Chúa Nhật I Mùa Thường Niên - Năm C
ƠN GỌI NGƯỜI KITÔ HỮU
McCarthy

Suy Niệm 1. ƠN GỌI CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

 

Hiện nay, Giáo Hội rất bận tâm với những ơn gọi. Nhưng ở đây, ơn gọi được hiểu theo một cách rất giới hạn. Một cách cơ bản, chúng ta đang nói về ơn gọi trở thành linh mục. Đây là một ơn gọi quan trọng, nhưng không phải là ơn gọi quan trọng nhất trong Giáo Hội.

 

Ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất, phổ biến đối với tất cả những người đã được rửa tội, đó là ơn gọi trở thành người Kitô hữu, hoặc ơn gọi làm người môn đệ của Đức Giêsu. Đây là ơn gọi cốt lõi. Tất cả những ơn gọi khác trong Giáo Hội đều phải được coi như liên hệ với ơn gọi của Đức Giêsu “Hãy đến, hãy đi theo Ta”. Nói cách khác, chúng ta tiếp nhận ơn gọi trở nên người môn đệ của Đức Giêsu.

 

Tuy nhiên, điều đáng buồn là có nhiều người được rửa tội đã sống không khác biệt gì, so với người không được rửa tội. Nếu họ thực hành lòng tin của họ, thì đó lại thường là một lòng tin không trưởng thành, dựa trên cách thực hành thường lệ, không dứt khoát. Điều cần thiết là tin tưởng với sự hiểu biết; và đi theo Đức Kitô bằng lòng tin của cá nhân mình.

 

Lần kia, Đức Hồng Y Newman đã hỏi cộng đoàn của ngài “Việc trở thành một người Kitô hữu tạo ra sự khác biệt gì trong lối sống hằng ngày của chúng ta?”. Câu kết luận là “Tôi e rằng hầu hết chúng ta cứ tiếp tục làm những gì chúng ta đã làm, nếu chúng ta cho rằng đạo Công giáo không hơn gì một câu chuyện ngụ ngôn”. Ơn gọi làm người Kitô hữu bao gồm cái gì? Theo những lời trong Tin Mừng, thì ơn gọi làm người Kitô hữu là một tiếng gọi trở nên “muối đất, ánh sáng thế gian”. Đạo Công giáo nói về lối sống như thế nào, chứ không chỉ nói về lòng tin vào điều gì. Không nên có sự phân biệt giữa sinh hoạt tôn giáo và những hoạt động thường ngày. Lòng tin phải được chuyển thành hành động. “Đừng ngại loan báo điều mà bạn tin tưởng, trừ phi bạn hành động một cách phù hợp” (Catherine de Hueck Doberty).

 

Với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta đóng một vai trò rất tích cực trong thế giới. Chúng ta có những thứ để hiến tặng, những thứ mà thế gian cần đến một cách tuyệt vọng, mặc dù không nên e ngại hoặc biện hộ về vai trò của chúng ta. Điều này cần đến một lòng can đảm và sự gan dạ nào đó.

 

Việc đi theo Đức Kitô nghĩa là gì đối với người bình thường? Điều này có nghĩa là trở nên một người Kitô hữu ngay tại nơi bạn sinh sống, và ngay trong nghề nghiệp mà bạn chọn lựa. Có nhiều cách thức để phục vụ Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Lời mời gọi trong trường hợp đầu tiên không phải dành cho vai trò làm Tông đồ, mà là vai trò làm người môn đệ của Chúa.

 

Chắc hẳn là nếu không bao giờ nghe được tiếng gọi của Đức Giêsu, thì chúng ta sẽ có một cuộc sống dễ dãi hơn. Nhưng liệu chúng ta có được một cuộc sống hạnh phúc hơn và liệu chúng ta có được sống nhiều hơn thế nữa chăng? Đức Giêsu nói “Thầy đến để anh em được sống và sống dồi dào”. Tin Mừng đưa ra cho chúng ta một lối sống chính đáng hơn và sâu xa hơn cho cuộc sống của chúng ta. Và Tin Mừng gieo vào trong tâm hồn chúng ta những hạt giống của sự sống đời đời. Ơn gọi là người Kitô hữu tạo ra viễn tượng về một cuộc sống cao cả hơn và trong sạch hơn trước mặt chúng ta. Đồng thời, ơn gọi này còn thông truyền cho chúng ta sự hy sinh và phục vụ người khác. Ơn gọi này mở rộng những khả năng yêu thương và can đảm của con người. Đó không phải là công việc chỉ dành cho cá nhân người Kitô hữu, mà còn dành cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu nữa. Khi lãnh nhận phép Rửa tội, chúng ta được đón nhận vào một cộng đoàn những kẻ tin.

 

Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhở chúng ta về ngày chúng ta được lãnh nhận phép Rửa tội. Mỗi khi vào nhà thờ, và lấy nước thánh làm dấu, là chúng ta đang tự nhắc nhở mình về phép Rửa tội của chúng ta, và tự cam kết sống trọn vẹn với ơn gọi của phép Rửa tội ấy.

 

Suy Niệm 2. NGƯỜI KITÔ HỮU TRONG CƠN THỬ THÁCH

 

Trong một số quốc gia, là một người Công giáo tức là mắc một trọng tội. Ông bà Moran bị kết án là người Công giáo. Thay vì từ chối trách nhiệm, cả hai ông bà đều thừa nhận điều này một cách cởi mở, và họ chuẩn bị đương đầu với những hậu quả. Họ bị đưa ra toà, để bị xét xử trước một bồi thẩm đoàn. Vốn đã bỏ đạo, nên tất cả những người trong họ hàng của hai ông bà đều mong muốn cứu thoát họ khỏi bị tù tội hoặc tệ hơn thế nữa. Vì thế, họ thuê một luật sư, để biện hộ cho hai ông bà khỏi phải chịu trách nhiệm. Lời bào chữa của ông ta ngắn gọn như sau.

 

“Hai thân chủ của tôi bị cáo buộc là người Công giáo. Mục đích của tôi là muốn chứng tỏ rằng trên thực tế, hai ông bà không phải là như vậy, mặc dù họ có thể cứ khăng khăng tự nhận một cách can đảm rằng mình là người Công giáo. Các sự kiện đều đi ngược lại hai người. Và tôi cần phải nói rằng, trường hợp này sẽ cần phải xét xử dựa trên các sự kiện.

 

“Tôi xin nói rằng: Hai ông bà Moran đều có lối sống tốt đẹp, chăm chỉ làm việc. Tôi biết chắc chắn rằng cả hai người chưa bao giờ bị lôi cuốn vào bất cứ việc làm nào phi pháp. Họ là những người đáng kính, theo bất cứ tiêu chuẩn nào.

 

Người ta có thể thán phục nhiều điểm trong cuộc sống của họ. Họ là những con người chân thành. Và người ta có thể thán phục sự trung thành của họ, về việc tuân giữ các lễ nghi bên ngoài trong tôn giáo của họ, như tham dự Thánh Lễ và các phép Bí tích. Trên thực tế, tôi cho rằng họ là những người Công giáo chỉ trên danh nghĩa. Họ tham dự Thánh Lễ vào sáng Chúa Nhật, và là những người rất sốt sắng về mặt này. Nhưng điều này vẫn chưa đủ.

 

“Ông Giêsu đã nói trong Tin Mừng, và tôi xin trích dẫn “Cứ xem họ sinh quả thế nào, thì biết họ là ai (Mt 7,6). Rõ ràng từ bối cảnh này, ông Giêsu ý muốn nói “hoa quả” là “những hành động tốt đẹp”. Tôi e rằng trong trường hợp của ông bà Moran, hoa quả không đơn giản là điều đó.

 

“Tôi không tìm được chứng cứ nào trong cuộc sống của họ, hoặc trong thái độ của họ, rằng họ sống theo những lời rao giảng của ông Giêsu một cách nghiêm túc. Chẳng hạn, liệu có bất cứ người nào có thể nghiêm khắc buộc tội hai thân chủ của tôi về bất cứ mối quan tâm đặc biệt nào đối với người nghèo khổ, đau yếu, kém may mắn hoặc bị khinh miệt chăng? Tôi cho rằng không hề có một chút chứng cứ nào xác nhận cho một lời buộc tội như vậy. Họ đã không hề làm điều gì hơn bất cứ một người nào trong chúng ta. Trên thực tế, họ lại còn làm ít hơn, so với một số người nào không bao giờ mơ tưởng đến việc tự nhận mình là người Công giáo.

 

“Tuy nhiên, đây đúng là mẫu người, mà chính ông Giêsu đã thực hiện theo cách thức của ông ta, để giúp đỡ mọi người, khi ông ta còn tại thế. Và ông ta còn tuyên bố dứt khoát rằng những kẻ đi theo ông ta sẽ bị xét xử, không phải vì số lần họ cầu nguyện, hoặc những hành động thờ phượng mà họ tham dự, nhưng là do cách họ đáp ứng những nhu cầu của những người như vậy.

 

“Các môn đệ đầu tiên của ông Giêsu đều là những Tông đồ nồng nhiệt, mà ông ta sai đi để biến đổi thế giới. Họ sẽ không thừa nhận rằng hai ông bà Moran thuộc về cùng nhóm của họ đâu”.(Đến đây, ông Moran nhảy dựng và la lên: “Nhưng chúng tôi đều là người Công giáo”). “Thưa ông Moran, tôi chưa nói xong. Tôi xin đưa ra để quý toà xem xét rằng hai thân chủ của tôi không phải là người Công giáo theo ý nghĩa thực sự –theo ý nghĩa dành cho những người mà đối với họ, người hàng xóm của họ phải được thương mến như chính bản thân họ vậy. Tất cả lỗi mà họ phạm phải, đó là họ đã tự lừa dối mình, và đó không phải là một tội nặng. Do đó, tôi yêu cầu bãi bỏ lời cáo buộc chống lại hai thân chủ của tôi, bởi vì thiếu chứng cứ rõ rệt”. Sau đó, thẩm phán tuyên bố “Bồi thẩm đoàn sẽ rút lui, để xem xét lời phán quyết”.

 

Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhở chúng ta về ngày chúng ta được lãnh nhận phép Rửa tội. Khi lãnh nhận phép Rửa tội, chúng ta được đón nhận lời mời gọi trở nên những môn đệ của Đức Giêsu. Do đó, câu hỏi mà chúng ta đều có thể hỏi là: Nếu trở thành người Công giáo là một trọng tội, thì liệu đã có đủ chứng cứ trong cuộc sống của tôi, để đảm bảo cho một niềm tin chưa?

 

3. Cuộc gặp gỡ sâu xa với Đức Giêsu Kitô

Sự ăn năn sám hối thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng là âm vang của truyền thống Do Thái. Chúng ta trích dẫn đoạn văn tuyệt tác Ezêkiel sẽ đọc trong phụng vụ Phục Sinh (thật vậy, việc Chúa chịu phép Rửa tiên báo mầu nhiệm Vượt Qua): “Trên các ngươi Ta sẽ rảy nước trong sạch và các ngươi sẽ được trong sạch… Ta sẽ ban cho các ngươi một tâm hồn mới, một tinh thần mới”. Sự thanh tẩy bằng nước là một chủ đề dễ hiểu, nhưng dẫu sao nguồn mạch phải trong sạch để cung cấp một thứ nước trong sạch. Nguồn thanh tẩy thiêng liêng là Thiên Chúa. Mà tác động của Người không chỉ ít hay nhiều nhắm vào bề ngoài con người. Sự thanh tẩy không chỉ là một sự dội nước đơn giản, nó thấm sâu tâm hồn và thần trí như lửa vào sâu trong vật bị nung đốt để loại bỏ tất cả những gì là cặn bã dơ bẩn. Phép Rửa của thánh Gioan khuyên giục dân chúng cải thiện nếp sống, chuẩn bị tâm hồn để gặp gỡ Chúa Giêsu. Phép Rửa của Đức Giêsu thấm sâu nội tâm, cho chúng ta một tâm hồn đổi mới nhờ ơn Chúa Thánh Linh. Chúng ta có được hai kết luật:

 

1) Nhờ dấu chỉ nào để trong thế giới ngày nay, nhận biết ai là tiền hô đích thật? Người ta nói rất nhiều về thế giới đang đột biến, đang chuyển mình, từ mọi phía nổi lên những tiếng nói tiên đoán về ngày mai của Giáo Hội. Trên bình diện đức tin, người ta không lầm khi tự hỏi: những “tiên tri” ấy có hướng dẫn đến với Đức Giêsu Kitô không? Tiếng nói của Gioan Tiền Hô hướng dẫn thính gỉa đến với Đức Giêsu. Những “tiên tri” ngày nay hô hào thay đổi thái độ, thay đổi điều kiện sinh hoạt, thay đổi cơ cấu xã hội, v.v… nhưng không hướng dẫn người ta đến với Đức Kitô, nghĩa là không hô hào thay đổi tâm hồn nhờ tác động Chúa Thánh Linh. Xét về bình diện Giáo Hội, tiếng nói của họ chẳng có giá trị loan báo Tin Mừng. Những tiền hô đích thật thì hướng dẫn đến cuộc gặp gỡ thật sự và thân thiết với Đức Kitô.

 

2) Con là Con chí ái của Ta, được Ta hết lòng sủng mộ. Chúng ta đồng quan điểm với thánh Luca rằng: Tiếng phán của Thiên Chúa trên con người của Đức Giêsu là một biến cố. Trong bối cảnh chung là sự thanh tẩy dân chúng và bối cảnh riêng là lời cầu nguyện của Đức Giêsu, thánh chép sử đặt lời phán của Thiên Chúa như một đoạn kết thúc. Đây là một biến cố có hai diện. Trước hết là một sự tiên báo rõ ràng về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Tiếng phán từ trời cao vọng xuống chính là tiếng nói của Đức Chúa Cha chỉ định Đức Giêsu là Con và Chúa Thánh Linh ngự xuống người ấy mà sau này đức tin sẽ nhận ra là Người –Chúa. Kế tiếp, biến cố cho thấy Đức Giêsu được hưởng trọn vẹn niềm sủng ái của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa chúng ta làm đẹp lòng Thiên Chúa nhiều hay ít tuỳ theo mức độ hiệp thông nhiều hay ít với Người –Chúa là Đấng duy nhất được Thiên Chúa hết lòng sủng ái.