Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm B
GIỜ CỦA CHÚA GIÊSU
Chú giải mục vụ của Alain Marchabour

Đoạn này kéo dài điều đã được nói về Chúa Giêsu từ chương 11. Giờ tôn vinh của Chúa Con được loan báo trong 11, 4 đang trở thành hiện thực. Trong 11,51-52 Gioan tuyên bố rằng cái chết của Chúa Giêsu sẽ dẫn tới việc mở rộng sứ vụ của Chúa đến với mọi người. Đó là ý nghĩa sự kiện mấy người Hy Lạp đến gặp Chúa Giêsu.

Phần dẫn: Những Người Hy Lạp (12, 20-22)

Những người Hy Lạp ở đây không phải là những người Do Thái sinh sống ở Hy Lạp hay nói tiếng Hy Lạp. Từ ngữ này chỉ những người ngoại giáo mới theo đạo (những người thiện cảm với đạo Do Thái nhưng không muốn chịu phép rửa). Lần đầu tiên những người không phải Do Thái này tiếp cận Chúa Giêsu được khéo léo sắp xếp như là dấu hiệu loan báo giờ đã đến. Những người xuất thân từ đa thần giáo này trước hết đã chọn Thiên Chúa của Israel. Họ chuẩn bị cho một bước chuyển tiếp mà theo thánh sử là đi từ Do Thái giáo đến Chúa Giêsu là đích điểm. Họ muốn “gặp” Chúa Giêsu, chắc chắn theo nghĩa mạnh của việc “tin vào Người” (12,45; 14,9). Ông Philipphê, một môn đệ thường được Gioan nhắc đến (12 lần), làm người trung gian (như trong 1,45; 6,5). Sự môi giới của ông có liên quan gì đến tên Hy Lạp của ông không? Xuất thân từ một miền đất đa phần còn ngoại giáo, ông có khả năng nói tiếng Hy Lạp. Việc ông đi nói với ông Anrê (người cùng làng Betsaiđa với ông) càng tăng thêm tầm quan trọng của sự môi giới để đến gặp Chúa Giêsu.

Theo thói quen của mình, Gioan tăng nhiều chi tiết kể chuyện ở phần đầu bài trần thuật, như là để níu chân độc giả. Sau đó tất cả đều dừng lại: còn kết quả việc mấy người Hy Lạp gặp Chúa Giêsu như thế nào, chúng ta không biết gì hết. Từ nay thánh sử tập trung bài trần thuật của mình vào Chúa Giêsu.

Giờ (12, 23-26)

Giờ, còn trì trệ cho đến lúc này, cuối cùng đã đến. Việc anh Ladarô sống lại biểu hiện trước giờ này: việc mấy người Hy Lạp tìm đến tỏ rõ giờ được thực hiện. Các người Hy Lạp không được Chúa Giêsu trả lời trực tiếp. Người nói với các môn đệ và điều Người nói bao gồm trước hết các môn đệ được gọi sau này nên truyền đạt cho người ngoại giáo hiểu rằng trong cái chết của Chúa Giêsu, ơn cứu độ được mở rộng cho tất cả mọi người.

Sự mặc khải được long trọng nhấn mạnh bằng hai lần: “Thật, Thầy bảo thật anh em”. Giờ, vừa là sự chết vừa là sự tôn vinh. Để diễn tả từ sự phong phú từ cái chết của mình được mời gọi tiến đến vinh quang, Chúa Giêsu đi từ một dụ ngôn ngắn gọn, quen thuộc ở nơi thôn dã về hạt lúa cần phải mục nát đi để mang lại nhiều hoa trái. Sự tương phản mà Chúa Giêsu đưa ra, ở giữa chết hoặc sống ít hơn là ở giữa chết hay mang lại nhiều hoa trái. Cũng như hạt giống, Chúa Giêsu cần phải được gieo vào lòng đất, chết đi, nhờ đó mang lại hoa trái cho mọi người.

Cái chết của Chúa Giêsu không chỉ là một sự bắt buộc phải kinh qua để tiến đến vinh quang, mà còn là điều kiện để khai sinh và phát triển Giáo Hội. Cái chết của Chúa Giêsu quả là thời điểm kiến tạo con người Kitô hữu, bởi vì “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (12,26). Quả vậy các câu 25-26 nối kết cộng đoàn tín hữu vào với thân phận của Chúa Giêsu. Ai yêu quý mạng sống mình, theo ngôn ngữ của Gioan, là kẻ ưa thích sự tối tăm, thế gian này, sự vinh quang riêng mình.

Ở đây nữa vẫn là vấn đề đức tin, dù nó không rõ ràng như trong Nhất Lãm, ở đó nhấn mạnh mối tương quan với Chúa Giêsu: “Ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Tương quan với Chúa Giêsu được nêu rõ qua câu: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy”. Môn đệ cần phải đi bất cứ nơi nào Chúa Giêsu đi, nghĩa là cũng như Người đi vào cái chết để dự phần vinh quang. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu đã nói: “Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

*****

GIỜ

Từ “giờ” được sử dụng 26 lần trong Tin Mừng của Gioan, thường thường ám chỉ một thời điểm đặc biệt thuận tiện trong đó ơn cứu độ được thực hiện. Xuyên suốt phần thứ nhất của Tin Mừng, giờ này còn chưa đến. Thân mẫu của Chúa Giêsu, khi muốn cậy nhờ đến con mình, được nghe trả lời rằng “Giờ của con chưa đến” (2,4). Việc tìm bắt Chúa Giêsu không thực hiện được cũng vì lý do đó (7,30; 8,20). Nhiều lần Chúa Giêsu tiên báo tình trạng sắp xảy ra vào một giờ mà từ đó mọi sự sẽ trở nên rõ ràng hơn (16,25). Việc thờ phượng sẽ ở trong Thần Khí (4,21-23), sự sống sẽ chiến thắng sự chết (5,25).

Sự hồi hộp được khéo léo khơi dậy khi, đối diện với những người ngoại giáo muốn gặp Người. Chúa Giêsu loan báo rằng cuối cùng giờ đã đến (12,23). Bước vào cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu tuyên bố rằng cuối cùng giờ tôn vinh đã đến (13,1; 17,1). Dụng ngữ này cũng xuất hiện trong các Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 14,35.41). chỉ có mình Gioan đã gieo vãi xuyên suốt Tin Mừng của mình những quy chiếu vào một biến cố của lịch sử. Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá. Thời điểm này không thuộc vào niên đại kỷ. Một lần xảy ra, nó luôn luôn hiện thực và kéo dài hiệu quả nhằm lợi ích của tất cả những ai gắn bó với Lời.

*****

Tâm trạng xao xuyến, tiếng từ trời và lời mặc khải (12, 27-36)

Giờ đang xảy đến cùng với sự chôn vùi trong cái chết, tất phải có sự kinh qua đau thương mà nỗi xao xuyến và sầu não không thể không có. Trong khi trình thuật cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, Gioan loại bỏ những gì quá chú ý của Người, như cơn hấp hối. Thế nhưng ông lưu giữ lại một vài yếu tố và phân tán chúng đây đó trong Tin Mừng của mình. Ở đây ông trích dẫn những từ ngữ và những dụng ngữ như nhắc lại sự xao xuyến của Chúa Giêsu, hoặc lời Người nói về Giờ: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”, cần xuất phát từ đó (ta có thể so sánh đoạn này với Mc 14,33-36). Việc Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha được đặc biệt nhấn mạnh và lời Người: “Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” vang dội như lời tóm tắt “kinh Lạy Cha” (không có trong Gioan). Chúa Giêsu là người đầu tiên, từ bỏ mình để lắng nghe Chúa Cha.

“Có tiếng từ trời vang xuống” (c. 28). Lần đầu tiên trong Gioan (trái với hai lần trong Nhất Lãm, vào lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa và biến hình, x. Lc 9,28-36), Chúa Cha lên tiếng nói cùng Chúa Con. Hơn nữa đoạn của Gioan không có liên quan gì đến biến cố biến hình ở đó sự biểu lộ vinh quang của Chúa Giêsu đi kèm với cuộc đối thoại về cuộc Xuất hành của Chúa Giêsu (nghĩa là cái chết của Người). Luca cũng nghĩ đến sự tiếp gần cơn hấp hối khi “một thiên sứ từ trời hiện đến tăng sức cho Người” (Lc 22,43). Trong cả hai trường hợp, có thể có những điểm giống nhau giữa hai truyền thống Tin Mừng. Thế nhưng Gioan hành xử cách sáng tạo, tuyển chọn và tái tạo các dữ kiện của truyền thống cho mục tiêu thần học của mình.

Do đặc tính duy nhất và vị trí ở vào cuối năm phần thứ nhất của Tin Mừng, sự can thiệp này của Chúa Cha xuất hiện như sự long trọng chứng thực của Chúa Cha về Chúa Giêsu như là Chúa Con và là Đấng Thiên Sai. Đó là cách phê chuẩn đầy vinh quang, được ban cho một phần ngay từ lúc này đây còn một phần nữa được hứa trong tương lai. Cuộc Thương Khó đối với Người quả là một thử thách đầy vinh quang.