Chúa Nhật CHÚA HIỂN LINH - Năm B
HÃY LÀ ÁNH SAO NHỎ
                        Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP.

 

          Lễ Giáng sinh và lễ Hiển linh có những điểm giống nhau : lễ Giáng sinh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân Do thái qua các mục đồng ; còn lễ Hiển linh Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại qua các vị đạo sĩ là đại diện. Thánh Phaolô cho tín hữu Êphêsô biết rằng Thiên Chúa mới mạc khải “mầu nhiệm” được giữ kín từ lâu. Mầu nhiệm ấy là hết mọi dân tộc trên địa cầu đều được kêu mời hưởng nhờ ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.

 

          Những bài học của ngày lễ hôm nay thôi thúc chúng ta hãy trở thành những người nhiệt tâm thâu họp muôn dân về với Đức Kitô, không phân biệt mầu da, chủng tộc hay văn hóa, hầu tạo thành dân Thiên Chúa mà thánh Phaolô gọi là “Thân Thể của Chúa”.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          Bài đọc 1 : Is 60,1-6.

 

          Dân Israel phải đi lưu đầy ở Babylon 70 năm. Mặc dầu đang sống trong cảnh lưu đầy, tiên tri Isaia đã mơ thấy ngày hồi hương. Thành Thánh được tái thiết, Đền thờ được xây dựng lại, mọi dân tộc từng đoàn lũ tiến về ánh sáng rực rỡ trên thành. Trong khi cả trái đất chìm ngập trong tăm tối, thì Giêrusalem lại bừng sáng, nơi thu hút muôn dân, vì có Chúa là ánh sáng đang ngự đó.

 

          Đây là mơ ước của tiên tri Isaia, nhưng Giêrusalem đâu có được đúng như Isaia mơ ước. Giêrusalem đích thực, chính là Hội thánh được Đức Giêsu thiết lập. Mọi dân tộc trên địa cầu sẽ thâu họp lại bởi Hội thánh và trong Hội thánh để trở  thành Dân Thiên Chúa.

 

          Bài đọc 2 : Ep 3,2-6.

 

          Trong đoạn thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Êphêsô, Ngài cho biết Thiên Chúa ủy thác cho Ngài  loan báo cho họ biết một mầu nhiệm đã được giữ kín từ lâu mà nay Thiên Chúa đã dùng Thần  Khí mà mạc khải cho các Tông đồ và ngôn sứ của Ngài. Mầu nhiệm đó là : hết mọi dân trên địa cầu đều được kêu mời hưởng nhơ ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.

 

          Chính Đức Kitô đã mặc khải mầu nhiệm sâu kín đó cho các môn đệ và trao cho các ông  loan báo cho toàn thế giới biết. Kể từ đó, mọi dân nước đều được mời gọi trở thành Dân Thiên Chúa mà thánh Phaolô gọi là :”Thân thể của Chúa”.

 

          Bài Tin mừng : Mt 2,1-12.

 

          Thánh Matthêu cho chúng ta biết : Khi Đức Giêsu sinh ra tại Belem, miền Giuđê, có mấy vị chiêm tinh đi tìm Đấng Cứu thế qua sự xuất hiện của ngôi sao lạ. Nhiều người gọi những nhà chiêm tinh này là những “đạo sĩ”. Các “đạo sĩ” là những nhà trí thức ở vùng Babylon, phía đông xứ Palestine.  Họ tin tưởng rằng, ngôi sao lạ là điềm báo một Đấng Cứu tinh đã sinh ra, họ đã đi theo ánh sao chỉ dẫn và tìm đến Đấng Cứu thế mà dân Do thái đang mong chờ.

 

          Trên đường đi tìm Chúa Hài nhi họ không khỏi gặp những gian lao thử thách, nhất là lúc ngôi sao vụt tắt khi các ông đến Giêrusalem. Nhưng nhờ sợ kiên trì và can đảm, ánh sao đã xuất hiện lại và đã dẫn họ đến chiêm bái Chúa Cứu thế.

 

          Như thế, những người ngoại quốc tức thế giới ngoại giáo đã khám phá ra Đức Kitô, trong khi những người Do thái, tuy đã được các tiên tri báo trước, vẫn có thái độ dửng dưng hiềm thù và từ chối Đấng Cứu thế. Như thế, qua ánh sao lạ, Chúa Hài nhi đã tỏ mình ra cho đại diện lương dân.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                            
        Sức mạnh của một cây nến
 

I. HAI NGÀY LỄ SONG SONG.

 

          Hiện nay trong nhiều quốc gia, lễ Hiển linh được mừng long trọng hơn lễ Giáng sinh. Sở dĩ như thế là vì lễ Hiển linh là lễ Chúa Giêsu xuống thế và tỏ mình ra với dân ngoại. Sự che giấu đã được thố lộ, sự gì ẩn khuất đã được trình bầy. Lễ Giáng sinh và lễ Hiển linh là hai lễ song song. Cũng như lễ Giáng sinh mừng Đức Giêsu tỏ mình ra  đặc biệt với những người Do thái, thì lễ Hiển linh mừng việc Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt đối với dân ngoại.  Vì thế, lễ này được gọi là “lễ của Chư Dân”.

 

          Ngày xưa, Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại, ngày nay Chúa còn hiển linh cho chúng ta không ? Chắc chắn là còn, nhưng bằng những cách khác nhau và đơn sơ hơn  qua những dấu chỉ thông thường trong cuộc sống hằng ngày.  Chỉ cần có đức tin mới nhìn thấy chân lý, mới có được thái độ của ba nhà đạo sĩ là phủ phục thờ lạy và tiến dâng của lễ cho Chúa Hài nhi.

 

II. CÁC ĐẠO SĨ ĐI TÌM CHÚA.

 

          1. Các “đạo sĩ” là ai ?

 

          Người ta cho rằng các “đạo sĩ” (magi) là những nhà trí thức ở vùng Babylon phía Đông xứ Palestine. Có người lại cho rằng “đạo sĩ” là tên gọi các Tư tế Ba tư, nhưng thời kỳ bị Hy lạp đô hộ, đạo sĩ là tên gọi những người Đông phương hiểu biết khoa chiêm tinh.  Dựa theo lễ vật, người ta đoán có ba đạo sĩ đến gặp Hài nhi Giêsu.

 

          Đối với chúng ta , dường như việc các đạo sĩ từ Đông phương lên đường đi tìm vua là một việc khác thường. Nhưng thật lạ lùng, ngay lúc Chúa Giêsu Giáng sinh, trong thế giới bấy giờ cũng có những sự ngưỡng vọng kỳ lạ về một vị vua sẽ đến. Về điều này sự gia Suetonus của La mã đã viết :”Khắp Đông phương có một niềm tin phổ thông rằng vào thời đó, nhất định có người từ Giuđa đến cai trị thế gian”.

 

          Còn Josephus, sử gia Do thái viết :”Chúng ta không nên nghĩ rằng câu chuyện các Magi đến nơi máng cỏ chỉ là một huyền thoại dễ thương, nhưng chính đó đã là biến cố đã xẩy ra trong thế giới cổ. Khi Chúa Giêsu đến  thì thế gian đang tha thiết trông đợi. Loài người thật đang trông chờ Thiên Chúa, sự khát khao Thiên Chúa nung nấu lòng người.  Họ đã khám phá ra rằng mình không thể tạo được thời đại hoàng kim nếu không có Thiên Chúa.  Chúa Giêsu đã ngự đến một thế gian đang khắc khoải mong đợi và khi Ngài đến, con người từ những phương trời xa xôi nhất đã tề tựu quanh  nôi Ngài. Đó là dấu hiệu và biểu tượng đầu tiên chinh phục thế giới của Chúa Giêsu”.

 

          2. Trên đường đi tìm Chúa Hài nhi.

 

          Nhà đại thiên văn Képler khám phá ra rằng vào năm Chúa Giáng sinh, có một hiện tượng bất bình thường xẩy ra giữa các vì sao. Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng :”Bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau.  Năm đó chúng quay sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng”.  Phải chăng đó chính là ngôi sao lạ dẫn đường cho các đạo sĩ tìm ra Chúa Hài nhi ?

 

          “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông”(Mt 2,2).  Người xưa cho rằng ngày ra đời của một vĩ nhân thường được báo hiệu sự xuất hiện của các ngôi sao lớn. Các chiêm tinh gia thường nghiên cứu những chuyển động của các vì  tinh tú để đoán biết định mệnh con người. Vì thế, khi nhìn thấy ngôi sao lạ, các đạo sĩ đã nhận ra  sự sinh hạ của Đấng Cứu thế, vua dân Do thái (Carôlô, Sợi chỉ đỏ B, tr 96).

 

          Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây cột lửa để hướng dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về đất hứa, thì Ngài cũng có thể dùng ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ đến Belem để gặp Đấng Cứu tinh. Tuy thế, trên bước đường đi tìm kiếm, các đạo sĩ cũng gặp khó khăn, thử thách , nhất là khi ngôi sao dẫn đường vụt tắt ở Giêrusalem. Nhưng Chúa lại thương cho ngôi sao xuất hiện để hướng dẫn các ông đi triều bái Chúa Hài nhi.

 

          3. Lễ vật dâng Chúa Hài nhi.

 

          Khi ngôi sao dừng lại trên nhà Hài nhi “các ông vào nhà, thấy Hài nhi với Thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lậy Người. Rồi họ mở bao tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”(Mt 2,11-12). Những lễ vật này đều có ý nghĩa tượng trưng.

 

          a) Vàng : Ông Seneca cho biết chẳng ai vào chầu vua mà không có lễ vật. Ngày xưa người ta coi vàng là vua của mọi thứ kim loại xứng hợp với lễ vật  con người dâng cho vua.  Cũng vậy, Chúa Giêsu là người “sinh ra để làm vua”, nhưng không phải cai trị bằng vũ lực nhưng bằng tình yêu và phục vụ.

 

          b) Nhũ hương :  Ngày xưa, người ta dùng nhũ hương trong việc phụng tự và trong việc dâng lễ vật. Hương thơm và làn khói bay lên  trời cao, khiến họ liên tưởng đến thần linh, đến Thiên Chúa. Vì thế, món quà bằng nhũ hương tượng trưng cho thần tính của Đức Giêsu. Chức vụ tư tế sẽ là mở đường cho loài người đến với Thiên Chúa.

 

          c) Mộc dược : ngày xưa, người ta dùng mộc dược để ướp xác người chết trước khi đem đi mai táng. Vì thế, món quà bằng mộc dược tượng trưng cho nhân tính của Đức Giêsu. Nó nói với chúng ta rằng Đức Giêsu cũng có những yếu đuối, mỏng dòn, dễ bị thương tổn vì Ngài là người như chúng ta.

 

III. LỄ HIỂN LINH VÀ CHÚNG TA.

 

          1. Cuộc hành trình đức tin.

 

          Cuộc hành trình của các đạo sĩ được xem là hình ảnh cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Với một dấu hiệu không chắc chắn, không rõ rệt là ngôi sao, các ông đã lên đường tìm kiếm sự thật. Trong cuộc hành trình cũng có những bước thăng trầm : có khi con đường rất bằng phẳng êm ái, có khi lại quanh co gồ ghề, có lúc ánh sao sáng tỏ trên bầu trời, có lúc vụt biến mất. Nhưng miễn là người ta không nản lòng mà cứ kiên trì tiến bước thì cuối cùng người ta sẽ gặp được Chúa.

 

          Nhưng đức tin của chúng ta  phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Thánh Giacôbê đã nói :”Đức tin không có việc làm là một đức tin  chết”.  Nhiều khi chúng ta phải can trường lướt thắng bản thân, phải liên lỉ chiến đấu hy sinh, phải anh dũng biểu lộ lòng tin. Đức hồng y Fulton Sheen khẳng định :”Để trắc nghiệm đức tin của chúng ta, cần phải xem phản ứng trước đau khổ và thử thách, chứ không phải là lúc đời lên hương, thuận buồm xuôi gió”.

 

          Đức tin của chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái bằng việc làm để mọi người có thể hiểu được thế nào là tình yêu mà chúng ta tin và có thể nhận ra khuôn mặt của Đấng mà chúng ta suy  phục , tôn thờ.

 

          2. Món quà dâng Chúa.

 

          Các đạo sĩ đã dâng cho Chúa Hài nhi 3 lễ vật : vàng, nhũ hương và mộc dược, lễ vật chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Những lễ vật này chỉ là dấu hiệu biểu lộ lòng ngưỡng mộ, tôn kính và yêu mến của họ đối với Chúa Hài nhi, còn phía chúng ta, Chúa cần những lễ vật cao qúi hơn, đó chính là tấm lòng chúng ta, cả con người chúng ta. Hãy dâng cho Chúa tất cả.

 

Truyện : Vị đạo sĩ thứ tư.

 

          Văn sĩ Koergensen, người Đan mạch, đã nghĩ ra một câu chuyện minh hoạ cho thấy rõ điều đó. Ông đã tưởng tượng ra một vị đạo sĩ thứ tư. Vị này đến gặp Chúa Giêsu Hài đồng sau ba vị kia. Gặp Chúa, nhưng ông rất buồn vì không còn gì để dâng tặng cho Ngài. Trước khi lên đường, ông đem theo ba viên ngọc qúi giá. Dọc đường, ông gặp một cụ già đói nghèo, ông tặng viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông lấy viên ngọc thứ hai  thương lượng với chúng để chuộc cô gái.  Cuối cùng, khi đến Belem, ông gặp một người lính do vua Hêrôđê sai đi để tàn sát các hài nhi, ông lấy viên ngọc thứ ba cho anh ta và thuyết phục anh ta từ bỏ hành động gian ác.

 Đến khi gặp Chúa Hài đồng, ông chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình. Nhưng thật lạ lùng, Chúa Giêsu đưa hai tay ra và mỉm cười nói với ông :”Con đã dâng cho Ta món quà qúi giá nhất. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân”.

 

3. Hãy là một ánh sao.

 

a)  Hiển linh và truyền giáo.

 

Lễ Hiển linh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, nhắc chúng ta đến việc truyền giáo. Nhờ ngôi sao mà các đạo sĩ đã tìm ra Chúa Cứu thế ; chúng ta cũng hãy là những ánh sao sáng thu hút những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm Chúa.

 

          Những gì được Đức Giêsu  khởi sự trong thời của Ngài thì cũng phải được chúng ta tiếp tục trong thời của chúng ta. Nếu Đức Giêsu phải được rao giảng cho mọi dân mọi nước, thì việc rao giảng đó phải được thực hiện bằng chính những cố gắng của chúng ta. Chúng ta phải loan báo cho mọi dân tộc trên thế giới biết “Tin Mừng” này là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã mặc lấy xác thịt và sống giữa chúng ta. Chúng ta phải nói cho họ biết rằng Đức Giêsu đã đi vào lịch sử, không phải chỉ để cứu độ người Do thái vào thời của Ngài, mà cứu độ tất cả mọi dân tộc, mọi quốc gia trong mọi thời đại nữa.

 

          b) Hãy là ánh sáng trần gian.

 

          Chúa Giêsu đã bảo chúng ta :”Các con là anh sáng trần gian”(Mt 5,14) thì đó là một vinh dự vô cùng lớn lao, nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề.

          Nếu thế gian đang đi trong bóng tối của giả dối, hận thù ; chúng ta hãy là những ánh sao chân thành, phục vụ và yêu thương.

          Nếu thế gian đang chìm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng ; chúng ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng.

          Chúng ta đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng hãy dấn thân thắp lên những ngọn nến sáng : nến sáng của tin yêu và hy vọng, của bác ái và vị tha, để cả trái đất này tràn ngập ánh sáng tình yêu Chúa.

 

Truyện : Ánh sáng  lan tỏa.

 

          Truyện cổ của người Phi châu có một câu chuyện rất hay :

          Một cụ già nọ có ba người con trai, ông yêu thương tất cả các con như nhau. Tuy không xuất thân từ gia đình giầu có nhưng với sự khôn ngoan và cần cù làm việc, ông đã tậu được những mảnh đất rất phì nhiêu. Khi đã về già, biết mình đã gần đất xa trời, ông muốn để phần gia tài cho người con nào thông minh và khôn ngoan.

 

          Một hôm, đang trên giường bệnh, ông nghĩ ra một cách thử xem ai là người thông minh và khôn ngoan nhất. Ông gọi ba người con đến trao cho mỗi người 5 đồng và bảo họ đi mua bất cứ cái gì có thể làm đầy trong phòng khách gần như trống rỗng. Mỗi người nhận tiền rồi ra đi.

 

          Người con trưởng nghĩ là việc quá dễ dàng nên ra chợ mua ngay một bó rơm với già 5 đồng. Người con thứ hai sau một lúc suy nghĩ liền vào tiệm mua một túi lông gà với những mầu sắc trông rất đẹp mắt. Còn người con út chậm rải đi khắp các cửa tiệm vừa đi vừa suy nghĩ đắn đo. Một lúc sau mắt cậu sáng lên, cậu đã tìm ra vật vừa rẻ tiền lại vừa đẹp ý cha mình. Cậu bước vào một tiệm nhỏ bé và hỏi mua một cây nến với một bao diêm. Cậu sung sướng trở về nhà, trong lòng phân vân không biết hai anh đã mua những gì rồi.

 

          Ngày hôm sau, cả ba người con đến bên giường của cha, mỗi người đem theo những gì đã mua được với 5 đồng.  Người con cả đem bó rơm trải trên sàn nhà, nhưng chỉ đủ phủ kín  một góc phòng mà thôi. Người con thứ mở túi lông gà nhiều mầu sắc, nhưng cũng chỉ đủ rải rác qua loa.  Người cha nhìn hai người con lớn với nét mặt buồn buồn, rồi ông quay sang hỏi người con út xem đã mua được cái gì khá hơn chăng ? Cậu bé rút ra cây nến với bao diêm.  Bật diêm lên đốt, vừa đốt cây nến lên lập tức ánh sáng phủ đầy khắp căn phòng.

 

          Cha với hai anh mỉm cười nhìn cậu sung sướng, cha cậu rất  hài lòng với sự lựa chọn của cậu út. Ông chia phần gia tài lớn nhất cho cậu, bởi vì ông hiểu rằng cậu là người thông minh hơn cả, sẽ biết tận dụng gia tài để lại cho cậu.

 

          Câu chuyện cổ của người Phi châu này giúp ta chúng ta nghĩ đến vai trò của ánh sáng.  Chúa Giêsu là ánh sáng của chân lý, của sự thật để soi sáng những ai còn ngồi trong bóng tối u mê, của ngờ vực và của kém lòng tin. Đã là ánh sáng thì phải lan tỏa khắp nơi.  Người tín hữu Kitô phải đem ánh sáng của chân lý, của sự thật để soi sáng những ai còn ngồi trong bóng tối u mê, của ngờ vực và của kém lòng tin. Hãy thắp lên một tia sáng tình thương đầy hy vọng cho những người chung quanh chúng ta.

 

          c) Ít ra là một ngọn nến nhỏ.

 

          Nếu chúng ta thấy mình yếu đuối, kém cỏi làm sao có thể là ánh sáng chiếu toả và soi sáng cho những người chung quanh, thì ít ra chúng ta cố gắng trở thành một ngọn nến nhỏ soi sáng trong đêm tối. Ngọn nến nhỏ của chúng ta cứ việc chiếu sáng trong đêm tối, còn việc chiếu sáng đến mức nào, việc ấy ta để dành cho Chúa.  Với sự trợ giúp của ơn Chúa, ngọn nến của đời  ta sẽ có thể chiếu sáng rộng rãi.

 

                                      Truyện : sứ mệnh của một ngọn nến nhỏ.

          Vào một đêm mưa rào, ngọn đèn hải đăng bị mất điện tắt ngúm. Người phụ trách hải đăng vội vã đốt lên một cây nến nhỏ và cầm cây nến theo đường cầu thang leo lên sân thượng để đốt đèn lên.  Bấy giờ cây nến  mới lên tiếng hỏi người phụ trách rằng :

          - Ông đem tôi đi đâu vậy ?

          Ông ta trả lời :

          - Ta mang nhà ngươi lên sân thượng để chiếu sáng giúp tầu bè từ ngoài khơi biết đường trở về và cập bến an toàn.

          Cây nến lại nói :

          - Nhưng tôi chỉ là cây nến nhỏ bé thế này thì tầu bè ở tận ngoài khơi làm sao nhìn thấy ánh sáng của tôi đdược ?

          Người phụ trách trả lời :

          - Bây giờ ta chỉ cần nhà ngươi đừng bị gió thổi tắt là được. Còn các chuyện khác thì đã có ta lo liệu.

          Khi cả hai leo lên đến nơi, thì người phụ trách đã dùng cây nến châm lửa và trong giây lát ánh sáng từ cây đèn lồng rực lên chiếu tỏa ra chung quanh. Chiếc đèn lồng này đã được thiết kế để khi cần có thể sử dụng thay bóng đèn điện. Ánh sáng của nó có sức chiếu ra tận ngoài khơi, hầu giúp tầu bè dễ dàng định hướng để quay về cập bến an tòan.

 

          Mỗi người chúng ta cũng là một cây nến nhỏ trong bàn tay Chúa quan phòng. Bổn phận của chúng ta là phải làm hết khả năng Chúa ban và phó thác kết quả vào trong tay Chúa định liệu.

 

          Để kết thúc, chúng ta hãy suy nghĩ về câu nói của L. Éliot :       

Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng

Thì hãy là ánh lửa non cao.

Nếu không thể là ánh lửa non cao

Xin hãy làm ánh nến toả sáng trong gia đình.

 

          Đức Gioan Phaolô II trong giáo lý năm thánh 2000 có viết :”Việc giáo dân tham dự và cùng có trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, cùng với nhiều hình thức tông đồ và phục vụ của họ trong xã hội, khiến chúng ta có lý mà hy vọng rằng, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thú ba, sẽ có một cuộc hiển linh trọn vẹn và tốt đẹp nơi thành phần giáo dân”.