Lễ Giáng Sinh (Lễ đêm) - Năm C
ÐẤNG CỨU THẾ ÐÃ RA ÐỜI
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Phúc Âm: Lc 2, 1-14

"Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta".

Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Ðavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Ðavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.

Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.

Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: "Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ".

Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm".

Suy Niệm:

Hết thảy chúng ta hãy mở lòng đón nhận lời chúc mừng lễ Chúa Giáng Sinh, mà Thiên Chúa vừa gửi đến trong câu cuối cùng bài Tin Mừng. Phải có sự bình an của Chúa mới hiểu được ngày lễ hôm nay; và nhất là mới nhận được nhiều ơn của Chúa Giáng Sinh.

Thật vậy, chúng ta muốn mừng lễ này thật long trọng, nhưng vẫn phải đứng trước một máng cỏ nghèo nàn; Chúng ta muốn trang hoàng hang đá này thật lộng lẫy, nhưng vẫn thấy Chúa sinh ra thật đơn sơ. Dường như có một sự nghịch thường sâu sắc trong việc Chúa Giáng sinh và trong thánh lễ này. Và nếu không nhận được sự bình an của Chúa, lòng chúng ta không thể nào thấm thía được mầu nhiệm Giáng sinh.

Tuy nhiên cũng phải nói ngược lại, có hiểu được ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, chúng ta mới đón nhận được lời chúc bình an quý hóa của Thiên Thần. Là vì đối với tất cả những việc có hệ đến Thiên Chúa phải có ơn Người giúp đỡ thì người ta mới hiểu được! Và khi hiểu được, người ta mới nhận được đầy đủ ơn của Người.

Thế nên chúng ta cầu xin ơn bình an của Chúa để nhờ các bài đọc Thánh Kinh tìm hiểu việc Chúa Giáng sinh; để rồi nhờ đó chúng ta được thêm ơn bình an là nguồn mọi ơn cao cả khác mà Chúa Giáng sinh muốn ban cho tất cả chúng ta trong dịp này.

 1. Một Trẻ Ðã Sinh Ra

Chúng ta tự nhiên muốn nhìn thẳng vào hang đá máng cỏ để tìm hiểu việc Chúa Giáng sinh. Nhưng nếu làm như vậy, chúng ta sẽ liều chẳng nhìn thấy gì cả, hay chẳng nhìn được bao nhiêu. Cùng lắm, như một cái máy vô hình, mắt chúng ta sẽ thấy một hài nhi vừa sinh, được bọc trong khăn và nơi máng cỏ, có hai ông bà ở gần mà người ta nghĩ là cha mẹ hài nhi. Rồi có may mắn nhất thì người ta cũng chỉ còn xem thấy một đám mục đồng đến ngó xem cảnh tượng đản sinh khác thường này.

Phải, nếu không được hướng dẫn trước, người ta chỉ nhìn thấy có bấy nhiêu. Và cảnh tượng xem thấy sẽ gợi lên nhiều nhất vài cảm nghĩ tự nhiên hoặc thương hại một gia đình khó nghèo, hoặc có cảm tình với em bé vừa sinh. Chẳng có gì độc đáo và quan trọng lắm trong tất cả những điều đã mắt thấy, tai nghe và cảm nghĩ như vậy.

Nhưng nếu nhìn quang cảnh đản sinh kia trong tất cả lịch sử cứu độ, nếu đọc chuyện Ðức Giêsu giáng sinh trong toàn bộ Cựu và Tân Ước, chúng ta sẽ thấy mọi sự trở nên khác hẳn. Ðây vừa là kết quả của nhiều nghìn năm lịch sử chuẩn bị, vừa là khởi sự của nhiều thời đại về sau. Phụng vụ chọn lúc nửa đêm để cử hành thánh lễ này cũng có ý nói lên niềm tin ấy. Việc Ðức Giêsu Giáng sinh kết thúc đạo cũ và khai mạc đạo mới.

Thế nên chúng ta phải nhờ tiếng nói của đạo cũ dẫn tới hang đá máng cỏ và nhờ tiếng nói của đạo mới để nhận ra ý nghĩa của cuộc đản sinh này.

Hôm nay, tiếng nói của đạo cũ là một bài sách Isaia. Nhà tiên tri này sống trước sự kiện lịch sử chúng ta kính nhớ hôm nay những 600 năm. Thế mà lời của ông có vẻ rất thích hợp với việc đản sinh của hài nhi thành Bêlem. Sự thật, bấy giờ ông đang sống ở một thời đại rất bấp bênh của lịch sử dân Chúa. Nhiều tỉnh trong nước Do Thái đã bị đế quốc Assyri xâm chiếm và tàn phá. Dân chúng như phải đi trong tối tăm. Ở các tỉnh còn lại người ta lo sợ như đang sống trong sự hãi hùng của tử thần. Và triều đình Do Thái lúng túng cãi cọ chẳng biết nên cầu viện và liên minh với lực lượng ngoại bang nào.

Chính lúc đen tối sợ hãi ấy, nhà tiên tri đã lên tiếng. Ông chẳng nói gì khác niềm tin, niềm tin cổ truyền vào lòng trung tín của Thiên Chúa sẽ giữ lời giao ước. Người sẽ chẳng bỏ dân cho dù dân bất nghĩa. Tình trạng hiện nay cho thấy Người đang phạt họ, nhưng rồi Người sẽ thương, sẽ cứu. Bấy giờ, dân đi trong tăm tối đã nhìn thấy một ánh sáng lớn. Trên những kẻ ở xứ âm u, một ánh sáng đã rạng ngời.

Ðức tin của nhà tiên tri vững vàng đến nỗi, sự việc sẽ xảy đến trong tương lai mà ông như đã nhìn thấy rồi. Ông thấy ơn cứu độ đã đến cho dân Chúa đang tối tăm mặt mũi vì hoạn nạn đau khổ và đang hãi hùng trong tình hình âm u. Ơn cứu độ ấy như một ánh sáng lớn đến xua đuổi tối tăm và âm u. Hơn nữa đó là một Hoàng đế cứu tinh vĩ đại, vì người Ðông phương vẫn quen ví bậc vua chúa như mặt trời và ánh sáng.

Với sự xuất hiện của ánh sáng ấy và của vị Hoàng đế ấy, Chúa ban cho dân được niềm vui lớn, như khi được mùa và như khi đại thắng.

Biết rằng dân đang khao khát một cuộc chiến thắng, nhà tiên tri dừng lại ở đây để quảng diễn ơn Chúa cứu độ như một cuộc thắng trận chưa từng thấy. Không những mọi ách xâm lược, mọi thồ trên vai, một roi đốc công sẽ bị đập tan tành, mà giầy trận chiến bào sẽ bị đốt tàn rụi, để không bao giờ còn chinh chiến đổ máu nữa. Isaia đã dùng hình ảnh ngày chiến thắng quân Mađian kể trong sách Thẩm phán (c. 7-8) để so sánh vừa để nói lên tính cách đại thắng, vừa để khẳng định đó là việc do quyền năng Chúa làm cho kẻ yếu đuối khiêm cung. Hơn nữa, chiến thắng ở Mađian đã dẫn đến ý kiến muốn có một triều đại, một vị hoàng đế thay thế chế độ thẩm phán. Isaia hẳn đã muốn gợi lại câu chuyện này để giới thiệu vị Hoàng đế cứu tinh mà Thiên Chúa sẽ gởi đến cho dân, như trên kia ông đã dùng hình ảnh ánh sáng để nói đến nhà Vua sắp xuất hiện.

Là vì theo Isaia, Thiên Chúa sẽ giải cứu dân lần này nhờ một vị hoàng đế mới. Lời văn có vẻ mô tả việc đản sinh của Ngài vì tác giả viết: Một trẻ đã sinh ra cho ta... Vai Ngài, đỡ lấy quyền bính. Nhưng thật sự Isaia muốn nói đến ngày Ngài lên Ngôi, mà các dân Ðông phương vẫn coi là ngày sinh ra một triều đại, một vị vua mới. Và cũng chính trong ngày lên ngôi báu mà nhà Vua công bố tước hiệu Ngài đã chọn. Ở đây, Isaia gán cho vị hoàng đế cứu tinh mọi danh xưng quý hóa nhất đối với lòng người dân Chúa. Ngài là Mưu sư kỳ lạ, vì có khôn ngoan siêu việt như Salômon; Ngài là Thần anh hùng vì có sức mạnh siêu phàm như Ðavít; Ngài là Cha đời đời, như chính Thiên Chúa. Ngài là Vua bình an như Ðấng Thiên Sai muôn dân trông đợi.

Chúng ta có thể tự hỏi: sao Isaia không nói thêm một danh xưng nữa cho đủ năm danh xưng theo kiểu các Hoàng đế Ai Cập thời bấy giờ? Hay là ông muốn nhắc chúng ta nhớ lại điều ông đã viết trước đây trong chương 7. Trẻ đã sinh ra cho ta đó có tên là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Dù sao những điều ông viết tiếp theo về vị hoàng đế cứu tinh có quyền bính bao la và bình an vô tận trên ngai Ðavít, cũng như làm cho đất nước được kiên cố nhờ công minh đức nghĩa đến muôn đời, làm chúng ta nghĩ rằng vị hoàng đế phải siêu phàm, gần như, nếu không phải là giống như Thiên Chúa.

Như vậy, bài tiên tri Isaia hôm nay ít nhất đã loan báo cho chúng ta biết: trẻ sinh ra cứu đời sẽ là một vị hoàng đế mới, đến chấm dứt chiến tranh đau khổ và thiết lập thời đại hòa bình đức nghĩa. Chắc chắn chẳng một vị vua Do Thái nào đã tỏ ra xứng đáng với lời tiên tri ấy. Và do đó, dân Cựu Ước đã đặt tất cả hy vọng vào Ðấng Thiên Sai cứu thế sau này. Hôm nay, Hội Thánh chúng ta nói rằng Ngài đã đến nơi hài nhi thành Bêlem. Có thể như vậy được không. Trẻ mới sinh được bọc trong khăn đặt nằm nơi máng ăn của súc vật là hoàng đế cứu tinh ư? Bề ngoài không thể như vậy, nhưng thật sự lại là thế. Ðó là điều mà bài Tin Mừng Luca hôm nay muốn khẳng định với chúng ta. Chúng ta hãy tìm hiểu.

 2. Ðấng Cứu Thế Ðã Ra Ðời

Bản văn được cấu tạo với hai phần rõ rệt. Phần đầu như mô tả một cách chân thực việc sinh ra khó nghèo của hài nhi; còn phần sau nói đến vinh quang cao cả của Ngài. Những ai quen đọc Thánh Kinh có thể thấy ngay đó cũng là một lối trình bày mầu nhiệm Tử nạn và phục sinh. Và nhà thần học thâm thúy có thể nói rằng tác giả Luca đã muốn diễn tả bản tính nhân loại và bản tính Thiên Chúa nơi hài nhi vừa sinh.

Câu mở đầu rất ý nghĩa: "Trong những ngày ấy, Hoàng đế Augustô ra sắc chỉ ban hành lệnh kiểm tra toàn thể thiên hạ". Dĩ nhiên Luca muốn tỏ ra mình là một sử gia, viết chuyện có niên hiệu chắc chắn. Nhưng không phải vô cớ mà ông đã không viết đích danh Hoàng đế là Octavô, mà chỉ ghi tước hiệu của Ngài là Augustô, một danh xưng xực mùi tự phụ coi mình là thiên tử. Luca muốn nói rằng bấy giờ thiên hạ chỉ biết Hoàng đế là nhất, không còn ai trên Ngài nữa. Ngài đang ra lệnh cho toàn thể thiên hạ. Luca quá biết, đế quốc La Mã cho dù rất lớn vẫn không phải là cả thiên hạ. Và lệnh kiểm tra cũng chỉ hạn chế trong một số tỉnh nào thôi. Nhưng Luca muốn cho chúng ta một ấn tượng: thế giới bấy giờ đang ở dưới quyền một người. Quyền bính của ông thật lớn, đến nỗi ông tưởng mình là Augustô (thiên hoàng). Và như vậy hài nhi sắp sinh sẽ là gì ở trong thế giới và ở trước mặt vị hoàng đế ấy?

Trẻ mới sinh chẳng là gì cả, chúng ta có thể nói được như vậy. Ðến như cha mẹ hài nhi cũng thế. Giuse bấy giờ chỉ là người thuộc xứ Galilê ở Nazaret, là những địa danh chỉ gợi lên lòng khinh bỉ của người Do Thái vì đó là những nơi đầy dân ngoại khác hẳn với xứ Giuđê thành Giêrusalem là các trung tâm của tôn giáo mạc khải. Còn ai biết Giuse là dòng họ Ðavit và có gốc gác ở Bêlem nữa? Maira chỉ là một bà đang thai nghén trên đường về quê khai lý lịch. Hai người đã không tìm được chỗ trọ trong quán; mà buổi lâm bồn của Maria thì đã đến. Họ phải đưa nhau ra một hang súc vật ngoài đồng vắng. Và sinh con rồi, Maria bọc trẻ đem đặt nơi máng ăn của súc vật, báo trước sau này lớn lên Ðức Giêsu sẽ chẳng có nơi gối đầu.

Chúng ta chẳng cần đi thêm vào chi tiết. Rõ ràng hài nhi đã sinh ra rất khó nghèo. Chưa ai đã sinh ra trong một hoàn cảnh như thế. Gioan Tẩy Giả vị tiền hô của Chúa, đã ra đời trong cảnh "trướng rũ màn che" hạnh phúc hơn nhiều. Ấy là chưa kể cái lịnh kiểm tra của Hoàng đế, diễn tả uy quyền của ông, như đang đè xuống nơi máng cỏ nghèo hèn này.

Tuy nhiên trên nền ảnh mờ tối kia của cảnh hang đá máng cỏ, Luca cũng đã điểm những chấm sáng không thể bỏ qua. Ðó là dòng máu Ðavit trong con người Giuse; là tư cách "đính hôn" của Maria, tức là sự cưu mang đồng trinh của Người; và là điểm Con đầu lòng nói về hài nhi. Luca quá biết hài nhi là Con Một của Maria; nhưng từ ngữ "Con Một" đã có một công dụng khác trong ngữ vựng Kitô giáo. Nó dùng để nói Chúa Giêsu là Con Một của Thiên Chúa. Ở đây Luca dùng kiểu nói "Con đầu lòng" để làm âm vang truyền thống đạo đức của Thánh Kinh, bởi vì nơi dân Do Thái, mọi con đầu lòng đều thuộc về Chúa để nhớ ơn Người đã cứu con cái Israen khi các con đầu lòng của người Ai Cập bị sát hại. Ðàng khác từ ngữ "Con đầu lòng" còn dùng để nói về toàn thể dân Chúa là con đầu lòng giữa mọi dân nước mà Chúa đã dựng nên. Nó cũng gợi đến mầu nhiệm phục sinh sau này vì Chúa sống lại là "trưởng tử" giữa các vong nhân.

Và như vậy trong cuộc đản sinh khó nghèo nơi máng cỏ, đã có những điểm sáng lớn chờ ngày rực lên át hẳn vẻ huy hoàng của thế gian, biểu hiện nơi uy quyền của hoàng đế Augustô trong câu chuyện này.

Tác giả Luca hôm nay muốn báo trước thời đại rực rỡ của Hài nhi trong phần sau của bài tường thuật. Thiên Thần Chúa bỗng đã hiện đến bên đám mục đồng đang canh giữ chiên lúc đêm khuya. Lập tức họ được bọc trong ánh sáng của vinh quang Chúa. Sự cao cả của Người đã "chụp" lấy họ khiến họ hãi hùng, không phải sự hãi hùng làm họ có thể chết đi, nhưng là sự hãi hùng kéo họ ra khỏi nếp sống tầm thường và đưa họ lên thế giới siêu việt. Thế nên họ đã được trấn an tức khắc: "Ðừng sợ, này ta đem tin vui cho các ngươi về một niềm vui to lớn, tức là niềm vui cho toàn dân..." Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh, những lời này chỉ được dùng để loan báo ơn cứu độ.

Quả vậy, niềm vui cho toàn dân chỉ có thể là sự giải cứu mà các tiên tri từng loan báo, là lời hứa mà bài sách Isaia trên kia chẳng hạn khẳng định rằng sẽ thực hiện trong ngày Chúa viếng thăm dân Người. Hôm nay, niềm vui ấy đã đến vì Cứu Chúa đã sinh ra. Ngài là Ðức Kitô Chúa. Ngài vừa sinh trong thành của Ðavít.

Ðám mục đồng có hiểu được những lời ấy không? Hài nhi được giới thiệu không những là Cứu thế và là Kitô, những danh xưng đã quen thuộc trong Cựu Ước; nhưng còn là Chúa nữa. Danh xưng này phải đợi sau mầu nhiệm Phục sinh - Lên trời - Hiện xuống mới gặp thấy nơi các tín hữu của Chúa Giêsu. Họ chúc tụng Ngài là Kitô và là Chúa. Họ tuyên xưng Ðức Kitô bây giờ là Chúa ở bên hữu Thiên Chúa Cha. Và với danh hiệu này, Ngài vượt trên hết mọi loài dưới đất và trên trời. Tước hiệu Augustô bấy giờ còn có nghĩa gì nữa đâu!

Sự cao cả của Hài nhi là ở chỗ đó. Ngài là Chúa, tức là Thiên Chúa. Thiên Thần đã công bố tước hiệu của Ngài ngay hôm nay khi Ngài sinh ra; chứ không như Octavô phải đợi đến khi chinh phục được cả thiên hạ rồi lên ngôi hoàng đế và bắt người ta phải xưng tụng mình là Augustô cũng có nghĩa là chúa. Ông lạm quyền, vì ông cũng chỉ là phàm nhân. Ðang khi hài nhi thành Bêlem, tuy quấn trong khăn, nằm nơi máng cỏ đã là Chúa từ bẩm sinh và từ bản tính. Tước hiệu hoàng đế chỉ theo sau xa xa vậy, khi người ta hiểu theo nghĩa thông thường Ngài thuộc dòng Ðavít.

Trái lại, vì là Chúa và chia sẻ quyền Thiên hoàng của Chúa Cha, Ngài được các thiên thần hợp đoàn đông đảo chúc tụng.

"Vinh quang Thiên Chúa trên trời cao thẳm. Và dưới đất bình an cho kẻ Ngài thương".

Ngài đến ban bình an cho mọi người dưới đất để ứng nghiệm sách Isaia chúng ta đã nghe đọc.

Như vậy, bài Tin Mừng Luca nói lên niềm tin sâu xa của cả Hội Thánh khi đứng trước hang đá máng cỏ. Bề ngoài mọi sự thật bình dị, khó nghèo và khổ sở nữa dưới sức mạnh của thế gian; nhưng rõ ràng đây là trẻ thánh mà Isaia đã tiên báo sẽ đem bình an đến cho mọi người. Các Tông đồ của Người không bao giờ phải sợ rao giảng Mầu nhiệm Thập giá; vì cũng như Luca hôm nay đã thấy vinh quang cao cả của Thiên Chúa đến ngay sau cảnh tượng đản sinh khó nghèo, thì sức mạnh của Chúa Phục sinh sẽ tỏ hiện trong sứ điệp thập giá. Luca đã dùng chữ "hôm nay" để nói rằng lúc này Chúa Cứu Thế còn đến với chúng ta và việc Giáng sinh của Ngài hiện tại vẫn có sức mạnh cho những ai đón nhận Ngài.

Vậy, làm thế nào để hằng ngày vẫn nhận được ơn Ngài giáng sinh? Có lẽ bài thư gởi Titô có thể đem lại cho chúng ta một câu trả lời.

 3. Chúng Ta Phải Ngóng Ðợi Cuộc Hiển Linh Của Chúa

Thánh Phaolô tác giả bài thơ đã quá biết: Ân sủng cứu độ của Thiên Chúa đã hiển linh cho mọi người rồi trong cuộc đản sinh và trong cuộc đời của Ðức Giêsu Kitô. Nhưng Người cũng biết rõ: Cuộc hiển linh ấy mới chỉ khởi sự. Nó còn phải đi tới chỗ vinh quang lớn lao trong ngày Chúa trở lại. Bây giờ chúng ta mới biết Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đã sinh ra làm người và đã thí mình vì ta để cứu chuộc ta khỏi mọi tội ác và tẩy rửa lấy cho mình một dân làm sở hữu là Hội Thánh; nhưng chúng ta chưa được thấy Ngài trong vinh quang Chúa Cha. Thế nên chúng ta phải ngóng đợi... Không phải một cách thụ động nhưng tích cực. Chúng ta phải nhìn vào cuộc đời của Ðức Giêsu Kitô để có thái độ đẹp lòng Ngài lúc Ngài lại đến. Thế mà Ngài đã dạy chúng ta từ bỏ lối sống vô đạo thất nghĩa với Thiên Chúa và lối sống chạy theo các đam mê trần tục, để sống điềm đạm, công chính và đạo đức nơi đời này. Do đó, chúng ta hãy biết chế ngự các đam mê để được điềm đạm; sống bác ái để nên công chính và thi hành đạo đức để đẹp lòng Chúa. Có như vậy chúng ta mới khỏi tội lỗi và được ở trong dân thánh sở hữu của Ngài để có ngày nhận được hy vọng hồng phúc Ngài hứa ban là nhìn thấy vinh quang lớn lao của Ngài mà ánh sáng đêm nay mới khởi sự...

Như vậy, chiêm ngưỡng Chúa Giáng sinh hôm nay, chỉ là để nhìn thấy nếp sống và đường lối của Người mà đi theo. Hơn nữa tham dự thánh lễ này là để rước Người vào giáng sinh ở nơi tâm hồn và đời sống chúng ta, nhờ đó chúng ta sẽ biết sống như Người. Và như thế để sau cuộc đời trần gian, bề ngoài có vẻ khó nghèo và khổ đau nhưng có ơn Người làm sức mạnh, chúng ta sẽ đi tới ngày hiển linh, vinh quang lớn lao của Người và của chúng ta. Bởi vì hôm nay Người đã giáng sinh là để kết hợp với những ai đón nhận Người và đưa họ tới vinh quang cao cả của Người đã có từ muôn thuở với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Lễ Giáng sinh hôm nay vì thế chỉ là khởi đầu... Chúng ta hy vọng sẽ được cùng nhau đạt tới lễ rực rỡ huy hoàng vô tận sau này.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)