Chúa Nhật XIII - Mùa  Thường Niên - Năm A
ĐÓN TIẾP
SƯU TẦM

Một số người nghĩ rằng Giáo Hội đã lỗi thời và không còn cần thiết nữa. Có người cho rằng giảng huấn của Tin Mừng là khùng điên. Trong số báo The World xuất bản tháng 11 năm 1989, Ted Turner chủ nhân của cơ quan truyền thông Turner Broadcasting đã tuyên bố: “Kitô giáo là một tôn giáo dành cho những kẻ thua cuộc”. Ngoài câu nói này, ông còn vung vít nhiều điều khác nữa, nhưng câu này gồm tóm điểm chính yếu những gì ông ta đã phát biểu.

Trước mặt người đời những người Kitô hữu là những người khùng điên, dại khờ, thua lỗ. Nhưng điều người đời nghĩ rằng điên dại thì thật ra lại là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Đây là điều thánh Phaolô đã nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa”.

Bài Phúc âm hôm nay, là phần kết luận của chương 10, “Bài giảng về những Sứ Mệnh Truyền Giáo”. Đây là những hướng dẫn của Chúa Giêsu ban cho các tông đồ trước khi sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng. Sau khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã ban quyền hành và sai họ ra đi thi hành mục vụ trong cánh đồng truyền giáo. Người ta chỉ thị cho họ phải chấp nhận cuộc sống hy sinh, khó nghèo, làm việc vất vả, gặp nhiều thử thách, bị bắt bớ hành hạ và bị giết chết. Đứng trước viễn tượng đó Người đã khuyên họ không nên vì sợ hãi mà thiếu lòng tự trọng, rồi mang mặc cảm tự ti làm hủy diệt nhân cách con người. Bởi, tuy không được tôn trọng trước mặt người đời, nhưng trước mặt Thiên Chúa họ rất quan trọng. Đây chính là Tin Mừng đối với các tông đồ.

“Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Chúng ta có bao giờ thực sự nghĩ rằng khi một người nào đó đón tiếp chúng ta là họ đón tiếp Chúa Giêsu Kitô không?

Theo những cuộc thăm dò cho biết hai trong ba người có quan niệm rất thấp về bản thân mình. Các nhà tâm lý học gọi đó là sự tự đánh giá thấp về chính mình. Thiếu lòng tự trọng thường là nguyên do của nhiều vấn đề xã hội và tâm lý. Người có lòng tự trọng cao thường lành mạnh hơn là những người thiếu lòng tự trọng. Họ sống lâu và ít có tai nạn hơn. Họ tránh được những thái độ khiêm nhã. Họ không cần phải dùng đến thuốc kích thích hay bia rượu, và cũng không cần phải khoe khoang hay làm những sự liều lĩnh ngu xuẩn để gây sự chú ý. Những người có lòng tự trọng cao thường thành công và kiếm được những việc làm lương bổng cao hơn. Tại sao? Những nhà tâm lý học trả lời rằng vì họ có niềm hy vọng và tinh thần lạc quan. Đây chính là yếu tố tạo nên thành công.

Martin Seligman, giáo sư tâm lý học của trường đại học University of Pennsylvania đã làm cuộc thăm dò các nhân viên của một hãng bán bảo hiểm lớn. Kết quả cho thấy rằng những người mong mỏi thành công đã bán bảo hiểm được 37/o nhiều hơn những người không mong đợi gì. Điểm then chốt là khi một người tự coi mình là một người thất bại thì tương lai sẽ thể hiện đúng điều dự đoán đó!

Tôi nghĩ Chúa Giêsu cũng đã hiểu tâm trạng của các tông đồ khi bị hất hủi và bị bắt bớ, họ phải trải qua những thời gian khó khăn để kiến tạo sự tự trọng. Suy nghĩ tích cực về chính mình đang khi bị phê bình gay gắt là những thử thách tâm lý khó khăn nhất các môn đệ đang gặp phải

Những lời khích lệ của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có giá trị vì được Thiên Chúa yêu thương. Giá trị của chúng ta không hệ tại ở lời phê bình của người đời, hay do tài năng khéo léo của chúng ta, nhưng vì chúng ta là môn đệ của Người, cho dù nam hay nữ, già hay trẻ, giáo dân hay tu sĩ, hay chỉ là một trong những con người “bé nhỏ”.

“Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần của tiên tri… Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy… người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Có khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta đón tiếp một người nào đó là chúng ta đón tiếp chính Chúa Giêsu không? Những người Công giáo ở Ao Quốc thường treo khẩu hiệu này ở nhà mình: “Người khách là Chúa Kitô”.

Trong suốt 58 năm làm linh mục (1910-1968), thánh Padre Piô đã nghe hàng ngàn người xưng tội. Thế nhưng, hiều vị giáo sĩ lúc bấy giờ đã coi cha Padre Piô là kẻ dối trá. Từ những năm mới bắt đầu, dân chúng tung tin đồn ngài là nhà huyền bí giả hiệu với những vết thương tự làm khổ mình, và cả chuyện lăng nhăng về tình dục. Năm 1931 với sự đồng ý của Vatican, bề trên đã cấm ngài không được giải tội và dâng thánh lễ công khai. Phải mất 2 năm để điều tra và phục hồi năng quyền cho ngài được dâng thánh lễ. Mãi đến ngày 5 tháng 3 năm 1934 ngài mới được phép giải tội, nhưng chỉ ngồi tòa cho đàn ông mà thôi. Hai tháng sau đó, ngày 12 tháng 5, ngài mới được phép giải tội cho cả phụ nữ nữa. Vì sự nghi ngờ này, nhiều vị trong Giáo Hội tránh né cha Padre Piô. Nhưng vị giáo hoàng tương lai đã không thèm để ý tới những tin đồn. Ngài đã chỉ dựa vào cảm giác tốt lành của những người Công giáo bình thường: “Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần của tiên tri “.

Đức Giáo Hoàng đã đón nhận một phần thưởng tốt đẹp. Năm 1962, đang khi tham dự Công đồng Vatican II, ngài nghe tin một bè bạn đang hấp hối vì ung thư cổ họng. Ngài viết thư xin cha Padre Piô cầu nguyện cho bà. Dr Wanda Poltawka đã được khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe. Và 40 năm sau, bà đã có mặt trong buổi lễ phong thánh của cha Padre Piô.

Chúng ta cầu xin Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta những vị thánh, giống như cha Padre Piô. Nhưng chúng ta cũng phải cầu xin cho chính chúng ta có sự khiêm tốn để đón nhận họ như một vị thánh nữa.