Chúa Nhật CHÚA HIỂN LINH - Năm B
CON ĐƯỜNG TÌM ĐẾN CHÚA
Antôn Phêrô Nguyễn

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về hai cuộc gặp gỡ, một giữa các nhà chiêm tinh phương Đông với vua Hêrôđê và hai là các nhà chiêm tinh với Chúa Hài Nhi. Trong hai cuộc gặp gỡ ấy, xuất hiện ba đối tượng cần bàn đến: thái độ của vua Hêrôđê, tâm tình của các nhà chiêm tinh và cuối cùng, cảm nghiệm của người thời nay khi nhìn về cuộc gặp gỡ ấy, đó là tôi.

Hiển nhiên, tôi không thể hiện diện cùng một lúc, trong cùng một hoàn cảnh với các nhà chiêm tinh, nhưng tôi sẽ có cảm nghiệm gì khi chiêm ngắm cuộc gặp gỡ này?

Trước tiên, nói về cuộc gặp gỡ giữa các nhà chiêm tinh với vua Hêrôđê, là cuộc đối thoại giữa một bên có thiện chí, khát khao và chân thành, còn bên kia là mưu mẹo, tính toán và thủ đoạn. Các nhà chiêm tinh đơn sơ, nghèo hèn, thiếu thốn đến nỗi phải nhìn vào ánh sao trên trời để tìm hướng đi (chiêm là nhìn, tinh là sao – tinh tú; chiêm tinh nghĩa đơn giản là “nhìn sao”).

Họ ra đi trong cô đơn, vô vọng và phải tìm đến nhà vua để xin thông tin liên quan đến Hài Nhi (Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?) Họ không tìm Chúa Hài Nhi để thỏa mãn tính “hiếu kỳ”, cũng không tìm đến để giết hại như toan tính của nhà vua, nhưng chỉ một ý nguyện “để bái thờ và tiến dâng lễ vật”.

Lễ vật ấy là vàng, nhũ hương và một dược, ba của lễ mang đầy ý nghĩ trọn cuộc đời Đức Giêsu. Vàng thể hiện sự quyền bính trên thế gian, hương biểu tượng của uy quyền của thần linh và mộc dược nhắc đến việc ướp xác vua chúa thời bấy giờ.

Như vậy, tâm tình cũng như sở nguyện của các nhà chiêm tinh đã rõ, và sự chân thành của họ đã được đền đáp. Họ được ánh sao dẫn tới nơi để gặp Chúa; họ được bái lạy tôn thờ đức vua của mình; họ được tiến dâng của lễ như lòng họ mong ước; và ra về, họ còn được báo mộng “đi lối khác mà về” để bảo toàn tính mạng.

Bên cạnh đó, thái độ của vua Hêrôđê trong cuộc gặp gỡ đầu tiên nói lên sự toan tính của thế gian. Sự tính toán mang đầy thù hận và giết chóc. Bên ngoài, vua Hêrôđê tỏ ý cũng muốn đến bái lạy Hài Nhi Giêsu, nhưng bên trong thì mang đầy sự thù hằn nham hiểm. Bằng chứng là sau khi không thấy các nhà chiêm tinh trở lại báo tin, ông đã ra lệnh giết hết các con trẻ trong vùng. Hêrôđê bối rối vì sợ vị vua mới lên chiếm ngự ngai vàng của mình, ông lo vì dân chúng sẽ lũ lượt tuôn về bái lạy Vua Giêsu mà phế truất mình, nhà vua ấy đã phát hoảng đến nỗi phải ra tay bằng cuộc thảm sát đẫm máu trên các trẻ em đầu lòng dân Do Thái.

Bởi đâu mà Hêrôđê bối rối và độc ác nếu không phải là tính thù hằn của con người? Bởi đâu ông bảo thủ và nham hiểu nếu không phải vì thiếu lòng chân thành và khiêm tốn?

Nơi Hêrôđê, sự thiếu vắng lớn nhất là tình yêu thương và tha thứ. Chính điều đó đã nhấn chìm cuộc đời của ông trong hận thù và giết chóc. Ông không thể gặp được Chúa như các nhà chiêm tinh đã gặp, vì nơi Hài Nhi Giêsu không có sự tồn tại của giết chóc hận thù, mà chỉ tràn ngập tình yêu thương và tha thứ.

Thái độ của Hêrôđê là thái độ không đáng có trong thế giới con người, nhưng sự ác ấy vẫn tồn tại trong mọi lúc mọi thời. Bởi vì tính ích kỷ và thù hằn của con người là chìa khóa cho ma quỷ bước vào thế giới. Hận thù đã gây ra bao cuộc chiến tranh thảm khốc giữa những anh em đồng loại. Ma quỷ gieo rắc sự chia rẽ khắp nơi trong nhân loại, lịch sử loài người đã oặn mình gánh chịu những đau thương mà chia rẽ đã gây ra. Cuối cùng, thái độ của tôi là gì khi đứng trước cuộc gặp gỡ này? Nếu khởi đi từ lòng ghen tương thù hận, có lẽ tôi sẽ gây ra tội ác. Và hầu hết tội lỗi đều bắt đầu từ sự ghen tương. Ađam đã ghanh tị về quyền năng của Thiên Chúa mà sinh ra tội nguyên tổ. Cain giết Eben chỉ vì ghen ghét của lễ em mình đẹp lòng Đức Vua hơn của lễ của mình.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng này, sự ghen ghét và thù hận của Hêrôđê đã gây nên bao cái chết thương tâm của trẻ em vô tội. Và còn nữa vô số những tội lội gây nên từ lòng hận thù và ghen ghét. Từ đời này qua đời khác, tội lỗi vẫn đầy dẫy khắp thế gian. Như thế, nếu mải mê theo đuổi quyền lực trần gian, danh vọng hão huyền và quyền lợi vật chất, tôi sẽ bị lôi cuốn vào mê cung của hưởng thụ và lối sống sa đọa. Những bước đi lệch lạc sẽ làm cho tôi ngụp lặn giữa tội lũy của ma quỷ bày nên. Tôi sẽ không thể có được cuộc gặp gỡ đích thực với tình yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Có chăng chỉ là việc nhìn thấy Chúa bên ngoài mà trong tâm hồn tôi không một chút phảng phất của “gặp gỡ”. Lúc đó, tôi nhìn thấy Chúa như một pho tượng không hơn không kém, mà lòng tôi ngổn ngang và đầy dẫy những toan tính theo kiểu của Hêrôđê. Nếu con người cứ mãi đắm chìm trong tội lỗi thì quả là thương tâm cho một kiếp người. Cuối cùng, tôi cần có một thái độ chân thành và phản tỉnh trước những lời “đường mật” của thế gian. Những lời đó tương tự như những lời mật ngọt của Hêrôđê đã nói với các nhà chiêm tinh: “để tôi cũng đến bái thờ Người”.

Cho đến lúc được báo mộng, các nhà chiêm tính mới nhận ra ý đồ nham hiểu của nhà vua, và họ đã chọn lối đi khác cho mình. Ngày nay, mọi nơi mọi lúc, tôi cũng rất cần một thái độ phản tỉnh để chọn lựa lối đi cho cuộc đời mình. Lối đi ấy là lối đi được “báo mộng” bởi ánh sáng của Chúa, ngang qua tia sáng của chân lý, của tình thương và sự thật, của lòng bác ái bao dung và của tình liên đới với tha nhân đồng loại.

Tuy nhiên, bên cạnh ánh sáng của Hài Nhi dẫn lối đưa đường, tôi cần có thái độ khiêm nhu chân thành, chỉ một lòng ước ao được gặp Chúa. Nhờ đó, tôi không bước đi trong sự chủ quan và toan tính theo kiểu Hêrôđê, nhưng là bước đi trong đường lối Chúa.

Con đường tìm đến Chúa là con đường tình yêu, ngợp đầy hoa trái của ác ái và thứ tha. Để dù ở đâu trên mặt đất này, tôi luôn tìm kiếm và bái thờ Đức Vua của lòng tôi đang cự ngụ và hằng dõi theo mọi nẻo đường tôi qua. Dù trải qua thung lũng hay vực sâu, lòng tôi chẳng sợ gì, vì có Chúa hằng ở cùng tôi. Amen.