Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm B
CHÚA KITÔ SAI PHÁI (Ga 20,19-23)
Chú giải của William Barclay

Có lẽ các môn đệ vẫn tiếp tục họp tại phòng cao, nơi đã tổ chức Bữa Tiệc Ly. Nhưng họ đã họp mặt trong bầu khí đầy sợ hãi. Họ kinh hoàng vì đã biết sự cay cú độc ác của dân Do Thái vừa giết Chúa, và các môn đệ sợ rằng tiếp theo sẽ tới phiên họ. Họ đã họp lại trong sợ hãi, sợ từng tiếng chân đi ngoài hành lang, từng tiếng gõ cửa, e có tay sai của Tòa Công Luận đến bắt họ. Đang lúc đó, thình lình Chúa Giêsu hiện ra giữa họ, Ngài chào họ bằng lời chào thông thường của người Phương Đông: “Chúc anh em được bình an”. Câu ấy mang ý nghĩa nhiều hơn là: “Cầu mong cho anh em khỏi lo lắng bối rối”. Nó có nghĩa: “Nguyện Thiên Chúa ban cho anh em mọi điều tốt lành”. Sau đó Chúa Giêsu ban cho môn đệ một mệnh lệnh, sự sai phái mà Hội Thánh chẳng bao giờ được quên.

1) Ngài phán rằng Chúa Cha đã sai Ngài thế nào, Ngài cũng sai phái họ y như vậy. Đây là điều mà Westcott đã gọi: “hiến chương của Hội Thánh”. Nó có ba nghĩa.

a/ Chúa Giêsu cần Hội Thánh. Đúng như thánh Phaolô muốn nói khi ông gọi Hội Thánh là “thân thể của Chúa Kitô” (Ep 1,23; 1Cr 12,12). Chúa Giêsu đã đến với một sứ điệp cho mọi người, bây giờ Ngài trở về cùng Chúa Cha. Sứ điệp ấy sẽ chẳng bao giờ đến được với mọi người nếu Hội Thánh không loan truyền. Hội Thánh phải là cái miệng nói thay cho Chúa, là đôi chân đi những nơi Ngài cần đến, là đôi tay để làm công việc của Ngài. Sứ điệp của Chúa Kitô được đặt vào tay Hội Thánh. Vậy ý nghĩa nhất trong câu chuyện này là Chúa Giêsu tùy thuộc vào Hội Thánh.

b/ Hội Thánh cần Chúa Giêsu. Một sứ giả cần có người phái mình đi, cần có sứ điệp để mang đi, cần một thế lực, một thẩm quyền để hậu thuẫn cho sứ điệp mình mang đi, người ấy cần có người để nhờ cậy khi nghi ngờ và gặp khó khăn. Vì thế, Hội Thánh cần Chúa Giêsu. Nếu không có Ngài, Hội Thánh sẽ không có sứ điệp, không có năng lực, không có ai để nương cậy khi bị chống đối, không có gì để soi sáng cho tâm trí, thêm sức cho đôi tay, khích lệ cho tâm hồn. Vậy, câu này có nghĩa là Hội Thánh lệ thuộc vào Chúa Giêsu.

c/ Nhưng ở đây vẫn còn một điểm khác nữa. Việc Hội Thánh được Chúa Giêsu sai phái song song với việc Ngài được Chúa Cha sai phái. Không ai đọc tường thuật của sách Gioan mà không thấy tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha luôn luôn dựa trên sự vâng phục trọn vẹn và tình yêu trọn vẹn của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu làm sứ giả của Chúa Cha, chỉ vì Ngài vâng phục và yêu mến Chúa Cha cách trọn vẹn. Do đó Hội Thánh cũng chỉ làm sứ giả, công cụ cho Chúa Giêsu khi Hội Thánh yêu mến và vâng phục lời Ngài thật sự trọn vẹn. Hội Thánh không thể ra đi với các chính sách nhân tạo của mình mà phải theo ý của Chúa Giêsu. Bất cứ lúc nào cố ý dựa vào sự khôn ngoan và năng lực riêng để giải quyết vấn đề mà không tìm ý muốn và hướng dẫn từ nơi Chúa Giêsu, Hội Thánh sẽ thất bại.

2) Chúa Giêsu hà hơi trên các môn đệ để ban Thánh Thần. Khi nói như vậy chắc chắn Gioan đang nhớ lại câu chuyện sáng tạo con người. Tác giả xưa đã viết: “Thiên Chúa bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì con người trở nên một loài sinh linh” (St 2,7). Đó cũng chính là bức tranh mà Êdêkiên đã thấy trong thung lũng đầy hài cốt khô, ông nghe Chúa phán với gió: “Hỡi hơi thở, hãy đến từ gió bốn phương, thở trên những người bị giết, để cho chúng được sống” (37,9). Khi Thánh Thần đến, có sáng tạo mới, như đánh thức sự sống từ trong cái chết. Khi Thánh Thần xuống trên Hội Thánh, Hội Thánh được đánh thức và tái tạo để thi hành nhiệm vụ của mình.

KẺ NGỜ VỰC CHỊU THUYẾT PHỤC (Ga 20,24-29)

Với Tôma, ông chỉ còn chờ thập giá mà thôi. Khi Chúa Giêsu đề nghị đến Bêtania lúc được tin Ladarô bị bệnh, Tôma nói: “Chúng ta hãy tới đó để cùng chết với Ngài” (Ga 11,16). Tôma không thiếu can đảm, nhưng ông có tính bi quan. Không ai nghi ngờ việc Tôma rất yêu mến Chúa Giêsu. Ông yêu Ngài đủ để sẵn sàng cùng đi với Ngài lên Giêrusalem, sẵn sàng để chết khi các môn đệ khác phân vân, sợ hãi. Điều mà Tôma chờ đợi đã xảy ra, và khi việc xảy ra như ông chờ đợi thì ông vẫn đau đớn vô cùng, ông đau đớn đến độ không muốn nhìn mặt ai nữa, ông ở riêng với niềm đau của mình.

Vua George Đệ Ngũ thường nói một trong những quy luật sống của ông: “Nếu ta phải chịu đau khổ thì hãy để ta như một con vật tốt giống và để ta chịu khổ một mình trong cô đơn”. Tôma phải đối diện với nỗi đau buồn của ông trong cô đơn. Vì thế, khi Chúa Giêsu trở lại với các môn đệ thì Tôma đã không có mặt. Với ông tin báo Chúa Giêsu sống lại là một tin dường như quá tốt lành đến độ không thể tin có thật, vì thế ông đã không chịu tin. Với tâm trạng phân vân do bản tính bi quan, ông tuyên bố chẳng bao giờ ông tin Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cho đến khi thấy tận mắt, đặt ngón tay ông vào dấu đinh trên tay Chúa và đặt bàn tay ông vào chỗ mũi giáo đã đâm nơi hông Ngài (Kinh Thánh không chép gì về các vết thương nơi bàn chân Chúa Giêsu, vì trong hình phạt đóng đinh vào thập giá, đôi chân không bị đóng đinh, chỉ cột vào đó mà thôi).

Thêm một tuần lễ trôi qua, lần này Tôma có mặt với các môn đệ khác. Chúa Giêsu biết rõ tấm lòng của Tôma, Ngài lặp lại lời ông và mời ông tự làm cuộc trắc nghiệm mà ông từng đòi hỏi. Bấy giờ, lòng Tôma tuôn trào tình yêu và thờ kính, ông chỉ có thể thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma ơi, ngươi cần thấy tận mắt rồi mới chịu tin, nhưng sẽ có lúc người ta chỉ thấy bằng con mắt đức tin và tin nhận. Trong câu chuyện này tâm tính Tôma đã bộc lộ rõ ràng trước mắt chúng ta:

1) Tôma đã phạm một lỗi lầm. Ông đã vắng mặt trong buổi họp mặt anh em. Ông tìm sự cô đơn hơn là họp nhau. Và vì không có mặt với các bạn nên ông mất cơ hội gặp Chúa Giêsu lúc Ngài đến đó lần thứ nhất. Chúng ta sẽ bị mất mát nhiều nếu tự tách mình ra khỏi cộng đoàn để tìm cách sống cô đơn. Nhiều điều có thể xảy ra khi chúng ta cùng ở với nhau trong Hội Thánh Chúa, nhưng sẽ không xảy ra khi chúng ta sống cô đơn. Khi gặp cảnh đau buồn, chúng ta thường có khuynh hướng muốn đóng cửa lại, nhốt mình riêng một nơi, không muốn gặp ai cả. Nhưng chính những lúc như thế, mặc dù đau buồn, chúng ta nên tìm cách thông hảo với anh em, vì trong sự thông hiệp đó chúng ta có cơ may gặp Chúa.

2) Nhưng Tôma có hai đức tính lớn. Ông nhất định không chịu nói là tin khi ông không tin, không bao giờ nói mình hiểu trong khi không hiểu. Ông không hề đè nén sự nghi ngờ. Tôma không thuộc loại người chịu thông qua điều chưa hiểu. Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông hoàn toàn đúng.

Một người đòi hỏi chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ lặp đi lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến, không thật sự tin tưởng. Cính hoài nghi như thế đến cuối cùng sẽ đạt đến chỗ tin chắc.

3) Đức tính kia của Tôma là khi biết chắc, ông sẽ đi cho đến cùng. Ông nói: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Với Tôma không có vị trí lưng chừng. Ông không làm bộ hoài nghi chỉ nhằm chơi trò xiếc tinh thần, ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã chắc rồi, ông hoàn toàn vâng phục. Khi một con người chiến đấu với nỗi hoài nghi để đi đến chỗ tin Đức Giêsu là Chúa, người ấy đạt được sự chắc chắn mà những người dễ dàng chấp nhận không suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt tới được.

TÔMA VÀO NHỮNG NGÀY SAU ĐÓ (Ga 20,24-29)

Chúng ta không rõ những ngày sau đó điều gì xảy đến cho Tôma. Nhưng có một sách ngoại kinh nhan đề: “Các công việc của Tôma” dựng lại tiểu sử của ông. Dĩ nhiên đây chỉ là truyền thuyết cũng có phần nào là lịch sử, và trong sách đó, Tôma được mô tả trung thực với tính tình của ông. Sau đây là một phần trong câu chuyện đã được kể lại về ông.

Sau khi Chúa Giêsu sống lại, các môn đệ phân bổ khu vực rao giảng Phúc Âm, mỗi người đến một nơi nào đó để truyền bá Phúc Âm cho mọi người khắp thế gian đều được nghe. Tôma bắt thăm nhằm xứ Ấn Độ (Giáo Hội thánh Tôma ở miền Nam Ấn truy lai lịch của họ từ Tôma). Thoạt đầu Tôma không chịu đi, ông bảo ông không đủ sức thực hiện một chuyến đi xa đến thế. Ông nói: “Tôi là một nguòi Do Thái, làm sao lại có thể đến sống giữa những người Ấn Độ mà rao giảng chân lý cho họ được?”. Tối đến, Chúa Giêsu hiện đến với ông và phán: “Hỡi Tôma đừng sợ, hãy đến Ấn Độ và giảng ở đó, vì ân sủng Ta ở với ngươi?. Thế nhưng Tôma vẫn ngoan cố từ chối. Ông nói: “Nếu Ngài muốn sai con đi thì sai, nhưng đi nơi nào khác chứ không đến với dân Ấn, con sẽ không đi đâu!”. Bấy giờ có một thương nhân tên Abbanes từ Ấn đến Giêrusalem, ông được nhà vua Gundaphorus sai đi tìm một thợ mộc giỏi đem về Ấn Độ, và Tôma vốn là thợ mộc. Chúa Giêsu đến cùng Abbanes ngồi chơi và hỏi: “Ông có muốn mua một thợ mộc không?” Abbanes đáp “Muốn” Chúa Giêsu nói: “Tôi có một tên nô lệ làm thợ mộc và tôi muốn bán”. Rồi Ngài chỉ Tôma đứng ở đàng xa, họ thuận giá và Tôma bị bán. Tờ bán viết như sau: “Tôi tên là Giêsu, con trai Giuse làm thợ mộc, nhìn nhận có bán tên nô lệ của tôi là Tôma cho ông Abbanes, thương gia của Gundaphorus, vua dân Ấn”. Sau khi biết xong giấy bán, Chúa Giêsu đi tìm Tôma, đưa ông đến với Abbanes. Abbanes hỏi: “Có phải người đó là chủ của anh không?” Tôma đáp: “Phải!” Abbanes nói: “Tôi đã mua anh từ tay ông ta”. Tôma yên lặng. Sáng hôm sau, Tôma dậy sớm cầu nguyện, sau đó ông thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu con xin đi bất cứ nơi nào Ngài muốn, nguyện ý Ngài được nên trọn”. Đó chính là Tôma một người chậm tin, nhưng khi đã tuân phục thì tuân phục hoàn toàn.

Câu chuyện tiếp tục kể rằng vua Gundaphorus ra lệnh cho Tôma xây một cung điện, Tôma tâu rằng ông có đủ khả năng để làm việc ấy. Nhà vua cấp tiền đầy đủ cho ông mua vật liệu và thuê nhân công, nhưng ông đem phân phát hết cho người nghèo. Ông luôn tâu với vua rằng ngôi nhà đang được xây cất, sau đó nhà vua sinh nghi, cho gọi Tôma đến và hỏi: “Ngươi xây cung điện cho ta xong chưa?” Tôma đáp: “Xong rồi!” Nhà vua hỏi: “Vậy bây giờ ta đến xem được chăng?” Ông đáp: “Bây giờ hoàng thượng chưa thể đến xem được, nhưng sau khi lìa bỏ cõi đời này thì hoàng thượng sẽ thấy”. Thoạt đầu nhà vua nổi cơn thịnh nộ và tính mạng Tôma bị đe dọa, nhưng cuối cùng nhà vua tin Chúa. Như thế, Tôma đã đem Kitô giáo đến Ấn Độ.

Nơi Tôma có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ. Ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Ông là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật kỹ giá phải trả. Một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cuối cùng. Đức tin như ông tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi, vâng lời như ông tốt hơn cái gật đầu dễ dãi đồng ý nhận làm một việc gì đó mà không cân nhắc, để rồi sau đó lại rút lại điều mình đã hứa.

MỤC TIÊU CỦA SÁCH PHÚC ÂM (Ga 20,30-31)

Rõ ràng theo mục tiêu đã hoạch định từ ban đầu, sách Phúc Âm này phải chấm dứt ở đây. Chúng ta có câu kết thúc tự nhiên và chương 21 tiếp theo phải được xem là phụ lục được thêm về sau này. Đoạn này đã tóm tắt mục tiêu của tác giả cách ngắn gọn và đầy đủ.

1) Các sách Phúc Âm không có ý đưa ra một tường thuật đầy đủ về đời sống Chúa Giêsu. Các sách này không ghi theo từng ngày, từng giờ của Chúa, nhưng lại ghi chép một cách chọn lọc. Các tác giả không kể lại cho chúng ta tất cả mọi sự Đức Giêsu đã phán dạy hay thực hiện, vì kể như vậy chẳng bao giờ có thể xong được, nhưng họ chọn lọc các biến cố điển hình nhằm vạch rõ Chúa là ai, và các loại công việc mà Ngài thường làm.

2) Hơn nữa, các sách Phúc Âm không có viết về tiểu sử Chúa Giêsu, mà chỉ nhằm kêu gọi người ta hãy nhận Ngài làm Chúa Cứu Thế, là Thầy và Chủ của mình. Mục tiêu sách không nhằm thông báo tin tức, nhưng nhằm ban sự sống. Các sách ấy mô tả Đức Giêsu thế nào cho người đọc phải thấy, Người giảng dạy, hoạt động, chữa bệnh như vậy không ai khác hơn Con Thiên Chúa. khi đã tin như vậy thì độc giả sẽ tìm được bí quyết của một đời sống đích thực.

Nếu đọc các sách Phúc Âm như một loại sách sử ký hay tiểu sử, chúng ta đã sai lầm. Chúng ta phải đọc các sách ấy như những người đi tìm kiếm Chúa chứ không phải sử gia tìm tài liệu lịch sử.

Theo bất cứ quan điểm nào, chương 21 cũng là chương sách lạ lùng. Gioan đã chấm dứt chương 20, nhưng rồi dường như lại bắt đầu trong chương 21. Nếu không có những điều thật đặc biệt cần nói, chắc tác giả không thêm chương này. Chúng ta biết trong Phúc Âm Gioan thường có hai nghĩa, một nghĩa hiển lộ, một nghĩa ẩn tàng. Khi nghiên cứu chương này, chúng ta sẽ cố gắng tìm những lý do tại sao nó lại được thêm vào cách lạ lùng như vậy, sau khi sách này đáng lẽ phải chấm dứt.