Chúa Nhật X thường niên  - Năm C
CẢM THƯƠNG
Ðức Cha J.B. Bùi Tuần

Trước hoàn cảnh khốn khổ của người khác, nếu chúng ta cảm nhận được sự khốn khổ của họ bằng tình thương xót của ta, thì đó là cảm thương. Ta đau cái đau của họ. Ta khổ cái khổ của họ. Ta và họ có sự đồng cảm. Sự đồng cảm là một tình thương liên đới. Tình thương liên đới ấy có những rung cảm trong tim. Cả đến ruột gan nhiều khi cũng bị chấn động.

Cảm thương như thế là một phản ứng lành mạnh của con người lành mạnh.

Cảm thương như thế là một giá trị đạo đức.

Cảm thương như thế là một tiếng gọi của Chúa giàu lòng thương xót.

Để biết đáp lại tiếng gọi ấy, chúng ta nên nhớ lại những cách Chúa đã thực hiện để cảm thương nhân loại.

1. Cảm thương, nên cùng chịu chung thân phận

Sự cảm thương đầu tiên mà Chúa mạc khải cho chúng ta thấy là, sự Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế, mặc lấy thân phận con người.

"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta"(Ga 1,14).

"Người sống trọn thân phận con người như chúng con, chỉ trừ tội lỗi"(Kinh Tiền Tụng CN VII TN).

Hơn nữa, "Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.

"Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá"(Pl 2,6-8).

Tác giả thư gởi Do Thái viết: "Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội" (Dt 4,15).

Tự ý từ bỏ cuộc sống vinh quang, để cùng chịu chung thân phận hèn hạ khổ cực của con người, đó là một cách cảm thương, mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô.

2. Cảm thương, nên giải cứu con người khỏi khổ đau

Một phần đáng kể của bốn Phúc Âm là thuật lại sự Chúa Giêsu cảm thương trước cảnh khổ đau của con người, nên đã giải cứu họ.

"Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo, thì chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh tật của họ"(Mt 14,14).

Gặp hai người mù tại Giêrikhô, "Đức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ. Tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người" (Mt 20,34).

Gặp đám tang người con trai của một bà goá thành Naim: "Chúa Giêsu trông thấy bà, liền chạnh lòng xót thương. Chúa nói: Bà đừng khóc nữa. Rồi Ngài lại gần, chạm vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: Hỡi người thanh niên, tôi bảo anh, hãy chỗi dậy. Người chết liền ngồi dậy và bắt đầu nói" (Lc 7,13-19).

Khi thuật lại phép lạ Chúa cho ông Ladarô sống lại, thánh Gioan viết: "Lòng Người thổn thức và xao xuyến" (Ga 11,33) và "Đức Giêsu đã khóc" (Ga 11,35).

Khi thấy đám đông không có gì ăn. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường" (Mt 15,32). Rồi, Đức Giêsu đã làm phép lạ lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá để nuôi hơn bốn ngàn người (x. Mt 34,39).

Khi các kinh sư và người Pharisêu bắt một người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến trước Chúa Giêsu. Họ nói với Người là theo luật Maisen, người phụ nữ đó phải bị ném đá cho chết, Chúa Giêsu đã tìm cách cứu người phụ nữ đó vừa khỏi bị ném đá vừa khỏi tội. Chúa Giêsu cứu một cách nhẹ nhàng. Sau cùng Chúa nói với người phụ nữ đó một lời cũng rất dịu dàng: "Không ai lên án chị sao. Tôi cũng vậy. Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa" (x. Ga 8,3-11).

Chúng ta thấy tấm lòng Chúa Giêsu dạt dào tâm tình cảm thương. Cảm thương ấy được diễn tả bằng việc giải cứu những người khổ đau.

3. Cảm thương, nên chịu đau khổ thay

Chúa Giêsu phán: "Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên" (Ga 10,15). Sự hy sinh mạng sống mình của Chúa Giêsu đã được tiên tri Isaia diễn tả tỉ mỉ như sau: "Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong, đáng chúng ta nhìn ngắm. Dung mạo Người chẳng còn gì đáng chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mầm bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.

"Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta...

"Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm. Người đã chịu sửa để chúng ta được bình an"(Is 53,3-5).

Kinh cầu "Chịu nạn" hồi xưa có một chuỗi dài kể ra những đau đớn Chúa Giêsu chịu trong cuộc thương khó. Sau mỗi câu kể lại, là lời "vì tội chúng tôi". Kẻ đọc người nghe nhận ra thấm thía ý nghĩa sự thương khó Chúa chính là để đền tội chúng ta.

***

Trên đây là một thoáng nhìn về vài cách Chúa cảm thương con người chúng ta. Nên nhìn và suy gẫm. Tất cả đều có liên quan đến chúng ta. Chúa ở trước mặt chúng ta. Mỗi người chúng ta nên đặt trước Chúa những tâm tình của mình.

Trước hết chúng ta cảm tạ Chúa đã cảm thương chúng ta. Chúng ta nhận ra những cảm thương đó. Đúng thực là Chúa đã cùng chịu đau khổ với chúng ta. Đúng là Chúa đã giải cứu chúng ta. Đúng là Chúa đã đền tội thay cho chúng ta. Chúng ta nhận ra những sự thực đó trong những trường hợp cụ thể của đời mình.

Cùng với việc cảm tạ Chúa, chúng ta không quên nhớ ơn nhiều người đã cảm thương chúng ta. Họ đã cùng chúng ta chịu khổ. Họ đã giải cứu ta. Họ đã đền tội cho ta.

Nhìn sang Hội Thánh, chúng ta ca ngợi Chúa vì bao người con Chúa đã theo gương Chúa mà cảm thương những người đau khổ. Họ đã chia sẻ thân phận với người đau khổ. Họ đã giải cứu người đau khổ. Họ đã đền tội thay cho người đau khổ.

Bên cạnh những việc cảm tạ, nhớ ơn và ca ngợi, chúng ta đừng quên sám hối. Trong bổn phận cảm thương, chúng ta đã có những thiếu sót, những lỗi lầm, những tội phạm. Chúa đã nói rất rõ: "Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi không làm điều tốt cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta" (Mt 25,45).

Sau cùng, chúng ta cầu xin Chúa thương đổi mới trái tim ta. Đừng để nó chai cứng, vô tâm, nhẫn tâm, nhưng xin cho nó trở nên tế nhị, nhạy bén, đầy tình cảm thương. Chúng ta không những cầu xin, mà chúng ta cũng còn có bổn phận phải đào tạo chính mình ta và những người thuộc về ta. Đào tạo nên những người biết cảm thương theo gương Chúa.

Thời sự hiện nay đầy những thảm hoạ gây chết chóc, đổ nát, hỗn loạn, sợ hãi lo âu. Cả thế giới bàng hoàng, sống tình liên đới. Nếu chẳng may có những người công giáo và những tập thể trong Hội Thánh vẫn dửng dưng, chỉ biết lo cho mình, không chịu điều chỉnh cuộc sống mình sao cho liên đới với những cảnh khổ của bao người xung quanh, thì sẽ là rất phản chứng. Thời nay phản chứng trong lãnh vực cảm thương sẽ rất hại cho danh dự bản thân và cho uy tín của đạo.

Lạy Chúa, xin thương giải cứu chúng con khỏi những sai lầm trong việc làm chứng cho lòng thương xót Chúa.