Chúa Nhật X - Năm B - MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
THÁNH THỂ, BẢO CHỨNG TÌNH YÊU
Lm Giuse Đinh lập Liễm

 

A. DẪN NHẬP

 

          Tuần lễ trước chúng ta đã mừng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Tình yêu Chúa Ba Ngôi bao trùm trên chúng ta bằng việc Ngôi Cha tạo dựng trời đất muôn vật, Chúa Con xuống thế chuộc tội cứu đời và Thánh Thần thánh hoá Hội thánh và các tâm hồn.  Do đó, tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa phải là khuôn mẫu của chúng ta. Nhưng thành thực mà nói, sống yêu thương theo khuôn mầu Ba Ngôi không phải là chuyện dễ. Cảm thông được sự giới hạn của chúng ta, trước lúc về trời, Đức Giêsu đã hứa :”Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

 

          Và để thực hiện lời hứa ấy, Đức Giêsu đã lập bí thích Thánh Thể, để lại Mình Máu Ngài làm lương thực và là nguồn sức mạnh cho chúng ta trong cuộc lữ hành trần gian này. Với bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa nơi Đức Giêsu  thực sự ở cùng chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế”. Như vậy, Thánh Thể chính là dấu chứng của một lời hứa, một giao ước đã thành hiện thực và là bảo chứng của tình yêu.

 

          Thánh Thể là bảo chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Vậy chúng ta hãy đáp lại tình yêu nhưng không và quảng đại ấy. Ước gì, từng người chúng ta  hãy ý thức nhiều hơn đến tình yêu Đức Giêsu dành cho chúng ta nơi bí tích Thánh Thể. Đồng thời, chúng ta hãy giữ trọn giao ước tình yêu với Thiên Chúa bằng một quyết tâm năng tham dự Thánh lễ và rước lễ mỗi khi có thể. Và nhờ sức mạnh của Thánh Thể ở trong mình, chúng ta hãy sống yêu thương và chia sẻ cho những người khác.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

                                                         

          Bài đọc 1 : Xh 24, 3-8.

 

          Sách Xuất hành tường thuật việc Thiên Chúa ký giao ước tình yêu giữa Ngài với dân Israel qua trung gian ông Maisen.  Thiên Chúa muốn chọn dân Israel làm dân riêng thuộc quyền sở hữu của Ngài. Nhưng Ngài không ép buộc, con người được hoàn toàn tự do. Ngài muốn một sự dấn thân tự nguyện.  Nghi lễ ký kết giao ước gồm :

          - Trước hết ông Maisen lặp lại các lệnh Thiên Chúa truyền  cho dân phải giữ. Dân chúng đồng ý ký kết và hô lên :”Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành”.

          - Tiếp đến, Maisen viết các lệnh truyền của Chúa cho dân để lưu truyền mãi về sau.

          - Cuối cùng, Maisen truyền giết bò dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an cho Thiên Chúa. Ông rảy máu bò trên bàn thờ và trên dân để ký kết giao ước.

 

          Bài đọc 2 : Dt 9,11-15.

 

          Trích đoạn thư Do thái cho chúng ta biết : Đức Giêsu đã ký kết Giao uớc mới trong máu của Ngài thay thế cho Giao ước cũ. Trong lễ xá tội của người Do thái, vị Thượng tế một mình bước vào nơi Cực thánh để hiến dâng của lễ đền tội cho dân chúng. Được Đức Giêsu đảm nhận, vai trò này được hoàn toàn đổi mới : Cung thánh mới là nhân tính đã được tôn vinh dứt khoát của Đức Kitô, máu dâng tiến chính là máu của Ngài.

 

          Nhờ máu của Ngài đổ ra, con người được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, được dâng lễ thờ phượng Thiên Chúa và nhận gia tài vĩnh cửu đã được hứa ban.

 

          Bài Tin mừng : Mc 14,12-16.22-26.

 

          Đoạn Tin mừng theo thánh Marcô tường thuật bữa tiệc Vượt qua cuối cùng của Đức Giêsu. Sau khi đã mô tả chi tiết những chuẩn bị bữa ăn Vượt qua, thánh sử kể lại việc Đức Giêsu  thiết lập bí tích Thánh Thể.

 

          Hằng năm người Do thái tổ chức ăn mừng lễ Vượt qua để tưởng niệm cuộc giải phóng dân Chúa ra khỏi ách nô lệ của Ai cập. Đức Giêsu rất tôn trọng lễ Vượt qua này nên đích thân thu xếp mọi chi tiết tổ chức. Chính trong bữa tiệc này Đức Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể. Máu Ngài đổ ra để đóng dấu cho một Giao Ước Mới :”Đây là Máu Thầy, máu giao ước đổ ra vì muôn người”.

          Biến cố được cử hành không còn phải là cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập nữa, mà chính là cuộc giải phóng vĩnh viễn của nhân loại đã được thực hiện trên thập giá. Con Chiên Vượt qua thực sự, chính là Đức Giêsu, Đấng bị kết án tử hình vì đã yêu thương nhân loại đến cùng.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

                                                Thánh Thể, bảo chứng tình yêu.          

          Vào năm 1263, có một linh mục người Đức đang cử hành Thánh lễ tại một nhà thờ kính thánh Christiana, lúc bẻ bánh trước khi rước lễ, vị linh mục này đã trông thấy Mình thánh hình bánh đã biến thành Thân Xác Đức Giêsu tử nạn. Trên thân mình Chúa, máu đang rịn ra qua các vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người. Máu chảy ra làm ướt tấm khăn thánh và mấy lớp khăn phủ bàn thờ. Vị linh mục vội gấp các tấm khăn kia lại. Nhưng gấp tới đâu thì máu lại thấm ra tới đó. Cuối cùng máu thấm qua tới 25 lần vải khăn. Vừa cảm động lại vừa sợ hãi đến nỗi vị linh mục không thể tiếp tục dâng hết thánh lễ được.

 

          Sau đó, ngài đến xin yết kiến Đức Giáo hoàng Urbanô và tường trình sự kiện lạ lùng ấy. Đức Giáo hoàng liền sai một phái đoàn, đứng đầu là một Giám mục đến điều tra thực hư. Sau khi xác định là phép lạ, vị Giám mục đã cho rước Mình Thánh Chúa cùng các khăn bàn thờ đã thấm Máu Thánh kia về Rôma và đặt tại một nhà thờ dâng kính phép Thánh Thể, và mời gọi giáo dân đến chầu Mình Thánh liên tục. Sau đó, vào ngày mồng 8 thánh 9 năm 1264, Đức Giáo hoàng Urbanô đã ra sắc dụ truyền thiết lập lễ kính Mình Máu thánh Chúa Giêsu và truyền mừng lễ trong toàn thể Hôi thánh.

 

I. NHỮNG CHUẨN BỊ TỪ XA.

 

          Hằng năm, người Do thái mừng lễ Vượt Qua rất trọng thể, cuộc lễ kéo dài tới bảy ngày. Khách thập phương trẩy đến Giêrusalem mừng lễ rất đông. Có những người ở xa ước được về Giêrusalem mừng lễ ít là một lần trong đời, giống như người Hồi giáo ngày nay tuốn về La Mecque để mừng lễ của họ.

 

          Người Do thái gọi lễ Vượt Qua này là lễ Quốc khánh của toàn dân để kỷ niệm hai biến cố oai hùng vĩ đại nhất của dân tộc. Hai biến cố ấy là :

 

          1. Giải phóng dân tộc.

 

          Thiên Chúa giải phóng dân tộc thoát ách nô lệ Ai cập. Ngày đó, Thiên Chúa đã truyền cho ông Maisen và tổ tiên họ : giết con chiên một tuổi, sung sức nhất, trong sạch nhất, lấy máu nó bôi lên cửa nhà dân Do thái để được cứu sống. Còn cửa nhà dân Ai cập, không có máu chiên thì các con đầu lòng bị giết. Sau đó họ ăn thịt chiên với bánh không men lấy sức mạnh vượt ra khỏi Ai cập để về đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ tiên họ.

 

          2. Lập Giao ước Sinai.

 

          Thiên  Chúa muốn chọn cho mình một dân riêng làm sở hữu, nên Ngài đã lập giao ước với toàn dân ở núi Sinai. Thiên Chúa đã truyền cho ông Maisen xuống núi thuật lại lời giao uớc và giời luật  của Chúa : Toàn dân đồng thanh đáp : “Mọi lời Chúa phán, chúng tôi sẽ thi hành”. Rồi họ ngả chiên bò làm lễ toàn thiêu và lễ hiệp thông.

 

          Họ dâng lễ toàn thiêu bằng thiêu đốt tất cả lễ vật dâng lên trước nhan Chúa để tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và làm chủ mọi loài. Ngài đã ban sự sống cho họ, vì thế, họ hoàn toàn phó thác mạng sống mình và dân tộc mình cho Thiên Chúa. Ông Maisen đã ký kết với Thiên Chúa bằng cách lấy máu chiên bò : một nửa số máu được rảy trên bàn thờ, tượng trưng phía Thiên Chúa; một nửa kia được rảy trên toàn dân và Maisen lớn tiếng tuyên bố :”Đây là máu giao ước Chúa lập với anh em”. Sau đó, họ ăn thịt chiên hy tế trước tôn nhan Thiên Chúa để hiệp thông sự sống của Thiên Chúa (Xh 24,3-8).

 

II. ĐỨC GIÊSU LẬP PHÉP THÁNH THỂ

 

          1. Tại bữa Tiệc ly.

 

          Đức Giêsu yêu thương các môn đệ, không để họ sống bơ bơ trên trần thế nên hứa sẽ ở lại với họ mãi mãi :”Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20).Ngài muốn ở cùng các môn đệ mãi mãi bằng cách ban cho họ một tặng phẩm, tặng phẩm thần linh.

 

          Người đời trước khi đi xa thường để lại cho người thân thích một món đồ nào đó để ghi nhớ như một cuốn sách, tấm hình, cái bút, cái khăn tay hay bất cứ một đồ vật gì.

 

          Cách đây không lâu, đám thợ lặn đã tìm ra một chiếc tầu Tây ban nha  được chế tạo đã 400 năm nay bị chôn vùi dưới nước ngoài khơi Bắc Ái nhĩ  lan. Trong số báu vật tìm được trong tầu, người ta thấy một chiếc nhẫn đàn ông bằng vàng, trên nhẫn có chạm hình một cánh tay đang nắm một trái tim  với những dòng chữ chư sau :”Anh không thể cho em điều gì hơn thế nữa”.

 Đức Giêsu cũng hành động như vậy, Ngài muốn để lại cho họ một kỷ vật có một không hai, không phải là món đồ vật nào mà chính là bản thân Ngài.  Đây chính là lời Đức Giêsu nói với chúng ta : Thầy đã trao ban chính mình Thầy cho các con trọn vẹn đến mức Thầy không còn thể nào cho các con điều gì hơn thế nữa.

 

          Ngài đã thực hiện trong bữa tiệc này mà thánh Marcô đã ghi lại:”Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các ông mà nói:”Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông và tất cả đều uống chén này, đổ ra vì muôn người”(Mc 14,22-24).

 

          Với những lời ấy, Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể. Rồi Ngài còn truyền cho các môn đệ :”Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” tức là Ngài ban quyền cho các môn đệ được làm việc cao qúi này để tưởng nhớ đến Ngài.

 

          2. Ý nghĩa bí tích Thánh Thể.

 

          Trong bữa Tiệc ly và cũng là Thánh lễ đầu tiên do Đức Giêsu cử hành, Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể và ban quyền chức Linh mục cho các tông đồ. Từ đó trở đi, cho tới ngày nay, và cho đến tận thế, trong Thánh lễ, khi Linh mục trịnh trọng  lặp lại những lời Đức Giêsu :”Này là mình Thầy, “Này là Máu Thầy”, tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa mà đã trở thành Mình Máu Chúa Kitô.

 

          Lễ Chúa dâng tại bữa Tiệc ly, trên thánh giá và lễ các Linh mục dâng bây giờ cũng là một vì “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” chỉ khác nhau ở cách thức dâng lễ thôi, nghĩa là trên thánh giá có đổ máu, còn bây giờ thì không.

 

          Như vậy, Đức Giêsu đã tìm ra phương thế để ở lại với các môn đệ; và qua mọi thời gian, ở lại với tất cả những ai tin vào Ngài. Vì thế, Thánh Thể được gọi là bí tích của sự hiện diện. Dưới hình bánh rượu, Đức Giêsu hiện diện luôn mãi với loài người nơi trần gian. Đây là một chân lý cao siêu vượt quá sự hiểu biết của trí khôn loài người. Vì vậy, sau truyền phép, Linh mục xướng lên :”Đây là mầu nhiệm đức tin”. Mọi người đều thưa lên:”Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho đến khi Chúa đến”.

 

          Trong bài ca Tiếp liên của Thánh lễ hôm nay, Thánh Tôma tiến sĩ đã ca tụng mầu nhiệm Thánh Thể như sau:”Đây là tín điều dạy người Kitô hữu, rằng Bánh  trở nên Thịt Chúa và Rượu trở nên Máu Chúa. Thịt Chúa là của ăn, Máu Ngài là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình. Lạy Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, là Bánh thực, xin Ngài thương xót, chăn nuôi và bảo vệ chúng con, xin Ngài ban cho chúng con nhìn thấy những điều thiện hảo trong cõi nhân sinh” (Bài Lauda Sion do thánh Tôma Aquinô soạn tại Orvieto năm 1264).

 

III. BÀI HỌC RÚT RA TỪ THÁNH THỂ.

 

 

1.    Thánh Thể và hiệp thông.

 

          Bí tích Thánh Thể cũng là một dấu chỉ : dấu chỉ của sự hiệp thông. Hiệp thông có nghĩa là nên một. Nói cách khác, bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của sự nên một, của sự hiệp nhất, như Hội thánh luôn tuyên xưng và cầu nguyện rằng:”Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và máu Đức Kitô”(Kinh Tạ ơn II) Hay :”Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”(Kinh Tạ ơn III).

 

 Chính Đức Giêsu đã từng nói:”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”(Ga 6,56). Động từ “ở trong” mà Chúa nói, diễn tả mạnh mẽ ơn hiệp thông. Có ai trong chúng ta dám khẳng định dứt khoát và mạnh mẽ như Đức Giêsu ?  Dẫu là tình yêu mặn nồng của đôi lứa yêu nhau hay ngay cả vợ chồng đi nữa, có chắc là họ ở trong nhau như Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa ? Chỉ có bí tích Thánh Thể làm nên sự hiệp thông kỳ diệu, sự hiệp thông toàn vẹn : Chúa với ta và ta với Chúa : một thân thể không thể tách lìa.

 

          Trong bí tích Thánh Thể, ta không chỉ nên một với Chúa mà thôi, nhưng còn với anh chị em của mình nữa. Vì khi cùng chia sẻ một tấm bánh là chính thân mình Chúa Kitô, tất cả mọi người sẽ nên những chi thể của Ngài. Thánh Phaolô đã từng nói : Tất cả chúng ta tuy nhiều nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh, vì thế chúng ta làm nên một thân mình. Thân mình mầu nhiệm này sẽ được sống nhờ sức sống của Chúa Kitô là chính Thánh Thần của Chúa Kitô mà Ngài ban cho ta.

 

          Bởi thế, trong Chúa Kitô, nhờ Thánh Thể của Người, tất cả chúng ta thật xứng đáng gọi Thiên Chúa là Cha, còn ta chỉ là một với nhau , cùng làm con một Cha (Lm Ng. minh Hùng).

 

          2. Thánh Thể và yêu thương.

 

          Con người ta ai cũng có nhu cầu yêu, nghĩa là nhu cầu yêu và được yêu, mà không yêu là chết. Nhưng khi yêu người ta không dựa trên cơ sở lý luận mà chỉ theo cảm tình. Chính vì thế, Blaise Pascal đã nói:”Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu được”.  Tình yêu mạnh hơn sự chết.  Với sự thúc đẩy mạnh liệt của tình yêu, người ta có thể làm những việc mà không ai có thể nghĩ tới. Chỉ tình yêu mới có thể cắt nghĩa được những hành động đó.

 

          Thiên Chúa cũng yêu chúng ta bằng tình yêu như vậy đó. Tình yêu mà Thiên Chúa lắm lúc cũng có vẻ “điên khùng” như thế, vượt qua mọi lý luận của lý trí con người như tình yêu đôi lứa. Thật vậy, nhìn lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, chúng ta sẽ thấy trong mối tương quan này, Ngài không nhận lại bất cứ một điều gì. Chỉ vì yêu loài người chúng ta, Ngài đã làm những việc mà trí khôn con người không thể tưởng tượng được, đó là việc Ngài từ bỏ vinh quang của một vì Thiên Chúa, nhập thể làm một con người nghèo hèn ở giữa chúng ta (x. Pl 2,6-7).

 

          Cuộc đời Đức Giêsu, dù xét một cách toàn thể hay từng chi tiết, chúng ta thấy Ngài sống hoàn toàn vị tha, nghĩa là vì tình yêu với Chúa Cha và đối với chúng ta. Cụ thể nhất là cái chết thê thảm và nhục nhã trên thập giá của Ngài.  Hơn thế nữa, Ngài còn để lại chính thịt máu Ngài làm của ăn cho từng người chúng ta như Ngài phán:”Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta ban, chính là thịt Ta để cho thế gian được sống”(Ga 6,51). Hành vi này là của Đức Giêsu, quả thật đã vượt quá suy luận của con người đến nỗi ngay các môn đệ  của Ngài cũng phải thốt lên:”Lời chi mà sống sượng thế, ai nào có thể nghe nổi”(Ga 6,60).

 

          Thiên Chúa cảm thông và thương yêu chúng ta như vậy, lẽ nào chúng ta không cảm thông và yêu thương nhau ? Tình yêu của Đức Giêsu có hai chiều kích : yêu Chúa Cha và yêu con người. Lẽ nào chúng ta là con người với nhau  lại chỉ quan tâm đến Thiên Chúa mà không quan tâm đến nhau ?

 

 Là một Thiên Chúa yêu thương, chắc chắn Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau, quan tâm đến nhau hơn là quan tâm đến Ngài. Tại sao ? Vì những người chung quanh chúng ta  cần tình yêu và sự quan tâm của chúng ta  hơn Ngài rất nhiều. Ngài là Thiên Chúa – Đấng không thiếu thốn sự gì và cũng không hề ích kỷ - Ngài không cần tình yêu và sự quan tâm của chúng ta  cho bằng những người chung qyanh đang chung sống với chúng ta. Tại sao chúng ta lại quá quan tâm đến Ngài mà bỏ rơi anh chị em mình ? Trong thực tế, chính khi ta yêu thương và quan tâm đến anh chị em mình, là chúng ta yêu mến Chúa. Nếu yêu mến Thiên Chúa thì hãy bắt chước Đức Giêsu : chẳng những chấp nhận chịu khổ để anh chị em mình đỡ khổ, mà còn trở nên “của ăn” cho anh chị em mình nữa.

 

          3. Thánh Thể và chia sẻ.

 

          Với bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu trao ban trọn vẹn và hoàn toàn con người của Ngài cho chúng ta, để nhờ Ngài chúng ta được thông phần  vào sự sống của Thiên Chúa và được sống đời đời như Ngài quả quyết:”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6,54). Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi đã tự hủy mình đi để trở nên tấm bánh và ao ước được chúng ta ăn, để chúng ta được nên một với Ngài. Vì thế, trong một đoạn Tin mừng ngắn hôm nay, động từ “ăn” được lặp lại tới 9 lần.

 

          Như vậy, “ăn và uống máu” Đức Giêsu chính là suy niệm Lời và đời sống của Ngài để dần dần thay thế “chất tôi” thành “chất Ngài”, biến “tôi” thành “Ngài”.

 

 Nói cách khác, đó là được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nên giống Đức Kitô mọi đàng để có thể nói như thánh Phaolô :”Tôi sống nhưng không phải tôi mà là chính Đức Kitô sống trong tôi”. Giống Đức Giêsu là giống Thiên Chúa, mà “Thiên Chúa là Tình yêu”(1Ga 4,8.16). Tình yêu ở đây là thứ tình yêu hoàn toàn vị tha nghĩa là trở nên “chiếc bánh bị ăn” (pain  mangé) như Đức Giêsu (theo cách nói của cha Antôn Chevrier, tu hội Prado) để rồi mỗi người chúng ta sẽ trở nên “con người bị ăn thịt đi”(homme mangé) để phục vụ những người khác.

 

Truyện : Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình.

 

          Trên bước đường lưu vong, trốn ra ngoài nước, công tử Trùng Nhĩ và bọn bề tôi trải qua rất nhiều cam go, lầm than, khổ sở, đói khát.

          Không tiền bạc, hết lương thực, bọn người này phải đi ăn xin. Một hôm đói quá, đói đến lả người, cả bọn cơ hồ không đi được nữa. Trùng Nhĩ phải kiếm gốc cây có bóng mát gối đầu vào đùi Hồ Mao mà nằm. Bọn bề tôi bảo nhau đi bứt rau sam về luộc ăn. Trùng Nhĩ nuốt không trôi. Bỗng Giới Tử Thôi mang một bát thịt nóng hổi đến dâng. Trùng Nhĩ ăn ngon lành ! Ăn xong, khoẻ khoắn liền hỏi Giới Tử Thôi :

          - Nhà ngươi lấy đâu được thịt ngon như thế ?

          Giới Tử Thôi chỉ vào đùi mình, thưa :

          - Ấy là thịt đùi của tôi đó. Tôi nghe rằng : người hiếu tử bỏ thân thờ cha, người trung thần bỏ thân thờ vua. Nay Công tử đói không có gì ăn nên tôi phải cắt thịt đùi dâng cho Công tử

                   (Thanh Lan Võ ngọc Thành, Nhân vật Đông châu, 1968, tr  324)

 

          4. Thánh Thể và Thánh lễ

 

          Đức Giêsu ví Thánh Thể như bàn tiệc thịnh soạn đã dọn sẵn, mời chúng ta đến tham dự, hoàn toàn miễn phí. Nhưng có những người đã từ chối lời mời gọi thân tình này, họ viện ra những lý nọ lẽ kia không chịu đến tham dự (x. Lc 14,16-24). Chúa mời gọi ta đến dự tiệc thánh là có ý tìm lợi ích cho linh hồn chúng ta : phép Thánh Thể Chúa lập ra  là một bảo đảm ơn cứu chuộc như Ngài nói:”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho sống lại ngày sau hết” (Ga 6,54).

 

          Chúa thiết tha mời ta tham dự Thánh lễ và rước lễ để được ơn phần rỗi, nhưng ngoài ra Ngài lại con răn đe :”Nếu các ngươi không ăn thịt Con người và uống máu Người, các ngươi không có sự sống nơi mình”(Ga 6,53). Chúa răn đe như vậy không có ý tìm lợi ích cho Ngài vì Ngài không còn thiếu gì nhưng cho chúng ta mà thôi.

 

          Một lần thánh Phanxicô chầu Thánh Thể, được nghe tiếng Chúa hỏi :”Hỡi Phanxicô sao con mê Cha như điên như cuồng như vậy”? Thánh Phanxicô trả lời:”Lạy Chúa, xét về yêu, thì Chúa còn điên hơn con”.