Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm B
HÃY YÊU NHƯ THẦY
                         Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Anh chị em thân mến,

Tình yêu là một đề tài nói không bao giờ cạn. Trải qua các thời đại, không chỉ các nhà văn, nhà thơ, triết gia, nghệ sĩ... họ định nghĩa, tìm hiểu, ca tụng không hết lời, mà ngay cả chúng ta cũng đã từng sống yêu và có kinh nghiệm về tình yêu. Đặc biệt hơn là đạo Công Giáo, Chúa dạy chúng ta tập yêu và biết yêu.

Ngày nay, khi nói tập yêu hay nói học cho biết yêu tưởng là chuyện xưa như trái đất. Vì cứ nhìn vào giới trẻ ngày nay đâu cần ai dạy, thế mà chúng yêu nhau thật là mãnh liệt, để rồi phải đi giải quyết, mà hậu quả là những thai nhi giết chết vô tội trong dạ mẹ.

Hay các đôi bạn trẻ yêu nhau rồi quyết định lập gia đình, dẫn nhau đến cha xin cho con học khóa giáo lý cấp tốc, để rồi cũng tốc hành chia tay nhau. Nếu yêu như thế thì không cần phải học, phải tập. Vì đó là tình yêu ích kỷ, tình yêu nhầm thoả mãn thú vui của mình, chứ không phải là tình yêu đúng nghĩa.

Vậy phải học phải tập yêu thế nào cho đúng? Thưa, chúng ta phải học yêu nơi Thầy Giêsu, đó là “ Yêu như Thầy đã yêu” (Ga. 15, 12).

1. Yêu như Thầy là hạ mình

Chúa Giêsu là Đấng tạo hóa quyền năng tạo thành mọi sự, nhưng vì yêu thương nhân loại, Ngài hạ mình xuống sống với chúng ta là loài thụ tạo thấp hèn.

Ngài là Thiên Chúa giàu có, nhưng vì yêu thương mà Ngài hạ mình xuống sinh trong hang lừa máng cỏ nghèo khó.

Ngài là Đấng thánh thiện, nhưng vì yêu mà Ngài hạ mình xuống sống với chúng ta là những kẻ tội lỗi. Ngài còn nâng chúng ta lên làm bạn hữu “Thầy không gọi các con là tôi tớ nhưng là bạn hữu” (Ga. 15,15). Rồi còn hạ mình hơn là bạn hữu nữa, bằng chứng là trong đêm Tiệc ly,  Ngài đóng vai đầy tớ quì gối rửa chân cho các môn đệ.

2. Yêu như Thầy là hiến mình

Nếu chúng ta có dịp đến Chùa, sẽ nhìn thấy tượng Đức Phật Thích Ca ngồi nơi chánh điện trên một bệ Hoa Sen. Nhìn thấy dung nhan Đức Phật thật là thanh thản, từ bi, phúc hậu, trông thật hấp dẫn.

Nhưng khi chúng ta bước vào nhà thờ, ngước nhìn nơi cung thánh, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu đóng đinh trên cây thập giá. Đó là biểu tượng tình yêu cao cả của Thiên Chúa đã hiến mình chết cho chúng ta được sống, như lời Chúa nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn cho bằng kẻ hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga, 15,13).

3/ Yêu như Thầy là huỷ mình

Anh chị em biết người Mỹ họ quí chó lắm, bằng chứng là có bệnh viện dành cho chó; có nghĩa trang để chôn chó… Nghe nói bên Mỹ người ta xếp loại: trẻ con hạng thứ nhất; phụ nữ hạng thứ hai; con chó hạng thứ 3; đàn ông hạng thứ 4.  Giã như có ai yêu quí con chó đến độ làm bạn với nó, chơi với nó…. Thử hỏi người khác nhìn vào có cho người đó không bình thường?

Điều mà con người không thể làm được thì Thiên Chúa đã làm vì yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu là Thiên Chúa quyền năng hạ mình xuống sống với con người thì khiêm tốn lắm rồi.

Chúa Giêsu yêu thương nhân loại hiến mình trên cây thánh giá như một tội nhân, nhưng vẫn còn là con người. Bây giờ Thiên Chúa ấy lại huỷ mình ra không, ngự trong tấm bánh, trở nên lương thực thiêng liêng nuôi sống linh hồn chúng ta, thì không thể nào hiểu thấu được. Đây là giới hạn tình yêu cuối cùng của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,

Giáo hội trải qua hơn 2.000 năm qua, đã có những người noi gương Thầy Giêsu sống yêu thương, hi sinh cho người khác, kể cả mạng sống mình. Chẳng hạn như: Cha Đa-miêng tông đồ người hủi; cha Maximilianô Maria Kolbê, chết thay cho bạn tù; Mẹ Têrêsa Cancútta. Hay những người mẹ đã hi sinh tấm thân để cho con mình được sống. Và có những người con đã hy sinh cả tuổi xuân chăm sóc cha mẹ già bại liệt.

 Thế nhưng theo báo đài cho biết, mặc dầu chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, một thế giới văn minh với khoa học kỷ thuật vượt mức, nhưng lại là một thế giới thiếu vắng tình thương. Mà theo nhận định của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đó là nền văn minh của sự chết.

Theo thống kê Hội Đồng Lương Thực Quốc Tế cho biết, mỗi ngày có khoảng hơn 400 triệu người đi ngủ với bụng đói, và hơn 20 ngàn người chết đói, chết khát, chưa kể chết vì phá thai, bệnh tật, tai nạn, chiến tranh…

Chết là vì hơn 80% của cải đang cất giữ trong két sắt, trong tủ, trong túi áo của những nhà tỉ phú, của những đại gia.

 Chết là vì con người ích kỷ, hưởng thụ... mà quên đi lẽ công bằng, đức bác ái, tình chia sẻ…

Có khi người ta không chết vì đói chén cơm manh áo, nhưng người ta chết vì cô đơn, đói tình người, đói sự quan tâm, chia sẻ, tình liên đới… hay nói đúng hơn người ta thiếu đức tin, thiếu lòng bác ái với nhau.

Người ta bỏ ra hàng bao nhiêu tiền của để đầu tư vào những vũ khí tối tân, những thiết bị y tế, nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ con người, nhưng người ta lại sẵn sàng giết chết bao nhiêu thai vô tội còn nằm trong dạ mẹ.

Người ta bỏ bao nhiêu thời giờ, bao nhiêu tiền của đi du lịch nước này nước nọ được, nhưng người ta lại khó lòng sang nhà bên cạnh để thăm một người bệnh nhân đang cần một lời kinh hay một lời an ủi họ trong giờ sau hết.

Là những người sống đạo yêu thương, chúng ta được mời gọi bước theo chân Thầy Giêsu, để học cho biết thế nào là yêu như Thầy, hầu trở nên những môn sinh của Thầy. Môn sinh của Thầy Giêsu không phải là những người rao giảng hay; hay có tài làm phép lạ; cũng không phải là những người có khả năng chữa bệnh, nhưng môn sinh của Thầy Giêsu là những người biết sống yêu thương nhau. Amen.