Chúa Nhật XIII - Thường Niên - Năm B
"HỠI EM BÉ, TA BẢO EM HÃY CHỖI DẬY"
Suy niệm của Nha Trang

I. Ý CHÍNH:

Phụng vụ hôm nay muốn chúng ta xác tín rằng cho được chấp nhận Tin Mừng cứu rỗi và hưởng các ơn lành của Nước Trời, thì phải có đức tin. Qua bài Tin Mừng hôm nay Thánh Maccô cho ta thấy hai mẫu đức tin: đức tin sáng suốt của ông Trưởng hội đường là Giairô và đức tin chất phác của người đàn bà loạn huyết.

II. SUY NIỆM:

1) "Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia":

Bỏ địa hạt Cêsarê. Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum. Thấy Người trở lại, dân chúng đến đón Người rất đông. Họ xúm lại quanh Người, hy vọng Người tiếp tục giảng dậy và làm phép lạ.

2) "Bỗng có một ông Trưởng hội đường tên Giairô đến"

Giairô là Trưởng hội đường nghĩa là một người có địa vị và thế giá trong dân. Điều này nói lên việc ông làm là một việc có ý thức và có thế giá.

3) "Trông thấy Người ông sụp lạy và van xin rằng":

Thái độ của Giairô trước Chúa Giêsu diễn tả niềm tin của ông: "ông sấp mình dưới chân Thầy".

Thái độ của những người đến cầu khẩn Người (Mc 1, 40; 7, 25) hoặc nhận ra Người là kẻ được Thiên Chúa sai đến (Mc 10, 17; 15, 19).

Thái độ này cũng giống như thái độ của ma quỷ đã nhờ óc thông sáng mà nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (Mc 3, 11; 5, 6).

4) "Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống":

"Xin Ngài đặt tay trên nó": Cử chỉ đặt tay trên bệnh nhân là cử chỉ Chúa thường dùng khi cứu chữa bệnh nhân được khỏi bệnh (Mc 6,5; 7, 32; 8, 23). Xin Chúa đặt tay tức là tin rằng chỉ có Người mới chữa khỏi được bệnh cho con ông.

"Để nó được khỏi và được sống": Để nó được lành bệnh và được khoẻ mạnh, dù có hấp hối nguy ngập thì nó cũng được khỏi và được khoẻ mạnh. Thái độ này của Giairô biểu lộ một đức tin vững vàng, xác tín vào quyền năng của Chúa Giêsu.

5) Chúa Giêsu ra đi với ông:

Đây là thái độ Chúa Giêsu chấp nhận niềm tin của ông Giairô. Đám đông dân chúng đi theo là muốn được chứng kiến phép lạ Chúa sắp làm cho con ông Giairô.

6) "Vậy có người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã 12 năm":

Theo luật Môisen (Lv 15, 25) bệnh xuất huyết là thứ bệnh dơ nhớp, bệnh nhân không được công khai giao thiệp với dân chúng.

Ở đây nói lên tình trạng cô đơn, khốn khổ của bệnh nhân.

7) "Bà đã chịu cực khổ tìm thầy chạy thuốc..."

Đây là cách diễn tả nói lên nỗi khốn khổ của bà và sự bất lực của con người trước cơn bệnh cay nghiệt này.

8) "Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu..."

"Nghe nói về Chúa Giêsu": Nghe cũng là cách dẫn đến đức tin. Mới chỉ nghe nói mà bà đã tin Chúa Giêsu là Người có thể cứu chữa bà.

"Chạm đến áo Người": Đây là thái độ liều lĩnh của bà đã xé rào luật lệ ngăn cấm, là thái độ chứng tỏ đức tin vững vàng của bà, vì bà tự nhủ.

"Miễn sao tôi chạm vào áo Người thì tôi sẽ lành": Cử chỉ chạm tới áo Chúa Giêsu cũng như cử chỉ Chúa Giêsu đặt tay trên bệnh nhân đã nói lên rằng sự động chạm thể lý rất cần thiết để sức mạnh thiêng liêng tác dụng trên con bệnh. Ở đây ám chỉ Bí tích, cử chỉ bên ngoài biểu lộ ơn thiêng liêng bên trong.

9) "Lập tức bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh":

Đức tin đã dẫn bà đến với Chúa Giêsu và bà đã được khỏi bệnh. "Ai đến với Chúa Kitô thì được cứu rỗi".

10) "Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh phát xuất từ mình":

Con người Chúa Giêsu có một quyền lực ẩn dấu mà kẻ vô tín không thể nhận biết, chỉ được mạc khải cho ai có con mắt đức tin.

11) "Ai đã chạm đến áo Ta?":

Đặt câu hỏi này Chúa Giêsu không có ý hỏi cho mình vì Người biết rõ mọi sự, nhưng hỏi để hướng dẫn, để giáo huấn người khác.

Ở đây cho người đàn bà biết rằng việc bà được khỏi bệnh không phải do việc bà sờ vào áo Người vì đây chỉ là dấu bên ngoài, nhưng là do sức mạnh phát xuất từ Người, nghĩa là hoàn toàn bởi Chúa, và do ý Chúa muốn.

Cho đám dân chúng đang chen lấn chung quang, biết có phép lạ đó. Vì phép lạ này xẩy ra trong âm thầm không ai biết đến trừ chính người bệnh và Chúa Giêsu. Chúa cho họ đang theo Chúa để chứng kiến việc xẩy ra cho con gái ông Giairô.

Cho các môn đệ đang theo Người được biết là có phép lạ, để tin nhận vào quyền năng của Người.

12) "Bà liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người":

Đức tin chất phác khiến bà tìm cách sờ đến áo Chúa, bây giờ được tuyên xưng một cách đích thực, qua thái độ sụp lạy của bà.

13) "Hỡi con, đức con đã chữa con":

Lời này nói lên ý nghĩa của phép lạ đây không phải chỉ là sự lành bệnh thể lý do việc đụng chạm bên ngoài đến con người Chúa Giêsu, nhưng còn là ơn cứu rỗi, là sự sống vĩnh cửu, ban cho những ai lấy đức tin đến cùng Người.

14) "Con gái ông chết rồi còn phiền Thầy làm chi nữa":

Qua lời báo tin này, ta thấy thái độ không tin của người nhà ông Giairô và cũng là thử thách cho đức tin của ông Giairô.

15) "Ông đừng sợ, hãy cứ tin":

Sự im lặng không phản ứng của người cha trước lời về báo tin của người nhà và cái chết của đứa con gái đã cho thấy ông vẫn kiên trì trong đức tin. Chính vì thế Chúa Giêsu đã khích lệ ông "Hãy cứ tin". Qua lời khích lệ này cho thấy Chúa Giêsu muốn cho ông Giairô đừng để lòng tin mình bị chao đảo, vì mọi sự đều có thể cho kẻ tin (Lc 9,23) như Chúa Giêsu sẽ nói với cha đứa trẻ bị kinh phong sau này.

16) "Cô bé không chết đâu, nó đang ngủ đó":

Lời báo tin của người nhà cũng như thái độ cười nhạo của những người chung quanh không tin vào quyền năng của Chúa Giêsu cho thấy cô bé đã chết thật. Nhưng ở đây Chúa Giêsu lại bảo cô bé đang ngủ. Người nói thế là vì Người muốn tỏ ra rằng Người làm cho kẻ chết sống lại cũng dễ dàng như người ngủ thức dậy vậy, đồng thời để người khó tin được dễ hiểu.

17) "Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết":

Chúa đuổi dân chúng đi vì họ chế nhạo Người khi Người nói cô bé đang ngủ. Những người không tin thì không đáng được nhìn xem phép lạ Chúa làm.

Chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Được chứng kiến phép lạ chỉ có 5 người là cha mẹ cô bé và 3 môn đệ là Phêrô, Gioan và Giacôbê, cũng là 3 môn đệ sẽ chứng kiến việc Chúa Giêsu biến hình (Lc 9, 2) và việc Chúa đổ mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu (Mc 14, 33). Đây là những người có thiện chí, có niềm tin nên được chứng kiến. "Đã có thì lại cho thêm".

18) "Người cầm tay đứa bé và nói: hỡi em bé Ta truyền cho em hãy chỗi dậy":

+ "Người cầm tay em bé": Cử chỉ này không những nói lên sự đụng chạm thể lý, nhưng còn ám chỉ sự can thiệp hùng mạnh của bàn tay Thiên Chúa trong việc cứu rỗi dân Người.

+ "Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy": Truyền lệnh cho ai là có quyền trên người đó. Ở đây tỏ ra Chúa có quyền trên sự chết và sự sống. Người làm chủ kẻ chết và người sống

19) "Họ sửng sốt kinh ngạc":

Đây là thái độ kinh ngạc linh thánh của những người được chứng kiến phép lạ tỏ uy quyền Chúa (Mc 1, 27; 2,12; 4,41).

20) "Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết":

Chúa muốn ngăn chân sự bồng bột của dân chúng trong quan niệm về Đấng Cứu Thế của họ. Đồng thời Người muốn tỏ ra chỉ có sự sống lại sau này của Người mới có thể soi chiếu hoàn toàn phép lạ này. Chính các môn đệ được chứng kiến phép lạ này sẽ là người làm chứng cho việc Chúa sống lại sau này.

21) "Và bảo họ cho em bé ăn":

Đây cử chỉ chứng thực em bé đã sống lại và khoẻ mạnh thực sự, đúng như sự khấn xin của người cha, và đây cũng là hiệu quả của niềm tin vào Chúa Kitô.

III. ÁP DỤNG:

1) Áp dụng theo Tin Mừng:

+ Giáo Hội muốn dùng bài Tin Mừng này để củng cố niềm tin của chúng ta vào quyền năng của Thiên Chúa và biết tín thác vào Người trong mọi sự.

+ Qua gương tỏ bày niềm tin của ông Giairô và của người đàn bà bị bệnh loạn huyết, Giáo Hội muốn chúng ta thực sự tỏ bày niềm tin của mình vào quyền năng và tình thương của Chúa mỗi khi chúng ta đến cầu xin với Người.

+ Lời Chúa hôm nay dậy ta: Mọi ơn lành ta được là do quyền năng Chúa ban và đòi hỏi ở ta lòng tin kính biết ơn, đồng thời cũng bảo ta phải lấy đức tin mà đọc Lời Chúa và chịu các Bí tích là những trung gian làm cho ta được tiếp nhận, tiếp xúc với Chúa là nguồn mạch mọi ơn lành ơn.

2) Áp dụng thực hành:

* Nhìn vào Chúa Giêsu:

a) Chúa Giêsu ra đi với ông ấy: Chúa Giêsu sẵn sàng đáp ứng lời van xin của ông Giairô. chúng ta hãy quảng đại và sẵn sàng đáp ứng bằng sự phục vụ và giúp đỡ khi tha nhân cần đến mình.

b) Ai đã chạm đến áo Ta?: Chúa hỏi để gây sự chú ý và nhờ đó Người giáo huấn. Chúng ta cũng cần phải biết dùng mọi biến cố, mọi hình thức cụ thể trước mắt để giáo dục, hướng dẫn và thăng tiến tha nhân.

c) Họ cười chê Chúa: Kẻ có trách nhiệm thì phải kiên nhẫn, chịu đựng lời ra tiếng vào của thiên hạ, để chu toàn công việc của mình và nêu gương can đảm cho người khác.

* Nhìn vào ông Giairô:

a) Đức tin có nhiều cấp độ:

- Đức tin sơ khai: Đến với Chúa vì thấy mình bất lực.

- Đức tin trọn vẹn: Tin vào Đấng phục sinh được kẻ chết, tin vào Chúa làm cho con mình sống.

Đức tin của chúng ta cũng phải tiến lên, lớn mạnh:

- Tin vào Chúa vì thấy mình bất lực.

- Tin vào Chúa vì thấy quyền năng của Người được bày tỏ qua các kỳ công, qua Thánh Kinh.

- Tin vào Chúa đến độ khao khát muốn tìm gặp Chúa, đối thoại với Chúa, gắn bó với Chúa.

- Tin vào sự Phục sinh: Dù có trải qua thử thách ta vẫn tin Chúa có quyền năng đối với mọi sự cho ta và cho mọi người.

b) Sự thinh lặng của ông trước lời báo tin con ông chết: chúng ta cũng phải bình tĩnh và duy trì niềm tin vào Chúa trước mọi thử thách, mọi cám dỗ, mọi đe doạ.

* Nhìn vào người đàn bà bị bệnh xuất huyết:

Nhờ tin mà bà đã chế ngự được sự sợ hãi, sợ gây ô uế cho người ta, sợ đám đông phát giác.

Giữa đám đông, bà đã được Chúa lưu ý cách riêng, vì bà biết tin vào Chúa. Dù sống hoàn cảnh nào Chúa cũng lưu ý đến ta, miễn sao ta tin vào Người.

* Nhìn chung cả hai trường hợp:

Ông Giairô và người đàn bà bị bệnh xuất huyết:

+ Hành vi đức tin luôn là một quyết định liều lĩnh (un rissque)

+ Duy trì đời sống đức tin là một chuỗi liên tục những dấn bước liều lĩnh được vượt thắng.

+ Công nghiệp của người tín hữu bắt nguồn từ những dấn bước kiểu Abraham ấy.

* Nhìn vào ba môn đệ, nhìn vào đám dân chúng:

"Ai tin ở Người thì được sự sống đời đời" (Ga 3,15) lời hứa đầy phấn khởi.

Đức tin ngày hôm nay của bạn có hiệu lực chung quyết về hạnh phúc vĩnh cửu. Hạnh phúc đó đã có nơi bạn, đang biến đổi bạn và gia tăng mức độ đức tin của bạn.

Thời đại nào cũng vậy, nhiều người có thiện cảm với đạo công giáo nhưng không tin vì đủ loại lý do. Đó là tại chúng ta chưa giới thiệu đủ cho họ về Đức Kitô.

"Nhờ Người mà thế gian được cứu". “Nhờ Người mà được sống đời đời”.

Đời bạn phải như chuyến đò đưa khách sang sông. Chuyến đò tiếp đón mọi thành phần đến với mình, đưa tha nhân sang bến bờ để gặp Thượng Đế.

Khi khách tới nơi, chiếc đò không đòi cám ơn. Và hết ngày này qua ngày khác, nó kiên trì với công việc đến khi không làm được nữa.