Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C
ĐIỀU RĂN MỚI
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

1. Khi Giuda ra khỏi nhà tiệc ly, có lẽ sau lúc rửa chân và trước khi thiết lập phép Thánh thể, Chúa Giêsu nói: “Bây giờ con người đã được tôn vinh và Thiên Chúa đã được tôn vinh nơi Ngài”. Thốt lên những lời tuyên bố buồn bã về một người trong nhóm 12 sẽ phản bội, câu nói ấy, đối với các tông đồ, vang lên như một bài ca khải hoàn. “Bây giờ” là lúc cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và satan, mà Giuda là dụng cụ (x.13,37), vừa thực sự bùng nổ qua việc tên phản bội quyết tâm ra đi thi hành dự tính của mình; “bây giờ” là lúc Chúa Giêsu đối diện với “giờ” của Ngài, Giờ mà vì đó Ngài đã đến trong thế gian và không ai có quyền cho xảy ra sớm hơn hay trễ hơn (7,30; 8,20; 12, 23-27; 13,1; Dt 10,3-7; Lc 13,3-33). Cho đến khi ấy, đời Chúa Giêsu chỉ là một chuẩn bị, “bây giờ” mới bắt đầu thảm kịch cứu rỗi.

Nghĩ đến ơn cứu rỗi loài người và vinh quang Cha Ngài (3,15.17; 8,49-50; 10,10; 12,47), tâm hồn Chúa Giêsu cảm thấy hài lòng đến nỗi - coi cuộc khổ nạn như một thoáng qua và Thập giá như chiếc ngai vàng. Ngài đã nhiều lần chơi chữ khi dùng từ ngữ: giương cao” (exalter, hupsoun) vừa có ý nghĩa “nâng lên” (élever) và “tôn vinh” (glorifier), để cho thấy Ngài sẽ bước lên thập giá chúng ta tư thế một kẻ chinh phục (3,14; 8,28; 12,32-34; 12,23.24). Ngài thâm tín sẽ tìm thấy sự sống trong cái chết và vinh quang trong ô nhục đến nỗi nói về sự vinh hiển của Ngài như là một điều gì đã hoàn tất: “Con người sẽ được tôn vinh ”. Thì quá khứ này, để diễn tả một việc sẽ xảy ra, có thể giải thích dễ dàng nhờ lòng tin tưởng tuyệt đối của Đức Kitô vào hiệu quả chương trình của Chúa Cha hơn là nhờ các hậu kết bất khả kháng gây ra do việc Giuda phản bội.

Có lẽ đừng nghĩ đến các chứng tá Chúa Cha đã ban cho Con Ngài thì đặt trong viễn cảnh đó thì câu nói đến việc Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha bằng cách chu toàn bổn phận khi còn sống (4,34; 17,4), bằng việc mạc khải Chúa Cha (17,6) và vinh quang của Người (2,11; 11,4.40; 17,4), qua lời nói (1,18; 3,32-34; 5,24.38.47; 6,45.63; 7,16; 8,38.40-47.55...) và hành động (3,21; 5,19-20.30.36; 8,28; 9,3.4; 10,25.32.37.38; 14,10-11; 15,24). Nhưng chữ “bây giờ” bắt đầu câu 31 cho thấy một cái gì mới mẻ vừa khởi phát với việc Giuda bội phản: cuộc khổ nạn - phục sinh của Chúa Giêsu được xem như sự tôn vinh tuyệt hảo nhất, và sự tôn vinh tột bực này một cách nào đó đã được chiêm ngắm trong ý nghĩa thần học của nó. Như thể đã được thực hiện trong mầm mống qua việc phản bội của Giuda. Để xác quyết điều này, chỉ cần nhớ lại chứng tá Chúa Cha vài ngày trước đó: “Ta đã tôn vinh danh Ta và Ta sẽ còn tôn vinh danh Ta nữa” (12,28). Trong trường hợp này, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố đã đến giờ Con Người sắp được tôn vinh; hiển nhiên đây là lời tiên báo trực tiếp vào cuộc khổ nạn Ngài sắp chịu và vinh quang Ngài sắp lãnh nhận (12,23-25).

Chính Chúa Giêsu ở đây đã có ý tự xưng là “Con Người”. Mặc dù vẫn có nghĩa thiên sai như trong các phúc âm tước hiệu này dưới ngòi bút của Gioan, mang một ý nghĩa chính xác hơn. Trong mười đoản văn mà chúng ta gặp nó luôn luôn trên miệng Đức Kitô, tước hiệu “Con Người” đã ám chỉ đến vinh quang đang chờ đợi Ngôi lời nhập thể, để đáp lại việc Ngài hạ cố làm thân phận con người, dù là con người tuyệt hảo hơn hết. Và trong 4 lần, tước hiệu này trực tiếp ám chỉ đến sự vinh hiển nhờ thập giá (1,51; 3,13.14; 5,27; 6,27; 6,54.63; 8,28; 12,23; 13,31).

Nếu Đức Kitô đã được tôn vinh, chính là vì “Thiên Chúa đã được tôn vinh nơi Ngài”. Mọi việc con người phụng sự Thiên Chúa sẽ trở lại với con người dưới dạng thức vinh quang. Đó là luật, luật này trước tiên liên hệ đến Đức Kitô, và vì thế “Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Ngài (Đức Kitô) trong chính mình Người (Thiên Chúa)”. Nghĩa là gì? Nghĩa là Ngài sẽ ban vinh quang thuộc về Ngài, khi đón nhận Ngài “trong chính Người”. Con Người sẽ được thông phần vào các đặc quyền của sự sống thần linh, các đặc quyền mà Ngài sẽ nhắc tới trong lời nguyện: “Con đã tôn vinh Cha dưới đất, đã chu toàn công việc Cha giao phó cho Con làm. Và bây giờ xin Cha tôn vinh Con nơi Cha trước khi có thế gian” (17,4-5). Ở đây có sự đối chiếu giữa tình trạng của Đức Kitô lúc còn ở “dưới đất” và tình trạng “trên trời” mà Ngài xin cho được. Từ đó ta hiểu tại sao nói “Con Người” và “Thiên Chúa” thay vì nói Con và Cha. Đúng ra Chúa Con đã bao giờ mất vinh quang đã có ở Chúa Cha ngay trước khi tạo dựng vũ trụ; nhưng nhờ sự vinh hiển mà Đức Kitô đạt được cho nhân tính mình, Thiên Chúa đã nâng con người lên chính Ngai của Thiên Chúa. Chính đấy là nơi mà từ nay các tín hữu đầy lòng tin và đạo đức sẽ tìm đến gặp Ngài. Chính từ đó mà Ngài đã mạc khải cho vị tử đạo tiên khởi của Ngài. Vị này nói khi chết: “Tôi thấy các tầng trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7,56).

Khi loan báo “Thiên Chúa sắp tôn vinh Ngài”, Chúa Giêsu ám chỉ đến chứng tá hùng hồn Chúa Cha ban cho Ngài khi cho Ngài phục sinh từ cõi chết. Ngoài ra, việc phục sinh này đối với Ngài chỉ là bước đầu tiên trong cuộc sống hiển vinh mà cuộc khổ nạn sắp đưa Ngài vào.

2. Trước khi từ giã các môn đệ, Đức Kitô đã cho họ biết ý muốn tối thượng của Ngài: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới là hãy yêu mến nhau. Như Ta đã yêu mến các ngươi, các ngươi cũng hãy yêu mến nhau” (c.34). Ngài nói trong tư thế một sư phụ trăn trối những lời cuối cùng trước khi ra đi (x.Mt 24,45.51), và trong tư thế một người cha hằng lo bảo đảm hạnh phúc cho con cái mà ông sắp giã từ. Nếu được chấp hành tốt, điều răn này sẽ đền bù cho các môn đệ, trong mức độ có thể, sự mất mát không còn thấy Thầy cách khả giác, và sẽ làm họ xứng đáng gặp lại Ngài. Giới luật bác ái huynh đệ mà ở đây Chúa Giêsu gọi là giới luật “mới” ít lúc nữa sẽ được Ngài gọi là “giới luật của Ngài” (15,12).

Chính nhờ giới luật mới, nên Đức Kitô mới có thể tuyên bố là của Ngài. Luật tự nhiên dạy đừng làm cho ai điều ta không muốn họ làm cho mình. Luật Môisen đã thừa nhận khoản luật tự nhiên đó, khi dạy phải yêu tha nhân như chính mình (Lv 19,18). Nhưng đối với ai người Do thái, tha nhân là anh em, đồng bào, bạn hữu mà họ cần phải sống an hoà với, không thì sẽ bất an khi cùng đi đường. Luật trực tiếp liên hệ đến người Do thái, nhưng không gạt bỏ ngoại kiều (Mt 5,43. Trong các điều kiện trên, tình yêu tha nhân có tính cách tiêu cực nhiều: tránh tất cả những gì có thể gây thù oán, báo phục. Nếu tình yêu được thể hiện cách tích cực bằng hành động, thì cũng không kém vụ lợi; tựu trung, qui tắc là yêu chính bản thân mình. Chính giáo sĩ Hiller, nhà luân lý Do thái nhân bản nhất đã hiểu như thế: “Điều chi ngươi ghét, ngươi chớ làm cho tha nhân. Chính đó là tất cả lề luật, các điều khác chỉ là lời chú giải” (Chabbath, f.31).

Để xác quyết, Chúa Giêsu đã hơn một lần nhắc lại luật căn bản của mọi tương giao xã hội (Mt 7,12; 19,19; 22,39-40), nhưng Ngài đã vượt qua luật đó, hay ít ra, đã đưa nó về lại nội dung ban đầu, khi tố giác lối chú giải hẹp hòi và cứng nhắc mà các thày ký lục đã đề ra (Mt 5,43). Không phải chỉ yêu thương bạn hữu, mà còn phải muốn điều lành cho mọi người, kể cả kẻ thù mình; bằng không, không phải là Kitô hữu (Mt 5,46-48).

Với “giới luật mới”, Chúa Giêsu còn thêm nhiều điều trong những đòi buộc của tình bác ái huynh đệ; yêu tha nhân như chính mình chưa đủ người kitô hữu phải yêu tha nhân như Đức Kitô đã yêu họ (c.34). Mà tình yêu Đức Kitô đối với chúng ta là ân cần, vô vụ lợi, tận tâm (Ga 13,13-16; 15,16.19; Rm 15,13). Ngài đã hiến mình cho loài người đến cùng, nghĩa là cho đến chết (Ga 13,1; 15,12-14). Thánh Gioan đã ghi rõ ràng: “Chính do điều này mà ta nhận ra được lòng yêu mến: là Đấng ấy (Đức Kitô) đã thí mạng vì chúng ta; nên ta cũng thí mạng vì anh em mình” (1Ga 3,16).

Giao ước mới đã được đóng ấn với máu của tác giả giao ước (1Co 11,25). Điều trong trình thuật rửa chân trước đó được giới thiệu như một việc “phục vụ”, ở đây được gọi là “tình yêu”; nhưng tựu trung chỉ có một vấn đề: hiến thân hoàn toàn, không hạn chế. Tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta là tình yêu thần linh, không chỉ vì Ngài là Thiên Chúa, vì Ngài yêu chúng ta như là tạo vật và Con Thiên Chúa (Ga 17,6.9.10); nhưng còn vì Ngài mô phỏng theo tình yêu Chúa Cha dành cho Ngài: “Như Cha yêu mến Ta, Ta cũng yêu mến các ngươi” (Ga 15,9). Nói tóm lại có nghĩa là: “Hãy yêu thương nhau, như Ta đã yêu thương các ngươi, cho đến hy sinh mạng sống; hãy yêu thương nhau như chính Thiên Chúa đã yêu Ta”.

Một khi được hiểu và thực hành như vậy, tình bác ái huynh đệ phải tạo ra giữa loài người mối hiệp nhất theo gương Thiên Chúa: “Để hết thảy chúng được nên một, cũng như, Lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Mà Đấng cầu nguyện như thế cũng đã nói: “Cha và Ta là một” (10,30).

Ngoài ra, Đức Kitô của Thánh Gioan ở đây không dạy điều gì khác các điều chúng ta đã học trong các phúc âm nhất lãm. Bài diễn từ trên núi tóm tắt toàn bộ lý tưởng Kitô hữu: “Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Đoạn này cũng nói yêu kẻ thù là dấu chỉ phân biệt người Kitô hữu (Mt 5,46-48). Để yêu người như Chúa Giêsu muốn, phải yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự. Vì thế vị tôn sư đã đặt tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân một cách nào đó ngang hàng với nhau (Mt 22,39). Gioan và Phaolô, hai môn đệ Ngài, đã nhất trí dạy rằng: người yêu tha nhân là giữ trọn lề luật (1Ga 2,7-11; 3,10-11.14-16; Rm 13,9-10).

“Chính nơi điều này mà mọi người sẽ nhận ra là các ngươi là môn đệ Ta: ấy là các ngươi có lòng yêu mến nhau” (c.35). Bác ái giữa người Kitô hữu với nhau phải hiện thực và rõ ràng đến nỗi tự nó cho thấy họ là môn đệ Chúa Giêsu, ngay cả đến những người không biết gì về Kitô giáo (Ga 14,31; 17,21; 1Ga 2,7-11; 4,02-21). Tình yêu được truyền dạy ở đây chỉ có thể được hiện hữu giữa những người tin vào Chúa Giêsu Kitô. Một lần nữa, giới luật là giới luật “mới".

Lịch sử Giáo hội sơ khai là lời chú giải tuyệt hảo nhất về câu nói đó. Luật bác ái đã được hiểu rất sớm và đã phát sinh ra nhiều hoa quả xây dựng mà Chúa mong chờ. Tác giả sách công vụ đã nói lên đặc điểm của nhóm Kitô hữu đầu tiên: “Các kẻ tin hết thảy đều coi mọi sự như của chung” (Cv 2,44). Theo chứng từ của Tertullien, người ta đã nói về họ: “Hãy xem họ thương nhau biết bao và sẵn sàng hiến mạng cho nhau chừng nào” (Apolog.39; Pl 1,53a). Sau này, những người ở ngoài sẽ gọi họ là Kitô hữu, còn họ vẫn gọi nhau là “anh em” (Cv 11,26.29). Họ ý thức việc họ được bác ái liên kết, đến nỗi đã dùng chữ “Agapê” (tình yêu) để đặt tên cho bữa ăn chung, được đó họ ăn và uống Mình, Máu Chúa (Giuda 12; Ignatiô, thơ gởi tín hữu Rm 7).

KẾT LUẬN

Trước ngày tử nạn, Chúa Giêsu đã ban luật sống mới cho môn đệ mình. Đây là một luật mới vì đặt cơ sở trên một biến cố mới, bất ngờ và điên đảo: cái chết của Chúa, và vì trong cộng đoàn nhân loại không có chi tương tự như thế. Do đó, luật sống này là đặc điểm của cộng đoàn môn đệ vừa thành lập: “chính nơi điều này mà mọi người sẽ nhận ra các ngươi là môn đệ Ta”. Và các chứng tá trong Giáo hội sơ khai chứng nhận rằng luật tình yêu này, thực sự đã được chấp hành tốt.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Sau khi Giuda ra đi, Chúa Giêsu liền công bố, như thể cuộc ra đi của Giuda là dấu hiệu của một điều gì quan trọng: “Bây giờ Con Người đã được tôn vinh và Thiên Chúa đã được tôn vinh nơi Ngài”. Hãy biết rằng, trong thánh kinh, vinh quang của Thiên Chúa hay vinh quang của một người nào đó không cùng ngôn ngữ như trong ngôn ngữ chúng ta. Trong ngôn ngữ chúng ta, vinh quang có nghĩa: nổi danh, đắc nhân tâm và được tiếng tốt. Trong Thánh kinh, vinh quang chỉ phẩm cách, thế lực, ảnh hưởng hiện diện và quyền năng của nhân vật. Với ý nghĩ đó, vinh quang cao cả, cơ sở của mọi vinh quang khác, chỉ thuộc về Thiên Chúa, Đấng thông ban vinh quang như ý Ngài muốn. Trong mức độ thực hiện chương trình Thiên Chúa, mỗi người nhận được giá trị và thế lực, và lớn lên trong vinh quang.

2. Việc tìm hiểu các tự nguyện đó giúp chúng ta quán triệt ý nghĩa các lời nói của Đức Kitô. Chúa Giêsu đã được tôn vinh. Ngài chấp nhận điều Giuda phải làm. Từ đó, Ngài được vinh hiển, vì hoàn toàn chấp nhận cuộc Vượt qua bằng cái chết. Việc Ngài vâng phục thánh ý Chúa Cha làm cho Ngài được “vinh quang” và nói lên việc Người nhiệt tâm yêu mến Thiên Chúa. Đồng thời khi minh chứng mức độ tình yêu Ngài đối với loài người bằng việc trao ban Chúa Con, Chúa Cha cũng “đã được tôn vinh” trong con người Chúa Giêsu.

3. Việc phúc âm và phụng vụ nhấn mạnh đến tính cách mới mẻ của luật bác ái huynh đệ đòi buộc chúng ta xét mình xem chúng ta thực thi Luật đó đến mức nào và bằng cách nào. Nó giả thiết đức ái này tiếp nối tình yêu Đức Kitô dành cho chúng ta ("như thày đã yêu mến các con") và tiếp nối tình yêu chúng ta đối với Chúa Giêsu (vì chính trong điều đó mà người ta nhận ra các con là môn đệ Thày...). Lòng thương cảm tự nhiên khác xa tình yêu anh em siêu nhiên mà chúng ta phải có. Yêu thương họ vì họ (trong môi trường và điều kiện sống họ đang sống) không ngăn cản việc yêu thương họ trong Thiên Chúa và trong Đức Kitô. Và ngược lại, yêu thương họ như thế không giảm bớt lòng kính trọng và tình cảm tự nhiên. Yêu cách siêu nhiên không có nghĩa là yêu cách nhạt nhẽo, hững hờ, “để được Chúa thưởng”. Nhưng là yêu người khác hết lòng, không phải vì họ dễ thương, xinh đẹp, tốt lành... nhưng là vì họ là chi thể quí giá của Chúa Giêsu, là công dân Gierusalem thiên quốc. Vì các đặc điểm trên có giá trị cho mọi người, nên phải yêu mọi người với tình yêu siêu nhiên.

4. Trong thế giới ích kỷ, bạo tàn, ham mê tiền bạc, bóc lột nghèo, người Kitô hữu phải làm sáng rực như ánh lửa, tình yêu họ đối với tha nhân, niềm cảm thông với người cùng khổ, lòng dịu và tha thứ cho kẻ nghịch thù. Nếu làm như vậy, Kitô hữu sẽ nổi bật lên giữa bao người khác. Một khi cảm nghiệm cách cụ thể tình yêu đó, thiên hạ sẽ nhận ra người Kitô hữu là môn đệ đích thật của Đức Kitô, sức nóng của tình yêu, họ sẽ được đưa dẫn về với Đức Kitô. Chỉ tình yêu mới có thể xây dựng đô thành huynh đệ loài người hằng mơ ước.