Chúa Nhật XXIV - Thường Niên - Năm B
CON ĐƯỜNG LÀM MÔN ĐỆ CHÚA
SƯU TẦM

Phần này của Phúc Âm Maccô rất gần với trung tâm niềm tin Kitô giáo nên chúng ta phải học từng câu một. Nếu mỗi ngày, một người chỉ cần một trong những câu này ghi khắc vào tâm trí và làm chủ đời sống mình, thiết tưởng chừng đó cũng đã đầy đủ lắm rồi, để có thể tiếp tục tiến tới.

 

Thoạt nhìn có hai điều nổi bật ở đây:

1.     Sự thành thật của Chúa Giêsu gần như đáng gây ngạc nhiên. Chưa hề có ai nói rằng mình đã bị xúi giục đi theo Chúa Giêsu. Ngài không hề mua chuộc người ta bằng cách đề nghị môt con đường dễ dãi. Ngài không đề nghị với con người sự bình an, Ngài chỉ đề nghị với họ sự vinh quang. Nói với một người phải sẵn sàng vác thập giá nghĩa là nói với người ấy phải sẵn sàng chịu người ta nhìn mình như một tội phạm và phải lãnh án tử hình. Lòng thành thật của các đại lãnh tụ luôn luôn là một trong những đặc điểm của họ. Trong thế chiến thứ hai, lúc Sir Winston Churchill lên nhận chức, tất cả những gì ông đề nghị với mọi người là “máu, nhọc nhằn, mồ hôi và nước mắt”. Nhà ái quốc lừng danh người Ý Garibaldi đã hiệu triệu các tân binh bằng những lời lẽ sau đây: “Tôi không trao cho anh em lương bổng, nhà cửa, lương thực. Tôi chỉ cho đói, khát, hành quân, chiến trận và chết. Ai là người yêu xứ sở bằng con tim của mình, chớ không chỉ bằng môi miệng, hãy theo tôi”. “Hỡi các chiến hữu, mọi nỗ lực của chúng ta chống lại những lực lượng hùng mạnh hơn đã không thành công. Tôi có gì để cho anh em ngoài đói, khát, nhọc nhằn và chết chóc; nhưng tôi kêu gọi tất cả những ai yêu tổ quốc, hãy theo tôi”. Chúa Giêsu không bao giờ nghĩ chuyện lừa gạt, bảo người ta theo Ngài bằng cách hứa hẹn cho họ một con đường dễ đi. Ngài đã tìm cách thách thức họ, khơi dậy chí khí đang ngủ trong tâm hồn họ, bằng cách đề nghị với họ một con đường ngày càng lên cao hơn, càng gian khổ hơn. Ngài không hứa hẹn sẽ khiến đời sống họ được dễ dàng hơn, nhưng sẽ khiến họ trở thành vĩ đại hơn.

2.     Sự nêu gương của Chúa Giêsu, Ngài không hề kêu gọi con người thực hiện hay đối diện bất cứ chuyện gì mà chính Ngài không sẵn sàng đương đầu và thực hiện trước. Chắc chắn đó là đặc tính của một lãnh tụ được một số người nối gót. Lúc Alịchsơn Đại đế truy kích Đariút, nhà vua đã thực hiện một trong những cuộc trường chinh kỳ diệu trong lịch sử. Suốt 11 ngày, nhà vua đã thúc giục đạo quân của mình đi được 663 km. Binh sĩ hầu như sắp bỏ cuộc vì khát nước. Plutarch kể lại câu chuyện sau đây: “Lúc họ đang khốn đốn, có mấy người Makêđônia cỡi lừa đi tìm nước từ các con sông gần đó trở về, thấy nhà vua hầu như đang nghẹt thở vì khát, họ dâng một chiếc mũ sắt đựng nước lên cho vua. Vua hỏi họ đem nước cho ai? Họ bảo là cho các con của họ và thêm rằng chỉ cần cứu được mạng của vua. Bấy giờ nhà vua nhận chiếc mũ sắt đựng nước của họ, nhìn quanh thì thấy mọi người đứng quanh đều ngóng cổ cổ lên, tỏ ra rất thèm được uống nước. Nhà vua liền trả lại chiếc mũ sắt, chẳng nếm lấy một giọt và cám ơn họ. Vua nói “Nếu chỉ một mình ta uống nước thì số người còn lại đều ngã lòng”. Binh sĩ thấy ngay tính tự chế và rộng lượng của nhà vua nên nhất quyết yêu cầu nhà vua hãy mạnh dạn truyền lệnh lên ngựa, bắt đầu ra roi. Một khi họ đã có vị vua như vậy, họ bất chấp đói khát mệt mỏi và tự xem mình chẳng kém gì những nhân vật bất tử. Thật dễ nối gót một lãnh tụ chẳng bao giờ đòi hỏi thuộc hạ những gì mà chính mình không chịu được. Vì tướng Roma lừng danh là Quintus Fabius Cuncator, một hôm đang thảo luận với bộ tham mưu về chiến thuật đánh chiếm một vị trí khó thanh toán. Có người đề nghị một phương cách hành động. Vị cố vấn này nói “Làm thế thì chỉ cần hy sinh một số ít người thôi”. Fabius nhìn thẳng vào vị cố vấn ấy và hỏi “thế ông có sẵn lòng làm một trong số ít người đó không?” Chúa Giêsu không phải là một lãnh tụ chỉ ngồi xa đùa giỡn với sinh mạng con người như những con tốt phí vậy. Nếu Ngài đòi hỏi người ta phải đương đầu với điều gì, chính Ngài cũng sẵn sàng đối đầu với nó. Chúa Giêsu có quyền kêu gọi chúng ta hãy vác thập giá, bởi vì chính Ngài đã từng vác.

3.     Chúa Giêsu dạy ai muốn làm môn đệ Ngài “phải liều mình”. Ta sẽ hiểu câu này rõ hơn theo nghĩa đen thật đơn giản trong nguyên văn. Câu này có nghĩa là “Hãy nói không với chính mình”. Nếu ai muốn theo Chúa Giêsu thì luôn luôn phải trả lời “không” với chính mình và đáp “vâng” với Chúa. Người ấy phải đáp không với tính tự nhiên ưa thích dễ dãi, an vui cho chính mình. Người ấy phải trả lời không với hành động đặt nền tảng trên ý riêng và nhằm tìm lợi lộc, thoải mái cho riêng mình. Người ấy phải trả lời vâng với tiếng nói và lệnh truyền của Chúa Giêsu mà không chút phân vân. Người ấy phải đồng hành với Phaolô để nói rằng: không phải tôi sống nữa, nhưng Chúa Kitô đang sống trong tôi. Người ấy sẽ không sống để theo đuổi ý riêng nữa, nhưng để theo ý của Chúa, và trong khi phục vụ Ngài, người ấy thực sự cảm thấy mình được tự do hoàn toàn.

 

ĐƯỢC LẠI ĐỜI SỐNG BẰNG CÁCH LIỀU BỎ MẠNG SỐNG (8,35)

Có nhiều điều hễ muốn giữ thì mất, nhưng nếu đem ra sử dụng thì lại giữ được. Bất cứ tài năng nào của con người cũng như vậy. Nếu sử dụng nó, nó sẽ phát triển trở thành tinh vi, vĩ đại hơn. Nếu chúng ta không chịu dùng đến nó, cuối cùng nó sẽ bị mai một đi. Trên hết mọi sự, cuộc đời của con người vốn giống như vây.

 

Lịch sử đầy dẫy những tấm gương về những con người liều bỏ mạng sống mà được sự sống đời đời. Bên phương Đông, cuối thế kỷ 4 SCN có một tu sĩ tên là Telemachus. Ông đã quyết định từ bỏ thế gian để sống riêng biệt trong cầu nguyện, suy gẫm, chay tịnh, và mong nhờ đó cứu rỗi linh hồn. Trong nếp sống tách biệt đó, ông chẳng tìm kiếm gì khác hơn là được tiếp xúc với Chúa, nhưng ông vẫn cảm thấy có một cái gì đó còn trục trặc, sai lầm. Một ngày nọ, lúc ông từ chỗ đang quỳ đứng lên, thình lình một tia sáng lóe lên trong tâm trí ông: cuộc sống của ông không đặt trên tình yêu vô ngã đối với Chúa mà là tình yêu ích kỷ. Ông được cho thấy nếu muốn phục vụ Chúa, ông phải phục vụ con người, sa mạc không phải là chỗ để Kitô hữu sống, nhưng là các đô thị đầy dẫy tội lỗi dang có rất nhiều nhu cầu. Vậy ông nhất định giã từ sa mạc và đến ở một thành phố lớn nhất thế giới là thành phố Rôma ở phương Tây. Ông vừa xin ơn vừa vượt biển vừa băng trên đất liền để đến Roma. Vào thời đó Roma đã được Kitô giáo hóa. Ông đến Roma nhằm lúc tướng Roma là Sitilicho vừa thắng được dân Gót một trận lớn. Roma đã dành nhiều vinh quang cho Sitilicho. Khác với thời bách hại, bấy giờ thiên hạ đổ xô vào các nhà thờ Kitô giáo chứ không phải đến các đền thờ ngoại đạo nữa. Người ta tổ chức những cuộc diễu hành, lễ mừng và Sitilicho cỡi ngựa đi qua các đường phố Roma với tư cách kẻ chiến thắng, bên cạnh có hoàng đế trẻ tuổi Honorius. Nhưng trong thành phố Roma theo Kitô giáo vẫn còn sót lại một điều: đấu trường và những cuộc giác đấu. Bấy giờ, các Kitô hữu không còn bị ném cho sư tử xé xác nữa nhưng hãy còn các tù binh chiến tranh bị đưa ra để đánh giết nhau, cho dân chúng Roma ăn mừng các ngày lễ của họ. Mọi người reo hò khi thấy máu chảy trong các cuộc giác đấu. Hôm ấy, Telemachus tìm đường đến đấu trường. 80.000 người đang có mặt tại đó. Cuộc đua chiến xa vừa chấm dứt, thiên hạ đang nhốn nháo vì các lực sĩ giác đấu sắp tranh tài. Họ vào đấu trường và tung hô “Xêda vạn tuế, chúng tôi là những kẻ chết, xin chào hoàng đế”. Cuộc đấu bắt đầu Telemachus cảm thấy kinh hoàng. Những người mà Chúa Kitô đã chịu chết thay cho đó lại đang giết nhau để mua vui cho đám đông tự nhận là Kitô hữu. Ông nhảy qua hàng rào, ông đứng giữa hai lực sĩ giác đấu đang đánh nhau, họ dừng lại một chút. Đám đông gào lên “Hãy để các trò vui tiếp tục”. Họ đẩy ông lão qua một bên, ông vẫn còn mặc bộ áo tu sĩ ẩn tu. Ông lại xông vào giữa họ. Đám đông bắt đầu lượm đá ném ông. Họ kêu các lực sĩ giác đấu hãy giết ông để dẹp cho trống chỗ. Người chỉ huy các trò vui ra lệnh, một lực sĩ giác đấu vung gươm lên, chém xuống. Telemachus ngã lăn ra chết. Thình lình cả đám đông yên lặng như tờ. Họ bị xúc động mạnh vì một thánh nhân vừa bị giết. Chuyện quá đột ngột và đám đông bỗng hiểu giết người có mang một ý nghĩa. Hôm đó, các trò vui giác đấu bị ngưng và từ đó không còn tiếp tục nữa. Bằng cái chết của mình, Telemachus kết thúc các trò chơi ấy. Gibbon đã nói về ông “cái chết của ông hữu ích cho nhân loại hơn đời sống của ông”. Liều bỏ mạng sống, ông đã làm được nhiều việc hơn là lúc ông tự đầy ải nó bằng cách biệt riêng để tĩnh tâm trong sa mạc.

Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống để sử dụng chứ không phải đem giấu đi hay giữ lại. Nếu chúng ta sống cách cẩn thận luôn dành ưu tiên suy nghĩ về lợi lộc, thoải mái, an toàn, sung túc của riêng mình, nếu mục đích duy nhất của chúng ta là kéo dài cuộc đời trốn tránh gian khổ càng nhiều càng hay, nếu chúng ta chịu nỗ lực khi nào có lợi cho riêng mình, chúng ta luôn luôn đánh mất đời sống. Nhưng nếu chúng ta dùng đời sống mình vì tha nhân, nếu đầu tư thì giờ, sức khỏe, tài sản vào một việc gì đó cho Chúa Giêsu và cho những người Ngài đã chịu chết thay cho, chúng ta luôn luôn thắng cuộc trong đời sống. Việc gì sẽ xảy đến cho thế giới này nếu các bác sĩ, các nhà khoa học, những phát minh đều không chịu liều mạng làm các thí nghiệm mà thường thường là trên chính thân thể họ. Chuyện gì sẽ xảy đến cho thế giới này, nếu mọi người chỉ muốn sống an nhàn vô sự ở nhà, chẳng ai chịu đi tiên phong thực hiện những cuộc thám hiểm? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có bà mẹ nào chịu mang nặng đẻ đau? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi người tiêu dùng tất cả những gì họ có cho riêng họ? Yếu tính của đời sống là đánh liều và sử dụng đời sống mình chứ không phải là bảo vệ, giấu kín nó. Chúng ta sẽ ngày càng hao mòn kiệt quệ, tàn tạ thật sự, khi tận hiến cuộc sống mình. Ngày nào cũng làm cho đời sống mình bùng cháy lên, thì vẫn còn hơn là để nó han rỉ, vì đó chính là con đường hạnh phúc, đường đến với Chúa.