Chúa Nhật Lễ Thánh Gia - Năm B
GIA ĐÌNH CHÚA GIÊSU
Chú giải của William Barclay

Lc 2, 21-24: Các nghi lễ được tuân giữ

Ở đây, chúng ta thấy gia đình Chúa Giêsu đã tuân thủ ba nghi lễ cổ mà người Do Thái phải giữ.

1) Cắt bì. Mỗi con trai Do Thái phải chịu cắt bì ngày thứ tám, sau khi sinh. Nghi lễ này quan trọng đến nỗi có thể làm vào ngày sabát, là ngày mà luật cấm làm hầu hết các công việc không tuyệt đối cần thiết, và như chúng ta đã biết, trong ngày đó đứa trẻ được đặt tên.

2) Chuộc con đầu lòng. Theo luật (Xh 13,2) thì mọi con đầu lòng dù người hay súc vật, đều biệt riêng ra cho Chúa. Luật này có thể là sự tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã ban cho loài người sự sống hay cũng có thể là dấu tích của thời kỳ trẻ con còn được dâng cho các thần. Dĩ nhiên nếu tục đó được tuân thủ sít sao thì sự sống không còn trên mặt đất. Vì thế mới có nghi lễ chuộc con đầu lòng (Ds 15,16). Người ta quy định rằng: dâng một số tiền năm shekel -chừng 15 shillings- cha mẹ có thể chuộc lại đứa con từ nơi Chúa. Số tiền đó phải cho các tư tế và không thể nộp trước 31 ngày sau khi sinh đứa trẻ và cũng không trì hoãn lâu.

3) Lễ Tẩy sạch sau khi sinh nở. Khi người đàn bà sinh con trai thì người mẹ bị ô uế trong 40 ngày, nếu con gái thì mẹ phải chịu ô uế trong 80 ngày. Người mẹ có thể đi lại trong nhà, làm công việc hàng ngày, nhưng không thể vào Đền Thờ hoặc tham dự các nghi lễ tôn giáo (Lv 12). Khi thời hạn đó chấm dứt, người mẹ phải vào Đền Thờ, đem theo một con chiên làm của lễ và một bồ câu non làm của lễ chuộc tội. Đó là một của lễ khá tốn kém, vì thế luật cũng định (Lv 12,8), nếu người mẹ không thể mua một con chiên thì có thể đem đến một con bồ câu thứ hai. Của lễ bằng hai bồ câu thay vì một con chiên và một con bồ câu gọi là “Của Lễ Của Người Nghèo”. Maria đã dâng của lễ đó. Một lần nữa, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu sinh ra trong một gia đình nghèo, không chút sang trọng, ở đó mỗi đồng xu cũng phải được tính kỹ, ở đó các phần tử trong gia đình biết rõ những khó khăn của cuộc sống và những gian nan của kiếp người. Khi nào đời sống trở nên bế tắc cho chúng ta, chúng ta nên nhớ rằng Chúa Giêsu đã nếm trải đủ mọi mùi cay đắng đó rồi.

Ba nghi lễ này là nghi lễ cũ và lạ, nhưng cả ba cùng nói lên một niềm tin: con cái là phúc lộc Chúa ban. Những người khắc kỷ nói con cái không phải được ban cho cha mẹ mà là cho mượn. Trong các ơn phúc Chúa đưa đến, không có ơn nào khiến ta mang nhiều trách nhiệm với Chúa cho bằng con cái.

Lc 2, 25-35: Giấc mơ thành tựu

Không có người Do Thái nào không coi dân tộc mình là dân tộc được ưu tuyển. Nhưng họ biết rõ bằng phương tiện tự nhiên, đất nước của họ không thể đạt được tầm cỡ tuyệt vời trên thế giới mà họ chỉ tin đó là phần phúc cho họ. Đa số họ tin rằng vì Do Thái là tuyển dân nên một ngày kia họ sẽ làm bá chủ thế giới. Nhiều người tin rằng vào ngày đó sẽ có một vĩ nhân, một anh hùng từ trời giáng trần; nhiều người khác tin rằng sẽ có một vị vua bởi dòng dõi Đavít và mọi vinh hiển xa xưa sẽ trở lại; nhiều người khác tin chính Thiên Chúa sẽ trực tiếp bước vào lịch sử bằng những cách siêu nhiên. Nhưng ngược lại, cũng có một số ít người được gọi là “những kẻ yên lặng trong xứ”. Họ không mơ tưởng gì về sức mạnh và quyền thế, về quân đội với cờ bay trống giục, họ tin cậy vào một đời sống kiên trì cầu nguyện và lẳng lặng đợi chờ cho đến khi Thiên Chúa ngự đến. Suốt đời sống, họ trông đợi Chúa cách lặng lẽ và nhẫn nại. Simêon là một trong số những người đó, bằng đời sống cầu nguyện và thờ phượng, cứ khiêm nhường trung tín đợi chờ, ông trông mong được thấy người Thiên Chúa an ủi dân Ngài. Thiên Chúa đã hứa với ông qua Thánh Thần là ông sẽ không qua đời trước khi được xem thấy Đấng Xức Dầu của Ngài. Ông nhận biết vị vua đó nơi hài nhi Giêsu và ông mừng rỡ. Bây giờ ông sẵn sàng ra đi bình an và những lời của ông đã trở thành bài ca “Bây Giờ Xin Chết” (Nunc Dimittis), cũng là bài ca tuyệt tác của Hội Thánh.

Trong câu 34, Simêon cho một bản tóm lược về công việc và số phận của Chúa Giêsu.

1) Chúa Giêsu sẽ làm cớ cho nhiều người vấp ngã. Câu đó nghe lạ tai và khó chịu, nhưng đó là sự thật. Không phải Thiên Chúa đoán xét người ta cho bằng người ta tự đoán xét mình, và đoán xét của mỗi người là do phản ứng của họ đối với Chúa Giêsu. Nếu khi đối diện với sự nhân từ, thương yêu của Chúa Giêsu, họ mở lòng ra tiếp nhận tình yêu đó thì họ được ở trong vương quốc của Ngài. Nhưng nếu lòng họ cứ lạnh lùng cứng cỏi hoặc thù nghịch thì họ bị kết án. Có nhiều người chối bỏ Ngài, đồng thời không thiếu những người sẵn sàng nhận Ngài làm Chủ đời sống họ.

2) Chúa Giêsu sẽ làm cớ cho nhiều người được chỗi dậy. Triết gia Seneca nói rằng nhu cầu lớn nhất của loài người là được một bàn tay đưa xuống để nâng họ lên. Chính bàn tay Chúa Giêsu đã nâng vực con người lên khỏi đời sống cũ và đem vào đời sống mới, đem tội nhân khỏi vũng bùn tội lỗi và bước vào đời sống thánh thiện, ra khỏi những nhục nhã và bước vào chốn vinh quang.

3) Chúa Giêsu sẽ gặp nhiều sự chống đối. Đối với Chúa không có sự trung lập. Hoặc chúng ta tuân phục Ngài, hoặc đối nghịch với Ngài. Thảm kịch của đời sống là tính kiêu ngạo đã ngăn cản chúng ta thực hiện sự tuân phục dẫn đến chiến thắng.

Lc 2, 36-40: Tuổi già đáng yêu

Anna cũng là một trong số những người lặng lẽ trong xứ. Chúng ta không biết nhiều về bà, ngoài mấy câu Kinh Thánh này, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để chúng ta có một bức họa về tâm tính bà.

1) Anna là một quả phụ. Bà đã từng nếm trải đau buồn nhưng lòng bà không hề cay đắng. Sự buồn rầu có thể đem đến cho chúng ta một trong hai điều: nó có thể làm chúng ta cứng lòng, cay đắng, uất hận, phản nghịch lại Chúa, hoặc làm chúng ta mềm mại hơn, dịu dàng hơn, nhân từ hơn. Nó có thể cướp mất lòng tin tưởng của chúng ta hoặc có thể giúp đức tin chúng ta đâm rễ sâu hơn, và trở nên bất khuất. Tất cả tùy thuộc cách chúng ta suy hiểu về Thiên Chúa. Nếu chúng ta nghĩ về Thiên Chúa như một bạo chúa thì chúng ta sẽ oán hận Ngài. Nếu nghĩ về Ngài như một người cha nhân từ thì chúng ta tin chắc rằng: tay của một người cha sẽ không làm cho con mình phải đổ một giọt nước mắt vô ích nào cả.

2) Bà đã già (84 tuổi) và không hề thôi hy vọng. Tuổi già cướp mất màu tươi thắm và vẻ cường tráng của thân thể chúng ta, nhưng còn tệ hại hơn, là năm tháng có thể giết chết sự sống trong tâm hồn chúng ta, đến nỗi bao hy vọng từng ôm ấp cũng chết lịm và chúng ta trở nên ảm đạm, ê chề, an phận thủ thường, không còn thiết tha điều gì nữa. Và điều đó cũng tùy thuộc vào cách chúng ta nhìn về Chúa: nếu chúng ta nghĩ rằng Chúa là một Đấng xa cách, không hề quan tâm đến chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ tuyệt vọng, Ngược lại, chúng ta tin Thiên Chúa có liên hệ mật thiết với cuộc sống chúng ta, Ngài điều khiển mỗi bước của chúng ta trên đường đời thì chúng ta sẽ thấy tương lai thật tốt đẹp. Tuổi tác, thời gian, sẽ không hề giết được hy vọng của chúng ta. Nhưng bà Anna làm sao để giữ vững niềm hy vọng đó?

a) Bà không hề ngưng nghỉ trong việc thờ phượng. Bà dâng đời sống mình trong nhà Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban Hội Thánh của Ngài để làm mẹ chúng ta trong đức tin. Chúng ta đánh mất một kho tàng vô giá khi chúng ta không muốn thông công trong việc thờ phượng với dân Chúa.

b) Bà hằng cầu nguyện không ngừng. Việc thờ phượng công cộng là quan trọng, nhưng việc thờ phượng riêng cũng quan trọng. Có người đã nói rất đúng: “Người nào biết cầu nguyện riêng tốt sẽ biết cầu nguyện chung tốt”. Năm tháng đã không đem cay đắng vào lòng Anna, không làm tan hy vọng của bà vì mỗi ngày bà biết kết hợp với Đấng vốn là Nguồn sức mạnh, và trong sức mạnh của Ngài, sự yếu đuối của chúng ta trở nên mạnh mẽ.