Chúa Nhật XVIII - Thường Niên - Năm B
CUỘC SĂN TÌM SAI LẦM
Chú giải của William Barclay

Đám đông dân chúng vẫn nán lại bên kia bờ hồ. Vào thời Chúa Giêsu, người ta không cần mở cửa văn phòng theo một giờ nhất định. Họ có thì giờ chờ Chúa Giêsu trở lại với họ, họ chờ vì họ thấy chiếc thuyền các môn đệ chèo đi không có Chúa trong đó nên họ kết luận rằng Chúa Giêsu phải ở gần đây thôi. Chờ đợi một lúc, họ mới biết Chúa không trở lại. Trong vịnh gần đó, có mấy chiếc thuyền nhỏ từ Tibêria đến đậu lại, chắc là tìm chỗ ẩn nấp cơn giông qua đêm. Thế là dân chúng lên các thuyền ấy, vượt biển hồ để trở qua Caphacnaum.

Đến nơi, họ vô cùng ngạc nhiên vì thấy Chúa ở đó rồi. Họ hỏi Ngài đến đó bao giờ. Nhưng Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi ấy. Đây không phải là lúc để trò chuyện về những việc như vậy. Đời sống thật ngắn ngủi, không có thì giờ để tán gẫu về những chuyến đi. Ngài đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. Ngài phán “Các ngươi đã chứng kiến những việc lạ lùng, các ngươi đã thấy ân sủng của Thiên Chúa có thể làm cho cả một đoàn dân đông đảo được ăn no, đáng lẽ tâm trí các ngươi phải suy nghĩ về Thiên Chúa là Đấng đã làm những việc ấy, nhưng thay vào đó, các ngươi lại chỉ nghĩ đến bánh. Dường như Chúa Giêsu có ý nói “Các ngươi chỉ biết đến cái bụng nên không thể nghĩ đến linh hồn mình”.

Chrysostom đã nói: “Loài người vốn bị đóng đinh vào những việc thuộc về đời sống”. Đây là những người chẳng bao giờ ngước cao hơn bức tường thành của thế gian, chẳng biết phóng tầm mắt đến chân trời của cõi đời đời. Một đêm nọ, Nã Phá Luân nói chuyện với một người quen, bấy giờ đã khuya lắm, ngoài trời tối đen, hai người đến gần khung cửa, trên trời có những ngôi sao thật xa, trông nhỏ bằng đầu kim, nhấp nháy sáng. Mắt của Nã Phá Luân thì tinh, còn mặt bạn ông đã mờ. Nã Phá Luân chỉ lên trời hỏi: “Anh có thấy các ngôi sao ấy không?”. Người bạn đáp: “Tôi không thấy”, Nã Phá Luân nói: “Tôi thì thấy, đó là chỗ khác nhau giữa tôi với anh”. Người bị buộc chặt vào thế gian chỉ sống được phân nửa đời sống. Chỉ những ai có tầm mắt nhìn xa thấy rộng, nhìn ra các vùng trời xa xăm và thấy được các vì sao mới là người thật sự sống.

Chúa Giêsu dạy bằng một câu nói ngắn gọn: “Hãy làm việc không phải vì của ăn hư nát, nhưng vì của ăn còn lại đến sự sống đời đời”. Từ ngàn xưa, ngôn sứ Isaia đã nêu cùng một câu hỏi như vậy: “Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh? Sao các ngươi đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no?” (Is 55,2). Có hai thứ đói, đói thể xác mà thực phẩm vật chất có thể thỏa mãn được. Một người có thể giàu như Croesus mà vẫn thấy thiếu một cái gì trong đời.

Sau năm 60 SC, xã hội Roma sống trong xa hoa chưa từng thấy. Bấy giờ, người Roma đãi tiệc bằng óc chim công và lưỡi họa mi, người ta ăn uống cho nôn mửa giữa hai bàn ăn, để lần sau thấy ngon miệng hơn. Những bữa ăn đáng giá hàng ngàn Anh kim là chuyện thông thường. Pliny kể lại, thời ấy một mệnh phụ may một chiếc áo cưới dát vàng và dính nhiều châu ngọc trị giá tương đuơng 432.000 Anh kim. Nguyên do của những phung phí đó là sự bất mãn sâu xa, sự đói khát không gì thỏa mãn được. Họ tìm đến bất cứ điều gì khiến cuộc đời có được một rung động mới, hương vị mới, vì họ vừa giàu có nhưng lại vừa đói khát vô cùng.

Chúa Giêsu thấy quần chúng Do Thái chỉ chú ý đến thỏa mãn thể xác. Họ đã được đãi ăn một bữa dư dật, và họ muốn được ăn nữa. Nhưng có nhiều thứ đói mà chỉ một mình Chúa Giêsu mới làm thỏa mãn được. Đó là đói chân lý, chỉ có Ngài mới ban chân lý cho loài người. Đó là đói tình yêu, chỉ có Ngài mới ban cho họ tình yêu vượt trên tội lỗi và sự chết. Chỉ có Chúa Giêsu mới làm thỏa mãn sự đói khát không xoa dịu được của tâm linh con người.

Tại sao Ngài làm được điều đó? Có rất nhiều ý nghĩa qua câu “Bởi vì Thiên Chúa Cha đã đóng dấu trên Ngài”. Trong quyển Phong Tục Phương Đông Tại Xứ Thánh, H. B. Tristam cho biết vài điều thú vị về chiếc ấn trong thế giới cổ. Bên Phương Đông không phải là chữ ký mà là dấu ấn mới có giá trị. Các tài liệu chính trị và thương mại có giá trị khi được in bằng dấu trên mặt nhẫn. Dấu ấn chứng thực cho một bản di chúc, dấu ấn trên miệng bao hay thùng bảo đảm cho vật đựng bên trong. Tristam kể rằng đến người nghèo nhất cũng sử dụng chiếc ấn để chứng thực. Trong những chuyến du hành của ông, khi ký hợp đồng với những người cho thuê lừa, ngựa hoặc khuân vác, họ cũng đóng dấu của họ vào đó để xác nhận rằng họ bắt buộc phải tôn trọng và đồng ý như vậy. Ấn được làm bằng đất nung, kim khí hay kim cương. Trong bảo tàng viện Anh quốc, hầu như có đủ các chiến ấn của của vua Assyri. Dấu ấn được in lên đất sét và miếng đất được gắn vào tài liệu. Nhiều khi tài liệu đã mục nát từ lâu nhưng dấu ấn vẫn còn đó, nếu không có nó thì tài liệu vô giá trị.

Người Pharisêu có câu tục ngữ “Dấu ấn của Thiên Chúa là chân lý”. Kinh Talmud chép “Ngày nọ một đại hội các chuyên gia về luật Do Thái đang hội họp đông đảo, họ cùng nhau khóc lóc cầu nguyện, kiêng ăn, bỗng một cuốn sách nhỏ từ trên trời rơi xuống giữa họ. Họ mở cuốn sách ra, trong đó chỉ có một chữ Ameth, nghĩa là chân lý, cho nên các Pharisêu nói “đó là dấu ấn của Chúa”. Ameth do ba mẫu tự Hy Lạp chép lại: aleph là chữ đầu trong mẫu tự, min là chữ chính giữa, tau là chữ cuối cùng. Chân lý của Thiên Chúa là bắt đầu, chính giữa và kết thúc của đời sống.

Chính vì thế mà chỉ Chúa Giêsu mới làm thỏa mãn cơn đói đời đời. Ngài được Thiên Chúa đóng ấn, là chân lý của Thiên Chúa nhập thể, chỉ có một mình Thiên Chúa mới làm thỏa mãn cơn đói của tâm linh do chính Ngài tạo nên.

VIỆC LÀM DUY NHẤT (Ga 6, 28-29)

Khi Chúa Giêsu nói đến công việc của Thiên Chúa, người Do Thái nghĩ ngay đến việc lành, làm phước. Người Do Thái tin một người sống tốt lành thì được thưởng ân huệ của Thiên Chúa. Họ chủ trương loài người được chia thành ba hạng: người ngay lành, người xấu xa và người ở giữa hai hạng người đó. Nếu người hạng ba biết làm thêm chỉ một việc lành nữa, thì có thể được chuyển sang hạng người ngay lành. Nên khi hỏi Chúa Giêsu công việc của Thiên Chúa là gì, họ mong Ngài đưa ra các bản liệt kê những gì họ phải làm, nhưng Chúa Giêsu hoàn toàn không nói đến điều đó.

Chúa trả lời rất cô đọng, nên chúng ta cần phải khai triển và tìm xem những nghĩa nào trong đó. Chúa Giêsu dạy công việc của Thiên Chúa muốn loài người làm là tin Đấng đã được Ngài sai đến. Phaolô cũng đưa chúng ta vào thời điểm đó: Công việc duy nhất mà Thiên Chúa muốn loài người làm là đức tin. Đức tin là gì? Đức tin chính là “mối liên hệ với Thiên Chúa”, đến độ chúng ta trở thành bạn thân của Ngài, không còn sợ hãi Ngài nữa, nhưng xem Ngài là Cha và là bạn thân thiết, đến nỗi chúng ta tin cậy, vâng lời, phục tùng Ngài cách tự nhiên do mối liên hệ mới mẻ đó. Vậy, tin Chúa Giêsu có liên hệ với việc đó như thế nào? Chúng ta chẳng bao giờ biết được Thiên Chúa nếu Chúa Giêsu không đến, sống và chịu chết để dạy mỗi người chúng ta biết điều đó. Chính nhờ Chúa Giêsu đã đến, qua Ngài chúng ta biết Thiên Chúa là Cha chúng ta, yêu thương chăm sóc chúng ta, chẳng muốn gì khác hơn là tha thứ cho chúng ta, để sự xa lạ, khoảng cách thù nghịch và nghi ngờ Thiên Chúa không còn nữa, và chúng ta có được mối liên hệ với Ngài.

Một lối sống xuất phát từ mối liên hệ mới đó. Khi đã biết Thiên Chúa thế nào, thì đời sống chúng ta phải phù hợp với những gì mình biết về Ngài. Chúng ta phải đáp ứng theo ba hướng, mỗi hướng đều phù hợp với những gì Chúa Giêsu đã dạy về Thiên Chúa.

1. Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế đời sống chúng ta phải biết thương yêu và phục vụ tha nhân, phù hợp với tình yêu và sự phục vụ của Thiên Chúa, tha thứ cho người khác, phù hợp với sự tha thứ của Thiên Chúa.

2. Thiên Chúa là thánh thiện. Do đó, đời sống chúng ta phải thánh thiện, phù hợp với sự thánh thiện của Thiên Chúa.

3. Thiên Chúa là khôn ngoan. Do đó đời sống chúng ta phải kính phục và tin cậy hoàn toàn, phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu dạy tất cả căn bản của đời sống Kitô hữu ở trong mối liên hệ mới mẻ với Thiên Chúa, do Thiên Chúa khởi xướng, một liên hệ chỉ thực hiện được nhờ mặc khải về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, mối liên hệ xuất phát từ phục vụ, lòng thanh sạch và tin cậy, vốn là tấm gương phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa. Đây là công việc Thiên Chúa muốn chúng ta làm và giúp chúng ta đủ khả năng để thực hiện.

ĐÒI HỎI MỘT DẤU LẠ (Ga 6, 30-34)

Đến đây, phần lý luận trở thành đặc biệt có tính cách Do Thái trong ngôn ngữ, cách giả dụ và nói bóng. Chúa Giêsu vừa đưa ra một lời tuyên xưng quan trọng, Ngài bảo rằng công việc đích thực Thiên Chúa muốn họ làm là tin Ngài. Người Do Thái nói: “Hay lắm, quả thật đây là lời tự xưng mình là Đấng Mêsia, vậy ông hãy chứng minh đi”.

Bấy giờ họ vẫn còn nghĩ đến việc Chúa hóa bánh cho đám đông ăn, nên điều không tránh được là họ liên tưởng đến manna trong sa mạc. Họ kết hợp hai việc đó thật dễ dàng. Manna vẫn được xem là bánh của Thiên Chúa (Tv 78,24; Xh 16,15). Trong Do Thái giáo, có một niềm tin mạnh mẽ khi Đấng Mêsia đến, Ngài sẽ lại ban manna. Việc ban manna được coi là công việc tối quan trọng trong cuộc sống của Môsê, mà Đấng Mêsia thì phải làm hơn thế nữa. “Vị cứu tinh đầu tiên thế nào, thì vị cuối cùng cũng phải như thế: vị cứu tinh đầu tiên đã khiến manna từ trời xuống thế nào, thì vị sau cùng phải khiến được manna từ trời xuống như vậy”. “Các người không thể tìm manna trong đời này, nhưng sẽ tìm thấy manna trong thời sắp tới”. “Manna đã được chuẩn bị cho ai? Cho người công chính của thời sắp tới, mỗi người đều tin, đều xứng đáng được ăn bánh ấy”. Người ta tin có một bình manna được giấu kín trong hòm Giao Ước đặt trong ngôi Đền Thờ đầu tiên. Khi Đền Thờ bị phá hủy, Giêrêmia đã đem giấu đi. Khi Đấng Mêsia đến, dân chúng sẽ được thấy lại manna. Nói cách khác, dân Do Thái đang thách thức Chúa Giêsu hãy khiến bánh từ Thiên Chúa xuống để hậu thuẫn cho những lời tự xưng của Ngài. Họ không chịu xem số bánh năm ngàn người vừa ăn là bánh từ Thiên Chúa đến. Theo họ, manna phải khác hẳn và đó là trắc nghiệm cho Chúa Giêsu Kitô.

Câu trả lời của Chúa Giêsu gồm hai phương diện. Trước hết, Ngài nhắc họ không phải Môsê đã cho họ manna, mà là Thiên Chúa. Thứ hai, Ngài bảo họ manna không phải là bánh thật của Thiên Chúa, mà chỉ là biểu tượng cho bánh của Thiên Chúa. Bánh của Thiên Chúa chính là Đấng từ trời xuống và ban cho loài người không chỉ sự no đủ về phương diện thể lý nhưng là sự sống. Chúa Giêsu tuyên bố sự thỏa mãn duy nhất là ở trong Ngài.