Chúa Nhật X thường niên  - Năm C
CHỨNG TÍCH LÒNG THƯƠNG XÓT
                                      Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Việc Chúa Giêsu hồi sinh con trai bà góa thành Naim trong Tin mừng hôm nay, làm nổi bật lên dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa trên sự đau khổ của con người.

Sống trên đời này không ai mà không gặp đau khổ. Đúng như lời Thánh vịnh 90 nói: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục. Mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần nhiều chỉ là gian lao đau khổ” (Tv 90,10).

“Đời là bể khổ”, sự đau khổ lại càng tăng lên gấp bội khi người thân yêu của mình ra đi vĩnh viễn không hẹn ngày về. Về vấn đề này nhà thơ Xuân Diệu đã viết lên kinh nghiệm của ông như sau: “Người đi một nữa hồn tôi mất, một nữa hồn kia bỗng dại khờ”.

Bà góa thành Naim đã lâm vào hoàn cảnh thật đáng thương. Làm thân đàn bà, trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ trọng nam khinh nữ đã bị khinh dể, lại thêm nỗi góa chồng, thì càng bị khinh dể hơn, vì bị liệt vào hàng ngũ cằn cỗi không sinh sản. Chỗ dựa duy nhất của bà là đứa con trai, mà bà coi là lẽ sống. Aáy thế mà mọi sự tan tành như mây khói, vì con bà đã chết, thật là “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”. Giờ đây, bà trở thành một người góa bụa, đơn côi, không biết chia sẻ với ai, không biết nương tựa vào đâu khi về già. Vì thế, bà chỉ còn biết khóc và biết khóc mà thôi.

Đi theo sau quan tài tiễn đưa đứa con yêu ra nơi an nghỉ cuối cùng, lòng bà quá ư tuyệt vọng, chẳng còn làm gì được nữa. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu đi đến gần cửa thành Naim, nhìn thấy cảnh tượng đau thương ấy, liền chạnh lòng xót thương, Ngài thấu cảm với nỗi đau khổ của bà. Sự thấu cảm mang đầy sức sống, chứa chan tình thương. Chúa bảo “Bà đừng khóc nữa”.

Tuy bà không biết Chúa Giêsu là ai! Đấng có quyền trên sự sống và sự chết, nhưng Chúa Giêsu tiến lại gần thể hiện lòng thương xót, đưa tay chạm vào quan tài và nói: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Lập tức người thanh niên được hồi sinh.

Như vậy, Chúa Giêsu chẳng những phục sinh cho người con nhưng còn hoàn lại sức sống tinh thần cho người mẹ nữa. Niềm vui vĩ đại này chỉ có Thiên Chúa là Đấng ban sự sống mới thi ân giáng phúc cho con người mà thôi. Để rồi từ đây bà được hội nhập lại với cộng đồng, vì gia đình bé nhỏ của bà cũng là một thành phần trong cộng đồng nhân loại ấy.

Anh chị em thân mến,

Qua chứng tích Chúa Giêsu hồi sinh con trai bà góa thành Naim cho chúng ta thấy rằng: “Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót” (Tv 103,8). Chúa lúc nào cũng ở gần bên chúng ta, như lời Ngài đã hứa “ Ta sẽ ở cùng ngươi trong lúc gian truân, Ta sẽ giải cứu và ban nhiều vinh dự cho ngươi” (Tv 91,15).

 Nhất là khi chúng ta gặp đau khổ trên đường đời, thì có Chúa đồng hành nâng đỡ như hai môn đệ đi làng Emmaus. Khi vì tội lỗi làm chúng ta xa Ngài, thì Ngài lại đi tìm và mong mỏi chúng ta quay về, để Ngài yêu thương và tha thứ. Vì dẫu cho tội lỗi có ngập tràn, nguồn thánh sủng còn chứa chan gấp mấy.

Dường như ai trong chúng ta cũng có những thánh giá do Chúa an bài gửi đến, vì thế chúng ta đừng vô tình tạo thêm đau khổ cho nhau. Trái lại, khi thấy người bên cạnh đau khổ, thì chúng ta noi gương Chúa Giêsu, biết chạnh lòng thương, là tìm cách giúp đỡ xoa dịu những người lâm cảnh đau thương đó.

Nếu chúng ta dự lễ đọc kinh hằng ngày mà chúng làm ngơ trước nỗi khổ của tha nhân… thì chúng ta mắc tội thiếu sót, đây là một trong bốn tội mà trước thánh lễ chúng ta đều đấm ngực tuyên xưng: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói việc làm và những điều thiếu sót”. Tội thiếu sót này nằm trong dụ ngôn nhà Phú hộ và Lazarô nghèo khó.

Tin mừng không nói nhà phú hộ xua đuổi Lazarô nghèo khó ra khỏi lâu đài của mình; cũng không nói ông đánh đập, chửi mắng Lazarô đáng thương, mà đơn giản là ông không hề quan tâm đến Lazarô đói khát đang lê lết trước cửa nhà ông. Chẳng bao giờ ông nghĩ mình được Chúa ban cho giầu có, còn Lazarô bạn mình đang đói khổ, ước mong được một chút bánh vụn từ bàn ăn của ông rơi xuống ăn cho đỡ đói mà không có. Nói tóm lại, tội của nhà phú hộ chính là tội không thể hiện lòng thương xót đối với những người kém may mắn.

Khi nhắm mắt lìa đời, Chúa không hỏi chúng ta đi một ngày mấy lễ, hành hương mỗi năm bao nhiêu lần hay làm chức vụ gì…? Mà chỉ hỏi một điều duy nhất đó là: “ Con có yêu mến Ta không”?. Vì thước đo lòng yêu mến Chúa được thể hiện bằng tình thương xót đối với tha nhân. Chúng ta được phúc thiên đàng hay không là do thực thi lòng thương xót. Bởi vì Chúa nói “Những gì các con đã làm cho những người bé mọn là các con đã làm cho chính Ta vậy ; Hãy vào hưởng sự vui mừng hạnh phúc với Ta”. Amen.