Chúa Nhật X thường niên  - Năm C
TÌNH NGƯỜI CỦA THIÊN CHÚA
RẤT ĐÁNG KHÂM PHỤC
Achille Degeest

Làng Naim ở phía nam Nagiarét. Thánh Luca là một y sĩ, cho nên điều dễ hiểu là bài tường thuật của ông về phép lạ con trai bà góa sống lại đượm một tình người nồng thắm. Đức Giêsu được thánh chép sử xưng tụng là Đức Chúa. Các bộ Phúc Âm được viết sau biến cố Phục Sinh. Do đó Đức Giêsu trở nên Đức Chúa có mọi quyền năng dưới đất cũng như trên trời. Từ ngữ Đức Chúa ở đây gợi ý một tương quan với sự phục sinh của chính Đức Kitô. Đức Giêsu có mọi quyền năng trên sự chết, Người giải thoát những kẻ khác, cũng như Người đã tự giải thoát khỏi sự chết. Đức Giêsu chạm tay vào người chết, một lần nữa chúng ta thấy Người tự cho mình quyền tự do xử sự đối với những vật mà Lề Luật coi là ô uế, vì luật định rằng chạm tay vào một người chết là trở nên ô uế, phải thanh tẩy cho hết dơ bẩn. Phép lạ này đám đông chứng kiến và nhìn nhận. Dân chúng phản ứng theo lối thông thường, họ khiếp sợ nhưng không vì thế mà lòng họ thay đổi. Một sự kiện phi thường rất khó lay động tâm hồn người ta, chỉ gây sợ hãi, kinh hoàng, đôi khi khiến kẻ chứng kiến phải suy nghĩ, nhưng chỉ lát sau đâu lại hoàn đấy, người ta trở lại suy nghĩ hành động theo những điều vốn chất chứa trong lòng. Người ta hiểu được tại sao những phép lạ của Đức Giêsu không tự động làm phát sinh đức tin –giả sử là thế sẽ không đúng cung cách Thiên Chúa. Qua các phép lạ, Thiên Chúa ra dấu, Người không ép buộc con người. Chúng ta đối chiếu phép lạ hôm nay với phép lạ con bà góa ở Serepta được Chúa cho sống lại. Phép lạ Serepta là một điềm báo tiến thêm một bậc, phép lạ Naim là một sự loan báo. Thực tại được báo trước là sự phục sinh của Đức Giêsu –thực tại toàn diện sẽ là sự sống lại ngày sau hết. Tất cả suy luận trên cho chúng ta thấy hai sự thật:

1) Chúng ta không sống trong một thế giới đóng kín trong giới hạn của sự chết.

Thoạt xem, chết là dứt điểm mọi tiến hóa, mọi sinh hoạt. Vậy mà Đức Giêsu đã can thiệp bằng công việc và bằng bản thân, Chúa cho thấy sự thể khác hẳn. Thậm chí, đã có lần Thiên Chúa ủy nhiệm cho những người như ngôn sứ Elia quyền năng trên sự chết. Những sự can thiệp rõ ràng của sức mạnh Thiên Chúa không đi ngược trật tự thiên nhiên, nhưng cốt đáp ứng nguyện vọng sâu sắc nhất của thiên nhiên. Thiên nhiên miễn cưỡng chịu đựng hiện tượng sự chết, và ai cũng biết rằng bản năng sâu sắc trong bất cứ sinh vật nào là bản năng tự tồn. Giữa ước nguyện của thiên nhiên và phép lạ phục sinh có một sự phù hợp mật thiết. Tử thần phải chăng là tên cai ngục canh giữ nhà lao người ta quen gọi là thế giới? Thiên Chúa cho thấy nghĩ thế là lầm.

2) Nếu thế giới không phải là một lao tù, ý nghĩa thế giới là gì?

Nếu thế giới không phải là một sự phi lý, thế giới hướng về đâu? Đức Kitô giải đáp câu hỏi ấy bằng phương pháp đi vào định mệnh nhân loại và kéo nó theo hướng định mệnh của Chúa. Đức Chúa có một trái tim cảm thông với trái tim chúng ta. Người xúc cảm rất tự nhiên với nỗi sầu đau của bà góa ở Naim trước xác chết con bà (có thể lúc đó Người liên tưởng đến nỗi sầu đau của một bà mẹ khác, buổi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, dưới chân thập giá…). Có thể nói rằng lòng thương cảm nhân đạo của Đức Giêsu làm phát động quyền năng của Thiên Chúa có trong bản thể Người. Chúa cho anh thanh niên sống lại, nghĩa là Người làm một dấu tỏ rõ ý nghĩa sự can thiệp của Người giữa nhân loại. Chúa kêu gọi loài người trở lại sự sống, một sự sống toàn diện (linh hồn được cứu rỗi, thân xác được sống lại) sẽ ban cho bất cứ ai không từ chối tin vào Chúa.