Chúa Nhật CHÚA HIỂN LINH - Năm B
BƯỚC ĐI THEO ÁNH SÁNG
CỦA MẠC KHẢI LỜI CHÚA
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Lễ Hiển Linh là lễ Biểu Lộ và Mạc Khải Đấng cứu thế cho muôn dân. Ba Vua là hình ảnh của các dân tộc, nhiều người khác nhau thuộc các thế hệ khác nhau trong nhân loại đã biết chân thành tìm kiếm và nhìn nhận Đấng cứu thế mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Lễ Ba Vua biểu lộ sự chiến thắng ngay từ đầu của Đấng cứu thế trên những thế lực của tội lỗi và sự chết đang cầm giữ nhiều người, luôn muốn từ chối Đấng cứu thế.

          Vào thời Chúa Cứu thế, ba Vua là những nhà chiêm tinh, những người vốn thường tìm hiểu ý nghĩa của những biến cố xuyên qua các dấu chỉ. Đời sống của họ cũng hòa hợp với những gì họ hiểu biết, vì thế khi nhận ra dấu chỉ của ngôi sao lạ, họ đã mau mắn lên đường theo dấu ngôi sao lạ để tìm đến thờ lạy  vua người Do thái mới giáng sinh. Họ đã bỏ quê hương xứ sở để lên đường đến Giêrusalem và chân thành tìm kiếm để thờ lạy vị vua giáng sinh này. Khi đến Giêrusalem, họ đã không ngần ngại hỏi thăm và tìm kiếm hài nhi để thờ lạy : « Vua người do thái mới sinh ở đâu ? Chúng tôi nhận thấy ngôi sao của người hiện ra ở Đông Phương và chúng tôi đến để triều bái người. » Thánh sử Matthêu muốn diễn tả sự biểu lộ của Vinh quang Giêrusalem khi giờ Chúa viếng thăm đã được các tiên tri loan báo, khi mà mọi dân tộc sẽ tuốn về từ muôn phương cùng với những lễ vật. Đồng thời, đứng trước sự biểu lộ của Vinh quang Thiên Chúa, mỗi người được đặt trước một chọn lựa quyết định : đón tiếp Thiên Chúa Mạc khải nơi hài nhi vừa giáng sinh hay khép kín lòng mình trước lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa chỉ vì sợ mất quyền lợi và địa vị bản thân.

Thánh Matthêu mô tả sự trái ngược giữa thái độ của những nhà đạo sĩ đông phương và thái độ của dân chúng ở Giêrusalem và của Hêrôđê. Những đạo sĩ đông phương, mặc dù là những người xa lạ, nhưng đã biết chân thành đón nhận mạc khải của Thiên Chúa nơi sao lạ. Họ đã đáp lại dấu chỉ của mạc khải của Thiên Chúa một cách kính cẩn và nghiêm túc, và đã đến để triều bái người. Trong khi đó thì dân chúng ở Giêrusalem, vốn là những người gần gũi và là những chủ nhà, lẽ ra họ phải là những người trước tiên đón tiếp Đấng cứu thế được ban tặng cho họ, lại tỏ ra bối rối, không sẵn sàng trước biểu lộ của mạc khải Thiên Chúa cho họ. Thái độ bối rối này được diễn tả qua thái độ của Hêrôđê và những đại giáo trưởng và luật sĩ thân cận của ông. Với lời cố vấn của những người thân cận, Hêrôđê đã trả lời chính xác cho các nhà đạo sĩ nơi chốn của Đấng cứu thế vừa giáng sinh là Bêlem theo lời tiên tri Mikêa. Nhưng Hêrôđê lại không chân thành đón nhận mạc khải của Thiên Chúa để giới thiệu cho những người khách từ phương xa đến mà ông chỉ giả vờ hỏi thăm các đạo sĩ để rồi tìm cách làm hại hài nhi và cả các đạo sĩ.

          Thuật ngữ được dùng bởi Tin mừng theo Matthêu rất rõ nét: triều bái. Đây là thái độ thờ lạy, tôn thờ, nhìn nhận quyền bính của vị vua vừa giáng sinh. Ngay trong cách nói do thái, người ta còn thêm là phủ phục xuống sát đất, mặt cúi xuống sát đất để diễn tả cử chỉ kính trọng trước Thiên Chúa là Đấng Thánh. Ba nhà đạo sĩ đến nơi, họ đã dâng những lễ vật dành cho một bậc quân vương, là vàng, nhủ hương và mộc dược. Hơn nữa, những lễ vật này còn dành cho hài nhi để nhìn nhận thần tính của người. Tin mừng Matthêu muốn diễn tả những lời loan báo của các tiên tri giờ đây đã được ứng nghiệm nơi hài nhi Giêsu vừa mới giáng sinh. Tiên tri Isaia đã loan báo thời đại đầy vinh quang của Israel khi muôn dân thiên hạ sẽ đổ về Giêrusalem, họ tìm đến Giêrusalem vì ánh sáng phát xuất từ chính nơi đây, bởi vì đó là lúc chính Chúa đang đứng dậy và vinh quang của Thiên Chúa bừng sáng trên họ. Đoạn văn mô tả một khung cảnh vui tươi hạnh phúc tràn ngập dành cho Giêrusalem, bởi vì các con trai con gái của họ sẽ từ xa và từ khắp nơi sẽ trở về đoàn tụ và những kho tàng và của cải từ chư dân đổ về Giêrusalem với những đàn lạc đà và những lễ vật như vàng và nhủ hương. Thánh Matthêu hiểu những lời tiên tri của Isaia giờ đây đã được thực hiện và ông mô tả việc ba nhà đạo sĩ thăm viếng với hình ảnh ngôi sao lạ dẫn đường đến Giêrusalem và Bêlem để thờ lạy và dâng lễ vật cho hài nhi Giêsu vừa mới giáng sinh.

          Việc Ba vua từ Đông phương theo dấu ngôi sao lạ tìm đến kính viếng vị vua cứu thế mới giáng sinh đặt ra thái độ của con người trong việc đón tiếp sự nhập thể của Thiên Chúa. Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm của tình yêu, mà tình yêu là một hành động hoàn toàn tự do. Chỉ có tình yêu khi có tự do thế nào thì tình yêu này chỉ trọn vẹn thực sự khi được đón nhận. Nếu Thiên Chúa yêu thương con người mà không gặp được sự đón nhận từ phía con người, thì tình yêu này của Thiên Chúa vẫn chưa có thể biểu lộ trọn vẹn. Đức Mẹ và thánh Giuse đã biểu lộ thái độ đón nhận nhanh nhẹn và đầy lòng tin. Thánh Giuse mau mắn đón nhận Đức Maria về nhà của mình và đồng hành cùng Maria trong mọi hành trình để phục vụ cho hài nhi Giêsu giáng sinh, Đức Maria thưa vâng đón nhận thánh ý Thiên Chúa và lên đường để sinh con ở Bêlem, đi Ai cập và trở về Nazarét. Ba Vua biểu lộ thái độ đón nhận khi vượt đường dài từ quê hương để đến kính viếng và dâng lễ vật thờ lạy hài nhi mới giáng sinh. Trong khi đó thái độ của Hêrôđê cũng như những người ở Giêrusalem thì hoài nghi và bối rối vì không muốn đón nhận một vị vua nào khác, họ sợ quyền lợi và địa vị của mình bị lung lay vì một vị vua mới giáng sinh. Họ khép lòng mình trước lời mời gọi tình yêu của Thiên Chúa và còn tìm cách giết chết hài nhi Giêsu.

          Đón nhận biểu lộ mạc khải của tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi một dấn thân cương quyết. Cũng giống như Ba Vua, đời sống hằng ngày của chúng ta biểu lộ thái độ đón nhận trước mạc khải của Thiên Chúa giáng sinh. Khi đón nhận mạc khải của Thiên Chúa, các ngài đã lần theo dấu sao lạ, đến nơi Đấng cứu thế giáng sinh và thờ lạy. Mỗi người chúng ta cũng phải đi theo dấu ánh sáng của Lời Chúa trong hành trình cuộc đời. Trong hành trình này của cuộc đời, chúng ta cũng được mời gọi biết dùng khả năng hiểu biết để tìm hiểu ánh sáng Lời Chúa và bước đi theo ánh sáng Lời Chúa, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ của hành trình để gặp được Chúa Cứu thế và thờ lạy người như Ba Vua. Thái độ dấn thân cương quyết cũng đòi hỏi thái độ quên mình. Ba Vua phải vất vả lên đường theo dấu sao lạ trong một hành trình dài và hiểm trở, chúng ta cũng sẽ phải học thái độ quên mình trong cuộc hành trình theo Chúa, dưới ánh sáng của Lời Chúa hướng dẫn, ngay cả đón nhận những thập giá, những hy sinh mà chúng ta có thể gặp phải trong cuộc đời. Ba Vua đã dâng tiến những lễ vật là vàng, nhủ hương và mộc dược. Những lễ vật của chúng ta sẽ là những cố gắng chu toàn bổn phận trong cuộc đời, những hy sinh quên mình mà chúng ta đã cố gắng và những việc làm của chúng ta khi cùng làm việc và cộng tác với các anh chị em khác trong tình yêu thương chân thành. Thánh Phaolô chia sẻ xác tín của người về ơn mạc khải mà người nhận được trong tư cách là tông đồ của Chúa. Mạc khải này là mới mẻ bởi vì những thế hệ trước đây người ta chưa được biết, đó là nhờ Tin mừng mà các dân ngoại được trở nên đồng thừa tự, được thông phần vào lời hứa và trở nên cùng một thân thể. Đây chính là thực tại mà chúng ta đang chia sẻ, và vì thế, chúng ta càng nhận ra tầm mức quan trọng của ánh sáng Lời Chúa hướng dẫn cuộc hành trình của chúng ta. Nhờ ánh sáng Lời Chúa, chúng ta vốn là những người thuộc chư dân, nhưng được mạc khải của Lời Chúa hướng dẫn, đang bước đi trên con đường dẫn đưa tới Thiên Chúa là nguồn sống và hạnh phúc vô tận.