Chúa Nhật X - Năm B - MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
MÌNH VÀ MÁU CHÚA KITÔ CHUẨN BỊ CHO NGÀY LỄ
Chú giải của William Barclay

Dường như có một từ hơi lạ đã được dùng ý liên quan tới Chúa Giêsu. Nhưng khi đọc bài tường thuật tuần lễ cuối cùng của đời Ngài, chúng ta không thể không ngạc nhiên về tài năng sắp xếp công việc của Ngài. Nhiều lần, chúng ta thấy Chúa Giêsu không hề để nước đến chân mới chạy. Trước đó, Ngài thu xếp có sẵn một lừa cho Ngài đi vào thành Giêrusalem. Ở đây chúng ta thấy Ngài thu xếp mọi sự từ trước. Các môn đệ Chúa muốn biết họ sẽ ăn Lễ Vượt Qua ở đâu. Ngài sai họ vào thành Giêrusalem với lời dặn dò hãy tìm một người đang mang vò nước. Đây là một dấu hiệu đã có sắp xếp trước. Mang vò đi lấy nước là việc của đàn bà. Đó là việc chưa hề thấy một người đàn ông nào làm. Một người đàn ông vác vò nước trên vai sẽ là một hình ảnh nổi bật giữa đám đông, chẳng khác gì một người đàn ông đi mưa mà che dù đàn bà. Chúa Giêsu không hề để sự việc đến phút chót mới lo. Từ lâu, Ngài đã thu xếp chỗ họp mặt cuối cùng cho chính Ngài với các môn đệ và mọi việc đều xảy ra đúng như ý muốn.

Các căn nhà lớn của dân Do Thái có những phòng cao, các căn nhà ấy trong như có một chiếc hộp nhỏ xếp chồng trên một chiếc hộp lớn vậy. Chiếc hộp nhỏ hơn đó là phòng cao, có cầu thang bên ngoài để đi lên, nên người ta không cần phải đi qua phòng lớn bên trong nhà. Phòng cao có nhiều công dụng. Nó có thể dùng làm phòng kho, hoặc dùng làm nơi suy gẫm, làm chỗ nghỉ khi nhà có khách. Nhưng đặc biệt nhất đó là nơi để một Rapbi dạy dỗ các môn đệ thân tín. Chúa Giêsu đã làm theo thói quen các Rapbi Do Thái vẫn thường làm.

Chúng ta phải nhớ đến một điểm về cách ghi nhận ngày của dân Do Thái. Theo người Do Thái, thì một ngày mới bắt đầu từ 6 giờ chiều, trước 6 giờ chiều là ngày 13 tháng Nisan, là ngày sửa soạn cho Lễ Vượt Qua. Nhưng ngày 14 tháng Nisan là ngày Lễ Vượt Qua thì bắt đầu từ 6 giờ chiều. Theo cách tính của chúng ta thì ngày thứ sáu của người Do Thái bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày thứ năm.

Người Do Thái chuẩn bị những gì để ăn Lễ Vượt Qua:

Nghi lễ đầu tiên là nghi thức tìm men. Trước ngày Lễ Vượt Qua, tất cả các men được loại bỏ ra khỏi nhà. Trong ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên tại xứ Ai cập (Xh 12), người ta đã ăn lễ ấy với bánh không men. Bánh không men không giống bánh mì chút nào, nó là một thứ bánh bột luộc. Sở dĩ tại Ai cập họ đã phải ăn như vậy vì làm thế sẽ nhanh hơn một ổ bánh có men, và ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên là ngày thoát ra khỏi xứ Ai cập, dân Israel phải ăn hối hả và mọi người đều phải sẵn sàng để ra đi lên đường. Hơn nữa, men còn là biểu tượng của sự thối nát. Men là bột đã ủ cho dậy lên và người Do Thái đồng nhất sự lên men với quá trình thối rữa, hư hoại. Vào ngày trước Lễ Vượt Qua, người chủ nhà thắp một ngọn nến, rồi theo nghi lễ, đi tìm men khắp trong nhà. Trước khi đi tìm, người ấy khấn nguyện rằng: “Đáng chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa, là Vua toàn cõi vũ trụ, Đấng đã lấy các điều răn của Ngài để thánh hoá chúng tôi, và truyền lệnh cho chúng tôi phải cất hết men đi”. Sau khi đã tìm khắp nhà, chủ nhà nói: “Tất cả men tôi có, mà tôi đã tìm thấy hoặc không tìm thấy đều kể như không còn nữa, kể như bụi dưới đất vậy”.

Tiếp theo, vào xế trưa trước buổi chiều Lễ Vượt Qua là dâng sinh tế về Con Chiên Vượt Qua. Mọi người đều đến Đền Thờ. Người dâng lễ phải giết con chiên của mình để dùng nó dâng làm của lễ hy sinh. Dưới mắt người Do Thái, máu là vật thiêng liêng dâng cho Thiên Chúa, bởi vì người Do Thái xem máu ngang hàng với sinh mạng. Việc tin thế là điều tự nhiên, vì nếu một con người hay một con vật bị thương, có máu chảy ra, thì sự sống cũng theo đó mà ra. Cho nên trong Đền Thờ, kẻ đến thờ phượng tự giết con chiên mình đem đến. Giữa những người đến thờ phượng và bàn thờ, có hai hàng dài các thầy tư tế, mỗi người cầm một cái chén vàng hoặc bạc. Khi máu từ cổ họng con chiên chảy ra, máu được hứng vào các chén ấy, chuyền tay nhau cho đến thầy tư tế đứng ở cuối hàng đổ máu ấy lên bàn thờ. Con vật được mổ ra, bộ lòng và mỡ được lấy ra, vì là phần cần thiết cho việc tế lễ, còn xác được trả về cho người dâng lễ. Nếu phần tường thuật của Josephus hoàn toàn đúng, thì có hơn ¼ triệu con chiên đã bị giết, chúng ta khó tưởng tượng nổi quang cảnh tại Đền Thờ cũng như tình trạng bàn thờ đầy máu. Con chiên được đem về nhà và quay. Không thể đem nấu thịt ấy. Không thể để nó chạm vào một vật gì dù là cạnh của chiếc nồi. Nó phải được đâm xuyên qua bằng một khúc cây lựu và quay trên ngọn lửa. Khúc cây được đâm xuyên thẳng từ miệng đến đuôi, con chiên được quay nguyên con, còn cả đầu, giò, đuôi dính vào thân.

Chiếc bàn ăn thấp có dạng như một hình vuông để trống một cạnh. Tất cả khách nằm trên những chiếc ghế dài, chống bằng khuỷu tay trái, dùng tay mặt lấy thức ăn.

Có một số vật cần thiết mà các môn đệ của Chúa phải chuẩn bị sẵn sàng.

1/ Một con chiên để nhắc họ nhớ lại việc gia đình họ được bảo vệ nhờ máu bôi lên trên khung cửa khi thiên sứ của sự chết đi qua khắp xứ Ai cập.

2/ Bánh không men để nhắc họ nhớ thứ bánh mà họ phải ăn vội vã lúc thoát ách nô lệ.

3/ Chén nước muối để nhắc họ nhớ lại nước mắt họ từng đổ ra tại Ai cập và nước của Biển Đỏ mà họ đã vượt qua an toàn lạ lùng.

4/ Một mớ các loại rau đắng, để nhắc họ nhớ về sự cay đắng khi làm nô lệ tại Ai cập.

5/ Một loại bánh dẻo gọi là charosheth là một hỗn hợp các thứ trái táo, chà là, lựu và hạt dẻ, để nhắc họ nhớ về đất sét mà họ dùng làm gạch tại Ai cập. Lẫn lộn trong đó là những sợi quế để nhắc nhở họ về rơm họ đã trộn vào đất sét làm gạch.

6/ Bốn cốc rượu nho. Các cốc đựng loại rượu nho được pha bằng ba phần rượu với hai phần nước lã. Bốn cốc rượu được uống vào bốn giai đoạn khác nhau trong bữa ăn, để nhắc họ về bốn lời hứa trong sách Xuất Hành 6,6-7: “Ta sẽ rút các ngươi khỏi gánh nặng mà người Ai cập đã chất lên vai các ngươi. Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi vòng tôi mọi. Ta sẽ giơ thẳng tay ra, dùng hình phạt nặng mà chuộc các ngươi. Ta sẽ nhận các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ làm Chúa của các ngươi”.

Đó là những gì phải chuẩn bị cho ngày Lễ Vượt Qua. Tất cả các chi tiết đều nhắc nhở về ngày trọng đại, khi Chúa ban ơn giải phóng dân Ngài khỏi cảnh nô lệ tại Ai cập. Chính nhằm ngày lễ đó, Đấng giải thoát thế gian khỏi tội lỗi đã ngồi để dự bữa ăn cuối cùng với các môn đệ Ngài.

BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ CỨU RỖI (Mc 14,22-26)

Trước hết, chúng ta cần biết rõ các giai đoạn khác nhau trong ngày Lễ Vượt Qua, để có thể hình dung những gì Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài đang làm ở đây. Mọi việc được diễn tiến theo thứ tự sau đây:

1/ Chén Kiddush. Kiddush có nghĩa là thánh hoá hay phân rẽ. Đây là một hành động mang tính chất tách rời bữa ăn này khỏi tất cả các bữa ăn bình thường khác. Người chủ gia đình nâng chén lên, cầu nguyện, rồi mọi người cùng uống chén đó.

2/ Rửa tay lần thứ nhất. Chỉ có người dâng lễ phải làm việc này mà thôi. Người ấy phải rửa tay ba lần theo cách thức quy định chúng ta nghiên cứu ở chương 7.

3/ Một miếng ngò tây hay rau diếp được đem nhúng vào một chén nước muối rồi ăn. Đây là một món khai vị để ăn cho ngon miệng, nhưng cây rau ngò tiêu biểu cho chùm kinh giới đã được nhúng trong máu rồi bôi lên khung cửa, còn muối tiêu biểu cho nước mắt đã đổ ra tại Ai Cập và nước của Biển Đỏ mà dân Israel đã được đưa ra khỏi đó an toàn.

4/ Bẻ bánh. Khi bẻ bánh có hai câu chúc phúc được đọc lên “Đáng cảm tạ Ngài là Đức Chúa. Thiên Chúa chúng tôi là Vua toàn cõi vũ trụ, nguyện Ngài được tôn vinh trên trái đất” hoặc “Đáng cảm tạ Ngài là Cha chúng tôi ở trên trời, Đấng hàng ngày ban bánh đủ dùng cho chúng tôi”. Trên bàn bánh không men được xếp thành ba vòng. Vòng bánh chính giữa được cầm lên và bẻ ra. Vào lúc đó, người ta chỉ ăn một chút bánh mà thôi. Việc này nhắc nhở cho người Do Thái nhớ lại thứ bánh đau khổ họ từng ăn tại Ai Cập, nhắc họ nhớ những kẻ làm nô lệ chẳng bao giờ được ăn trọn vẹn cả ổ bánh, nhưng chỉ được ăn những mảnh vụn. Lúc bẻ bánh, người chủ gia đình nói “Đây là bánh đau khổ mà tổ tiên ta từng ăn tại Ai Cập, ai đang đói, hãy đến mà ăn. Ai đang túng thiếu hãy đến cùng dự Lễ Vượt Qua với chúng tôi” (Trong cách hành lễ hiện đại tại các nơi xa lạ, lời con người nổi tiếng sau đây đã được thêm vào “Năm nay, chúng ta dự lễ ở đây, năm sau chúng ta sẽ dự lễ trong xứ Israel. Năm nay chúng ta dự lễ với tư cách kẻ nô lệ, năm tới chúng ta sẽ dự lễ với tư cách người tự do”).

5/ Tiếp theo là phần kể lại câu chuyện giải phóng. Người trẻ tuổi nhất hiện diện sẽ hỏi có gì khiến ngày này khác với các ngày khác và tại sao lại giữ lễ này. Và người chủ nhà bắt đầu kể lại cả câu chuyện về lịch sử dân Israel từ ngàn xưa cho đến khi có cuộc giải phóng vĩ đại mà ngày Lễ Vượt Qua không bao giờ trở thành một nghi lễ suông. Nó luôn luôn là một kỷ niệm về quyền năng và lòng nhân từ của Chúa.

6/ Các Thánh vịnh 113, 114 được hát lên. Các Thánh vịnh từ 113-118 vốn được biết đến dưới tên gọi Hallel nghĩa là ca ngợi Thiên Chúa. Tất cả Thánh vịnh ấy đều là những lời ngợi khen. Chúng là một phần của tài liệu xưa nhất mà một cậu bé Do Thái phải học thuộc lòng.

7/ Uống chén thứ hai. Chén này được gọi là haggadah, nghĩa là chén giải nghĩa hay công bố.

8/ Bây giờ thì mọi người đang có mặt đều rửa tay để chuẩn bị dùng bữa.

9/ Một bài cầu nguyện tạ ơn được đọc lên “Hỡi Đức Chúa Thiên Chúa chúng tôi, đáng cảm tạ Ngài vì đã ban hoa quả từ đất. Hỡi Thiên Chúa, đáng chúc tụng Ngài, Đấng đã thánh hoá chúng tôi bằng các điều răn của Ngài, và truyền cho chúng tôi ăn bánh không men”. Sau đó những mẩu bánh nhỏ được phân phát ra.

10/ Một ít rau đắng kẹp giữa hai miếng bánh không men, nhúng vào chén charosheth và ăn. Việc này được gọi là nhúng vào nước. Nó nhắc lại cảnh làm nô lệ và những viên gạch mà họ đã bị bắt buộc phải sản xuất.

11/ Tiếp theo là bữa ăn chính. Cả con chiên được đem ra ăn. Nếu còn dư thừa chút gì thì phải thiêu đi, chứ không được dùng cho một bữa ăn bình thường nào khác.

12/ Lại rửa tay.

13/ Ăn bánh không men còn lại.

14/ Đọc bài cầu nguyện cảm tạ, gồm một lời khấn xin Êlia kịp đến để báo tin về Đấng Mêsia. Rồi mọi người uống chén rượu thứ ba được gọi là chén cảm tạ. Lời chúc phúc lúc nâng chén là “Hỡi Đức Chúa là Thiên Chúa, là Vua toàn cõi vũ trụ, Đấng đã tạo nên trái nho, đáng cảm tạ Ngài”.

15/ Hát bài thứ hai các bài Hallel (Thánh vịnh 115,118).

16/ Hai bài cầu nguyện ngắn như sau được đọc lên “Hỡi Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, mọi công việc Ngài đều ca ngợi Ngài. Tất cả các thánh, các người công chính, những kẻ làm đẹp lòng và toàn thể dân Ngài, cả nhà Israel, bằng bài ca vui mừng, hãy ca ngợi và chúc tụng, tán dương và tôn vinh, tôn cao và cung kính, thánh hoá và ghi tạc danh Ngài vào Nước Ngài. Hỡi Chúa là Vua chúng tôi, thật là tốt đẹp khi ca ngợi, lấy làm thoả vui mà hát ngợi khen danh Ngài, vì từ đời đời cho đến đời đời Ngài là Thiên Chúa.

“Hơi thở của mọi sinh vật sẽ ca tụng danh Ngài là Chúa. hỡi Chúa chúng tôi, mọi vật sẽ mãi mãi tôn vinh và đề cao Ngài. Hỡi Thượng Đế, Vua chúng tôi, vì từ đời đời đến đời đời Ngài là Thượng Đế, ngoài Ngài ra chẳng có Vua, chẳng có Đấng cứu chuộc hay Đấng Cứu Thế nào khác”.

Như thế là Lễ Vượt Qua kết thúc. Nếu buổi lễ mà Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài đã ngồi lại để dự là Lễ Vượt Qua, thì chắc Chúa Giêsu đã dùng mục 13 và 14 để nói về chính Ngài và mục 16 chắc là bài thánh ca mà mọi người cùng hát lên trước khi ra đi đến núi Ôliu.

Bây giờ, chúng ta hãy vào xem Chúa Giêsu đã làm gì và Ngài đã làm cách nào gây ấn tượng trên những người theo Ngài. Hơn một lần chúng ta thấy các ngôn sứ Israel dùng các hành động biểu tượng và những diễn xuất kịch nghệ để truyền đạt sứ điệp khi họ cảm thấy lời nói không chưa đủ. Đó là việc Ahigia đã làm khi ông xé áo choàng của ông ra làm 12 mảnh và trao 10 mảnh cho Giêrôbôam, là dấu hiệu về 10 chi phái trong dân Israel sẽ tôn ông ta lên làm vua (1V 11,29-32). Đó là việc Giêrêmia cũng từng làm khi ông làm xiềng và ách rồi mang chúng như một dấu hiệu về tình trạng nô lệ sắp xảy đến (Gr 28,10-11). Đó là phương cách mà tiên tri Êdêkiên vẫn thường làm (Ed 4,1-8; 5,1-4). Người ta rất dễ quên lời nói, nhưng một hành động như diễn kịch có thể in sâu vào tâm trí họ. Đó là việc Chúa Giêsu đã làm khi Ngài kết hợp hành động như diễn kịch đó với ngày lễ cổ của dân tộc Ngài, để nó càng in sâu hơn vào tâm trí các môn đệ Ngài. Ngài phán “Hãy xem như bánh này đã bị bẻ ra làm sao, thì thân thể ta cũng sẽ vì các người mà bị vỡ nát ra như vậy. Chén đựng chất rượu màu đỏ này bị đổ ra làm sao thì máu ta cũng sẽ vì các ngươi mà đổ ra như vậy”.

Ngài ngụ ý gì khi bảo rằng chén này tiêu biểu cho Giao Ước mới? Từ Giao Ước là một chữ rất thông thường trong tôn giáo Do Thái. Nền tảng của Do Thái giáo là Thiên Chúa đã lập một Giao Ước với dân Israel. Từ này có nghĩa là một sự dàn xếp, trả giá, một hợp đồng hai chiều. Việc thừa nhận Giao Ước cũ được nói rõ trong Xuất hành 24,3-8. Theo đoạn sách đó chúng ta thấy Giao Ước hoàn toàn tuỳ thuộc việc dân Israel tuân giữ luật. Nếu luật bị vi phạm thì Giao Ước cũng bị vi phạm, và mối liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Israel sẽ tan rã. Đây là một mối giao hảo hoàn toàn tuỳ thuộc luật và việc tuân giữ luật ấy. Thiên Chúa là vị thẩm phán. Vì không hề có ai giữ trọn luật nên phần khiếm khuyết luôn luôn ở về phía dân chúng. Nhưng Chúa Giêsu phán “Ta phê chuẩn và ban hành một Giao Ước mới, một mối liên hệ, một hợp đồng mới giữa Thiên Chúa với loài người. Nhưng Giao Ước này không lệ thuộc vào luật mà tuỳ thuộc tình yêu. Nói khác đi, Chúa Giêsu muốn bảo rằng “Việc Ta đang làm đây để chứng minh cho các ngươi thấy Thiên Chúa yêu thương các ngươi như thế nào”. Loài người không chỉ đơn giản ở dưới luật của Thiên Chúa. Vì điều Chúa Giêsu đã thực hiện, họ mãi mãi ở trong tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là yếu tính của những gì Tiệc Thánh nói lên với chúng ta.

Có thể ghi nhận thêm một điểm nữa. Trong câu cuối cùng, một lần nữa chúng ta lại thấy hai điều thường thấy: Chúa Giêsu biết Ngài sắp phải chịu chết và Ngài đã biết Nước Ngài sắp đến. Ngài chắc chắn về thập giá, và cũng chắc chắn không kém về vinh quang. Lý do khiến Ngài biết chắc cả hai như vậy vì Ngài biết cách chắc chắn về tình yêu của Thiên Chúa cũng như biết chắc về tội lỗi của loài người. Và Ngài biết cuối cùng thì tình yêu sẽ chinh phục tội nhân.