Chúa Nhật I Mùa Thường Niên - Năm C
SỐNG TÌNH LIÊN ĐỚI

Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, là chúng ta kết thúc mùa Giáng sinh và mở ra mùa Thường Niên mới trong năm Phụng vụ. Trong mùa Giáng sinh chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Hài Nhi âm thầm nằm trong máng cỏ.

Trong mùa Thường Niên, chúng ta chiêm ngắm cuộc đời hoạt động công khai của Chúa Giêsu, một Thiên Chúa hoà mình với nhân loại. Chúng ta dành một vài phút để tìm ra lý do nào mà Chúa Giêsu chịu phép rửa như vậy.

Nói đến rửa là chúng ta nghĩ ngay đến nước. Nước là một nhu cầu thiết yếu cho con người. Nước có khả năng đem lại sự sống và tẩy rửa mọi sự. Trong lịch sử thánh, Thiên Chúa dùng nước để thanh tẩy những điều xấu xa và đồng thời kiến tạo những điều mới mẽ.

Chẳng hạn như câu chuyện lụt Đại Hồng Thủy. Khi nhân loại đắm chìm trong đam mê lạc thú, tình trạng luân lý suy đồi, lúc bấy giờ Chúa cho mưa xuống 40 đêm ngày, Hồng Thủy tiêu diệt tất cả nhân loại xấu xa đó, chỉ còn lại gia đình ông Noe, được Chúa tuyển chọn.

Rồi biến cố dân Do thái vượt qua biển Đỏ. Chúa làm cho nước rẽ ra và con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn. Khi quân Aicập đuổi theo lối đi ấy, thì Chúa cho nước ập lại vùi dập chiến xa và kỵ binh của vua Pharaon không còn tên nào sống sót.

Khi Gioan Tẩy Giả thực hiện sứ mạng tiền hô, ông kêu gọi dân chúng dọn lòng đón Chúa đến, họ lũ lượt kéo nhau đến bờ sông Giođan, với ý thức tội lỗi mình đã phạm, xin ông làm phép rửa cho họ. Mặc dù phép rửa của Gioan chỉ bày tỏ sự sám hối, chứ không đủ khả năng tha tội. Và đây chính là sự khác biệt giữa phép rửa của Gioan và phép rửa của Chúa Giêsu mang lại.

Anh chị em thân mến,

Trong kinh Vinh Danh chúng ta vừa hát, chỉ có Chúa là Đấng Thánh, ấy thế mà tại sao Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa?

Chính lúc đặt câu hỏi như thế, chúng ta mới thấy nổi bật lên lòng thương xót của Chúa muốn cứu vớt con người, được thể hiện bằng“tinh thần liên đới ”.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa toàn năng, nhưng vì yêu thương nhân loại mà Ngài đã hạ mình xuống sống với chúng ta là loài thụ tạo thấp hèn. Đúng như Thánh Phaolô tông đồ mô tả: “ Chúa Giêsu tuy là thân phận Thiên Chúa, nhưng đã không đòi được ngang hàng với Thiên Chúa, trái lại Ngài đã hủy mình ra không, sống giống cách thức như loài người, ngoại trừ tội lỗi” (Pl 2, 6-7).

Thế thì, khi Chúa Giêsu hòa mình vào dòng người tội lỗi cùng xin Gioan tẩy giả làm phép rửa, là Ngài muốn đồng cảm với con người, để rồi khi từ dưới dòng sông Giođan bước lên, Ngài lôi kéo cả nhân loại mà Ngài liên đới để nâng rước họ lên trở thành con cái Thiên Chúa.

Cùng lúc ấy có tiếng Chúa Cha từ trời phán: “ Con là con yêu dấu của Ta, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22). Nhờ Chúa Giêsu sống tình liên đới mà tiếng nói đó không chỉ nói riêng cho Ngài, mà còn nói cho tất cả những ai được chịu phép rửa trong lòng Hội thánh Công giáo.

Giáo hội đã trải qua hơn 2.000 năm qua, từ thời các Thánh tông đồ cho đến hôm nay, luôn luôn có những người họa lại gương Chúa Giêsu, sống chứng nhân lòng Chúa thương xót, trong tình liên đới với nhau.

Chẳng hạn như: Thánh Phanxicô Xavie, thánh Gioan Thiên Chúa, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chân phước Têrêsa Calcutta… những vị thánh này đã không ngừng dấn thân vào khắp hang cùng ngõ hẻm, sống chung với những tầng lớp xã hội, nhất là những anh em nghèo khổ, bất hạnh… bằng đôi tay nâng đỡ, với con tim rộng mở, để xoa dịu và đem lại niềm vui và bình an cho họ.

Thế thì hôm nay, hành động của một Giêsu hòa mình với nhân loại lãnh nhận phép rửa. Hành động đó muốn nói với chúng ta rằng: trong cuộc đời, có những lúc chúng ta gặp thất bại, đau khổ, buồn phiền, cách này cách khác, chúng ta hãy tin rằng, trong ánh nhìn đức tin, Chúa Giêsu vẫn đồng hành, vẫn muốn sống tình liên đới với chúng ta. Ước gì, chúng ta cũng thể hiện tình liên đới đó đối với những người chúng ta gặp gỡ.

Nếu vì hoàn cảnh chúng ta không thể dấn thân lên đường như các vị thánh nói trên, thì ít ra trong Năm Thánh Lòng Chúa thương xót này, khi cầu nguyện chúng ta đừng đến với Chúa một mình, nhưng hãy liên đới với tất cả mọi người, đặc biệt những người bất hạnh, những người kém may mắn hơn chúng ta. Cầu xin Chúa ban ơn nâng đỡ họ, đó là lúc chúng ta sống tình liên đới, là chúng ta sống chứng nhân lòng Chúa thương xót. Amen.