Chúa Nhật IX Thường Niên - Năm B - LỄ CHÚA BA NGÔI
CHÚA GIÊSU GẶP GỠ
VÀ SAI PHÁI CÁC MÔN ĐỆ NGÀI
Chú giải mục vụ của Claude Tassin

Các phụ nữ đã chuyển giao hoàn thành xong sứ điệp bởi vì hiện giờ các môn đệ đang tụ họp cho cuộc gặp gỡ tối hậu đầy trang trọng. Chúng ta hãy cố gắng hiểu cho được tình cảnh của Matthêu khi ông đặt bút soạn thảo chương kết này. Các truyền thống mà Matthêu cậy dựa đều phù hợp với nhau về sự kiện Đức Giêsu đã hiện ra ở Galilê; tuy nhiên không một truyền thống nào đã bảo tồn các trình thuật về những cuộc hiện ra ở Galilê này. Bỏ qua một bên mọi tưởng tượng, tác giả Phúc Âm phải xây dựng sứ điệp mình dựa trên các mô hình Kinh Thánh về việc soạn thảo (a) và trên các chất liệu được Giáo Hội ông nhận biết (b).

1) Ở đây Matthêu sử dụng nhiều mô hình, tuy nhiên lược đồ nền tảng là lược đồ các sắc chỉ vương triều được xây dựng như sau:

Ta đã nhận lãnh quyền hành như thế.

Vậy Ta truyền…

Như vậy các lời nói của Đấng Phục Sinh được soạn lại như sau:

a) “Mọi quyền hành đã được ban cho Ta” (c.18)

b) Vậy, các con hãy đi… (c.19-20a)

Sự lựa chọn này không phải là ngẫu nhiên: Kinh Thánh Hy Bá Lai mà tác giả Phúc Âm sử dụng đã kết thúc chính xác (2Sb 36,23) bằng một sắc chỉ vương triều giống thế, sắc chỉ của vua Cyrus. Hình bóng của Đấng Mêsia trong truyền thống Do thái thời xưa (x. Is 45,1). Như thế, Matthêu đã mở đầu tác phẩm của mình bằng cách nói về “Sách Sáng Thế” (1,1) và kết thúc bằng lời ám chỉ đến câu cuối cùng trong Cựu Ước: Lịch sử Chúa Giêsu hoàn tất tất cả lịch sử Thánh Kinh.

2) Về mặt chất liệu, hầu như ở mỗi lời trong 5 câu này, đều thấy có can dự đến một bản mục lục gồm những chủ đề lớn được Matthêu khơi động dọc suốt Phúc Âm của ông. Nhưng không phải chỉ có thế. Trong một Giáo Hội đầy sợ hãi, nơi mà các thành viên gốc Do Thái vẫn còn nghĩ rằng phải tập trung chú tâm mình “các con chiên lạc nhà Israel”, có thể là các Kitô hữu khác, dày dạn hơn, tự nuôi sống mình bằng khẩu hiệu này “kêu gọi dân ngoại (bất cứ ai) trở thành môn đệ; tháp nhập họ (ngay cả nhóm người của Gioan Tẩy Giả) bằng phép Rửa tội Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chia sẻ cho họ tất cả những gì Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta” (c. 19-20). Đây chính là chương trình của Giáo Hội! Trong đoạn kết, Nhân Danh Chúa Kitô, Matthêu đã đưa ra lý do bênh vực cho sự bảo trợ chí nguyện này và hun đúc lại lòng can đảm của những kẻ đang co rúm lại. Tuy nhiên, để kết thúc, cần phải nhớ lại chính bản văn của tác giả Phúc Âm, bản văn ấy còn sung mãn hơn cả những nỗ lực làm sáng tỏ này.

Các câu 16-17 cung cấp bức khung những lời cuối cùng của Đấng Phục Sinh. Như Luca thì hẳn đã diễn tả rằng nhóm tông đồ bây giờ là nhóm Mười Một (tông đồ). Đang khi đó, trung thành với chính mình, Matthêu lại nói đến mười một môn đệ: vào lúc được Chúa sai phái, họ vẫn luôn luôn là các “học trò”, đây quả là một ý tưởng quan trọng đối với các khái niệm thừa sai của tác giả Phúc Âm.

Galilê biểu tượng thế giới dân ngoại, mặc lấy trọn vẹn ý nghĩa của nó qua việc Chúa sai phái các môn đệ đi toàn thế giới, điều này sắp sửa dội vang. Tuy nhiên, chính xác hơn cuộc gặp gỡ đã xảy ra ở “trên núi”. Tựa như một chuỗi nối tiếp quyện vào nhau, người ta thấy lại ngọn núi nơi trước đây ma quỷ đã phô bày cho Chúa Giêsu mọi vương quốc của trái đất, ngọn núi “Bát Phúc” nơi Chúa Giêsu đã công bố Hiến Chương Nước Trời và ngọn núi “biến hình” nơi vinh quang của Con Người từng toả sáng, và trên tất cả những thứ đó là bóng hình ngọn núi Nêbô (Đnl 34) nơi Môsê nói lời vĩnh biệt khi dân tộc ông sắp bước vào miền đất hứa.

Quang cảnh cuối cùng trước đây các môn đệ để lại là quang cảnh họ bỏ trốn chạy (26,56); còn giờ đây họ đang phủ phục trước Chúa Giêsu; “Tuy nhiên, vài người vẫn còn hồ nghi” nên vẫn chưa thực hiện được hành trình đức tin dẫn họ đến niềm vui không pha tạp (x. 28,8). Mô hình ngờ vực là một yếu tố truyền thống thường thấy trong các trình thuật Chúa Phục Sinh hiện ra, yếu tố này lẽ ra buộc Đấng Phục Sinh phải giúp các môn đệ nhận ra Ngài cũng như Ngài phải trấn an họ, tuy nhiên ở đây Chúa Giêsu đã không hề làm như thế. Ngày xưa Ngài đã từng nói với Phêrô “Hỡi kẻ kém lòng tin, tại sao ngươi lại nghi ngờ?” (14,31). Đức tin vẫn mãi mãi đòi ta phải liều và chính trong ‘hành động’ thừa sai (c.19-20) các môn đệ mới có thể chiến thắng nổi những ngờ vực của họ.

Ở câu 18, người ta nhớ lại vào cuối Kinh Thánh Hy Bá Lai, vua Cyrus đã tuyên bố: “Chúa là Thiên Chúa, Ngài đã ban cho tôi tất cả vương quốc trên mặt đất” (2Sb 36,23). Và lớn lao hơn chính quyền năng trên trời được thông ban cho Con Người mầu nhiệm trong sách Daniel: “Người được Thiên Chúa ban cho mọi quyền hành… mọi dân tộc sẽ phụng sự Người… quyền hành muôn thuở” (Dn 7,14). Ở đây không hề thấy một quang cảnh hùng vĩ, tuy nhiên qua bức tranh cuộc phán xét cuối cùng (25,31) được gợi lại Chúa Giêsu quả quyết rằng kể từ nay Thiên Chúa đã trao ban cho Ngài vương quyền hoàn vũ này.

“Vậy” (c.19) “các ngươi hãy đi chiêu mộ môn đồ từ mọi dân tộc”. Chúa Giêsu không nhấn mạnh đến từ “Đi” cũng không nhấn mạnh đến sứ mệnh chinh phục mặt địa lý mà nhấn mạnh đến việc mở lòng đón nhận tất cả mọi nhóm người không phân biệt. Bởi vì Chúa Giêsu nắm trọn quyền hành, cho nên mọi người đều được mời gọi sống dưới quyền hành của Người. Đối với Matthêu, sứ mệnh là gì? Là các môn đệ đi chiêu mộ kẻ khác trở thành môn đệ, là mọi người nam cũng như nữ sau khi cảm nghiệm rằng lời giáo huấn của Chúa Giêsu đã biến đổi cuộc hiện sinh của họ sẽ đem chia sẻ kinh nghiệm đó với kẻ khác “dạy cho họ giữ tất cả mọi huấn lệnh của Chúa Giêsu” được tóm gọn lại trong chỉ một lề luật yêu thương.

Tuy nhiên sứ mệnh đó không phải là sự triển khai một ý thức hệ, dù rằng cao đẹp mấy đi nữa. Nó không ngừng đòi hỏi phải tạo ra một cộng đoàn, gồm những người; qua nghi thức Rửa Tội, muốn ghim chặt mối dây liên đới với nhau trong một tuỳ thuộc chung: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (c.19). Đây là công thức mầu nhiệm Ba Ngôi duy nhất trong Tân Ước nói về phép Rửa Tội “Nhân danh Chúa Giêsu” hay “Trong Thánh Linh”. Danh xưng Ba Ngôi ở câu 19 chắc chắn phát xuất từ Phụng Vụ Thánh Tẩy đang thịnh hành trong Giáo Hội của Matthêu. Tác giả Phúc Âm sẵn sàng chấp nhận danh xưng này và qua đó ông đưa độc giả mình về lại với tất cả những gì họ đã học biết về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh suốt những trang Phúc Âm của ông.

Trong một cách thức nào đó, Đấng Phục Sinh đã kết luận như sau: “Các ngươi còn ngờ vực”, vậy hãy liều thân đi phục vụ mọi người. Khi thấy họ quay về với đức tin bấy giờ các ngươi sẽ khám phá rằng thực sự “mọi quyền hành đã được ban cho Ta” và nhất là các ngươi sẽ khám phá ra rằng chính Ta, Ta luôn ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế (c.20). Suốt dòng lịch sử, Đấng Phục Sinh vẫn luôn mãi là Đấng Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (1,23): Như thế phần đầu và phần cuối Phúc Âm đã phúc đáp cho nhau, ngoài ra dòng Phúc Âm đầu tiên (1,1) ghi nhận: “Các nguồn gốc”; sự khởi nguyên còn dòng Phúc Âm cuối cùng nhắc đến “Thế mạt” (28,20): Bản thân Chúa Giêsu thâu tóm toàn lịch sử nhân loại; Tuy nhiên kể từ “ngày đầu tiên trong tuần” (28,1) tức buổi sáng Phục Sinh, lịch sử này đã tháp nhập vào đó sự dấn thân và chứng ngôn của Kitô hữu.