Chúa Nhật XXXIII - Thường Niên - Năm B
LÀM CHỨNG CHO CHÚA
 Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

 Hôm nay, chúng ta long trọng mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam. Theo sử liệu để lại, thì Giáo Hội Việt Nam có khoảng 130.000 tín hữu can đảm đổ máu làm chứng cho Chúa Kitô. Trong số đó có 118 vị đã được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong lên bậc hiển thánh ngày 19/6/1988.

Theo truyền thống Kitô Giáo, danh xưng tử đạo chỉ áp dụng cho những người làm chứng cho Chúa. Cái chết các thánh tử đạo Việt nam, diễn tả niềm tin sống động vào mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh. Thật vậy, vì tin theo Đức Kitô mà các Ngài sẵn sàng chấp nhận mọi gian nan đau khổ để làm chứng cho Chúa.

Cái chết những anh hùng tử đạo cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa, được thể hiện nơi những con người mỏng dòn yếu đuối.

Qua cái chết, các ngài làm chứng cho một niềm tin kiên vững: Vì tin Đức Giêsu là Thiên Chúa toàn năng, Đấng Cứu Độ trần gian, nên các ngài can đảm không bước qua Thánh giá Đức Kitô.

Qua cái chết, các ngài làm chứng cho tình yêu theo gương Đức Kitô: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu mình" (Ga 15,13).

Qua cái chết, các ngài làm chứng cho một niềm hy vọng vào Đức Kitô phục sinh, tin có sự sống lại đời sau, tin có hạnh phúc Nước trời.

Ngày nay, Hội Thánh cần có những người dám sống, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Cuộc sống làm chứng cho Chúa ngày nay là một hình thức tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng đòi chúng ta phải chọn Chúa trong từng công việc qua từng phút giây của cuộc sống.

 Mỗi ngày chúng ta thử đặt ra trước mắt những chọn lựa. Nếu chúng ta chọn Chúa thì hãy vui lòng đón nhận thánh giá Chúa gửi trao như: bệnh tật, đau khổ, buồn phiền…

Hình thức tử đạo ngày nay không đòi chúng ta đổ máu như các thánh tử đạo năm xưa, nhưng đòi chúng ta làm chứng cho Chúa bằng cái chết đi cho ý riêng, chết đi cho những đam mê tật xấu, chết đi cho những gì làm chúng ta mất ơn nghĩa cùng Chúa.

Nhìn vào cuộc sống hôm nay, có nhiều mảnh đời bất hạnh, cơ cực và đau khổ. Chúng ta đừng xem đó là một hình phạt tội lỗi hay do số phận đưa đẩy, mà hãy xem đó là Thánh giá do Chúa an bài gửi đến, nếu vui lòng đón nhận vì lòng yêu mến Chúa, thông phần với cuộc khổ nạn của Chúa, thì đó cũng là một hình thức tử đạo rồi.

Anh chị em thân mến,

Giáo hội Việt nam đã tưới thắm không biết bao nhiêu máu của các chứng nhân anh dũng, đó là ông bà tổ tiên của chúng ta. Các ngài đã dầy công vun xới để cho hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước. Máu ấy vẫn còn tiếp tục chảy vào những thế hệ tương lai là người tin vào Chúa Kitô.

Mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta chung lời tạ ơn Chúa đã cho Giáo hội Việt Nam có những hạt giống đức tin, được gieo vãi trên quê hương đất nước thân yêu này. Tạ ơn Chúa, vì đức tin chúng ta được lớn lên trong dòng máu Tử Đạo của các thánh.

Chúng ta tỏ lòng cảm phục, vì các Ngài đã vượt thắng mọi khó khăn, chấp nhận mọi gian khổ, để tỏ lòng thờ phượng kính mến Chúa trên hết mọi sự.

Chúng ta hết lòng ngưỡng mộ, vì các Ngài đã kiên trì trong đức tin, vững bền trong đức cậy và bền đỗ trong đức mến dưới bất cứ hình khổ nào.

Chúng ta tỏ lòng tri ân, vì các Ngài đã nêu gương sáng đức tin, về tinh thần sống đạo và nhất là để lại cho chúng ta một gia sản cao quí đó là đức tin vững mạnh vào Chúa.

Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, sẽ được bừng tỏa lên mãi mãi trên Tổ Quốc Việt Nam.

 Ước gì máu của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương này, làm cho công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái hơn nữa. Đồng thời, noi gương các thánh tử đạo Việt nam, qua cuộc sống làm chứng cho Chúa, chúng ta tiếp tục chuyển giao đức tin ấy cho những người chưa nhận biết Chúa. Amen.