Chúa Nhật XII - Thường Niên - Năm B
ĐỨC GIÊSU BIỂU LỘ QUYỀN NĂNG THẦN LINH
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Chúa nhật XI vừa qua, bài Tin mừng đã đề cập đến Nước Thiên Chúa, bài tin mừng tuần này là minh họa cụ thể của quyền năng Nước Thiên Chúa, được biểu lộ nơi chính những lời nói và việc làm của Đức Giêsu, là hai mặt của việc thực thi quyền năng Nước Thiên Chúa chiến thắng mọi sức mạnh sự dữ và sự chết vốn đang đe dọa con người. Thánh sử Marcô tường thuật một tình huống cụ thể, sau khi rao giảng cho dân chúng Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ xuống thuyền để qua bờ bên kia biển hồ vào buổi chiều lúc đêm tối đang đến. Trong tâm trí của những người xưa, đêm tối là thời gian của những sức mạnh sự dữ tung hoành và hơn nữa biển cả cũng là nơi chốn của những sức mạnh ma quỉ và mặt khác phía bên kia biển hồ cũng là quê hương các dân ngoại thù nghịch với những người do thái. Tình huống cụ thể của hoàn cảnh các môn đệ trên thuyền lúc bấy giờ thực thương tâm, giớ thổi lớn và sóng đánh mạnh vào mạn thuyền, ngay cả ùa vào thuyền đến nổi thuyền sắp chìm, các môn đệ đều sợ hãi trong khi đó Chúa Giêsu vẫn bình yên ngủ như không hay biết chuyện gì. Các ông đến đánh thức người với những lời trách móc : chúng con chết mất mà thầy không quan tâm sao. Chỗi dậy, Người đã truyền khiến cho sóng biển và sóng biển im lặng như tờ. Đây chính là điểm nhấn của bài tường thuật : Chúa Giêsu đã truyền khiến sóng biển hãy im đi và biển cả sóng gầm đã im lặng như tờ khiến các môn đệ đã phải tự hỏi : người là ai mà cả gió biển cũng vâng lệnh người. Và các nhà chú giải cũng nhận định rằng bài tường thuật của Tin mừng Marcô với những tình tiết mô tả tình huống căng thẳng dữ dội làm nổi bật câu hỏi này giữa các môn đệ : người là ai ? bởi đâu người có sức mạnh và quyền năng truyền khiến được biển cả ? Suy nghĩ sâu xa hơn, người ta có thể hình dung câu chuyện này là minh họa cuộc đời và sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu. Người chiến thắng mọi sức mạnh sự dữ. Nhất là hình ảnh Chúa Giêsu nằm ngủ trên thuyền trong khi chung quanh người biển cả đang thét gào là hình ảnh rất ý nghĩa để nói đến cái chết của người trong cuộc thương khó. Trong Thánh kinh, giấc ngủ cũng là hình ảnh của cái chết. Và Chúa Giêsu đã trỗi dậy truyền khiến sóng biển là hình ảnh sự trỗi dậy từ cõi chết của người. Người thức dậy như người sẽ trỗi dậy từ trong kẻ chết và người biểu lộ quyền năng của mình trên biển cả cũng như sẽ biểu lộ chiến thắng của mình trên sự chết. Nơi chính bản thân người, Thiên Chúa hành động cách mạnh mẽ và các môn đệ được mời gọi tin tưởng vào người.

          Các bài đọc hướng chúng ta đến việc chiêm ngắm sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm lần hồi sức mạnh này của Thiên Chúa trong thiên nhiên vũ trụ để rồi đặt lòng tin tưởng vững mạnh vào Người. Bài đọc sách Gióp cho biết chính Thiên Chúa định nơi xác định vị trí cho biển cả, vạch những ranh giới qui định cho biển không làm hại tàn phá con người. Bài thánh vịnh 106 cũng nhắc những người sinh sống làm nghề buôn bán trên biển cả phải học nhìn ngắm những kỳ công lớn lao của Thiên Chúa trên biển cả. Chính Chúa làm cho gió biển thổi lên, sóng dữ thét gào, nhưng cũng chính Thiên Chúa làm cho biển trở lại im lặng : « Chúa biến đổi phong ba thành gió thổi hiu hiu, bao làn sóng biển thành im lặng như tờ ». Vì thế, bài tường thuật của Tin mừng Marcô được nối kết cách khéo léo với những bài đọc Thánh vịnh và sách Gióp. Từ một tình huống cụ thể là chuyến hành trình vượt qua biển hồ Galilê trong một cơn giông bão, thánh sử Marcô liên hệ tới mầu nhiệm của Đức Giêsu. Cho tới lúc bấy giờ, đức tin các môn đệ vẫn còn hèn yếu và các môn đệ vẫn còn chưa biết rõ mầu nhiệm con người Đức Giêsu. Cho đến khi chứng kiến việc Người truyền khiến cho sóng biển và sóng biển im lặng như tờ thì các môn đệ lần hồi mới hiểu rõ hơn căn tính thần linh của người. Bởi vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng có quyền năng truyền khiến cho sóng biển, mà Chúa Giêsu lại có quyền năng truyền khiến cho sóng biển và sóng biển vâng lệnh người, vậy phải chăng người là Thiên Chúa. Vì thế, khi Đức Giêsu trách các môn đệ : « Sao các con sợ hãi thế, các con không có đức tin ư ? », thì đó cũng là một lời mời gọi các môn đệ hãy tin tưởng vào người, không chỉ là một vị thầy mà còn hơn thế nữa, người chính là Đấng cứu thế vẫn hằng được mong đợi, người chính là Con Thiên Chúa và các môn đệ hãy đặt lòng tin vào người là Con Thiên Chúa. Tường thuật về việc Chúa Giêsu ngủ trên thuyền giữa con sóng bảo của biển cả còn gợi nhắc đến cái chết và sự phục sinh của người chiến thắng mọi sức mạnh sự chết.

          Thánh Phaolô là người đã bắt đầu sống và cảm nghiệm mầu nhiệm thần linh của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình và nhắc nhở các tín hữu Corintô để dẫn đưa họ vào đời sống này. Đối với thánh Phaolô, ông cảm nghiệm thực sự tình yêu của Chúa Giêsu và vì thế ông đáp lại tình yêu này bằng trọn vẹn cuộc đời của mình cho đến chết và thúc đẩy các anh chị em khác cũng hãy bắt chước ông đi vào con đường này : đó là Đức Giêsu đã chết cho mọi người và mọi người được mời gọi đáp lại bằng cách sống chết cho người. Thân phận mỗi người chúng ta lẽ ra phải chết do tội, nhưng Đức Giêsu đã chết đền thay tội lỗi chúng ta, vì thế chúng ta không còn được phép sống cho mình nữa mà sống và chết cho Đức Giêsu : « Đức Giêsu đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống thì không sống cho mình nhưng sống và chết cho Đấng đã chết và sống lại vì họ ». Mầu nhiệm cuộc đời của Đức Giêsu có liên hệ mật thiết với mỗi người chúng ta. Người đã sống và chết cho mọi người thì  ngược lại, chúng ta được mời gọi sống chết cho người và với người. Cuộc đời của chúng ta chỉ có ý nghĩa và chỉ hoàn tất trọn vẹn trong Người mà thôi. Không có người và không kết hợp với người, cuộc đời chúng ta sẽ không có ý nghĩa gì cả và sẽ dẫn đến sự hư mất đời đời. Ngược lại, được kết hợp với người, cuộc đời chúng ta sẽ thực sự có ý nghĩa trọn vẹn, chúng ta được kết hợp với con Thiên Chúa, nhờ đó chiến thắng mọi sức mạnh của sự chết.