Chúa Nhật XXX - Thường Niên - Năm B
NGƯỜI MÙ THÀNH GIÊRICÔ
Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux

Trình thuật vắn gọn gồm bảy câu này giàu hương vị và súc tích đặc biệt. Maccô đã phác họa nơi đây những nét sinh động to tát bộc lộ chiều sâu tư tưởng của ông.

Quang cảnh xảy ra đã được xác định rõ nơi chốn, khi vừa qua khỏi (nơi Chúa Giêsu đang đi 10,1) thì Giêricô sẽ là địa danh dẫn người ta vào Israel (c.46a). Đối với Chúa Giêsu đây là bước quy định nhất trong tiến trình hướng về Giêrusalem (11,1). Hãy ghi nhận rõ: đây là lần đầu tiên tác giả Phúc Âm cho thấy Chúa Giêsu đồng hành về Giêrusalem với “một đám đông” chứ không phải chỉ riêng các môn đệ Ngài. Và này đây trên bước hành trình của mình, đám đông sẽ có được một cuộc gặp gỡ “đổi đời”. Ở đây chúng ta gặp một nhân vật “đặc biệt” đang ngồi ở lề đường: anh ta là một trong vô số người mù Palestin thời đó phải xin ăn mà sống (c. 46c). Sự cố liên quan tới anh ta đã gây xúc động mạnh cho Maccô đến nỗi ông là người duy nhất trong các giả Phúc Âm đã ghi lại tên anh mù bằng tiếng Aram được Maccô lẹ làng dịch ra cho độc giả Hy Lạp hiểu, tên ấy là có nghĩa là con của Timê. Anh ta hoàn toàn bị gạt ra rìa cuộc sống tức là đang khi thiên hạ đi thì anh ta ngồi mà lại ngồi ‘bên vệ đường”!

Tuy nhiên, dù mù lòa cô đơn ngồi một chỗ, anh ta vẫn là một người hiếu động, với sự bộc phát đầy kinh ngạc, anh ta kêu lên Chúa Giêsu khi Ngài đi qua đó (c. 47). Tiếng kêu của anh mù biểu lộ nỗi khổ to lớn nhưng đặc biệt cũng biểu lộ niềmtin cậy khôn lường. Quả là nghịch lý khi anh mù này lại “thấy” được chính xác Đức Giêsu Nadaret là ai. Anh ta gọi Ngài là “Con vua Đavit”. Theo truyền thống Kinh Thánh đây chính là tên gọi Đấng Mêsia. Đấng được dân riêng Chúa từ lâu mong đợi (x. Lời hứa Chúa ngỏ với Đavit: 2Sm 7,1-17). Như thế Bartimê đã thực hiện một hành vi đức tin phi thường. Trái lại, đám đông đang nối nhau theo Chúa Giêsu thì muốn khước từ anh chàng nghèo khổ, bị khai trừ này. Đây là đặc tính của con người đương thời: họ chỉ muốn anh chàng quấy rầy này câm miệng đi. Đối với họ, một kẻ ăn xin cản bước Chúa Giêsu thì thật là không thích đáng tí nào. Không thấy nói đến thái độ của các môn đệ; chẳng hiểu các ông có tham gia tẩy chay anh mù không? Có thể lắm chứ. Các ông chẳng từng quở mắng đám trẻ con (một loài người bị khai trừ) muốn đến gần Chúa Giêsu đó sao? (10,13-16). Mặc kệ đám người chung quanh Chúa Giêsu tỏ ra hết sức thù nghịch, Bartimê vẫn không chịu thua cuộc. Người ta càng tìm cách chận không cho anh là thì “anh càng la to hơn”: “Lạy con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi!” (c. 48b). Lời van xin dai dẳng này đã đạt được mục đích: Chúa Giêsu dừng lại và nói: “Hãy gọi anh ta tới” (c. 49a). Một lần nữa Đấng Mêsia biểu lộ cho thấy Ngài muốn “dan díu” với những kẻ mà các bạn hữu Ngài khăng khăng muốn khai trừ (x.10,14). Và Ngài đã yêu cầu người ta gọi kẻ bị khai trừ đến gặp Ngài. Lúc này đây, đám đông (và không chừng cả các môn đệ (?)) liền “đổi giọng” và mời anh mù đến gần Chúa Giêsu (c. 49b). Những từ này còn hàm chứa lời mời gọi anh mù nọ rời bỏ tình trạng “chết chóc” của mình bởi vì “Hãy đứng lên” cũng hàm nghĩa “Hãy sống dậy”, theo ngôn ngữ Hy Lạp được dùng trong Phúc Âm, tiếng kêu gọi này mang lại hiệu quả ngay. Lập tức “anh mù liền vất áo choàng lại, nhảy chồm lên mà đến gần Chúa Giêsu” (c. 50). Các chi tiết này thật kỳ diệu. Giống như thể Bartimê đã hết mù rồi vậy! Vất áo choàng tức là vất bỏ đi “tình trạng” bị khai trừ của mình. Thực thế, trong Thánh Kinh, y phục tượng trưng cho nhân cách người mang nó. Áo khoác là của cải duy nhất của “người nghèo” (x. Xh 22,25-26). Khi vất áo đi, Bartimê đã thực hiện điều mà Chúa Giêsu không thể nhận được từ người đàn ông giàu có nọ, tức là bỏ hết mọi sự để theo Ngài. Và bằng cách nào đây? “Anh ta nhảy chồm lên”. Nhảy lên trong lúc mắt vẫn còn mù thì đúng là cái nhảy của đức tin. Anh ta chạy về phía Chúa Giêsu: điều này nói lên được rất nhiều về đức tin của anh. Với sự lao tới không gì cầm lại được, kẻ từng bị sống ngoài rìa xã hội vượt qua cái hố phân cách anh ta với tất cả mọi người.

Gặp được anh mù rồi, Chúa Giêsu liền nói: “Anh muốn tôi làm gì cho anh” (c. 51a). Câu hỏi xem ra thừa bởi vì nhu cầu của anh ta đã quá rõ ràng. Tuy nhiên Chúa Giêsu luôn luôn kính trọng tự do của mọi kẻ đến gặp Ngài. Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được” (c. 51b). những tiếng anh ta dùng là trang trọng. Khi ngỏ lời với Thầy mình, các môn đệ người Do Thái thường chỉ gọi đơn sơ “Thưa Thầy” (Rabbi). Còn ở đây tiếng Rabbouni có nghĩa là “Thầy của tôi” được anh mù ngỏ với Chúa Giêsu với đầy sự kính trọng và thân ái hơn. Mặc dù chỉ yêu cầu “xin cho tôi được thấy” nhưng xem ra có lẽ anh ta muốn diễn tả một nhu cầu sâu xa hơn. Trình thuật lại gợi cho ta thấy điều này. Lời nói của Chúa Giêsu chứa đựng một chiều kích sâu xa bất ngờ đối với anh mù cũng như đối với cử tọa chung quanh (c. 52a). Câu nói “anh hãy đi” hàm ý một sự sai phái. Chúa Giêsu giải thoát anh ta khỏi những gì làm tê liệt anh ta. Hơn nửa, tất cả những gì lay động Baritmê từ những tiếng van nài lải nhải cho đến việc anh phóng chạy tới Ngài đang khi vẫn còn mù, đều được Chúa Giêsu đánh giá là thuộc về “đức tin”, và thành ngữ “đã cứu chữa anh” có nghĩa là ân sủng Chúa Giêsu ban cho người tín hữu vượt quá sự chữa lành về mặt thể lý, vì đó là ơn cứu độ toàn bộ con người. Những lời tương tự như khi Chúa Giêsu nói với người phụ nữ mắc bệnh băng huyết (5,34) đã mặc khải rõ ý nghĩa sâu xa của các phép lạ Ngài thực hiện. Đoạn cuối của trình thuật này rất lạ thường. Theo tính cách bất ngờ thường thấy Maccô sử dụng. (trạng từ “tức khắc” được lặp đi lặp lại thường xuyên: 1,12.20; 2,12; 5,30v.v...). Ở đây anh mù sau khi được khỏi liền bước đi theo Chúa Giêsu. Câu nói anh “theo Ngài lên đường” là công thức rất thường dùng để diễn tả thái độ “người môn đệ” (1,18; 2,14).

Chúng ta thấy ở đây nghệ thuật kể chuyện của Maccô đã đạt đến độ hoàn hảo (c. 52b). Quả là tương phản biết bao giữa tình trạng lúc đầu của Baritmê (ngồi bên lề đường, mù lòa, xin ăn) và tình trạng sau đó của anh ta (đứng, đi trên đường, sáng mắt, loan báo Tin Mừng...) không nghi ngờ gì nữa, khi đặt trình thuật trên vào thời điểm Chúa Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem, lôi kéo đám môn đệ và quần chúng đạt đến “nguồn ánh sáng” lớn lao hơn về thân thế và sứ mệnh của Ngài, Maccô đã muốn minh họa cho những gì làm nên “người môn đệ đích thực tức là phải để cho Chúa Giêsu dẫn đến sự “Thiên Khải của đức tin”. Trước đó việc chữa lành người mù ở Betsaiđa (8,22-26) đã giúp các môn đệ Chúa Giêsu khám phá ra Ngài là Đấng Mêsia (8,27-30). Giờ đây, Chúa Giêsu lại mời gọi các môn đệ và tất cả những kẻ muốn theo Ngài hãy mở con mắt của lòng mình ra để đón nhận, trong đức tin, cái nhìn về một Đấng Mêsia chịu đau khổ và vinh thắng.

Hẳn Maccô chỉ có thể định vị trình thuật này cách hay nhất vào thời điểm Chúa Giêsu sắp đi vào thành Giêrusalem. Liệu người ta có thể nhận biết Chúa thân thế và hành động của Ngài không? Quả thật khi đến trần gian cứu độ loài người, Chúa Giêsu nhắm đến hai mục đích: vừa phục hồi họ vào trong xã hội đương thời của họ, vừa tháp nhập họ vào trong cộng đồng tình yêu do Ngài thiết lập nên.

CÁC PHÉP LẠ TRONG PHÚC ÂM MACCÔ

Trong Phúc Âm Maccô, các phép lạ của Chúa Giêsu lên tới con số mười bảy; điều này cho thấy chúng đóng góp một vai trò quan trọng bởi vì tác phẩm này tương đối ngắn (chỉ mười sáu chương) đồng thời các giáo huấn của Chúa Giêsu ở đây lại hiếm khi được giải thích (nhất là ở giai đoạn đầu, xem 1,14-8.30).

Người ta có thể xếp “các hành vi quyền phép này” (theo kiểu nói của Maccô) thành những “loại” khác nhau phù hợp với não trạng hiện đại của chúng ta hơn là tư tưởng phương Đông và tư tưởng thời xưa.

- Có những hành vi được xem là các cuộc chữa bệnh thuần túy: nhạc mẫu Phêrô (1,29-31); một người phong hủi (1,40-45); người phụ nữ mắc bệnh băng huyết (5,25-34); một người câm điếc (7,31-37); hai người mù (ở Betsaiđa; 8,22-26; ở Giêricô: 10,46-52); hai người bại liệt (ở Caphanaum: 2,1-12; trong một hội đồng: 3,1-6).

- Một “cuộc hồi sinh”: con gái ông Giairô (5,21-24 và 35-43).

- Những “hành vi quyền phép” trên thiên nhiên: dẹp yên bão tố (4,35-41); đi trên sóng nước (6,45-51); hai lần hóa bánh (6,30-44; 8,1-10).

Việc tường thuật dồi dào các sự kiện “lạ lùng” thường khiến các độc giả thời nay lạc lối. Đối với đa số người thời nay, các phép lạ trở thành một trở ngại cho đức tin hơn là lời mời gọi người ta đến với đức tin. Tuy nhiên chắc chắn hồi đó Chúa Giêsu là một nhà trị bệnh đồng thời cũng là một nhà trừ quỷ. Điều này chẳng có gì khác thường trong thế giới Do Thái và dân ngoại thời ấy. Văn chương vùng Đông phương cổ xưa và trong thế giới Hy Lạp thời Chúa Giêsu còn lưu lại trình thuật phép lạ do những người có đặc sủng hoặc các nhà ma thuật thực hiện.

Tuy nhiên các phép lạ của Chúa Giêsu khác hẳn với các phép lạ của các nhà trị bệnh đương thời. Các phép lạ của Chúa Giêsu liên kết chặt chẽ với Tin Mừng Ngài rao giảng. Chúng thực sự là “những dấu chỉ” cho thấy Đấng Mêsia đang hiện diện (x. Mt 11,2-6), Nước Thiên Chúa đang đến. Sứ điệp của Chúa Giêsu đã mang lại tất cả ý nghĩa cho việc Ngài trị bệnh và trừ quỷ. Ngoài việc làm tiêu tan đi cơn đau thể lý và tâm lý, các phép lạ còn là dấu chỉ sự “giải thoát” về mặt tôn giáo và xã hội nữa. Trước hết Chúa Giêsu đến phục hồi cho bệnh nhân sự thông hiệp với Thiên Chúa. Như thế Ngài tái tháp nhập bệnh nhân vào cộng đồng đức tin cùng với những người khỏe mạnh khác. Đồng thời Ngài phục hồi cho “những kẻ bị khai trừ” này bằng cách giúp họ tái nhập vào xã hội mà họ đang sống. Hai ví dụ sống động của việc “giải phóng kép” này được tìm thấy nơi các phép lạ “chữa người phong hủi” (1,40-45) và “người bị bất toại được tha thứ và chữa lành” (2,1-12).

Ngoài ra, phải đọc các phép lạ của Chúa Giêsu nơi Maccô, trong khuôn khổ liên tục của Phúc Âm này. Ở mỗi giai đoạn mặc khải về Đấng Mêsia, các phép lạ đều củng cố thêm cho sự khám phá thân thế và sứ mệnh đích thực của Ngài.

- Trong giai đoạn đầu (1,14-3,12) Chúa Giêsu muốn cho mọi người hiểu rằng Ngài đến khánh thành kỷ nguyên cứu độ, các phép lạ chữa lành nhạc mẫu Phêrô (1,29-31), chữa lành một người phong hủi (1,40-45), chữa lành một kẻ bại liệt (2,1-12), chữa lành người có cánh tay bị liệt (3,1-6) chứng nhận Ngài thực sự là một vị lương y của thể xác và tâm hồn.

- Trong giai đoạn thứ hai (3,13-6,6) Chúa Giêsu lôi cuốn các môn đệ vào công việc mang Phúc Âm “đi xa” đến vùng các dân ngoại. Maccô đã gom lại ở đây bốn hành vi quyền phép của Chúa Giêsu để trấn an Giáo Hội non trẻ rằng Đấng Chúa Tể Phục Sinh của họ vẫn còn đang hiện diện ở khắp mọi nơi và Ngài luôn nắm quyền trên các sức mạnh của sự Dữ và sự Chết. Các phép lạ sau đây đều mang ý nghĩa này: truyền bão tố yên lặng (4,35-41), chữa lành kẻ bị quỷ ám ở Giêrasa (5,1-20), hồi sinh con gái ông Giairô và chữa lành người phụ nữ mắc bệnh băng huyết (5,21-43). Khi đọc những bằng chứng này, các Kitô hữu, mạnh dạn đem Tin Mừng đến giữa lòng dân ngoại.

- Trong giai đoạn thứ ba (6,7-8,26) Chúa Giêsu mặc khải Ngài là một Môsê mới. Ngài có khả năng quy tụ và nuôi dưỡng được mới của Thiên Chúa bằng lời nói và bằng sự hiến dâng chính mình. Đây là ý nghĩa lần hóa bánh đầu tiên (6,30-44). Tuy nhiên Ngài không dừng lại ở đó: Ngài còn đến để mở rộng bàn tiệc Nước Chúa cho những kẻ xa lạ, những kẻ không thuộc dân Do Thái vẫn thường bị dân Do Thái khai trừ. Đây là ý nghĩa việc trừ quỷ cho đứa con gái người phụ nữ Syrô-Phênisi (7,24-30) và lần hóa bánh thứ hai (8,1-9). Sự kiện các môn đệ cảm thấy khó mà nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia mang tính cách hoàn vũ đã được minh họa qua hai phép lạ có tầm mức tượng trưng cao độ: phép lạ chữa người câm điếc (7,31-37) và chữa người mù ở Betsaiđa (8,22-26). Những kẻ muốn theo Chúa Giêsu phải thoát ra khỏi sự điếc lác mù lòa cản trở không cho họ nhận ra thân thế sâu nhiệm và sứ mệnh của Ngài.

- Giai đoạn thứ tư của sứ mệnh Chúa Giêsu (8,27-10,52) là giai đoạn đào tạo gấp rút các môn đệ tham dự vào lời loan báo về cuộc khổ nạn sắp tới. Các môn đệ không được sợ hãi viễn cảnh mới về cái chết của Thầy mình. Một cách cố ý, Maccô đã trình bày việc chữa lành đứa bé bị động kinh (9,14-29). Ở đây Chúa Giêsu mặc khải Ngài là Chúa Tể nắm quyền trên các sức mạnh của sự Dữ và sự Chết. Ngài chứng tỏ Ngài có khả năng “Phục Sinh” Người đã bị phó cho thần chết. Bạn hữu Chúa Giêsu phải mở mắt ra theo gương anh mù thành Giêricô (10,46-52). Họ có thể bước theo Chúa Giêsu trong đức tin sáng chói, cùng đồng hành với Đấng vướt qua cuộc khổ nạn, chiến thắng sự chết bằng cuộc phục sinh của Ngài.

- Giai đoạn thứ năm của Chúa Giêsu (11,1-13,37) hoàn toàn tập trung vào cuộc nhập thành Giêrusalem và việc Ngài chính thức giảng dạy trong đền thờ. Giai đoạn này không thấy Chúa Giêsu làm phép lạ. Phải đọc trình thuật “cây vả bị khô héo” (11,12-14 và 20-25) như là một cử chỉ tượng trưng. Dụ ngôn này (được lịch sử hóa) muốn chứng tỏ rằng luật lệ hay đền thờ Do Thái cũng không thể làm thỏa mãn cơn đói Thiên Chúa (11,12). Chỉ mỗi mình Chúa Giêsu mang theo nơi Ngài lương thực cứu độ.

- Giai đoạn thứ sáu và cũng là giai đoạn chót (14,1-16,8) là trình thuật liên tục về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Suốt thời gian các biến cố này, Chúa Giêsu không hề thực hiện hiện một dấu chỉ quyền phép thần linh nào cả. Mãi đến lúc cuối cùng, Ngài vẫn từ khước cơn cám dỗ xui khiến Ngài thực hiện “phép lạ” cứu Ngài thoát chết tức là xuống khỏi thập giá (15,29-32). Làm phép lạ này tức là phủ nhận chính nhân tính của Ngài.

Người ta thấy rõ: các phép lạ trong Phúc Âm Maccô không bao giờ là những “chứng cứ” về thiên tính của Chúa Giêsu mà chỉ những dấu chỉ giúp chúng ta tin. Chúng được tác giả Phúc Âm và cộng đồng của ông đọc lại dưới ánh sáng phục sinh và Kim Thánh. Chúng chỉ là những lời kêu gọi hãy tin vào Chúa Giêsu, Đấng cứu độ ta khỏi những sự dữ to lớn, đặc biệt là sự chết. Các dấu chỉ này luôn luôn hiện thực để khích lệ hoạt động thừa sai và bí tích của Giáo Hội (x. 16, 15-20). Người ta hiểu rằng các dấu chỉ ấy vẫn mãi mãi là một “câu hỏi” đối với những kẻ không tin...