Chúa Nhật Lễ Lá - Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa - Năm B
ĐẤNG LÀ CON THIÊN CHÚA
VÀ VUA DÂN DO THÁI
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Bước vào lễ Lá, tường thuật thương khó theo Tin mừng Marcô có nhiều tình tiết liên tục nối tiếp nhau từ khi Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà ông Simon tật phong cho đến khi người và các môn đệ lên núi cây dầu, và bị trao nộp ở đây, rồi điệu đi xét xử ở các dinh thượng tế và Philatô cho đến khi người chịu chết trên thập giá và mai táng. Biết bao là chuyện tố cáo gian ác của những người làm chứng gian, chuyện xét xử của thầy thượng tế, chuyện người phụ nữ xức dầu thơm trên đầu Chúa khi người dùng bữa ở nhà Simon tật phong, chuyện người thiết lập thánh thể, chuyện Giuđa nộp người, rồi chuyện người bị xét xử ở dinh Philatô và sau cùng bị đóng đinh trên thập giá và mai táng. .

Người phụ nữ xức thuốc thơm trên đầu Chúa để tỏ dấu yêu mến và quí trọng người đã được Chúa Giêsu biết ơn và đón nhận hành động quảng đại của bà và mặc cho hành động này ý nghĩa cao quí hướng về cái chết cứu độ của người. Thái độ của Chúa Giêsu thực khác với thái độ của các môn đệ và nhiều người khác vì người tập trung vào hiến tế cứu độ của người trên thập giá. Chính trong bữa tiệc vượt qua với các môn đệ, Chúa Giêsu thiết lập thánh thể, báo trước và trao tặng mình máu người sẽ đổ ra làm giao ước mới đem lại ơn cứu độ cho nhiều người. Cũng trong bữa tiệc vượt qua này, Chúa Giêsu báo trước một người trong nhóm đồng bàn sẽ phản bội người, trong khi đó thì Giuđa đã đi tìm những thượng tế để đề nghị nộp người, và từ đó ông tìm dịp để nộp người. Trên đường đi đến núi cây dầu, Chúa Giêsu báo trước các môn đệ sẽ bỏ người khi người bị nộp, Phêrô và các tông đồ khác đã thề sẽ không bao giờ bỏ thầy nhưng Chúa Giêsu cho Phêrô biết rằng trước khi gà gáy hai lần thì ông đã chối người ba lần.

Chúa Giêsu đem theo ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan đến vườn Giếtsêmani, và người buồn sầu và bắt đầu cầu nguyện thống thiết : «Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin cất chén đắng này khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con mà xin theo ý Cha ».  Chúa Giêsu mong muốn ba người môn đệ thân tín sẽ thức với người, nhưng các ông đều thiếp ngủ mê mệt. Khi đó, Giuđa đã dẫn một toán quân đến để bắt người, và hắn lấy cái hôn làm hiệu cho toán lính để nộp người. Các môn đệ bắt đầu hoảng sợ và bỏ chạy, trong số đó có một người còn trẻ mình chỉ quấn một tấm khăn, anh quá sợ hãi nên bỏ lại chiếc khăn và chạy mình trần. Ở phiên tòa thượng tế, nhiều người chứng gian tố cáo nhiều điều, có kẻ tố cáo người đã nói người sẽ phá đền thờ và trong ba ngày sẽ xây dựng lại nhưng Chúa Giêsu giữ thinh lặng trước những lời chứng gian này. Thầy thượng tế tra hỏi người có phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa không và Chúa Giêsu nhìn nhận và tuyên xưng người là Con Thiên Chúa và sẽ ngự bên hữu Đấng toàn năng và ngự đến trên mây trời. Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến thượng tế tức giận và cùng với mọi người trong cộng nghị ông tuyên bố Chúa Giêsu đáng phải chết. Trong khi đó, ngoài sân dinh thượng tế, Phêrô đã bắt đầu chối thầy ba lần và gà liền gáy. Phêrô và các môn đệ đã tỏ ra dũng khí thề sẽ không bỏ thầy, nhưng trước sức mạnh của những người vũ trang khí giới và quyền lực, ông đã đành tâm chối thầy vì yếu đuối.

Ở dinh Philatô, quan hỏi người có phải là vua dân do thái, Chúa Giêsu đã xác nhận người là vua, trong khi đó những thượng tế tố cáo người nhiều điều khác nữa, nhưng người vẫn giữ thinh lặng. Philatô tìm nhiều cách để tha người, nhưng dân do thái lại càng muốn đóng đinh người vào thập giá, ngay cả họ chọn lựa tha cho Baraba là tên tử tội và xin giết Chúa Giêsu khiến Philatô đành phải trao nộp Chúa Giêsu cho quân lính. Quân lính liền đánh đòn người và chế giễu người cách rất độc ác và bắt người vác thập giá lên núi sọ. Từ giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh người trên thập giá, giữa hai tên trộm cướp, và mọi người đi qua đường chế nhạo người nhiều điều. Đến giờ thứ chín, người kêu lớn tiếng : Lạy Chúa con, sao Chúa bỏ con và tắt thở. Viên đại đội trưởng, chứng kiến mọi sự từ đầu tuyên bố Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Tại nơi đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá, có nhiều phụ nữ đứng thinh lặng, còn Giuse Arimathia thì chôn cất Chúa Giêsu. Trong những giờ cuối cùng của Chúa Giêsu, chỉ có một vài người thân tín ở bên người như các bà Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê hậu, bà Salômê và một số bà khác.

          Thánh Marcô vẽ lên một bức tranh sinh động về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, từ việc dùng bữa tại nhà Simon tật phong nơi có người đàn bà tội lỗi đến để xức dầu thơm cho ngài cho tới khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá. Có nhiều thái độ khác nhau được phơi bày đứng trước cái chết của Chúa Giêsu, từ thái độ của các môn đệ cho đến thái độ và hành động của Giuđa. Các môn đệ không thể tỉnh thức với thầy, các ông cũng đã phản ứng theo thái độ tự nhiên là bỏ chạy thoát thân khi gặp phải nguy hiểm bắt bớ. Trong khi đó thì Giuđa vì tham tiền, đành tâm đi tìm kiếm những thượng tế để đề nghị nộp người và là người dẫn đường cho toán lính để đến bắt Chúa Giêsu với cái hôn làm hiệu. Phần Chúa Giêsu, người vẫn giữ thái độ bình thản và hoàn toàn tin tưởng vào thánh ý của Cha để đối diện trước mọi hoàn cảnh. Người vẫn bình an để dự tiệc vượt qua với các môn đệ và thiết lập thánh thể báo trước cái chết thập giá cứu độ của người. Người cầu nguyện thống thiết với Cha, và sáng suốt để xin thi hành theo thánh ý Cha để rồi chấp nhận bị bắt dẫn đi đến dinh thượng tế để bị xét xử và tuyên xưng rõ ràng người thực là Con Thiên Chúa và sẽ ngự đến trong vinh quang. Thái độ của các thượng tế càng muốn kết án Chúa Giêsu hơn vì người tuyên xưng mình là Con Thiên Chúa và họ luôn tìm kiếm những chứng cứ cũng như lôi kéo dân chúng để tố cáo người trước toà án của Philatô. Philatô xét xử Chúa Giêsu về một điểm chính trị khi hỏi người có phải là vua dân do thái không, đồng thời cũng không nhận thấy nơi Chúa Giêsu có tội gì đáng phải lên án, nhưng vì áp lực của dân chúng, ông cũng đành trao Chúa Giêsu cho quân lính đánh đòn và đưa đi đóng đinh trên thập giá. Thái độ của quân lính thực là tàn nhẫn đối với Chúa Giêsu. Chúng đã lạm dụng quyền lực để hành hạ, đánh đòn và chế giễu người cách độc ác, nhưng Chúa Giêsu vẫn giữ thái độ im lặng và tha thứ trước những xúc phạm tàn ác của họ đối với người. Tại nơi đóng đinh, quân lính đã đóng đinh người vào thập giá giữa hai tên trộm cướp như bị liệt vào số những kẻ gian ác, trong khi các thượng tế và luật sĩ vẫn tiếp tục nhạo báng người. Trình thuật được kết bằng cách mô tả từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm mặt đất, và màn trong đền thờ xé ra làm đôi. Chứng kiến những cảnh tượng này, viên sĩ quan tuyên xưng Đức Giêsu quả thật là Con Thiên Chúa: «Quả thật, người này thực là Con Thiên Chúa ».  

Đấng được chào và bị cười nhạo như là vua ngưòi do thái, Đấng bị đóng đinh, bị chối bỏ sau cùng đã được mạc khải với căn tính sâu xa nhất của mình là Con Thiên Chúa. Sứ vụ của người đã hoàn tất, và khi máu của người đổ ra người đã ban tặng máu này như là hoa quả mới của cây nho mới, như hiến tế cứu độ mọi người mà chúng ta được chia sẻ khi chúng ta tưởng niệm người trong Thánh thể. Loài người có thể lăn tảng đá lấp ngôi mộ chôn cất người lại, nhưng không thể giam cầm căn tính và sứ vụ Đấng cứu thế của người. Loài người có thể phủ nhận, tố cáo và loại trừ người, nhưng người vẫn yêu thương và tha thứ đến cùng. Tường thuật thương khó này làm sáng tỏ công trình cứu độ đẩm máu của Đức Giêsu và mời gọi chúng ta sống trọn vẹn hơn nữa lời cam kết phép rửa của mình  để theo người và tiếp nối sứ vụ của người một cách mạnh mẽ quyết liệt hơn.

          Điều thiết yếu của đời sống người môn đệ là bước đi với người trên con đường thập giá mà Chúa Giêsu đã trãi qua. Người môn đệ là người bước theo sau thầy và đi theo đường thầy đã đi. Đây không phải là điều dễ dàng. Giống như thầy Giêsu, chúng ta sống như người bằng cách vác thập giá của mình, chúng ta sẽ cảm nghiệm được điều này cách sâu xa trong đời sống của mình, đòi hỏi phải từ bỏ đến chừng nào : chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ, chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trĩu nặng, chúng ta sẽ phải khóc lóc kêu than với Chúa xin ngài cất đi nổi đau khổ của mình, nhưng cũng như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh thần linh để có thể vác thánh giá hằng ngày. Chính đời sống thần linh mà chúng ta đã lãnh nhận từ bí tích rửa tội sẽ thúc đẩy chúng ta, nâng đỡ con người yếu hèn của chúng ta, làm cho chúng ta trở nên những môn đệ trung tín để vác thập giá, những môn đệ trung tín biết bước đi theo thầy Giêsu, như là môn đệ và là thân mình của người.