Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C
HÃY RA KHƠI
                                Lm Gioan M, Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Vào một đêm nọ, Phêrô và hai bạn đồng nghiệp là Giacôbê và Gioan cứ chèo thuyền thả lưới hết chỗ này tới chỗ khác suốt đêm thật vất vả, thế mà chẳng bắt được con cá nào. Khi trời hừng sáng họ đưa thuyền vào bờ, giặt lưới để rồi về nghỉ ngơi sau một đêm dài thất bại.

Nhưng kìa, Chúa Giêsu tiến lại làm quen và xin ông Phêrô cho mượn chiếc thuyền và nhờ ông chèo ra xa một chút, để giảng dạy vì dân chúng quá đông.

Thánh Luca ghi nhận rằng: Chúa Giêsu thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ, Ngài bước lên một con thuyền mà thuyền đó của ông Phêrô. Tại sao Chúa lại chọn chiếc thuyền của ông Phêrô mà lại không chọn chiếc thuyền khác?. Chẳng lẽ thuyền của ông Phêrô đẹp hơn, mới hơn các thuyền khác hay sao? Chắc chắn là không phải thế! Như vậy, thánh Luca có ngụ ý gì?.

Theo con nghĩ rằng: chiếc thuyền của thánh Phêrô là hình ảnh của Giáo Hội đi trên biển cả, và thánh Phêrô chính là vị thủ lãnh đầu tiên được Chúa Giêsu tuyển chọn làm thuyền trưởng, và chính trên con thuyền Giáo Hội này, Chúa Giêsu muốn hiện diện để giảng dạy cho dân chúng.

Sau khi giảng xong Chúa Giêsu bảo Phêrô: “Hãy chèo thuyền ra chỗ nước sâu mà đánh cá”(Lc 5,4). Theo lẽ tự nhiên, Phêrô là dân ngư phủ lành nghề, bao là kinh nghiệm đầy mình, còn Chúa Giêsu là dân thợ mộc biết gì về chuyện đánh cá. Hơn nữa, đánh cá thường vào ban đêm, chứ ai lại đánh ban ngày. Vậy mà giờ đây, Chúa Giêsu ra lệnh cho Phêrô tiếp tục ra khơi đánh cá, mà không phải đánh ở ven bờ, nhưng ra tận chỗ nước sâu. Nước sâu là chỗ nguy hiểm. Nước sâu là chỗ Phêrô đã gặp thất bại. Chúa Giêsu muốn Phêrô trở lại chỗ nước sâu để nhận thức rõ sự vô tài bất lực của mình. Chúa Giêsu muốn Phêrô xác tín “nếu không có Thầy, các con không thể làm gì được”.

Nhưng dẫu sao Phêrô cũng trình bày lại với Chúa: “Thưa Thầy! Chúng con đã vất vả suốt đêm mà chẳng được gì, nhưng vâng lời Thầy, chúng con xin thả lưới!”(Lc 5,5). Như vậy, Phêrô chèo thuyền ra khơi không dựa vào kinh nghiệm của bản thân, không theo ý riêng mình, nhưng hoàn toàn dựa vào lệnh truyền của Chúa. Nhờ Phêrô vâng lời làm theo điều Chúa dạy mà phép lạ xảy ra, bằng chứng là hai chiếc thuyền chở nặng đầy cá đến nỗi gần chìm.

Anh chị em thân mến,

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta “ra khơi” để làm chứng cho tình yêu Chúa. “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu”. Lệnh truyền này Chúa Giêsu không chỉ nói với Phêrô, hay nói với Giáo Hoàng mà là nói với tất cả mỗi người chúng ta.

Trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu chọn lên giáo hoàng, trong mật viện hồng y Ngài phát biểu như sau:

“Giáo hội cần được Phúc âm hoá, nhưng Phúc âm hóa bao hàm lòng nhiệt thành tông đồ. Phúc âm hóa bao hàm một ước muốn trong Giáo Hội đi ra khỏi chính mình, cũng có nghĩa là hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu.

Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu”. Nghĩa là dấn thân vào những vùng sâu vùng xa thiếu vắng linh mục.

Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu”. Nghĩa là đến với mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo.

Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu”. Nghĩa là nhìn nhận tha nhân là hình ảnh, là giá máu cứu chuộc, là anh em con cùng một cha trên trời.

 Giáo Hội được mời gọi đi ra khỏi chính mình và đến với những vùng ngoại biên, (vùng ven) không chỉ theo nghĩa địa lý mà còn theo nghĩa hiện sinh: những vùng liên hệ tới những người nghèo khó, đau khổ, ngu dốt…  những vùng chưa một lần được nghe rao giảng Tin mừng.

Tóm lại: Là những người dấn thân trong sứ mệnh của truyền giáo. Chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Kitô. Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta ra đi đến với người khác, để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa.

Vì thế, chúng ta hãy là những chứng nhân tình thương, tiếp tục sứ mạng của Phêrô, là ra khơi, ra đi khỏi chính mình; ra đi khỏi địa vị của mình... dấn thân vào những vùng ngoại biên, mà Đức Thánh Cha đã mời gọi, đặc biệt trong năm thánh lòng Chúa thương xót. Để diễn tả lối sống mới của lòng thương xót. Ngôn ngữ mới của lòng thương xót và cung cách mới của lòng thương xót. Amen.