Chúa Nhật XII - Mùa  Thường Niên - Năm A
ANH EM ĐỪNG SỢ
Lm Giuse Đinh tất Quý

Chúng ta vừa nghe một trong những đoạn Tin Mừng có nhiều chất an uỉ nhất ở trong Tin Mừng. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II rất thích đoạn Tin Mừng này. Ngài đã chọn để đọc trong ngày lễ đăng quang của Ngài.

A. Chỉ trong một đoạn văn vắn như thế mà 3 lần Chúa Giêsu bảo với các môn đệ : "Đừng sợ". Sứ giả của Chúa phải can đảm, không biết sợ hãi.

1. Mệnh lệnh thứ nhất được ghi ở trong câu 26-27. Đừng sợ. Lý do:Vì chẳng có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà sẽ không được biết đến.

Khi nói như thế Chúa muốn nói rằng: Sự thật sẽ toàn thắng. Châm ngôn Latinh có câu: " Sự thật là vĩ đại. Sự thật sẽ toàn thắng". Khi vua Giacôbê VI hăm dọa treo cổ hoặc lưu đầy Andrê Meville, ông đã nói thẳng với nhà vua: "Vua không thể treo cổ và lưu đầy sự thật được". Khi Kitô hữu chiụ khổ hay hy sinh, thậm chí có phải chết vì đạo đi nữa thì cũng phải nhớ rằng một ngày kia mọi sự sẽ được phơi bày. Lúc đó quyền lực của kẻ bách hại và sự anh dũng của người theo Chuá sẽ được minh giải và mỗi người sẽ nhận được đúng với những gì mình đã làm.

Chính vì thế mà người theo Chuá phải biết mạnh dạn rao giảng những gì Chúa truyền dạy. Phải nói điều mình đã nghe và đã sống, dù việc loan báo như thế có phải chuốc lấy vạ vào thân hay thậm chí có phải mất mạng đi nữa.

Tại sao lại như thế? Thưa vì thế gian không ưa thích sự thật. Nhà triết học Diogene bảo: "Sự thật như ánh sáng chiếu vào mắt làm cho mắt bị đau".

Một lần kia Giáo sĩ Latimer  giảng. Hôm đó có cả vua Henri tham dự. Ngài biết mình sắp phải nói điều nhà vua không ưa. Được Chuá soi sáng từ trên tòa giảng Ngài nói thật lớn như nói với chính mình: "Latimer. Latimer, Latimer...Hãy coi chừng điều ngươi sắp nói...Có Đức Vua nghe đấy" Sau đó ngài ngừng một chút rồi nói tiếp: "Latimer. Latimer, Latimer..Hãy coi chừng điều ngươi nói.Vì có Đức Vua của các vua đang ở đây". Người loan báo Tin Mừng loan báo cho loài người nhưng phải loan báo trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Khi chôn Gioan Knox người ta đã nói về ông như thế này: "Đây là nơi an nghỉ của một người kính sợ Thiên Chúa đến nỗi không bao giờ sợ hãi trước mặt loài người".

Chứng nhân của Chúa Kitô là người không biết sợ vì biết rằng sự phán xét đời đời sẽ điều chỉnh lại sự phán xết tạm thời.

2. Mệnh lệnh thứ hai nằm ở trong câu 28.

Một cách đơn giản điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây phải hiểu là không có hình phạt nào của con người có thể so sánh được với số phận tối hậu của một người cả dám phạm tội bất tuân đối với lệnh Chúa truyền. Con người chỉ có thể giết chết được thân xác. Thiên Chúa mới là Đấng có thể lên án chết cho cả xác và hồn.

Người Do thái hiểu rất rõ đều Chúa muốn nói: nếu Chúa mà trừng phạt thì thật là khủng khiếp. Sách khôn ngoan có chép: "Quả thực Thiên Chúa có quyền trên sự sống và sự chết. Ngài đưa xuống tận âm phủ rồi lại kéo ra. Còn người ta do lòng gian ác có thể giết chết, nhưng khi linh hồn xuất ra rồi, nó không tài nào dẫn về được, cũng không giải thoát linh hồn ra khỏi âm phủ được "

Trong cuộc khởi nghĩa Maccabê, lúc phải chịu chết vì đạo 7 anh em trong gia đình đã đùng những lời như thế này để khích lệ nhau: "Đừng sợ những kẻ tưởng có thể giết chết được chúng ta. Những cực nhọc và đau đớn khủng khiếp của phần hồn trong sự trừng phạt đời đời đang chờ đợi những ai dám vi phạm giới răn của Đức Chúa Trời"

Phải nhớ rằng những hình phạt của loài người chẳng có nghĩa gì đối với sự trừng phạt của Thiên Chúa cũng như phần thưởng người thương ban.

3. Mệnh lệnh thứ 3 nằm ở trong câu 31

Đừng sợ vì Thiên Chúa luôn chăm lo cho những ai biết phụng sự Người.

Nếu Người đã chăm sóc cả đến những con chim sẻ thì chẳng lẽ Người lại không lưu tâm để ý đến những kẻ phụng sự Người sao?

Mathêo nói: hai con chim sẻ được bán để lấy một xu, ấy thế mà có con nào rơi xuống đất mà Chúa không để ý đến đâu.

Luca diễn tả lời Chúa nói dưới một hình thức khác "Năm con chim sẻ há chẳng bán được hai đồng sao? Thế mà trước mặt Thiên Chúa không một con nào bị bỏ quên" (12,6).   

Chắc chắn khi Chúa phán những lời đó, người Do thái hiểu rất rõ. Chẳng có dân tộc nào hiểu rõ sự chăm sóc tỉ mỉ của Thiên Chúa đối với con người bằng dân tộc được Chúa tuyển chọn một cách đặc biệt.

Rabi Chania nói: "Ở trần gian này không ai làm tổn thương đến ngón tay mình trừ khi Thiên Chúa đã định" Trong sách cuả các Rabi còn ghi lại câu này: "Chúa Giavê nuôi cả thế giới từ cái sừng trâu cho đến cái trứng rận"

Tình thương của Thiên Chúa không phải chỉ được diễn tả qua việc tạo thành hay trong những biến cố lớn lao của Lịch sử mà chúng ta còn có thể tìm thấy được cả trong sự chăm nuôi của Thiên Chúa dành cho con người cũng như các thụ tạo của Người.

Như vậy thì chúng ta còn phải sợ ai?

B. Vâng kính thưa anh chị em. Đó là những lời đầy lòng yêu thương của Chúa. Nhưng trong thực tế thử hỏi rằng những người theo Chúa có dám sống như Chúa mong muốn hay không? Câu trả lời là vừa có vừa không. Trong cơn bách hại chắc chắn có những người sẽ trung thành nhưng bên cạnh đó chắc chắn cũng có những người phản bội. Chúa đã thấy trước điều đó chính vì thế mà Chúa long trọng nói lên như một lời hứa, như một lời thề "Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời thì Thầy sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời thì Thầy sẽ chối người đó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời."

          Nhìn lại Lịch sử của Giáo Hội, chúng ta đã thấy có rất nhiều anh hùng. Đầu tiên là nhóm 12. Ngoại trừ  một mình Giuđa. Giuđa có tội bán Chúa. Nhưng cái tội lớn hơn theo tôi đó là tội thất vọng, tội mất niềm vào Chúa và vì thế Ông đã kết thúc cuộc đời của mình một cách thảm bại. Còn các tông đồ khác, các Ngài đã trung thành tới cùng mặc dầu trên con đường theo Chúa họ có cả những lỗi lầm.Chúng ta còn nhớ lời tuyên bố thật rõ ràng của Phêrô và Gioan trước Thương Hội đồng của người Do Thái:"Chúng tôi không thể không nói lên những điều chúng tôi đã mắt thấy tai nghe"

          Sau đó chúng ta được chứng kiến những trang sử hào hùng của 3 thế kỷ đẫm mãu, thời mà Giáo Hội phải thở bằng máu. Dù bị phanh thây phơi xác, các anh hùng tử đạo cũng luôn trung thành.

Trong cuộc nói truyện với 50.000 bạn trẻ tại Gerland tháng  11/1986 Đức Gioan Phaolô II có đưa ra một nhận định. Sỡ dĩ có nhiếu bạn trẻ hôm nay không dám nói về Đức tin của mình là vì "các bạn đó chưa chắc chắn về những gì mà mình tin và chưa hiểu thực sự lý do tại sao mình tin"

Nhìn vào Giáo Hội VN  những trang sử ban đầu cũng thế...đẫm máu, nhưng đó là những trang sử hào hùng để lại cho những thế hệ mai sau một niềm tự hào thánh thiện vì họ là dòng dõi của những tổ tiên anh hùng .

Rồi trải qua suốt dòng Lịch sử, những chứng nhân kiên cường và anh hùng vẫn không thiếu.

Mới đây tại Algérie một nhóm tu sĩ Trappiste bị nhóm Hồi giáo cực đoan bắt cóc và sau đó Bộ trưởng Nội Vụ Algérie tuyên bố là đã tìm thấy xác 7 đan sĩ đã bị giết. Trong một lá thư gửi cho gia đình các đấy hai năm, một tu sĩ trong nhóm bị sát hại đã viết:  "Nếu con có chết thì cũng đừng coi cái chết của con như là một sự tử  đạo. Việc tử đạo quá dễ. Nhưng hãy coi cái chết của con như là việc hoàn thành một hy tế  mà Đức Giêsu muốn con cùng dâng hiến với Ngài"

          Lạy Chúa quả thực con đường theo Chúa thật khó.