũng là ngày lễ của Tình yêu. Vì thế linh mục phải là người của Tình Yêu. Và người giáo dân cũng tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Giêsu, nên cũng không được phép miễn trừ cho mình bổn phận tình yêu. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su truyền chức cho các linh mục :

"Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy". Vì thế mỗi ngày, trên khắp hoàn cầu, không có giây phút nào là không có thánh lễ, không có giây phút nào là không có linh mục và giáo dân cử hành bí tích Tình Yêu.

Người đã yêu thương họ đến cùng. Yêu thương đến cùng Chúa Giêsu đã sống cho tình yêu trong suốt cuộc đời dương thế của Ngài. Như thế thì người giáo dân và nhất là các linh mục, suốt đời chỉ sống vì tình yêu và cho tình yêu như Chúa Giêsu : Yêu Chúa và yêu anh em mình. Mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của chúng ta phải cho người ta thấy được điều đó.

Yêu cho đến cùng là chết cho tình yêu như Chúa Kitô: những hy sinh lớn hay nhỏ vì tình yêu trong cuộc sống làm cho chúng ta nên giống Chúa Kitô, Đấng đã chết cho tình yêu.

Vì Yêu cho đến cùng mà Chúa Giêsu đã tự hạ, quì xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, như một người tôi tớ. Nếu vậy thì tình yêu của người linh mục cũng như của giáo dân phải là một tình yêu khiêm tốn, phục vụ và kín đáo : "Anh em hãy rửa chân cho nhau".

Vì muốn yêu cho đến cùng, cho đến tận thế, mà Chúa Giêsu đã lập BT Thánh Thể để ở lại với chúng ta cho đến ngày sau cùng. Vì vậy cho đến hơi thở cuối cùng, người linh mục cũng như kitô hữu phải là người của tình yêu. Vì muốn yêu cho đến cùng mà Chúa Giêsu đã để cho quân lính đâm thâu trái tim, đổ hết giọt máu cuối cùng cho nhân loại. Vì muốn yêu thương đến cùng mà Chúa hằng kêu gọi và kiên trì không mệt mỏi, chờ đợi chúng ta ăn năn thống hối.

Anh em hãy rửa chân cho nhau.

"Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng". Một trong hai dấu chỉ của một tình yêu đích thực là khiêm nhường. Vì thế mà các ĐGH. thường xưng mình là tôi tớ của các tôi tớ của Thiên Chúa. ĐGH Phaolô VI đã bán đấu giá cái mũ triều thiên ba tầng, để nói lên rằng : Giáo Hội không phải là quyền lực nhưng là tôi tớ. Mỗi thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta lặp lại cử chỉ rửa chân, để nói với linh mục cũng như giáo dân rằng họ phải sống yêu thương phục vụ mọi người trong khiêm hạ như Chúa Giêsu: "Anh em hãy rửa chân cho nhau." Trong nghi lễ rửa chân, ngoài nước ra còn có tình yêu, vì chỉ có tình yêu mới rửa được con người, mới đổi mới được con người . Anh em hãy rửa chân cho nhau;

Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em : Đó là tất cả ý nghĩa của Bữa tiệc Ly, và đó cũng là những đòi hỏi của Phúc Âm, lời mời gọi của Chúa Giêsu gởi đến mỗi một chúng ta trong thánh lễ nầy.

Ý nghĩa cuộc đời.

Sau một thời gian dài phục vụ sân khấu, anh hề già về hưu và sống cô đơn. Không ai nghĩ đến anh và viếng thăm anh. Anh buồn vì cô đơn thì ít, mà vì thấy cuộc sống bây giờ vô nghĩa thì nhiều. Bỗng anh gặp một vũ nữ cũng hết thời, về già, cũng đang sống cô đơn như anh. Anh dùng hết tài sản, sức lực cũng như trí óc để nâng đỡ người vũ nữ bất hạnh nầy. Rốt cuộc người đàn bà nầy thành công trong xã hội : danh vọng cũng như tiền tài. Nhưng éo le thay, người đàn bà kia một khi đã có danh vọng và tiền tài, lại không mảy may đoái hoài đến anh hề già nầy, vị ân nhân của bà. Anh hề lại phải sống cô đơn nghèo khổ hơn trước; cuối cùng anh chết vì bệnh tật trong cô đơn.

Nhưng trước khi chết, anh nở một nụ cười hài lòng, vì đời anh đã có ý nghĩa, anh đã đem lại được hạnh phúc và niềm vui cho kẻ khác.

2. NMS/51 : YÊU THƯƠNG

Trong một ngôi nhà thờ cổ, người ta có tạc một số bức tượng vào tường, vừa sinh động lại vừa rấy ý nghĩa. Bức thứ nhất tạc hình một vị Giáo hoàng oai nghiêm với dòng chữ : Ta là người dạy dỗ các ngươi. Bức thứ hai là hình một vị vua uy nghi với dòng chữ : Ta là người cai trị các ngươi. Bức thứ ba là hình một vị tướng với gươm tuốt trần với dòng chữ : Ta là người bảo vệ các ngươi. Bức thứ tư là hình một bác nông dân đang cày ruộng với dòng chữ : Ta là người nuôi sống các ngươi. Sau cùng, người ta tạc hình một thằng quỉ đen đang cười nham nhở và đe dọa với dòng chữ : Chính ta là người lấy mạng sống các ngươi nếu các ngươi không làm tròn bổn phận.

Chiều hôm nay, chúng ta được chứng kiến tận mắt không phải như một bức tranh chết cứng, cũng không phải những bức tượng câm nín, mà là một hoạt cảnh sống động diễn lại những việc làm và lời nói của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly. Không cần phải ghi thành chữ, nhưng diễn tiến của hoạt cảnh này muốn nói với chúng ta rằng : Ngài là Đấng phục vụ chúng ta.

Thực vậy, tinh thần phục vụ không phải chỉ là một bổn phận, mà còn là lòng nhiệt thành tự nguyện xả thân vì những mục đích cao cả. Đây chính là cái tinh túy mà Chúa đã làm gương qua việc rửa chân cho các môn đệ. Vậy để có được một tinh thần phục vụ vô vị lợi này chúng ta phải sống như thế nào?

Trước hết là lòng khiêm tốn. Đây chính là yếu tố căn bản của tinh thần phục vụ vì để có thể phục vụ đúng nghĩa, chúng ta phải tự hạ mình xuống mới có khả nặng và cơ hội làm bất cứ việc gì lợi ích cho bất cứ ai mà mình liên đới. Hơn nữa, nhờ lòng khiêm tốn trong lúc phục vụ, chúng ta mới có sự hăng say nhiệt thành, vui tươi và trong sáng để chu toàn bổn phận được. Trái lại, một kẻ hay cạnh khóe, so đo hơn thiệt, tự ái kênh kiệu làm sao có thể yêu mến và nhiệt tâm với Chúa, với tha nhân và với xã hội được. Vì một khi đã không biết nể nang phục tùng thì không thể làm tôi tớ tốt.

Thứ đến là sự hy sinh. Đây cùng là một yếu tố quan trọng trong khi phục vụ. Bởi vì để phục vụ thật sự thì không thể không hy sinh thời giờ, sức khỏe, bản thân và những cái khác. Một khi đã hy sinh thì không còn tính chất vụ lợi, tính tóan nhỏ nhen. Hơn nữa để có thể chu toàn trách nhiệm cách tốt đẹp thì đương nhiên đòi hỏi người thi hành phải chịu khó, cố gắng và kiên trì  làm việc mới mong phục vụ thành công. Vì thế, không có hy sinh thì cũng chẳng có phục vụ đúng nghĩa.

Sau cùng là lòng yêu mến. Phải nhận rằng đây chính là yếu tố chủ chốt nhất. Thực vậy, làm sao chúng ta có thể hạ mình xuống để chu toàn nhưng bổn phận âm thầm nếu không có lòng mến Chúa và yêu người thiết tha. Làm sao chúng ta dám hy sinh giúp đỡ người khác nếu không có một tình thương cao cả ? Đồng thời chính lòng yêu mến này sẽ biến đổi những công việc nhỏ bé tầm thường của chúng ta trở thành công nghiệp và có giá trị trước mặt Chúa.

3. ASTY/95 : YÊU THƯƠNG

Sellahuk là một cô giáo người Canada tình nguyện làm việc với mẹ Têrêxa Calcutta để giúp những người nghèo tại Ấn độ. Ngày kia cô được yêu cầu tắm cho một người đàn bà ghẻ lở. Cô rùng mình ghê tởm, nhưng rồi cô nhớ lại lời Mẹ Têrêxa đã nói : “Khi con đụng chạm đến người nghèo là con đụng chạm đến chính Chúa Giêsu”. Lúc đó cô nhìn người đàn bà bằng cặp mắt đức tin và không còn thấy khó khăn khi tắm rửa cho người đàn bà ghẻ chốc ấy nữa. Tôi hiểu câu đó bằng cặp mắt đức tin như thế nào ? Làm sao tôi học thấy bằng cặp mắt đức tin ? Xin thưa : Chỉ khi nào chúng ta thấy Đấng vô hình, chúng ta mới học làm những chuyện không có thể được.

Như chúng ta đã biết, giữa nói và làm đôi khi có một khoảng cách không vượt qua được. Nói rằng mình kính mến Chúa thì dễ, nhưng khi chúng ta thể hiện cụ thể tình yêu đó thì quả thật là khó. Nở một nụ cười tha thứ cho kẻ vừa mới xúc phạm đến mình, cúi xuống lượm một cọng rác người bạn ném bừa bãi trong lớp học, hay giúp đỡ người bị ghẻ lở đầy mình kia đi tắm, hoạc săn sóc ho một bệnh nhân khó tính…Tất cả đều là những thách thức đối với tình yêu và lòng nhân đạo đích thực của người môn đệ Chúa Giêsu. Thánh Giacôbê đã lưu ý chúng ta : nếu ai nói mình có đức tin song không làm việc theo đức tin thì có ích gì ? Giả như anh chị em nào không có quần áo mặc và thiếu những của ăn hằng ngày mà nói với họ rằng : hãy đi về bình an, hãy sưởi cho ấm, hãy ăn cho no. Nhưng chẳng giúp đỡ những sự cần thiết về phần xác thì nào ích chi. Đức tin cũng vậy, đức tin không có việc làm là đức tin chết.

Thánh Giacôbê nhắc đến sự cần thiết của việc làm cụ thể để minh chứng cho đức tin. Lòng tin phải được thể hiện qua việc làm. Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em cũng cần phải được rõ ràng trong việc làm, nhưng để đạt tới mức độ thực hành đức tin đó, thì lòng yêu mến phải khá mạnh thì mới có thể đủ sức thôi thúc chúng ta hành động. Để nhận thấy Chúa hiện diện trong anh chị em, chúng ta rất cần đến ơn Chúa trợ giúp thì mới có thể đạt đến mức độ siêu nhiên này.

Lạy Chúa, chúng con cần sự trợ giúp của ơn Chúa để được thanh luyện và lớn lên trong đức tin và trong tình thương. Đặc biệt hôm nay thứ năm tuần thánh, ngày Chúa thiết lập bí tích Tình yêu.

Xin soi sáng và nâng đỡ chúng con thì hành tốt đẹp mệnh lệnh sống yêu thương của Chúa, như lời Chúa đã phán : Thày ban cho chúng con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Và : người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con hãy yêu thương nhau.

4. 00/257 : THÁNH THỂ

Theo một tài liệu soạn thảo hồi  thế kỷ 17, thì khoảng năm 750, tại tu viện thánh Basiliô, nay nổi tiếng thành tu viện thánh Phanxicô, một linh mục nọ mặc dù rất thông thái, nhưng không có lòng tin mạnh mẽ. Càng ngày ông càng lún sâu vào sự nghi ngờ đối với các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Ông nghi ngờ bánh và rượu được truyền phép không thực sự là Mình và Máu Chúa Kitô. Tuy vậy, ông vẫn trung thành với việc cầu nguyện và xin Chúa cất đi sự nghi ngờ khỏi tâm hồn mình.

Một buổi sáng nọ, sau khi đọc lời truyền phép, ông dừng lại và chìm đắm trong nghi ngờ. Bỗng chốc, ông thấy bánh và rượu trở thành mình và máu người. Bao nhiêu nghi ngờ tan biến, và trong cơn xúc động, vị linh mục thốt lên : “Anh chị em thật có phúc ! Để đánh tan lòng cứng của tôi, Chúa đã tỏ bày trong bí tích cực thánh này, và một cách nhãn tiền tiền trước mắt anh chị em. Nào ta hãy đến chiêm ngắm Thiên Chúa hiện diện bên cạnh chúng ta, đây là Mình Máu Chúa Giêsu chí ái của chúng ta”. Từ đó, trải qua mười hai thế kỷ, Thịt Máu Chúa Giêsu đã được cất giữ, mà không hề chịu bất cứ sự hủy hoại nào của thời gian.

Hôm nay, thứ năm Tuần thánh, chúng ta đặc biệt quì trước Thánh Thể Chúa, đôi mắt chúng ta không thấy gì ngoài tấm bánh và chén rượu. Không phải mọi người đều được chứng kiến phép lạ Thánh Thể như vị linh mục trên đây. Có lẽ chúng ta sẽ chết vì sợ hãi, nếu mỗi ngày phép lạ Thánh Thể được diễn ra trước mắt chúng ta. Thiên Chúa như như muốn dấu ẩn, để chúng ta khám phá ra Ngài với những phương tiện và khả năng của chúng ta. Trong cái mầu nhiệm đức tin cũng thế, Ngài ẩn dấu để nuôi dưỡng lòng tin của chúng ta.

Ta hãy lấy đức tin bù lại. Xin Chúa củng cố đức tin của chúng ta, để dù giác quan không cảm nhận được sự hiện diện và tác động của Chúa, chúng ta vẫn luôn nhận ra phép lạ mà Ngài muốn thực hiện trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta.

5. Lm An tôn Trần Thế Phiệt, DCCT

Bài Giảng Lễ

Chiều nay Hội thánh chúng ta tưởng niệm bữa Tiệc ly của Chúa. Trong bữa Tiệc ly này Chúa thực hiện bốn việc :

Một là cùng với dân tộc mình, Ngài nhắc nhớ lại cuộc Vượt qua ngày xưa. / Hai là rửa chân cho các tông đồ. / Ba là lập Phép Thánh Thể. / Bốn là nghĩ đến cuộc vượt qua mới mà Ngài sắp thực hiện.

Dựa vào những hành vi và những tâm tình Đức Giêsu trong bữa Tiệc ly này :

I. Trước hết ta nghĩ đến sự độc ác của Pharaon, vua Ai cập: Sau khi Giuse, con tổ phụ Giacóp qua đời mấy trăm năm, các vua Pharaon mới, nhận thấy dân Do thái ngày một đông và mạnh hơn, đã sợ họ nổi loạn, nên thực hiện ý đồ làm suy yếu họ và tiêu diệt họ, bằng cách bắt người lớn làm việc cực khổ, hành hạ, đánh đập họ, nhất là bắt giết mọi trẻ nam sơ sinh của họ, để dần dần đồng hóa họ. Dân Do thái rơi vào một tình cảnh vô cùng đen tối thảm thương, chỉ còn biết khòm lưng khuất phục và ước mơ một cuộc đổi đời nhiệm lạ. Chính sách hà khắc của Pharaon phơi bày tâm địa độc ác, vô nhân mà một cá nhân, hoặc một tập thể có thể có đối với đồng loại. Tâm địa đó là điều khiến con người xấu ác hơn cả loài vật và là điều đáng xấu hổ.

II. Thế nhưng khi ngồi ăn lần cuối với các tông đồ, Đức Giêsu còn nghĩ đến hai chuyện khác quan trọng hơn : Đó là sự độc ác của vua Pharaon là hình ảnh sự thâm độc của thế gian, và cuộc vượt qua ngày xưa là hình ảnh cuộc vượt qua mà Ngài sắp thực hiện.

1. Tuy vua Pharaon tàn nhẫn, nhưng vua ấy chỉ làm khổ và giết hại được thân xác con người mà thôi, trong khi tội thế gian có thể làm hại tâm hồn và cả linh hồn con người. Bởi vì do những quan niệm, những chủ trương, những tiêu cực của thế gian, của xã hội như ta thấy ở mọi thời.

+ tâm hồn con người có thể trở nên rất hẹp hòi, ích kỷ, chẳng những với đồng loại mà còn với chính Thiên Chúa.

+ đồng thời linh hồn con ngươi có thể bị hư đi đời đời vị ghì giữ, bị tù hãm về mặt siêu nhiên: Khi thế gian tìm cách khai trừ Thiên Chúa, tấn công và làm sụp đổ các giá trị thiêng liêng, tìm cách đưa lối sống và những hấp dẫn của nó để thay thế và đè bẹp những khuynh hướng thanh cao nơi con người. Bằng nhiều thứ mật ngọt chết ruồi, đúng là thế gian đã đồng hoá nhiều linh hồn, đã dụ nhiều linh hồn vào chốn tù đầy và nguy kịch về măt siêu nhiên, và ở mọi thời, thế gian cho thấy tội thế gian luôn luôn tung hoành, lan tràn và tác hại mãnh liệt.

2. Đức Giêsu biết rõ điều đó và tâm trí ngài rạo rực hướng đến thời điểm Ngài thực hiệc cuộc vượt qua mới, để giải thoát nhân loại khỏi tội thế gian và ảnh hưởng độc hại của nó. Chính là qua các hành vi, thái độ của mình trong bữa Tiệc ly, Ngài bắt đầu thực hiệc cuộc vượt qua ấy.

+ trước hết bằng cách đem tinh thần Nước trời đến chống lại và tiêu diệt tinh thần thế gian : Trong khi thế gian tạo ra những con người ích kỷ, độc ác, thì Ngài chứng tỏ một tâm hồn khiêm nhường, bỏ mình, hiến thân một cách đáng ngạc nhiên và quá mọi ngờ tưởng - trong khi con người khép kín vào mình và chỉ lo đề cao mình thì Ngài thực sự mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

+ rồi Ngài thực hiệc cuộc Vượt qua mới bằng cách nêu gương khiêm nhường và bỏ mình qua việc rửa chân cho các tông đồ - cũng như bằng cách ban sức thiêng qua bí tích Thánh Thể, để chúng ta có khả năng nên giống như Ngài.

Vậy tuy âm thầm diễn ra trong một căn phòng bé nhỏ, bữa tiệc ly của Chúa đã trở thành thời điểm thay đổi kiếp người, đánh dấu lúc khai trương kỷ nguyên mới, với tinh thần sống đối chọi hẳn với tinh thần thế gian. Như đoàn người Do thái trong đất Ai cập vào thời Pharaon, chúng ta đang được mời gọi đi theo Đức Giêsu là Môisê mới và có mặt trong đoàn người ra khỏi thế gian, mỗi người chúng ta có chấp nhận lời mời gọi ấy không, có để cho mình được giải thoát, bằng cách bắt chước tinh thần sống của Đức Giêsu và thể hiện trong đời sống hôm nay của mình những thái độ Ngài chứng tỏ khi lập bí tích Thánh Thể và khi cúi xuống rửa chân  cho các tông đồ hay không ?

Bài đọc lúc chầu cuối lễ

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

+ Ngày xưa, cũng vào tối thứ năm như hôm nay, các sự kiện diễn ra ở Giêrusalem theo hai hướng và những người trong cuộc, những người trải qua các sự kiện ấy, chia ra thành hai bên.

- một bên là các đối thủ của Chúa: sau khi cấu kết với Giuđa và bắt được Chúa, họ khoái trá vì mưu đồ đã thành công, họ ngạo mạn trong uy thế vừa được củng cố của mình, họ thẳng tay và hùa tập vùi dập một kẻ mà họ từng coi như cái gai cần phải nhổ, và vào chính hôm nhắc nhớ lại biến cố vượt qua ngày xưa, vào chính hôm toàn dân ý thức tình thương của Giavê và diễm phúc của mình trong tâm tình biết ơn và ca ngợi, họ lại đang hoàn toàn sống ngược với tư cách của những ngừơi thuộc dân riêng của Giavê: Bởi vì họ đang chà đạp tình Người, xúm lại áp bức một cá nhân thất thế cô độc .

- bởi vì họ đang đề cao cái tôi, bất chấp phẩm giá của tha nhân cần được tôn trọng và họ điên cuồng củng cố uy tín, ảnh hưởng quyền lợi của bản thân, không nghĩ gì đến Thiên Chúa và ý nghĩa sâu sắc của ngày lễ.

- Và bên thứ hai là những tông đồ và môn đệ đang thất vọng và run sợ của Chúa, nhất là chính Chúa, đấng đối chọi hẳn với các đối thủ của mình. Bởi vì Chúa đang sống đúng tâm tình của một người thuộc dân được chọn của Giavê: Biết ơn Giavê, đem cố gắng và cả mạng sống mình thể hiện điều Thiên Chúa chờ mong nơi mình. Bởi vì Chúa không ích kỷ mà hoàn toàn hiến thân. Chính trong đêm này ngày xưa, Chúa quyết định thí thân vì nhân loại. Chính nơi bí tích Thánh Thể, Chúa thiết lập trong đêm này ngày xưa, Chúa đã ban Mình Máu Chúa cho con người, đi ngược lại tinh thần kích kỷ, hẹp hòi của thế gian và thay đổi, diệt trừ tinh thần thế gian ấy.

+ Giờ đây, quỳ trước mặt Chúa, tất cả chúng con tôn kính Chúa, biết ơn Chúa và ngợi khen Chúa. Chúng con xin chân thành kết hợp với những tâm tình quảng đại của Chúa trong đêm Chúa bị bắt và đi vào cuộc thương khó.

Đứng hát bài " Lạy cha, nếu có thể"

II. Một số lời nguyện

1. Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc khổ nạn của Chúa, tội của thế gian lộ rõ với nhiều hình thức ghê tởm của nó - Xin cho Hội thánh và chúng con vừa được che chở khỏi sự lây nhiễm và tác hại của nó, vừa trở nên môi trường sống động giữ gìn và phát huy tinh thần tốt lành thánh thiện của Chúa, để góp phần lành mạnh hoá và thánh hoá thế gian. Xin cho chúng con gắn bó mất thiết với Chúa, qua việc hướng lòng về Chúa, có những giờ phút sốt sắng cầu nguyện và suy niệm lời Chúa, để vừa nhận được sự khôn ngoan và nhiều ơn thiêng giúp mình thắng vượt ảnh hưởng của thế gian, vừa ngày càng hiểu biết và thấm nhuần tinh thần sống của Chúa.

Hát ĐK bài" Thày yêu chúng con" và Tiểu khúc đầu.

2. Lạy Chúa Giêsu, bí tích Thánh Thể thực là Bí tích cao cả và quý báu: vì bí tích này thể hiện mọi mặc khải cao qúy về Chúa, hiện tại hóa sự có mặt của Chúa giữa nhân loại và là Bí tích trung tâm trong Đạo. Chúng con hết lòng cảm tạ và ngợi khen Chúa vì Bí tích này. Xin cho mọi thành phần trong Hội thánh biết quý chuộng Bí tích này, năng đến với Bí tích này, để gặp gỡ Chúa một cách đích thân tuy mắt phàm không trông thấy và để tâm hồn luôn được bình an, sáng soi, nâng đỡ - dù đó là trường hợp của các linh mục dễ phải chạm chán với nhiều cam go thử thách trong sứ mạng mục tử, hoặc đó là trường hợp các tu sĩ hay giáo dân đang phải liên lỉ chống chọi với nhiều chi phối và lôi kéo của tinh thần thế tục

Hát Tiểu khúc "Này hỡi đoàn con…..và Điệp khúc

3. Lạy Chúa Giêsu, Qua hành vi cúi xuống rửa chân cho các tông đồ và qua lời đoc trên tấm bánh và chén rượu trong bữa Tiệc ly, Chúa đã diễn tả sự tự huỷ và thí thân của mình và để lại tấm gương về tình mến tột cùng. Xin cho chúng con hằng nhớ mình đã được cứu chuộc bằng sự thí thân của chính Chúa, mình đã là môn đệ của một vị thày yêu mến đến mức độ tuyệt đối. Xin cho trái tim chúng con đón nhận được tình mến của Chúa và đời sống, thái độ của chúng con chứng minh cho mọi người thấy rằng chúng con thuộc về một nền văn minh mới, nền văn minh của tình mến, và thấy rằng chúng con đang cố gắng vượt lên trên mọi sư  ích kỷ, hẹp hỏi, mọi bất công, thù oán khi cư xử với tha nhân.

Hát khúc "Yêu nhau chính là giới răn…" và Điệp khúc

8. LS/325- RỬA CHÂN

Sellahuk là một giáo sư người Canada; trong một buổi chiều mùa hè, Sellahuk làm việc thiện nguyện với mẹ Têrêxa Calcutta để giúp người nghèo ở Ấn độ. Ngày kia cô được nhờ tắm cho một người đàn bà đầy ghẻ lở, cô rùng mình ghê tởm việc đó, nhưng rồi cô nhớ lại lời mẹ Têrêxa nói : “Khi con đụng chạm đến người nghèo là con đụng chạm đến chính Chúa Giêsu”. Lúc đó Sellahuk vực người đàn bà bằng cặp mắt đức tin và nàng không còn thấy khó khăn khi tắm rửa cho người đàn bà ghẻ chốc đó nữa. Tôi hiểu câu đó bằng cặp mắt đức tin như thế nào ? Làm thế nào tôi học thấy bằng cặp mắt đức tin ? Helgel có nói : “Chỉ khi chúng ta thấy Đấng vô hình, chúng ta sẽ học làm những chuyện không có thể được”.

Giữa nói và làm đôi khi có một khoảng cách không vượt qua được. Nói rằng mình yêu mến Chúa thì dễ, nhưng khi ta thể hiện cụ thể tình yêu đó thì quả thật là khó. Nở một nụ cười tha thứ cho một người vừa xúc phạm đến mình, cúi mình lượm cọng rác người bạn vừa ném bừa bãi trong lớp học, hay giúp người bị ghẻ lở đầy mình kia đi tắm, hoặc săn sóc cho một bệnh nhân khó tính. Tất cả đều là những thách thức với tình yêu và lòng đạo đức đích thực của người đồ đệ Chúa Giêsu.

Thánh Giacôbê đã lưu ý đến các tín hữu của ngài như sau : ”Thưa anh em, nếu ai nói mình có đức tin song không làm việc theo đức tin thì có ích gì không ? Giả như có anh chị em nào không có quần áo mặc và thiếu của ăn hàng ngày mà nói với người ấy rằng : Hãy đi về bình an, hãy sưởi cho ấm, hãy ăn cho no nhưng chẳng chịu giúp đỡ những sự cần thiết về phần xác thì nào ích chi. Đức tin cũng vậy, đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Thánh Giacôbê nhắc đến sự cần thiết của việc làm cụ thể để minh chứng cho đức tin. Lòng tin phải được thể hiện qua việc làm. Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em cũng cần phải được rõ ràng trong việc làm, nhưng để đạt đến mức độ thực hành thì đức tin đó, lòng yêu mến đó phải khá mạnh thì mới có thể đủ sức thôi thúc chúng ta hành động. Cần thấy Chúa hiện diện trong anh chị em và chúng ta rất cần đến ơn Chúa trợ giúp để có thể đạt đến mức độ siêu nhiên này.

Lạy Chúa, chúng con cần sự trợ giúp của ân sủng Chúa để được thanh luyện và lớn lên trong đức tin và tình thương, đặc biệt hôm nay, thứ năm Tuần thánh này, ngày Chúa thiết lập Bí tích Tình yêu. Xin soi sáng và nâng đỡ chúng con thi hành tốt đẹp mệnh lệnh sống yêu thương của Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết siêng năng đến với Chúa trong Bí tích Thánh thể để có đủ sức mạnh mà thực hiện những điều đẹp ý Chúa, đó là thực thi giới luật mến Chúa và yêu thương anh em. Không Thầy chúng con không thể làm gì được, không nhờ Chúa trợ giúp chúng con không thể sống giới răn của Chúa như Chúa đã nêu gương cho chúng con.

6. STM 91- ĐIÊN DẠI CỦA TÌNH YÊU

Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu và đi sâu vào tâm tình của Chúa trong giây phút quan trọng này. Hai đặc điểm quan trọng được nêu bật nơi đây :

Chúa Giêsu là Vì Thiên Chúa Nhập Thể làm người như chúng ta. Là con người, Chúa Giêsu xúc động mạnh mẽ, tâm hồn xao xuyến sâu xa. Trước cuộc thương khó sắp trải qua, trước sự không hiểu và sắp phản bội của các môn đệ, Giuđa phản bội, Phêrô chối Chúa. Là Vì Thiên Chúa, Chúa Giêsu ý thức rõ ràng điều sắp xảy ra cho Mình mà gọi đó là việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ tử nạn là giờ Thiên Chúa Cha được tôn vinh. Chính Chúa được tôn vinh và con người cũng được tôn vinh, được hòa giải với Thiên Chúa, được lãnh nhận sự sống đời đời. Thiên Chúa Cha được tôn vinh qua cái chết của Chúa Giêsu Kitô, con người được tôn vinh qua thập giá của Chúa Giêsu Kitô.

Chúa ý thức rõ ràng về chương trình của Thiên Chúa Cha muốn thực hiện, Chúa Giêsu muốn thực hiện điều đó một cách hoàn hảo và đồng thời ý thức rõ ràng điều tệ hại mà các môn đệ của Ngài đang liều mình sa vào, đó là Giuđa sắp phản bội và Phêrô sắp chối bỏ Ngài nên Chúa xao xuyến sâu xa. Tuy nhiên, tội lỗi của con người không làm hư chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Đến tận cùng Chúa làm những gì có thể làm được để thức tỉnh người tội lỗi, Chúa hành sử nơi mỗi người một cách khác nhau, ngấm ngầm âm thầm với Giuđa, công khai với Phêrô, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là quyết định tự do của con người. Giuđa mở tâm hồn đón nhận Satan và từ bỏ ánh sáng mà bước vào cõi tăm tối, Giuđa tự ý thức bước vào trong tối tăm và càng ngày càng lún sâu vào đó cho đến tuyệt vọng, đến nỗi trong tâm hồn ấy không còn có chút tình yêu nào đối với Chúa nữa. Phêrô cũng sẽ sa ngã, nhưng tình yêu Chúa nơi ông giúp ông ăn năn trở lại.

Lạy Chúa, xin giúp con trở về cùng Chúa, đừng bao giờ để con thất vọng vì những lỗi lầm đã phạm, nhưng biết học sống bài học của sự sa ngã để trở về với Chúa luôn mãi.

Giuse Đinh Quỳnh Điệp

Thứ 5 Tuần Thánh

Ga 13, 1-15

Kính thưa cộng đoàn, Thánh Gioan đã cho chúng ta biết Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã sai Con Một của Ngài vào thế gian không phải để lên án mà để cứu độ. Với tình yêu đó, Đức Giêsu đã hứa với chúng ta “Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). giờ đây, tôi xin chia sẻ với quý ông bà anh chị em tinh thần yêu thương và phục vụ của Chúa Giêsu và các môn đệ trong buổi tối tiệc ly, trước khi Chúa Giêsu hoàn thành sứ vụ của Ngài tại trần gian để về cùng Chúa Cha.

Kính thưa cộng đoàn, Bài phúc âm chúng ta vừa nghe, ta thấy Chúa Giêsu lấy nước đi rửa chân cho các môn đệ, khiến mọi người phải ngỡ ngàng. Chính thánh Phêrô phải thốt lên : “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?”.

  Theo tập tục của người Do Thái thì chỉ có nô lệ, đầy tớ rửa chân cho chủ nhà, chứ không hề có hành động ngược lại ; thế mà ở đây chúng ta nhận thấy chính Đức Kytô – Ngài là Chúa trên các chúa, Vua trên các vua, thế mà Ngài lại thể hiện một việc làm mà từ xưa đến nay chưa có ai trên thế giới này làm bao giờ. Đó là cúi xuống, tự hạ mình rửa chân cho tôi tớ của mình. Chính Ngài đã nói : “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’ điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,13.14). Cử chỉ rửa chân là cử chỉ phàm hèn nhất mà một người đầy tớ làm cho ông chủ. Thế mà Chúa chúng ta lại quỳ xuống rửa chân cho những học trò- những người có thể nói được là lắm tội và cũng nhiều tật. Chúng ta có thể thấy trong số những Tông đồ đi theo Chúa, được Chúa chăm lo, được Chúa yêu thương dạy dỗ bất kể họ là ai, dù Ngài vẫn biết trong số đó có những kẻ bất toàn, phản bội; ấy thế mà thay vì lên án, chỉ trích họ, Chúa Giêsu lại quỳ gối rửa chân cho  họ.

Ngài đã rửa chân cho một Phêrô chối Thầy, rửa chân cho một Giuda bán Thầy, rửa chân cho những tông đồ nhát đảm chạy trốn Thầy. Ở trên đời này không một ai lại hạ mình trước một người nếu người đó không phải là một người quyền hành, giàu sang…Hạ mình trước một người quyền thế để mong được một ân huệ nào đó, chung quy lại, hạ mình dưới con mắt trần thế, là để kiếm cho mình một mối lợi nào đấy. Trái lại, cử chỉ hạ mình của Chúa Giêsu mà ngày hôm nay chúng ta được chiêm ngưỡng không theo cách lý giải của người đời, mà là theo cách của một vì Thiên Chúa đầy yêu thương và phục vụ. Ngài quỳ gối rửa chân cho các tông đồ, hôn chân các tông đồ thì Chúa Giêsu được cái gì ? Chúa không được cái gì cả.

Kính thưa cộng đoàn ! Để minh chứng cho tình yêu và sự phục vụ của Thiên Chúa, chính Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể để phục vụ, để nuôi sống cho con người. Trong cuộc sống, chúng ta thấy, cái trân quý nhất giữa người với người không phải là của cải, là địa vị, là danh lợi … mà là chính tình yêu. Cũng vậy, Chúa  đã trao ban cho chúng ta cái quý nhất đó  chính là trái tim, là tình yêu của Người. Hơn thế nữa, Ngài lại trao ban chính Thịt Máu Ngài để nuôi sống con người phàm hèn của chúng ta- một hành vi trao ban độc nhất nhất vô nhị trên trái đất này. Hãy xem đó thì biết được lòng Chúa yêu thương chúng ta biết là chừng nào, hãy xem đó thì biết được tội nặng của chúng ta là chừng nào.

  Chúa Giêsu trở thành một người đầy tớ rửa chân cho chúng ta, và giờ đây Chúa Giêsu còn trở thành của ăn cho chúng ta “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta người ấy mới có sự sống đời đời”. Quả thật, Chúa yêu thương ta đến nổi không có gì Ngài lại không làm cho chúng ta. Chúa chỉ muốn nói cho chúng ta biết là Ngài yêu thương chúng ta và yêu thương cho đến cùng; yêu thương cho đến nỗi biến thành của ăn, yêu thương cho đến nỗi trở thành vật hy sinh để cho Giuda lấy làm một món hàng bán 30 đồng bạc.

Tôi thiết nghĩ tình yêu chỉ có thể đến thế mà thôi, không còn cách nào để có thể cho thêm được nữa. Xin Chúa ban Thánh Thần Chúa cho chúng ta để chúng ta hiểu được tình yêu Chúa và xin Chúa cho chúng ta học được bài học tình yêu và phục  vụ trong ngày Lễ Tiệc ly hôm nay để từ đó chúng ta có sức mạnh, có tình yêu của Chúa để phục vụ Giáo hội, phục vụ tha nhân.

Lm. Giu-se NGUYỄN HƯNG LỢI, DCCT

TÌNH YÊU

Chiều hôm nay đưa nhân loại về biến cố có một không hai trong lịch sử cứu độ : thánh lễ tiệc ly. Nhân loại cách đây 2003 năm đã chứng kiến một sự việc hết sức ấn tượng, một buổi dặn dò hết sức thân mật giữa Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài. Trong buổi tiệc ly Chúa Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể, đã để lại chức Linh Mục Thừa Tác và đã ban cho mọi người giới luật yêu thương. Trong bữa tiệc ly hôm nay, tôi muốn mời mọi người đi vào những cảm nghĩ của người Kơho để nghiệm ra tình thương Thiên Chúa đã trao ban cho mọi người không phân biệt mầu da tiếng nói và dân tộc.

CHÚA GIÊ-SU LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Dân Do-thái ăn lễ vượt qua. Đây là ngày lễ trọng nhất của người Do-thái, lễ kỷ niệm lại ngày Chúa cứu dân Do-thái ra khỏi ách nô lệ người Ai-cập. Trong nghi lễ này, dân Do-thái theo tập tục, truyền thống của cha ông chỉ dùng bánh không men, ăn với thịt chiên nướng và rau diếp đắng và uống rượu nho. Người dân tộc Kơho cũng có truyền thống ăn lễ được mùa, trong nghi lễ được mùa cúng Giàng (Yang), người Kơho ăn thịt trâu hay thịt bò nướng, và món ăn được tăng thêm khẩu vị bằng rau nse (một loại rau béo, có chứa mùi vị giống như thịt, giàu chất đạm), uống rượu cần.

Tập tục uống rượu cần không thể thay thế. Lễ vượt qua của người Do-thái được qui định từng chi tiết tỉ mỉ, dân chúng tất cả đều phải tuân giữ cách rất tỉ mỉ, chi tiết. Chúa Giê-su trong dịp này cách đây hơn hai ngàn năm đã dùng Lễ Vượt Qua với các môn đệ theo đúng các nghi thức và tập tục vừa nêu trên. Tuy nhiên trong lễ vượt qua này, đang nửa chừng bữa ăn, Chúa Giê-su trỗi dậy, lấy khăn thắt lưng và lấy chậu đổ nước vào, rồi rửa chân cho các môn đệ, lấy thắt lưng lau chân cho các môn đệ (Ga 13, 4 – 15).

Ở đây, tôi còn nhớ, già làng của người dân tộc là người có uy tín trong làng, là người điều khiển và xử các vụ việc của dân làng trong các nghi lễ lớn như cúng thần, ăn mừng mùa lúa, thường chia sẻ với các dân làng miếng cơm nếp, miếng thịt và uống chung cần rượu với các thần dân của làng mình hay các bạn bè tới dự tiệc. Chúa đã rửa chân cho các môn đệ để dậy cho các ông rằng Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu. Vì thương yêu nhân loại: ”Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình” (Ga 15,13), Chúa Giê-su đã lập Bí Tích Thánh Thể để tất cả những ai ăn một bánh, uống chung một chén phải có lòng yêu thương, hợp nhất vì đã trở nên một thân thể với Chúa Ki-tô và trở nên chi thể của nhau (1 Cr 10, 16-17).

Chúa Giê-su đã lập Bí Tích Thánh Thể khi Ngài sắp đi chịu chết, vào tối thứ năm trong lễ tiệc ly. Tối hôm trước ngày Lễ Vượt Qua (Ga 13,1). Đây là bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê-su với các môn đệ (Lc 22, 5-16). Người dân tộc Kơho khi đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy làm con cái Chúa, con cái Giáo Hội, tới tuổi được rước lễ, họ rất kính mến Bí Tích Thánh Thể và cung kính Mình Thánh Chúa Ki-tô.

CHÚA GIÊ-SU LẬP CHỨC LINH MỤC THỪA TÁC

Trong lễ vượt qua, Chúa Giê-su đã lập Bí Tích Thánh Thể, Ngài muốn có những bàn tay thừa kế công trình cứu độ của Ngài. Khi lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su đã phán cùng các môn đệ: ”Anh em hãy làm sự này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Do những lời của Chúa, Chúa đã phong chức Linh Mục cho các môn đệ, và ban cho các Ngài quyền cử hành Bí Tích Thánh Thể, và dâng thánh lễ. Cho nên, trong Hội Thánh chỉ những ai được phong chức Linh Mục mới có quyền cử hành Bí Tích Thánh Thể.

Ngày nay, Đức Giám Mục khi phong chức Linh Mục cho tiến chức nào, khi Đức Giám Mục xức dầu thánh trên bàn tay của vị tân chức, Ngài nói: ”Xin Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng mà Chúa Cha đã xức dầu bằng sức mạnh và Chúa Thánh Thần, gìn giữ con để thánh hóa Giáo Dân và hiến dâng lễ tế lên Thiên Chúa”. Đồng thời, khi Đức Giám Mục trao dĩa có bánh thánh và chén rượu vào tay mỗi vị tân chức, Ngài nói: ”Con hãy nhận lấy lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa”. Khi đọc những lời đó, Đức Giám Mục ban quyền cử hành Bí tích Thánh Thể cho tân chức, để dâng lễ tế lên Thiên Chúa cho toàn dân.

Do Bí Tích Truyền Chức Thánh, các Linh Mục có quyền cử hành Bí Tích Thánh Thể và dâng lễ thay mặt dân Chúa. Trong buôn làng của người dân tộc, xưa kia các già làng là những người thay mặt dân cúng tế xin các Giàng ơn này ơn kia cho dân làng. Người dân tộc Kơho vẫn hãnh diện vì ông tổ (pàng yău) của họ là Xơrơđen, có mẹ là mặt trời, xuất thân từ thần mặt trời, nên Xơrơđen rất gần gũi với các thần khác và là vị thần lớn hơn các thần khác. Mọi người dân làng phải nhớ tới ông tổ của họ. Ngày nay khi theo Chúa, họ yêu mến các Linh Mục ( Bàp ).

CHÚA BAN CHO NHÂN LOẠI GIỚI RĂN MỚI

Trong nghi lễ chiều thứ năm thánh, Chúa Giê-su cũng dạy các môn đệ và cả nhân loại giới răn mới: ”Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chúa Giê-su đã nhấn mạnh đến lề luật bác ái: ”Mến Chúa yêu người” (Ga 13, 34; 13, 35). Luật bác ái của Chúa Giê-su không thu hẹp như người Do-thái quan niệm, nhưng phải mở rộng ra để đón nhận mọi người, kể cả những kẻ thù ghét ta (Mt 5, 43-48). Chính Chúa Giê-su đã làm gương cho nhân loại về giới luật yêu thương (Lc 23, 34).

Yêu người sẽ gặp Chúa và yêu Chúa sẽ gặp người. Đây là giới luật hết sức mới và có tính cách mạng. Người dân tộc Kơho có tập tục rất hay là gặp ai họ cũng thích bắt tay và nói chúc sức khỏe tốt (dơs niăm să). Tôi nghĩ đây là nét rất đặc biệt của người dân tộc vì họ coi mọi người như anh em (oh mi), dù rằng chỉ với cái bắt tay, cái chào rất dân dã nhưng nó nói lên tình huynh đệ và sự sống gần gũi thiên nhiên, rừng rú của người dân tộc.

Trong chiều thứ năm này, mọi người chúng ta như đang đứng trước một Con người, đã sống cách ta hơn hai ngàn năm, nhưng Ngài : Chúa Giê-su đang làm lại những cử chỉ, những công việc hết sức sống động: lập Bí Tích Thánh Thể, trao ban chức Linh Mục và trao ban luật mới: Luật Yêu Thương. Chúng ta hãy chiêm ngắm, hãy sống những biến cố này với tất cả Đức Tin của mình.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết đi vào những biến cố thánh với tất cả Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến của chúng con.

Lm. TRẦN THẾ PHIỆT, DCCT, Giáo Phận Đà Lạt

CUỘC VƯỢT QUA MỚI

 Cùng với gia đình, họ hàng và cả dân tộc mình, Đức Giê-su đã nhiều lần mừng Lễ Vượt Qua.

I. TƯỞNG NIỆM CUỘC VƯỢT QUA NGÀY XƯA

Cũng như nhiều người đồng hương của mình, vào mỗi dịp lễ ấy, Ngài lại được nghe bậc cha anh ôn nhắc hoặc chính mình nhớ đến tình thương đặc biệt của Gia-vê trong biến cố Vuợt qua ngày xưa. Cũng như họ, Ngài sâu xa xúc động trước sự dấn thân tận tình của Gia-vê, trước sự can thiệp bằng quyền năng phi thường và biết bao dấu lạ điềm thiêng của Người. Tất cả mọi thế hệ trong dân tộc Ngài đều say mê, không biết chán, khi nghe kể lại các việc lạ lùng Thiên Chúa thực hiện và các tai ương Gia-vê giáng xuống dân Ai-cập. Quá khứ như sống lại. Sự chào đời của dân tộc họ như vừa mới xảy ra, thậm chí như đang xảy ra. Họ sống lại niềm tin tưửng mãnh liệt đối với Gia-vê. Họ cảm nghiệm lại trong xương trong thịt mình niềm tự hào của một dân tộc được Gia-vê yêu riêng. Họ xác tín mình là dân tộc duy nhất có diễm phúc lớn lao và không một dân tộc nào khác được gần Gia-vê như họ.

II. HƯỚNG ĐẾN CUỘC VƯỢT QUA MỚI

Thế nhưng trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng bên Nhóm Tông Đồ nghĩa thiết, mà chiều nay chúng ta đang tưởng niệm, Đức Giê-su còn mang nặng những tâm tình sâu xa hơn mọi lần trước, sâu xa hơn ngàn trùng. Ngài ý thức dây là thời điểm Đức Chúa Cha thực hiện cuộc Vượt Qua Mới và chính Ngài sẽ là người chính yếu hoàn thành kế hoạch này của Thiên Chúa.

Ngài sắp thực hiện trước mắt các Tông Đồ và thực hiện vì các ông, cho các ông những hành vi mà các ông chưa hiểu hết được: đó là Ngài “trỗi dậy, bỏ áo xống đi, lấy khăn thắt lưng mình, đổ nước vào chậu và rửa chân cho các ông” – đó là Ngài đã “cầm lấy bánh và nói: “Này là Mình Ta”, đã “cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước mới trong Máu Ta”

Phải về sau này các Tông Đồ và Hội Thánh mới ngày càng hiểu thêm những gì đã xảy ra trong bữa Tiệc Ly ấy, và càng hiểu càng kinh ngạc đến rụng rời, càng hiểu càng thấm thía và xúc động.

Bởi vì trong cuộc Vượt Qua xưa kia, như bài đọc một vừa kể lại, tổ tiên họ được lệnh giết một con chiên con, mỗi nhà một con để ăn mà đủ sức lên đường, và để lấy máu nó bôi lên khung cửa nhà mình để được thiên thần vượt qua tha chết cho con đầu lòng. Còn lần này chính Ngài sẽ là con chiên Vượt Qua. chính Ngài vừa là lương thực cho nhân loại, vừa là dấu chỉ và phương cứu sống cho nhân loại.

Lý do thứ hai: bởi vì trong cuộc Vượt Qua xưa kia, Gia-vê đã dấn thân vì Dân và gắn bó với Dân một cách thật đáng cảm kích, nhưng lần này, bằng Mình và Máu Ngài mà con người ăn và uống, chính Con Thiên Chúa còn keo sơn với con người đến mức nên một và không phân lìa với con người nữa. vì Ngài hoà tan trong từng giọt máu của ta, nên một với từng thớ thịt trong ta.

Lý do thứ ba: trong cuộc Vượt Qua xưa kia, có thể nói Gia-vê đã quay cuồng, đã vất vả vì cuộc giải phóng Dân Chúa đã tuyển chọn, đã quên mình vì họ, đã quảng đại một cách lạ lùng, nhưng lần này khi cúi xuống rửa chân cho các Tông Đồ, chính Con Một Thiên Chúa còn chứng tỏ Ngài bỏ mình đến mức nào, Ngài khiêm nhường hầu hạ con người đến tận mức nào nữa.

Đó thật là những điều chúng ta diễn tả cách mấy thì cũng chỉ là mô phỏng lại một cách quá mờ nhạt ( như chuyện cha sở làm nghi thức rửa chân cho một số người trong Giáo Xứ... ), chúng ta có tìm hiểu đến đâu thì cũng không tài nào hiểu hết được ý nghĩa.

III. VƯỢT QUA MỚI, MỘT BIẾN CỐ VĨ ĐẠI:

Chúng ta chỉ có thể nói rằng : tuy khung cảnh bữa Tiệc Ly của Chúa âm thầm đơn sơ như thế, nhưng với bữa tiệc ấy, nhiều điều vô cùng trọng đại đã xảy đến cho nhân loại, bởi vì :

- Đó chính là lúc Thiên Chúa đã thực hiện cuộc Vượt Qua mới, cần thiết và hữu ích cho đời làm người của ta ngàn vạn lần hơn cuộc Vượt Qua cũ.

- Đó chính là lúc Thiên Chúa thể hiện tình thương tột cùng của Người, tình thương hết mức không sao thêm hơn được nữa đối với con người.

- Đó chính là lúc thân phận con người được nâng cao, được quý trọng quá mọi ngờ tưởng, khiến mỗi khi tưởng niệm lại những gì Chúa đà làm, chúng ta thật không còn có quyền nói đến một kiếp người ô trọc, một cuộc sống đen tối bế tắc, bởi vì đời người đã là một đời được Thiên Chúa yêu thương, và yêu thương đến mức như thế: đến mức khiêm hạ, huỷ mình ra không để hầu hạ con người, đến mức trở thành lương thực và nên một với con người.

Chúng ta hãy mở trí mở lòng chiêm ngắm các hành vi mà Phụng Vụ chiều nay cử hành để mà thán phục, để mà thật lòng ngợi khen và cảm tạ Chúa chúng ta.

Lm. KIỀU CÔNG TÙNG, Giáo Phận Sài-gòn

BÀI HỌC PHỤC VỤ

1. PHỤC VỤ TRONG TỰ HẠ

Trình thuật về việc rửa chân chỉ được ghi lại duy nhất trong Tin Mừng Gio-an. Hình ảnh Đức Giê-su cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trước hết là một mặc khải rõ ràng về Thiên Chúa tình yêu. Nghiêng mình xuống là cách Cựu Ước dùng để diễn tả lòng nhân hậu thương xót của Thiên Chúa. Giờ đây, Thiên Chúa không những nghiêng mình mà còn quỳ gối, cúi xuống tận chân con người, để rồi phải ngẩng đầu lên trả lời khi Phê-rô phản đối. Thử hỏi còn có sự hạ mình nào hơn thế ? Đấng toàn năng sáng tạo lại quỳ gối để ngước mắt nhìn lên thụ tạo của mình.

Thiên Chúa đã xóa mình đi để bước xuống, đến gần và bày tỏ lòng thương xót cho con người như thế đấy. Cử chỉ đó mãi là một tấm gương để cho tất cả các môn đệ của Đức Giê-su không ngừng học hỏi mà đối xử với nhau: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Một tiêu chuẩn để người môn đệ Chúa Giê-su đến với người khác và phục vụ họ “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).

2. PHỤC VỤ BẰNG TỰ HIẾN

Câu chuyện rửa chân không đơn thuần là một tấm gương về bài học khiêm tốn phục vụ nhưng còn mang ý nghĩa biểu tượng, nói lên tất cả sứ mạng của Đức Giê-su đồng thời loan báo về sự chết và phục sinh của Người nữa.

Hình ảnh Đức Giê-su “cởi áo ngoài ra” rồi sau đó lại “mặc áo vào” khiến ta liên tưởng đến lời Người nói trước kia: “Chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10, 18). Như thế, câu chuyện rửa chân là cách diễn tả tượng trưng cho cái chết tự nguyện của Đức Giê-su và cuộc phục sinh của Người.

Ở giữa hai hành động “cởi ra” và “mặc vào” trong trình thuật rửa chân là một cử chỉ tự hạ thẳm sâu. Còn ở giữa hai hành động “hy sinh” và “lấy lại” lại là sự tự hiến tuyệt vời : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Cái chết của Đức Giê-su ở trên thập giá chính là tuyệt đỉnh của một tình yêu phục vụ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10, 45).

3. PHỤC VỤ CHO ĐẾN CÙNG

Tin mừng Gio-an không nói đến việc Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể, nhưng khung cảnh của bữa tiệc ly được bổ túc bằng đoạn thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô giúp chúng ta hiểu rằng tiếp theo hành động có tính biểu tượng nối kết sự tự hạ với tự hiến là việc Chúa ban chính thịt máu của Người làm lương thực dưỡng nuôi nhân loại cùng với lệnh truyền : “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11, 25)

Việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể và chức Linh mục trong bữa Tiệc Ly chứng tỏ tình yêu của Người dành cho nhân loại. Yêu đến hiến mạng sống, yêu đến ban thân mình. Qua hai Bí Tích đó, Người muốn thực hiện lời hứa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Người yêu thương và yêu cho đến cùng. Dù không còn hiện diện cách hữu hình trên dương gian này, nhưng Người luôn có đó để trợ lực, để đồng hành với nhân loại qua phép Thánh Thể, qua con người linh mục với sứ mạng mục tử.

Như thế, qua Đức Giêsu Kitô, mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt. Chúng ta có bổn phận làm cho tình yêu đó triển nở và được nhân rộng trong môi trường của mình bằng việc xóa mình đi: xóa đi những thành kiến, ích kỷ, toan tính vụ lợi... Đồng thời, mỗi người cũng phải biết mở ra với những người chung quanh. Có như thế, tình yêu và sự sống mà chúng ta đón nhận được từ nơi Chúa Cha qua Đức Giê-su mới thực sự sinh hoa kết quả dồi dào.

Trong ngày kỷ niệm Chúa Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền chức hôm nay, ta bắt gặp một hình ảnh Chúa Ki-tô Linh Mục hoàn toàn trái ngược với hội chứng quyền bính đã được người ta nói đến: một Thiên Chúa hạ mình để phục vụ, một mục tử tự hiến cho đến cùng. Quyền bính được trao cho Giáo Hội, chức vụ tư tế thừa tác được trao cho các linh mục ngày nay không ngoài mục đích để cho tình yêu cứu độ của Đức Ki-tô còn tiếp tục hiện diện giữa thế giới này. Chúng ta cùng cầu xin cho các linh mục của Chúa ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, vị Linh Mục đời đời.

Fr. Jude Siciliano, OP.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2003 (Ga 13, 1-15)

Thưa quý vị. Cả 3 bài đọc hôm nay cùng nói về một chủ đề: Đó là bữa ăn. Trước nhất tôi nghĩ ngay đến những bữa ăn hàng ngày trong các gia đình. Rồi đến bữa ăn thánh thể. Mọi thành phần gia đình ngồi quây quần bên một cái bàn, cùng chia nhau bữa ăn bồi bổ, họ cũng chia nhau vui buồn sướng khổ qua các câu chuyện ngoài xã hội, nơi làm việc, chợ búa, trường học v.v… Ngày nay hình ảnh này đang phai nhạt dần, bởi sự lấn át của công ăn việc làm hoặc các hoạt động bận rộn ở nhà trường. Cho nên may mắn lắm, các gia đình tân thời mới có cơ hội ngồi lại với nhau ăn một bữa cơm. Thường thì vào dịp cuối tuần hay các ngày lễ lớn như lễ Tạ ơn chẳng hạn. Ngoài ra họ dùng các bữa ăn nhanh ở các tiệm. Đối với các cha mẹ bận rộn suốt tuần thì nhà hàng Mc Donald là nơi lý tưởng để ăn chung với nhau. Sau đó ai đi việc nấy cho kịp với thời khoá biểu của các công ty.

Dầu ăn uống ở đâu đi nữa, thì bữa ăn chung cũng là nơi chia sẻ. Chẳng có nhà tâm lý nào đủ khả năng để liệt kê các đề tài chung quanh bữa ăn, từ tiền bạc cho đến tình cảm, từ bạn bè cho đến đối thủ, những thành công, thất bại, căng thẳng, mệt nhọc, con cái, học hành, cãi cọ, tranh chấp, tương lai, quá khứ, hiện tại, thôi thì đủ cả. Nhưng có điều là chúng ta không có nhiều thời gian nghỉ ngơi sau bữa ăn. Tôi nhớ vào mấy chục năm trước đây, trong một thế giới xa lạ với bây giờ, gia đình tôi hàng ngày ăn chung với nhau. Má tôi làm việc tại gia, ba tôi làm công sở. Ông thường về nhà ăn tối. Những bữa ăn thật tuyệt vời. Cả nhà đông đủ, mọi thứ truyện được mang ra bàn tán : vui buồn, quá khứ, hiện tại, tương lai. Và như vậy mới đầy đủ ý nghĩa gia đình. Con nít chúng tôi được nghe cổ tích từ quê hương cũ và ăn những món ăn truyền thống từ thời ông bà tổ tiên.

Giữ vai trò giảng thuyết tôi chẳng dám đi xa hơn nữa, bởi lẽ bây giờ hầu hết các gia đình đều bận rộn trong việc kiếm sống, chẳng có nhiều thời gian sau bữa ăn. Cho nên những bữa ăn kiểu cũ trở nên lạ lẫm với cộng đoàn. Dầu sao giữa thế giới thức ăn nhanh, chúng ta cũng có nhiều cơ hội gặp nhau như lễ Phục Sinh sắp tới, Ngày độc lập, Noel, Tết Dương lịch… Còn những ngày riêng của gia đình, như rửa tội, thêm sức, rước lễ lần đầu, kỷ niệm hôn phối…. Vào những thời gian này nghĩa nào đó cũng có liên quan đến bữa ăn Thánh thể hôm nay. Đây là những cơ hội đặc biệt để chúng ta dọn bàn, thắp nến, món ăn đặc sản v.v… Mới đây cháu gái tôi 5 tuổi, mừng sinh nhật bằng thịt gà hầm và bánh ngọt bôi kem xúc cù là. Rồi cũng là cơ hội để các câu chuyện cổ xuất hiện. Lần nữa thế hệ kế thừa được nghe các chuyện gia đình và nhận ra rằng họ cũng có một dòng tộc trên thế gian này.

Vậy thì việc tổ chức những bữa ăn như thế giúp chúng ta nắm bắt được nội dung các bữa ăn quan trọng trong Kinh thánh. Bài đọc 1, trích sách Xuất hành, nói về bữa ăn vượt qua. Trong ý nghĩa nào đó, bữa ăn vượt qua đầu tiên tại Ai cập rất giống các bữa ăn nhanh của xã hội tân thời. Đó là bữa “vừa ăn vừa chạy” (eat-and-run meal). Những người ăn bữa phải thắt lưng gọn gàng, tay cầm gậy, hành lý sẵn sàng như người chạy trốn. Họ ăn với những cảm súc khác thường và mạnh mẽ, bị rã rời vì kiếp sống nô lệ mà chẳng làm sao thoát khỏi. Thiên Chúa sẽ can thiệp để họ được tự do? Liệu có thể tin được hay không? Một khi đã trốn chạy, số phận sẽ ra sao? Đủ sức để vượt những con đường khó khăn trong sa mạc? Cơ hội sống sót rất ít, chỉ có thể là một phần trăm. Nếu như bị chết dục trong đồng vắng vì đói khát, hay bị chủ cũ đuổi bắt lại? Điều này đã thường xảy ra trong quá khứ ! Lúc ấy hình phạt sẽ là cái chết đau đớn. Chẳng đời nào người Ai cập để cho họ thong thả ra đi. Mười cuộc vật lộn vừa qua chưa đủ là bằng chứng? Vì thế, cũng có những tư tưởng xét lại. Họ thà sống chung với lũ quỉ Ai cập còn hơn làm cuộc phiêu lưu liều lĩnh! Ngược lại, đa số dân chúng háo hức về cuộc ra đi, thoát kiếp nô lệ Ai cập. Họ vững tin vào sự trợ giúp của Đức Chúa, Thiên Chúa tổ tiên mình. Cuối cùng rồi sẽ được tự do. Bữa ăn này, vì thế, được cử hành hàng năm để tưởng nhớ cuộc ra đi khỏi Ai cập : “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm. Ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này. Đó là luật quy định cho đến muôn đời.” (Ex 12,14)

Những thế hệ Do thái về sau đã cẩn thận chu toàn mệnh lệnh này. Họ ăn bánh không men, thịt chiên và rau đắng. Câu truyện thoát ly khỏi Ai cập được kể lại cho con cháu mai sau. Họ kể ở thì hiện tại, mặc dầu nó đã xảy ra trong quá khứ: “Tại sao đêm hôm nay lại khác với các đêm khác?” Ý hẳn họ muốn nói cho con cháu hay những cực khổ đã qua vẫn còn đe doạ xã hội Do thái cho tới những thế hệ tương lai. Kiếp sống nô lệ mới, những áp bức đè nén mới, sợ hãi và khao khát giải phóng vẫn còn hiện diện, cho nên phải kể bằng thì hiện tại trong bữa ăn tưởng niệm hằng năm. Thiên Chúa của tổ tiên đã giải phóng cha ông, thì cũng giải phóng họ khỏi những khốn khổ hiện thời. Từng bước, từng bước Ngài sẽ dẫn đưa họ tới bến bờ tự do.

Trong bài đọc thứ 2, ám chỉ bữa ăn Cựu ước, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta câu truyện bữa ăn vượt qua mới mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Câu truyện cũng lại vừa quá khứ, vừa hiện tại. Quá khứ khi chúng ta nhớ đến sự sống và cái chết của Thiên Chúa Cứu Chuộc. Ngài đã cung cấp cho chúng ta bữa ăn mới, thịnh soạn và đầy đủ. Hiện tại khi chúng ta mang gì đến bữa ăn hôm nay? Một thế giới đầy dẫy những khó khăn, chiến tranh, nô lệ, tàn phá, cướp bóc, áp bức, xì ke, ma tuý, đĩ điếm… trăm ngàn hình thức nô lệ mới. Những quyền bính nào đang kìm kẹp xã hội loài người trong kiếp trâu ngựa đó? Những áp lực nào, quyết định nào buộc con người thụ động, bất lực, không ngóc đầu lên nổi? Vùng lãnh địa Egyptô (nô lệ) của mỗi cá nhân là gì? Cờ bạc, trai gái, thuốc sái hay bất cứ thói xấu nào đang kìm kẹp cá nhân? Đừng tưởng linh mục, tu sĩ mà đã thoát khỏi nhà tù thói xấu ! Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và đã dâng hiến mạng sống để giải thoát chúng ta. Hôm nay chúng ta tưởng niệm biến cố đó, được tràn đầy can đảm và hy vọng. Một lần Thiên Chúa đã yêu thương cứu thoát, thì Ngài vẫn còn thi hành lòng xót thương đó. Ngài giúp đỡ chúng ta vượt qua cái chết đến cõi sống, thói hư tật xấu đến thánh thiện, nhân đức, nhát đảm đến hy vọng, tối tăm đến ánh sáng mà chỉ có mình Ngài mới thực hiện được !

Khi chúng ta tụ họp để tưởng niệm bữa ăn Vượt Qua mới của Chúa Giêsu, thánh Gioan lo liệu câu truyện phải được các thế hệ tín hữu tương lai kể cho đầy đủ. Vì thế ngài thuật lại với nhiều chi tiết, đến nỗi chỉ nghe đọc mà thôi, chúng ta cũng cảm nhận trực tiếp liên hệ, kể cả việc rửa chân. Đúng ra, trình thuật rửa chân là câu truyện trung tâm của thánh sử Gioan. Ngày nay nhiều cộng đoàn giáo dân chỉ cần dùng hình ảnh của các dụng cụ như chậu thau, khăn lau, bình nước để làm biểu tượng mình có đạo. Nhiều thánh đường, nhà nguyện cũng cho vẽ các biểu tượng này. Tự nó biểu tượng đã nói lên đầy đủ ý nghĩa, không cần vẽ Chúa Giêsu và các Tông đồ. Những hình ảnh đó đúng lý phải là huy hiệu của người tín hữu. Chúng nối kết quá khứ với hiện tại của Hội Thánh. Những huy hiệu thời xưa là cây kiếm, cờ trận hay pháo đài. Ngày nay thì vô số, nhan nhản trên xe tăng, máy bay, tàu chiến, xe bọc thép v.v…. Chúng là những biểu tượng của thù hận, chiến tranh.

Trong bữa ăn truyền thống của người Do thái, đứa nô lệ thấp hèn nhất phải giữ nhiệm vụ rửa chân. Chúa Giêsu đã tự nguyện giữ vai trò đó ở bữa tối cuối cùng. Nghĩa là khi các môn đệ đã yên vị, trước sau, trên dưới thì Chúa Giêsu làm cho họ phải sững sờ kinh ngạc. Bất cứ mơ ước chỗ nhất nào, tham vọng nào, cũng phải buông xuôi, tiêu tán thành mây khói. Ngài nói, người môn đệ “thành công” nhất trong chúng con, là người cầm khăn, cầm chậu, cầm bình đi rửa và lau khô chân tay cho các anh em ! Đúng thật, làm như vậy là mất địa vị đấy, nhưng được lợi ý nghĩa sang trọng mới, đích thực, tức được nhận biết là môn đệ chính danh của Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh. Cho nên, huy hiệu của người tín hữu không phải là quyền lực, tham vọng mà là chiếc bình, khăn lau và cái chậu. Chúng ta không vẽ chúng trên xe tăng, tàu chiến, khiên mộc hay gươm đao ! Người môn đệ Chúa Giêsu vẽ chúng trong trái tim của mình. Amen.

Rửa chn - Suy niệm Tuần thnh

Nếu ai có dịp hành hương Thánh Địa và thăm viếng căn phịng Tiệc Ly, cĩ thể sẽ rất ngạc nhin, ngay cả sửng sốt nữa, khi thấy căn phịng đó đơn giản làm sao ! Không có gì ở trong căn phịng đó gợi lên chút xíu về điều đ xảy ra ở giữa bốn bức tường khép kín vào tối Thứ Năm Tuần Thánh thứ nhất đó. Không có gì cho thấy điều đ xảy ra hơm đó có thể tồn tại mi mi về sau v khiến cho thế giới xưa kia không cịn bao giờ như thế nữa. Tôi không tin bất cứ căn phịng no - vì ý nghĩa lịch sử của nó - đ cĩ thể tầm thường và đơn giản như thế. Tuy nhiên tính chất rất tầm thường và đơn giản đó đ lm vang vọng điều mà Chúa Giêsu đ nĩi v đ lm vo tối hơm đó và sẽ không bao giờ bị lng qun được.

Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài qui tụ ở đó để mầng lễ Vượt Qua hằng năm. Đó cũng là bữa cơm tối cuối cùng của họ khi tất cả mọi người họp mặt đông đủ. Quang cảnh r thật l một tấn đại bi kịch. Không ngạc nhiên chút nào, Chúa Giêsu đ mở miệng ra v nĩi từ con tim của mình về những điều mà Ngài ấp ủ trong lịng: thật đúng là một bài diễn văn giả biệt ! Ngài nói về tình yu v những hồi vọng của Ngi đối với họ, về những ưu tư của Ngài là họ sẽ bị tan r khi Ngi ra đi. Chúa Giêsu tiếp tục nói lâu dài, nói từ trong con tim của mình. Giữa khi Ngi bộc lộ tm tình như thế thì một sự cải v nho nhỏ xảy ra giữa họ, cơ hồ làm hỏng hết ý nghĩa của buổi họp mặt hôm đó. Họ muốn biết ai trong đám họ là người lớn nhất. Đó là một cuộc tranh chấp quyền bính. Họ tranh giành địa vị. Họ muốn biết ai là người ở trên chóp bu. Thật là một điều không thích hợp và không thích đáng chút nào. Chẳng khác nào Chúa Giêsu không có mặt ở đó. Chẳng khác nào Ngài đ bị mất họ hết rồi. Họ ở trong một căn phịng với Cha Gisu nhưng họ đ xa cch nhau vạn dặm. Họ khơng cố nghe Cha Giêsu nói. Họ đ ở trn sn nh đó nhiều lần trước kia rồi nhưng vẫn cịn một vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Họ đang cải nhau ầm ĩ vào giờ nầy đây và khiến Chúa Giêsu bị rơi vào tình trạng sửng sốt bng hồng. Tơi khơng biết Cha Gisu cĩ chớp mắt, ngước nhìn ln trời và lắc đầu lia lịa hay không? Hoặc Ngài cảm thấy dở khóc dở cười khi phải chứng kiến cảnh huống lố bịch đó không? Ngài đang đối diện với tử thần và các môn đệ của Ngài đang đấm đá nhau như trẻ con vậy.

Những điều chúng ta phỏng đoán trên đây không thành vấn đề nhưng điều hệ trọng là việc Chúa Giêsu đ lm để kéo lôi họ ra khỏi chính con người của họ hầu trở lại với đường đi nước bước của Ngài. Họ cần một quả đấm ngàn cân, một sự chữa trị bằng một cú điện giựt thật mạnh để đem họ trở về lại trên mặt đất. Vì vậy Ngi đ lấy một bình nước, rót đầy nước vào chậu, quấn một chiếc khăn ngang hông và yêu cầu tất cả họ ngồi xuống. Giờ đây Ngài đ lm cho họ phải ch ý. Khi đến lượt Ngài bắt đầu rửa chân cho họ, họ đ kinh hồng rng động cùng tột. Chúa Giêsu là Chúa, là Thầy của họ, là vị cứu tinh, người lnh đạo và là tất cả của họ nhưng nầy đây Ngài đ tự hạ mình xuống lm người thấp hèn nhất, bằng cách làm một công việc thuộc về hạng tôi địi hn hạ nhất. Khi Ngi đến với Phêrô, ông đ phản đối vì thấy r những điều ẩn ý bn trong.

Có lẽ Phêrô là người khôn lanh nhất trong nhóm họ. Ông là một người lnh đạo, là cánh tay mặt của Chúa. Ông đ l người lnh đạo của nhóm lâu rồi trước khi Chúa Giêsu xuất hiện. Chúa đ nhận ra những đức tính lnh đạo của Phêrô nên đ chỉ định ông làm người kế vị Ngài. Nhưng điều mà Chúa Giêsu đang làm không nằm trong ý hướng lnh đạo của ông. Ông đ bng hồng. Đó là điều bất xứng. Đó là điều làm hạ phẩm giá của Ngài. Phêrô đ hiểu điều mà một người lnh đạo phải làm. Ông đ khơi mo v lm chủ tình thế. Cha Gisu đang bỏ rơi quyền lực. Phêrô đ mất tự chủ v khơng biết thế no l phục vụ, nhưng Chúa Giêsu cố thuyêt phục ông. Chúa đ lm đảo lộn toàn bộ hệ thống giá trị và tốt hơn hết là Phêrô nên tin tưởng điều đó. Chúa Giêsu thẳng thắn nói với Phêrô là trừ khi ông để Ngài rửa chân ông - tức là ông phải quan niệm lại vấn đề lnh đạo - nếu không ông sẽ không thể nào thông phần với Ngài. Đến lúc đó Phêrô bị ng gục. Phrơ đành đầu hàng, thua trận.

Cuối cùng khi Chúa Giêsu đ rửa chn xong, Ngài đứng thẳng dậy và hỏi: "Các con có hiểu điều Thầy đ lm khơng? Cc con gọi Ta bằng Thầy bằng Cha v đúng Ta là thế đó. Vậy nếu Ta là Thầy là Chúa mà đ rửa chn cho cc con, cc con nn rửa chn cho nhau. Ta đ lm gương cho các con để các con mô phỏng điều Ta đ lm." Đó là điều chấm dứt ở đoạn Phúc Am Thứ Năm Tuần Thánh. Tại sao điều chấm dứt đó đ lm tơi bng hồng, bởi vì cu kế tiếp đ cắt nghĩa tồn bộ ý thức hệ lnh đạo của Chúa Giêsu: "Ta long trọng nĩi cho cc con biết: khơng tơi tớ nào lớn hơn chủ mình, khơng sứ giả no lớn hơn người sai đi."

Điều xảy ra trong tối Thứ Năm đó đ tĩm gọn tồn bộ sứ mệnh của Cha Gisu. Ngi đ đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Ở trong Nước Trời, phục vụ là cai trị.

Các môn đệ thực ra lúc bấy giờ đ khơng thấu hiểu ý nghĩa của việc rửa chn. Phải cĩ thời gian để sứ điệp và gương lành của Chúa Giêsu ngấm xuống. Cuối cùng họ sẽ nhận thấy rằng họ được kêu gọi để sống, không phải cho chính họ mà cho kẻ khác. Sau hết khi họ hiểu được sứ điệp và gương lành của Chúa Giêsu lúc bấy giờ họ mới quấn khăn ngang hông, đổ đầy những chậu nước và rửa chân người khác nhằm mục đích phục vụ Tin Mừng , ở trong tiến trình thay đổi thế giới.

Giờ đây đến lượt chúng ta phải bắt tay vào việc và đóng góp vào câu chuyện được kể lại trong Phúc Âm. Có thể chúng ta chưa nắm bắt được ý nghĩa của việc rửa chn nhưng hy vọng chúng ta sẽ tham gia mỗi lúc một chút. Cách chắc chắn nhất, chúng ta nên phác họa lại bức tranh đó bằng cách bắt đầu sử dụng bất cứ nền tảng quyền lực nào mà chúng ta có, bất cứ địa vị được tín nhiệm nào mà chúng ta nắm giữ, bất cứ năng khiếu nào mà chúng ta được thiên phú và chúng ta sẽ tổng hợp các thứ đó lại để phục vụ kẻ khác. Rồi thì chng ta bắt đầu rửa chân một cách can đảm và duyên dáng theo cung cch của Cha Gisu.

Đừng hiểu lầm, sứ mệnh rửa chân không bao giở dễ dàng cả. Hy hỏi Cha Gisu đi. Hy hỏi Phrơ đi. Hy hỏi bất cứ ai đ cố gắng sống nhn quan đó đi. Nếu chúng ta khôn khéo như Phêrô, chúng ta sẽ hiểu r những điều quan hệ và những điểm nối kết từ đó mà ra. Đặt để nhu cầu người khác trước tiên không bao giờ dễ dàng cả. Điều đó đi ngược lại bản năng tự nhiên của chúng ta. Bản năng tự nhiên chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng: "Chính tơi, chính tơi m thơi, luơn luơn l tơi v khơng ai khc hết." Nhn quan đối với đời sống rửa chân đ khiến cho quan niệm về cuộc sống đảo lộn khi nhắc nhở chúng ta điều ngược lại: "Khơng, khơng phải tơi m l chính bạn, chỉ bạn thơi, luơn luơn l bạn v khơng ai hết."

Cch thức m quí bạn rửa chn v cch thức m tôi rửa chân có thể sẽ khác nhau và thay đổi tùy theo hoàn cảnh cuộc sống. Mỗi người trong chúng ta phải hành động thế nào để chúng ta rửa chân theo cung cách phù hợp với những năng khiếu tự nhiên và ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Sau cng, vấn đề không phải là dễ dàng hay khó khăn, mà là có đáng để chúng ta quàng khăn ngang hông, đổ đầy những chậu nước và rửa chân không? Câu trả lời cũng tương tự như câu trả lời cho hết mọi vấn đề quan trọng khác, tất cả đều phải đến từ bên trong chúng ta mà thôi.

Phỏng theo bi suy niệm " WASHING FEET" (Rửa chn) của Lm. Vincent Travers O.P. trong sch "IN STEP WITH GOD" (Đồng Hành Với Chúa). Hương Vĩnh

Điên dại của Tình yu

Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu và đi sâu vào tâm tình của Cha trong giy pht quan trọng này. Hai đặc điểm quan trọng được nêu bật nơi đây :

Cha Gisu l Vì Thin Cha Nhập Thể lm người như chúng ta. Là con người, Chúa Giêsu xúc động mạnh mẽ, tâm hồn xao xuyến sâu xa. Trước cuộc thương khó sắp trải qua, trước sự không hiểu và sắp phản bội của các môn đệ, Giuđa phản bội, Phêrô chối Chúa. Là Vì Thin Cha, Cha Gisu ý thức r rng điều sắp xảy ra cho Mình m gọi đó là việc tôn vinh Thiên Chúa. Giờ tử nạn là giờ Thiên Chúa Cha được tôn vinh. Chính Chúa được tôn vinh và con người cũng được tôn vinh, được hịa giải với Thin Cha, được lnh nhận sự sống đời đời. Thiên Chúa Cha được tôn vinh qua cái chết của Chúa Giêsu Kitô, con người được tôn vinh qua thập giá của Chúa Giêsu Kitô.

Cha ý thức r rng về chương trình của Thin Cha Cha muốn thực hiện, Chúa Giêsu muốn thực hiện điều đó một cách hoàn hảo và đồng thời ý thức r rng điều tệ hại mà các môn đệ của Ngài đang liều mình sa vo, đó là Giuđa sắp phản bội và Phêrô sắp chối bỏ Ngài nên Chúa xao xuyến sâu xa. Tuy nhiên, tội lỗi của con người không làm hư chương trình cứu rỗi của Thin Cha. Đến tận cùng Chúa làm những gì cĩ thể lm được để thức tỉnh người tội lỗi, Chúa hành sử nơi mỗi người một cách khác nhau, ngấm ngầm âm thầm với Giuđa, công khai với Phêrô, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là quyết định tự do của con người. Giuđa mở tâm hồn đón nhận Satan và từ bỏ ánh sáng mà bước vào ci tăm tối, Giuđa tự ý thức bước vào trong tối tăm và càng ngày càng lún sâu vào đó cho đến tuyệt vọng, đến nỗi trong tâm hồn ấy không cịn cĩ cht tình yu no đối với Cha nữa. Phrơ cũng sẽ sa ng, nhưng tình yu Cha nơi ông giúp ông ăn năn trở lại.

Lạy Chúa, xin giúp con trở về cùng Chúa, đừng bao giờ để con thất vọng vì những lỗi lầm đ phạm, nhưng biết học sống bài học của sự sa ng để trở về với Chúa luôn mi. STM – 91

Được Chúa gọi

Bài giảng thánh lễ Truyền Dầu tại nhà thờ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp ngày 15 tháng 3 năm 2003

Lễ Truyền Dầu là dịp qui tụ đông đảo các linh mục, tu sĩ, giáo dân.

Truyền thống này vốn đ sốt sắng, hơm nay cng thm nơ nức. Bởi lẽ thnh lễ truyền dầu năm nay được tổ chức tại nhà thờ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp, nơi đ thực hiện thnh cơng những đổi mới qui mô toàn cảnh rộng lớn với nỗ lực phi thường.

Có thể nói, tất cả thánh lễ hôm nay, từ trong đến ngoài, đều chủ yếu hướng về chức Linh mục.

Tơi xin mượn dịp này, để hô hào anh chị em hy hết lịng cảm tạ Cha, vì Cha đ ban cho gio phận chng ta số linh mục vừa kh đông vừa khá tốt, tuy vẫn chưa đủ.

Tơi cũng nhn dịp ny, nhắc nhở anh chị em hy luơn sốt sắng cầu nguyện cho cc linh mục. Mong cc ngài luôn sống xứng đáng ơn Chúa gọi, luôn biết lắng nghe những tiếng gọi mới của Chúa, nhất là tiếng Chúa gọi đổi mới thường xuyên, luôn biết nhân danh Chúa kêu gọi những người khác đi về với Chúa. Tất cả những lời tôi vừa nói về linh mục đều tập trung vào việc Cha gọi. Thực vậy, hnh trình đời linh mục là một chuỗi dài tiếng Chúa gọi.

Ban đầu, Chúa gọi đích danh người này, người nọ hy gnh vc sứ vụ linh mục. Khi linh mục được sai nhận nhiệm sở, Chúa lại gọi ngài hy cĩ những lựa chọn cụ thể khơn ngoan, sao cho mục vụ thích hợp với nơi mình phục vụ. Khi linh mục bước vào thời điểm mới, Chúa lại gọi ngài hy cĩ những sng kiến mới, để có thể đồng hành với lịch sử. Khi linh mục phải đối mặt với tuổi cao, sức yếu bệnh tật, Chúa gọi ngài hy cĩ những đóng góp ph hợp, trong phục vụ, cho d b nhỏ.

Như vậy, chính bản thân mỗi linh mục là người luôn được Chúa gọi. Được gọi nhiều lần. Được gọi nhiều cách. Được gọi theo từng năm, gọi theo từng ngày, gọi theo từng hoàn cảnh. Để rồi, mỗi vị sẽ lại gọi những người khác đi theo Tin Mừng.

Vì vng nghe tiếng Cha gọi, linh mục trở thnh con người mang hai thái độ tương phản: Một thái độ là liên kết. Một thái độ là dứt lìa.

Linh mục lin kết với những gì l hợp ý Cha. linh mục dứt lìa những gì l nghịch ý Cha.

Thnh Phaolơ dạy: “Anh em đừng có rập theo thói đời này, nhưng hy sửa đổi con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Cha. Ci gì l tốt, ci gì l đẹp lịng Cha, ci gì l hồn hảo” (Rm 12,1). Lời khuyên trên đây gởi chung cho giáo đoàn, nhưng riêng cho giáo sĩ.

Con người linh mục vừa phải liên kết vừa phải dứt lìa. Đó là một sứ mạng rất khó. Khó đối với thế gian. Khó đối với chính bản thân linh mục. Thế mà, trên thực tế, chúng ta thấy số linh mục cố gắng sống như vậy không phải là ít.

Anh chị em thấy r điều đó nơi những linh mục phục vụ anh chị em. Cịn tơi, tơi biết r điều đó nơi tất cả mọi linh mục của tôi. Các linh mục của chúng tôi nói chung, và các giám mục chúng tôi nói riêng, đều là những con người rất có giới hạn. Chúng tôi mang nhiều thnh gi nặng, m thnh gi nặng nhất l chính bản thn mình, với bao yếu đuối, với bao lo âu, với bao lỗi lầm thiếu sót.

Vì thế, chng tơi khơng hề dm đặt hy vọng vào khả năng của mình v cc việc mình lm. Hy vọng của chng tơi l Hội Thnh, người mẹ nuôi dưỡng chúng ta. Hy vọng của chúng tôi là anh chị em, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, những người đang làm nên một gia đình thn thương nâng đỡ chúng tôi. Hy vọng của chúng tôi là đồng bào x hội đang sống hài hoà thông cảm giúp đỡ chúng tôi.

Nhưng trên hết, hy vọng của chúng tôi là Chúa, Đấng đ gọi chng tơi, Đấng đ yu thương chúng tôi đến nỗi đ chịu chết trn thnh gi vì chng tơi.

Hơn bao giờ hết, tôi cảm nghiệm sâu sắc một câu trong tuần thánh: “Hy vọng của chúng ta là thập giá Đức Kitô. Nơi Người ơn cứu độ ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta”.

Thánh giá Đức Kitô chính là những hy sinh và tình yu của Cha Gisu. Thm vo đó cũng có những đóng góp của mọi người đang hy sinh và cầu nguyện, thương yêu chúng tôi.

Với tm tình sm hối chn thành, tôi xin mọi người hy cng với chng tơi phĩ thc chng tơi cho Cha. Trn đường phục vụ, chúng tôi thường gặp những bất ngờ. Chỉ Chúa mới là ánh sáng cứu độ và mới là tình yu cứu độ có thể đưa chúng tôi tới mục đích thực sự của ơn gọi mà Ngài mong muốn.

Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn

Bí tích Tình yu

Xh 12, 1-8. 11-14 / 1 Cr 11, 23-26 / Ga 13, 1-15

Kính thưa, Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, Phụng vụ Giáo Hội nhắc mỗi người chúng ta nhớ đến việc Đức Giêsu thiết lập hai bí tích quan trọng để giúp chúng ta kết hợp mật thiết với Ngài, đó là bí tích Truyền Chức Thánh và bí tích Thánh Thể.

Trong thánh lễ sáng nay, thường gọi là Lễ Truyền Dầu hay làm phép Dầu, phụng vụ nhắc lại việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Truyền Chức Thánh. Nhờ bí tích này, Đức Giêsu đ chọn gọi một số người tham dự cách đặc biệt vào chức tư tế duy nhất của Ngài. Nhờ đó, "sứ mạng Chúa Kitô uỷ thác cho các tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến tận thế" (SGL 1536).

Cịn Thnh lễ chiều nay thường gọi là Lễ Tiệc Ly, nhắc chúng ta nhớ đến việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể. Đây là nguồn mạch và chóp đỉnh mọi sinh hoạt của Giáo Hội. Vì thế, bí tích ny cịn cĩ nhiều tn gọi khc nữa, chẳng hạn như: bí tích Tình yu, bí tích Hiệp nhất, bí tích Vượt Qua, mỗi tên gọi nĩi ln một khía cạnh vơ cng phong ph của bí tích.

Trong các tên gọi đó, thì tn gọi "bí tích Tình yu" có lẽ diễn tả đầy đủ hơn cả về đặc tính của bí tích này. Vì chỉ cĩ tình yu mới cĩ thể giải thích được lý do tại sao Đức Gisu lại hiến cả mạng sống, rồi lại cịn lấy Thịt v Mu mình lm lương thực nuôi sống cho từng người chúng ta.

Tình yu đó của Đức Giêsu đ được thánh sử Gioan diễn tả cách ngắn gọn, nhưng cũng thật súc tích trong lời mở đầu của bài Tin mừng hôm nay: "Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đ đến giờ mình phải bỏ thế gian m về cng Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình cịn đang ở thế gian, thì đ yu thương họ đến cùng". V hơm nay, tơi muốn chia sẻ với quý ơng b anh chị em ci "đến cùng" trong tình yu đó của Đức Giêsu.

1. Tình yu phục vụ:

Thnh sử Gioan viết tiếp: "Sau bữa ăn tối… Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau". Điều đó cho thấy chính vì yu thương những kẻ thuộc về mình đến cùng, Đức Giêsu đ khơng ngần ngại hạ mình lm một cơng việc của người đầy tớ, đó là rửa chân cho các môn đệ. Theo tục lệ của người Do Thái lúc bấy giờ, rửa chân là công việc của một đầy tớ, hay một người nô lệ làm cho chủ. Thế mà Đức Giêsu là Thầy, là Chủ lại đi rửa chân cho các môn đệ của mình. Quả thật, đây là một hành vi không thể hiểu theo suy nghĩ bình thường. Và chuyện này cịn bất bình thường hơn nữa, khi Đức Giêsu không chỉ rửa chân cho một hay hai môn đệ mà Ngài yêu quý, nhưng lại rửa chân cho "cc môn đệ", nghĩa là, Ngài rửa chân cho cả Giuđa, kẻ mà Ngài biết sẽ bán Ngài, và Phêrô, kẻ sẽ chối Ngài.

Một tình yu thật sự, một tình yu cho đến cùng đối với người mình yu l thế đó. Với tình yu ny, con người ta có thể làm được rất nhiều việc mà người không yêu, không thể hiểu nổi. Chúng ta có thể cảm nghiệm được một phần nào tình yu ny qua tình mẫu tử của người mẹ dành cho con. Vì yu chồng, thương con, người mẹ sẵn sàng sẵn sàng thức khuya, dậy sớm, ăn đói, mặc rách miễn sao chồng con được no đủ.

Như thế, đối với Đức Giêsu, một tình yu "đến cùng" l tình yu dẫn đến sự phục vụ cách nhưng không và trọn vẹn cho người mình yu, cho d đó là kẻ làm cho mình phải khổ, lm cho mình phải chịu thiệt thịi, oan ức, hiểu lầm.

2. Tình yu hiến thn:

Tình yu đến cùng của Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở việc phục vụ, nhưng cịn tiến xa hơn với việc Ngài lấy chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn cho chúng ta. Thánh Phaolô thuật lại: "Chúa Giêsu trong đêm bị trao nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hy lnh nhận m ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì cc con… Chn ny l Tn ước trong Máu Ta". Và Máu của Đức Giêsu không những đ thực sự trở nn của ăn, của uống cho linh hồn chúng ta, nhưng cịn l mu của Giao ước mới, đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Giao ước này đ được báo trước qua hình ảnh con chin bị st tế lấy mu bơi ln cửa nh người Do thái mà chúng ta vừa nghe trong bài sách Xuất Hành. Lúc đó, trong đêm Vượt Qua đầu tiên tại đất Ai Cập, lúc thiên thần đi qua để sát hại các con đầu lịng của người Ai Cập, thì nhờ dấu mu bơi ln cửa ny, những đứa con đầu lịng của người Do thái đ được cứu sống.

Như thế, vì yu chng ta cho đến cùng mà Đức Giêsu không muốn chúng ta phải chết, nhưng muốn chúng ta được sống và sống cách dồi dào (x. Ga 10, 10).

3. Loan truyền tình yu:

Đứng trước tình yu của Đức Giêsu, một tình yu "cho đến cùng", không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính việc phục vụ và trao ban chính mình Ngi lm của ăn cho chúng ta, có lẽ việc đầu tiên mà mỗi người chúng ta có thể làm, là dâng lời tạ ơn như lời tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca: "Tơi sẽ hiến dng lời ca ngợi lm sính lễ … Tơi sẽ giữ trọn lời khấn xin cng Cha". Mặt khc, khi trao ban tình yu đó cho từng người chúng ta, Đức Giêsu cũng muốn chúng ta cũng biết loan truyền tình yu đó cho mọi người qua đời sống phục vụ, yêu thương cho đến cùng như lời Ngài dạy: “Cc con hy yu mến nhau, như Ta đ yu mến cc con” (Ga 15, 12). Ngay trong bữa tiệc cuối cùng này, sau khi rửa chân cho các môn đệ, chính Đức Giêsu cũng đ nhắn bảo với các môn đệ và cũng là với từng người chúng ta: “Cc con gọi Ta l Thầy v l Cha thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Thầy và là Chúa mà cịn rửa chn cho cc con, thì cc con cũng phải rửa chn cho nhau”. Đáp lời của Đức Giêsu, thnh Phaolơ cũng dặn dị chng ta: “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.

Như thế, nhận được tình yu cho đến cùng của Đức Giêsu, mỗi người chúng ta cũng phải biết đáp lại bằng cách yêu Chúa và yêu anh em cũng cho đến cùng.

Yêu Chúa cho đến cùng, nghĩa là, chúng ta phải chu toàn mọi bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa. Mỗi khi tham dự các giờ phụng vụ, chúng ta cứ bớt đầu, cắt đuôi, than thở dài ngắn, thì thử hỏi chng ta đ yu Chúa cho đến cùng chưa ? Nếu như chúng ta dễ dàng bỏ ngày lễ Chúa Nhật chỉ vì một chuyến đi chơi với gia đình, với bạn b, hay chỉ vì một bữa nhậu, một bộ film, một trận bĩng đá dang dở, thì đó có phải là chúng ta đ yu Cha cho đến cùng không ?

Mặt khc, tình yu Cha khơng thể tch khỏi tình yu đối với anh chị em. Do đó, tham dự Thánh lễ Tiệc Ly chiều nay cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại cch mình cư xử với anh chị em, nhất là những người xúc phạm đến chúng ta. Tình yu cho đến cùng địi hỏi chng ta sẵn sàng tha thứ, và hơn nữa, sẵn sàng làm ơn cho những người gây phiền hà cho chúng ta. Nếu chúng ta chỉ đối xử cách "sịng phẳng" đối với họ, thì chng ta cĩ khc gì những người không tin (x. Mt 5, 43-47), và như thế, chúng ta cũng chưa thật sự yêu cho đến cng.

Nếu mỗi người chúng ta luôn sẵn sàng yêu mọi người cho đến cùng, nghĩa là, yêu mọi người với hết khả năng có thể của chúng ta, thì lc đó, thánh lễ sẽ không dừng ở ngôi thánh đường này, nhưng sẽ được kéo dài trong suốt cuộc sống của chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Maria Nhn Ti, csjb

BỮA TIỆC LY (Ga 13, 1-5)

Bữa ăn chiều Thứ Năm năm nọ của Chúa Giêsu với các môn đệ là bữa ăn cuối cùng của Ngài ở trần gian, hay nói cách khác, Chúa Giêsu đ biết cuộc sống tại thế của Ngi sắp chấm dứt, bữa ăn phần xác kết thúc -tiệc ly, để rồi khai mào cho bữa ăn phần hồn vĩnh viễn và viên mn -Mu Thịt của Ngi, đó là bí tíchThánh Thể.

Để chuẩn bị cho bữa tiệc được trọn vẹn, viên mn, Cha Gisu đ dạy cc mơn đệ hai việc quan trọng để được tham dự tiệc Hằng Sống :
1. Phục vụ.
2. Yêu thương.

Phục vụ và yêu thương giống như bánh miến và rượu nho kết hợp với nhau để thành lương thực hằng sống; phục vụ và yêu thương giống như giọt nước pha trong rượu, trộn lẫn vào nhau để hương vị phục vụ vừa với khẩu vị của mỗi người.

A. Suy tư.

1- Phục vụ : “...Nên trong một bữa ăn. Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rữa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13, 4-6).

Trước khi ăn người ta thường rữa tay, đây là phép vệ sinh tối thiểu, nhưng rữa chân cho các môn đệ không phải là phép vệ sinh, mà là một hành vi phục vụ, một thái độ khiêm tốn của người mà các môn đệ gọi là Thầy và là Chúa, Đấng ấy là Đức Giêsu Kitô.

“Anh em gọi gọi Thầy l “Thầy”, l “Cha”, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy l Thầy, l Cha. Vậy nếu Thầy l Cha, l Thầy, m cịn rữa chn cho anh em, thì anh em cũng phải rữa chn cho nhau. Thầy đ nu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đ lm cho anh em” (Ga 13 13-15).

Chỉ cĩ bố mẹ mới rữa chn cho con ci, vì đây là tình yu, thĩi đời, không một ông chủ nào rữa chân cho đầy tớ, không một ông thầy nào rữa chân cho học trị vì lm như vậy là tự giảm giá trị nhân cách của mình. Nhưng Chúa Giêsu đ lm điều ấy, không phải để biểu diễn, không phải để mị dân, nhưng là vì yu thương các môn đệ, và dạy cho họ một bài học : phục vụ. Bởi vì phục vụ l dấu chỉ để người ta nhận ra mình l mơn đệ của Đức Kitô -Thiên Chúa làm người.

“Một ngày nọ, chim thiên nga hỏi Chúa Tạo Vật (Đấng sáng tạo) : - "Con có thể làm môn đồ của Ngài được chứ ?"

Chúa tạo vật vui vẻ trả lời : “Được, được”.

Một lc sau Cha Tạo Vật nĩi với chim thin nga :- “Con nhìn xem con vịt mẹ đàng kia kìa, nĩ vừa kiếm ăn từ dưới bùn lầy đi lên đấy, chân nó quá dơ, con đến giúp rữa chân cho nó đi”.

Chim thiên nga lắc đầu không chịu, nói to :- “Làm môn đồ của Chúa Tạo Vật thì khơng thể no đi rữa chân cho người khác”.

Chúa Tạo Vật nói :- “Này con, nếu con không rữa chân cho người khác, thì ai biết được con là môn đồ của Ta chứ ??”

Câu chuyện nhỏ nhưng đạo lí thì lớn.

Phục vụ tha nhn khơng vì họ l anh em b con của mình, nhưng vì họ l hình ảnh Cha Kitơ, hình ảnh của Cha Tạo Vật, vì họ l anh em của mình trong Đức Kitô.

Ai cũng thích người khác phục vụ mình, chứ khơng ai thích mình phục vụ người khác, đó chính là bản chất cốt yếu của căn tính con người : kiêu căng và thích thống trị. Không một liều thuốc nào có thể chữa trị được căn bệnh “truyền thống” ấy của con người, cũng như không có ai có đủ bản lnh để chiến thắng nó.

Chỉ cĩ Chúa Giêsu, Đấng đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là đến để phục vụ mọi người, và cái giá phải trả đó chính là chết trên thập giá. Với cái chết này, Chúa Giêsu đ trị được căn bệnh kiêu căng và thích thống trị của con người, của ma quỷ, và với cái chết này, Chúa Giêsu đ ghi tận trong tim mổi người môn đệ của Ngài hai chữ Phục vụ, và Phục Vụ đ trở nn đấu chỉ để cho nhân loại nhận ra ai là người môn đệ của Chúa Kitô, Đấng đ phục vụ cho đến chết.

2. Yêu thương. : “Thày ban cho anh em một điều răn mới là anh em hy yu thương nhau; anh em hy yu thương nhau như Thầy đ yu thương anh em” (Ga 13, 34).

Yêu thương nhau là chuyện cũ rất xưa của loài người, nhưng vẫn cứ mới cho người mới yêu, được yêu, và càng mới hơn nữa cho những người biết khám ra yêu thương chính là phục vụ Thiên Chúa trong tha nhân.

Có người nói yêu thương là sự rung cảm của hai con tim.
Có người nói yêu thương là sự liên kết giữa hai tâm hồn.
Có người nói yêu thương là xoá bỏ hận thù.
Có người nói yêu thương là sống chết có nhau.
Có người nói yêu thương là trao ban, là cho đi...

Cha Gisu nĩi : “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy : là anh em có lịng yu thương nhau” (Ga 13, 35).

Chúa Giêsu không đợi lúc sắp chết trên thập giá mới nói những câu này, Chúa Giêsu không đợi khi sống lại mới nói câu này, nhưng Ngài đ nĩi trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ -bữa tiệc ly- bởi vì yu thương và phục vụ là nhân tố chính để được tham dự tiệc Con Chiên trong Nước Trời. Không yêu thương thì khơng phục vụ, m đ phục vụ thì điều cốt lỏi là phải có yêu thương, và khi đ vì yu thương mà phục vụ thì chng ta mới xứng đáng tham dự tiệc Con Chiên -bí tích Thánh Thể.

Cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời của phục vụ, cuộc sống của Chúa Giêsu là cuộc sống của tình yu, Ngi vì dn chng m phục vụ khơng ngơi nghỉ, Ngài vì dn chng lầm than m thi n ging phc cho họ khơng biết cơ man nào mà kể. Và cuối cùng Ngài bị nghiền nát để trở nên tấm Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu không những ngay đời này mà cho đến cả đời sau.

B. Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Hôm nay là ngày Thứ Năm Tuần Thánh, mỗi người trong chúng con đều hiểu rất r ý nghĩa của cc lễ nghi trong chiều nay, chng con thuộc lịng từng cu từng chữ m Cha đ nĩi với cc mơn đệ trong lúc ăn bữa cuối cùng với họ, chúng con đ hiểu v chng con đ tin. Nhưng cái hiểu biết của chúng con chưa rốt ráo, chưa trọn vẹn, nên chúng con chưa phục vụ tốt tha nhân, nên chúng con chưa thật tình yu thương mọi người.

Hôm nay quỳ trước Nhà Tạm của Chúa trong nơi yên tĩnh này, tâm hồn của chúng con mới được soi sáng về ý nghĩa của phục vụ v yu thương, đó chính là hai phương thế giúp chúng con tiến tới bàn tiệc thánh thiên quốc.

Xin Cha ban cho chng con bit phục vụ qun mình, phục vụ m khơng địi điều kiện; biết yêu thương cách chân thành mà không địi được yêu, để chúng con xứng đáng tham dự bí tích của tình yu l Mình v Mu Thnh của Cha. Amen