Chúa Nhật X thường niên  - Năm C
PHỤC SINH CHO CON TRAI
BÀ GÓA THÀNH NAIM
Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

Một trình thuật phép lạ thật khéo. Việc chữa lành này, trong đó Chúa Giêsu cho một kẻ chết trở về cuộc sống trần gian, là riêng của Luca; ngoài câu chuyện về con gái ông Gia-ia (8,49tt, với các đoạn song song ở Maccô và Matthêu), Luca còn kể lại hai lần làm cho kẻ chết sống lại nữa trong Công vụ do Phêrô (Cv 9,36-43) và do Phaolô (Cv 20,7-12). Trình thuật này được sắp xếp ở đây để chuẩn bị lời đáp của Chúa Giêsu cho câu hỏi của vị Tẩy Giả về căn cước của Ngài: “Kẻ chết sống lại” (7,22).

Hai đám đông gặp nhau, một đám theo Chúa Giêsu, đám kia theo một bà goá đi chôn đứa con trai ở ngoại thành. Theo phong tục, người ta chôn cất chính ngày chết hay vài giờ sau đó. Không phải vì người chết mà Chúa Giêsu chạnh lòng thương, mà vì người phụ nữ từ nay không còn đứa con trai để nuôi sống gia đình nữa.

Trình thuật của Luca đưa độc giả theo hai hướng. Một đàng, trong diễn tiến của trình thuật Luca gọi Chúa Giêsu là Chúa, đúng tước hiệu của Đấng bị đóng đinh và đã sống lại (Cv 2,36); đó là tuyên xưng Chúa Giêsu là vị chiến thắng tử thần. Đàng khác, Luca tăng thêm những quy chiếu về một trong hai phép lạ tương tự trong Cựu Ước, việc Phục Sinh con trai bà goá thành Sarepta do Êlia (1V 17,17-24), bà goá này đã được Chúa Giêsu nhắc đến ở Nagiaret khi nói về phép lạ khác của Êlia mà bà đã được hưởng nhờ (4,26); Luca nói đến cửa thành đến một bà goá mất đứa con trai duy nhất, đến người chết lại nói được, đến công thức: “Người trao anh ta cho mẹ anh”. Đó là những ghi chú để cho thấy rằng Chúa Giêsu có một quyền năng giống như Êlia, vị ngôn sứ vĩ đại sẽ trở lại vào thời kỳ cuối cùng (Ml 3,22-24); hơn nữa, những gì Cựu Ước nói về Êlia cho biết rõ hơn về Chúa Kitô. Đối với Luca, người cẩn thận tránh đồng hoá vị Tẩy Giả với Êlia (khác với mc 9,11-13; Mt 17,10-13), Chúa Giêsu đích thị là Êlia của thời cuối cùng.

Một trong những nét của trình thuật Luca khác với khuôn mẫu của Cứu chuộc không phải là không có ý nghĩa. Khi mà Êlia phải nằm dài ra lên trên đứa bé (1V 17,21) và người kế vị ông là Êlisê phải thực hiện bảy lần thở nhân tạo (2V 4,34-35), thì Chúa Giêsu chỉ cần một lời nói; việc Ngài sờ vào quan tài chỉ là để cho đoàn đưa đám ngừng lại. Với uy quyền, Ngài truyền cho người thanh niên trỗi dậy, đó là một trong hai từ được dùng trong bài giảng Phục Sinh để tuyên xưng việc Phục Sinh của Chúa Giêsu; chính với tư cách là Đức Chúa có quyền trở nên sự sống và sự chết mà Chúa Giêsu hành động. Lời nói của Ngài tái lập liên hệ giữa chàng thanh niên với đám người chung quanh, đã bị cắt đứt do cái chết: anh bắt đầu nói. Cần ghi nhận rằng việc anh được trả lại cho mẹ anh ta nhắc ta nhớ chính vì cảm thương bà mà Chúa Giêsu đã làm như thế.

Như rất thường thấy trong các trình thuật phép lạ, đoạn kết ghi lại phản ứng của những người chứng kiến. Tất cả, đám đông và các môn đệ (cc.11-12), nhận thấy nơi Chúa Giêsu một vị Ngôn Sư vĩ đại đã trỗi dậy –cũng một động từ như câu 14! Việc nhận biết này dĩ nhiên chưa phải là trọn vẹn, bởi vì nó không tuyên xưng Chúa Giêsu là vị Ngôn Sứ cuối cùng, Đấng phải đến (c.19). Tuy nhiên không phải nó không có giá trị, bằng chứng là mọi người nhận ra trong phép lạ, cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, Đấng đến để giải thoát Israel, đó là sự can thiệp đầy nhân hậu mà Giacaria đã ca tụng (1,68-78). Và tin này được đồn ra trong khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.

Đâu là biến cố lịch sử ẩn tàng trong câu chuyện về việc trở lại tạm thời với đời sống trần thế – quả thực, người thanh niên ở Nain này đã chết thật sự một tháng, mười năm hoặc năm mươi năm sau khi Chúa Giêsu cho anh sống lại? Vào thế kỷ thứ nhất, nơi dân Do Thái, người ta nghĩ rằng tinh thần của người chết lảng vảng trong ba ngày xung quanh thân xác trước khi xuống nơi chốn dành cho người chết. Cũng tương tự như vậy, nghiên cứu hiện đại cho biết cái chết không phải là việc đứt đoạn trong giây lát, mà là một tiến trình phức tạp, là nhiều những tan vỡ liên tiếp cộng lại; cái chết gồm nhiều giai đoạn. Nhân danh điều gì để từ chối tin rằng một thanh niên, đã vượt qua nhiều rào cản của sự chết, đặc biệt là sự bất hiệp thông, đã có thể trở lại cuộc sống nhờ lời của Chúa Giêsu? Dù sao, vấn đề của các cộng đoàn Kitô sau Phục Sinh thì lại hoàn toàn khác; họ không tìm để biết cái gì đã xảy ra sau khi người thanh niên được chữa lành một cách lạ lùng! Họ đã khởi đi từ sự kiện này để giảng dạy một giáo lý về quyền năng của Chúa Kitô trên cái chết: Đấng Phục Sinh sẽ ban cho những kẻ thuộc về Ngài, sau khi họ chết, một đời sống vĩnh hằng hoàn toàn mới mẻ.