Thứ năm tuần thánh - Năm C
YÊU CHO ĐẾN CÙNG
Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Một chiều năm xưa cách đây hơn 2.000 năm, tại nước Do thái, trong một ngôi nhà ấm cúng, đã diễn ra bữa tiệc ly cuối cùng, Chúa Giêsu như muốn bộc lộ hết tình yêu ấp ủ nơi Thánh Tâm Ngài cho các môn đệ qua ba dấu ấn tình yêu đó là: Ban giới răn mới, lập Bí tích Thánh Thể và thiết lập chức linh mục.

Tất cả những nghĩa cử đó được qui tóm trong một câu mà thánh Gioan đã ghi lại trong Tin mừng chúng ta vừa nghe đó là: Ngài yêu thương họ đến cùng.

Thế nào  là yêu đến cùng?

Yêu đến cùng là yêu không tính theo thời gian, cũng không phải là yêu cho đến chết, nhưng yêu cho đến cùng có nghĩa là: khả năng Thiên Chúa có bao nhiêu, thì Ngài yêu thương hết bấy nhiêu.

1/ Yêu cho đến cùng là hạ mình

Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời quyền năng vô cùng, làm được mọi sự, nhưng vì yêu thương nhân loại, Ngài đã hạ mình xuống sống với chúng ta là loài thụ tạo thấp hèn.

Ngài là Thiên Chúa giàu có vô cùng, nhưng vì yêu thương chúng ta mà Ngài đã hạ mình xuống sống nghèo khó. Sinh vô gia cư tử vô địa táng.

Ngài là Đấng thánh thiện vô cùng, nhưng vì yêu thương nhân loại nên đã hạ mình xuống sống với chúng ta là những kẻ tội lỗi. Ngài nói: “Thầy không gọi các con là tôi tớ nhưng là bạn hữu”. Thế nhưng, Chúa còn hạ mình hơn là bạn hữu nữa, bằng chứng là khi Ngài hạ mình rửa chân cho các môn đệ.

Thánh Gioan tả lại trong bối cảnh tiệc ly: Đang khi ăn, Chúa Giêsu chỗi dậy rời bàn tiệc, cởi áo choàng ra, nghĩa là Ngài cởi bỏ địa vị là Thiên Chúa. Lấy khăn thắt lưng là mặc lấy thân phận đầy tớ.

Tiếp đến, Ngài lấy nước đổ vào chậu, quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ. Ngài rửa đi những vết bẩn, những tội lỗi nơi các ông.

 Ngài tẩy rửa những bàn chân còn vương lấm bụi trần là những lầm lỗi, những tính hư tật xấu, để từ nay các ông sẽ đi vào đường ngay nẻo chính.

  Ngài quỳ gối xuống, để nâng các ông lên, bởi vì Chúa nói với Phêrô “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ chẳng được dự phần với Thầy”.

2/ Yêu cho đến cùng là hiến mình

Không có tình yêu nào cao cả cho bằng kẻ hiến mạng sống mình cho người mình yêu.

Nếu anh chị em đến Chùa, anh chị em nhìn thấy ai? Thế thì khi chúng ta bước vào nhà thờ, chúng ta nhìn thấy ai?

Tuần thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm cuộc thương khó Chúa bằng việc nhìn lên thập giá Chúa.

Nhìn lên thập giá Chúa để cho biết ác tính tội lỗi của con người đã làm cho Chúa phải chết đau thương như một tên tử tội. Để rồi đừng cố tình xúc phạm đến Chúa nữa.

Nhìn lên thập giá Chúa để cho chúng ta thấy rằng: cho dù tội lỗi con người có ngập tràn đến đâu đi nữa thì tình thương và lòng Chúa thương xót còn cao hơn ngàn tội lỗi.

3/ Yêu cho đến cùng là huỷ mình

Anh chị em biết người Mỹ họ quí chó lắm. Bằng chứng là có bệnh viện dành cho chó; có nghĩa trang để chôn chó… người ta xếp loại: trẻ con hạng thứ nhất; phụ nữ hạng thứ hai; con chó hạng thứ 3; đàn ông hạng thứ 4.  Giã như có ai yêu quí con chó đến độ ăn nằm với nó, chơi với nó…. Thử hỏi người khác nhìn vào có cho người đó không bình thường?

Điều mà con người không thể làm được thì Thiên Chúa đã làm vì yêu thương chúng ta. Một Thiên Chúa quyền năng vô cùng mà hạ mình xuống sống với con người thì hạ mình lắm rồi.

Một Thiên Chúa minh chứng tình yêu đã hiến mình trên cây thánh giá, như một tội nhân, vẫn còn là con người, nhưng bây giờ Thiên Chúa ấy lại huỷ mình ra không, ngự trong tấm bánh cho chúng ta ăn vào, thì không thể nào hiểu thấu được.

Khi suy niệm về Bí tích Thánh Thể, Thánh Augustinô nói rằng: “Mặc dầu Đức Chúa Trời quyền phép vô cùng, làm được mọi sự, cũng không làm gì hơn nữa cho con người. Đức Chúa Trời khôn ngoan vô cùng, thông biết mọi sự, cũng không nghĩ ra được gì hơn nữa cho con người. Và Đức Chúa Trời giàu có vô cùng, cũng không biết lấy gì hơn nữa cho con người, bằng cách Ngài lập nên Bí tích Thánh thể, để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.

Thật vậy, vì yêu thương nhân loại, nên Chúa ban chính Mình Máu thánh; vì yêu thương nhân loại, nên Chúa lập chức linh mục. Vì thế, ở đâu có linh mục, là có Thánh Thể Chúa, ở đâu có Thánh Thể Chúa, là dấu có linh mục.

 Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta còn tưởng niệm việc Chúa ban giới răn mới, qua hành vi hạ mình rửa chân cho các môn đệ; thiết lập Bí Tích Thánh Thể; thiết lập chức linh mục, tất cả nói lên tình yêu Chúa yêu thương chúng ta đến cùng.

 Xin Chúa cho chúng ta biết cảm nghiệm sâu hơn tình Chúa yêu thương chúng ta và cố găng thực thi giới răn mới trong mọi hoàn cảnh, để chúng ta sớm trở nên những môn đệ đích thực, như lời Chúa dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Amen.