Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm B
SÁM HỐI MÙA CHAY
                         Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa quý ông bà anh chị em,

Sống đức tin là một hành trình không ngừng chiến đấu với ba thù: ma quỉ, xác thịt, thế gian. Và cuộc chiến đấu cam go nhất chính là nội thù. Địch thù ẩn núp ngay trong bản thân mình chứ không ở đâu xa.

 Tin mừng hôm nay thánh sử Máccô kể lại, trước khi bước vào đời sống công khai rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đi vào trong hoang địa sống chay tịnh 40 đêm ngày. Trong thời gian này, Satan hiện ra cám dỗ, nhưng Chúa Giêsu đã cương quyết chiến đấu lời Satan xúi dục, Ngài dứt khoát đứng về phía Thiên Chúa.

 Anh chị em thân mến,

Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu năm xưa cũng là ba cơn cám dỗ của chúng ta ngày nay. Là người tín hữu, chúng ta có thể chiến thắng mưu chước quỉ dữ, nếu chúng ta biết noi theo gương chiến đấu của Chúa Giêsu, là chọn Chúa ưu tiên trong cuộc sống.

 Trong Mùa Chay thánh, chúng ta không đi vào hoang địa mang tính cách địa lý như Chúa Giêsu, để rèn luyện đời sống đức tin cho vững mạnh, mà chiến đấu với ba thù, nhưng chúng ta có thể vào đời sống tâm linh.

 Vào đời sống tâm linh, nghĩa là đừng quá mãi mê chạy theo của cải vật chất chóng qua, nhưng hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước.

 Vào đời sống tâm linh, là cố gắng giữ tâm hồn bình an, trong sạch sống gắn bó với Chúa qua lời cầu nguyện, cũng như siêng năng lãnh nhận các Bí tích.

Vào đời sống tâm linh, có thể là giảm bớt những chi tiêu không cần thiết, giảm bớt nhậu nhẹt, giảm bớt nói hành nói xấu người khác... thay vào đó nói những lời xây dựng yêu thương, hay thăm viếng an ủi những người bệnh tật đau yếu.

Ước gì chúng ta sống theo lời Chúa dạy: Muốn thắng mưu mô của Satan chúng ta phải cầu nguyện. Muốn thắng cơn cám dỗ xác thịt, chúng ta phải kìm hãm ngủ quan, hoặc trách dịp cheo leo nguy hiểm. Muốn thắng cạm bẩy của thế gian, chúng ta phải nhờ sức mạnh của ơn thánh Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta luôn luôn chọn Chúa làm lẽ sống cho đời mình.

Quí ông bà anh chị em thân mến,

Phần thứ hai trong bài Tin mừng có đề cập đến lời Chúa kêu mời: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”.

 Thế nào là sám hối?

Sám: là ăn năn; Hối: là hối hận. Vậy sám hối là ăn năn hối hận tội lỗi của mình.

Giáo lý Giáo hội Công giáo số 1451 dạy: “Sám hối là sự đau đớn của tâm hồn, và ghét bỏ tội lỗi mình đã phạm, với quyết tâm sẽ không dám phạm tội nữa”.

Như vậy, thái độ đầu tiên của sám hối là nhìn nhận mình tội lỗi. Vì tất cả chúng ta đều ảnh hưởng tội nguyên tổ, trừ Đức Mẹ. Vua Đavít đã cảm nghiệm được điều này nên thưa lên với Chúa:

                “Ngài thấy cho lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,

 Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai”.

Nhưng:  “Xin cho con biết hãm mình đền tội,

 để hưởng cứu chuộc Chúa thương ban.

 Vì dẫu cho tội lỗi có ngập tràn,

 nguồn thánh sủng còn chứa chan gấp mấy”.

a. Sám hối đầu tiên là việc của cá nhân.

Vua Đavít là một trong những mẫu gương sám hối. Mặc dầu ông có yếu đuối phạm tội ngoại tình giết chồng cướp vợ người ta, nhưng với lòng ăn năn sám hối chân thành nên Chúa tha cho nhà vua.

Theo báo đài cho biết, ngày nay người ta ngoại tình tràn lan. Có khi người ta không bỏ vợ, bỏ chồng đi lăng chạ với người khác như vua Đavít, nhưng người ta phạm tội ngoại tình trong tư tưởng, gọi là “Đồng sàng dị mộng”, nằm với vợ với chồng mình đây, thế mà cứ tưởng tượng đang nằm với ai đó.

Hoặc là chúng ta không sát nhân như vua Đavít, là giết chồng cướp vợ người ta, nhưng mỗi khi chúng ta nói hành, nói xấu, vu oan cáo vạ, làm tổn thương mất danh dự người khác, đó cũng là một hình thức sát nhân theo nghĩa tinh thần. Bởi vậy, chúng ta cần phải bắt chước tâm tình sám hối của vua Đavít, để đáng được Chúa tha thứ.

 b. Sám hối là việc của gia đình.

 Anh chị em nhớ lại cuộc đời mẹ Mônica, gần 20 năm trời trong cầu nguyện, ăn chay, hy sinh và cả đến những dòng nước mắt. Nhờ vậy mà Chúa đã thay lòng đổi dạ được một người chồng khô đạo trở lại, và biến đổi người con là Âugustinô ăn chơi trác táng trở về, sau này làm Giám mục tiến sĩ Hội Thánh.

Cũng vậy, trong gia đình chúng ta nếu chẳng may có những người chồng sáng sỉn chiều say, hay đứa con nào đó hư từ mất nết…, thì việc đầu tiên chúng ta cần phải cầu nguyện hy sinh sám hối trước đã, nhờ đó Chúa sẽ biến đổi lòng họ. Bởi vì không thể nào khuyên người khác sám hối, mà trong khi đó mình chưa sám hối.

c. Sám hối là việc của tập thể.

Khi dân thành Ninivê tràn ngập tội lỗi, Chúa sai tiên tri Gio-na đến rao giảng sự sám hối. Dân chúng từ vua đến dân đón nhận lời rao giảng của Gio-na, tất cả từ vua đến dân đều ăn chay mặc áo nhặm, ngồi trên đống tro, biểu lộ thái độ ăn năn sám hối, Chúa thấy thiện chí của họ, nên Chúa thôi giáng phạt.

Trong Mùa Chay thánh, chúng ta nghe rất nhiều lời kêu gọi sám hối của Chúa qua các bài đọc Kinh thánh cũng như trong các bài giảng Thánh lễ hay tuần Đại Phúc... Thế thì, nếu cộng đoàn giáo xứ chúng ta ai ai cũng đều lắng nghe lời kêu gọi sám hối và thực tâm trở về với Chúa như dân thành Ninivê năm xưa, chắc chắn Chúa nhân từ sẽ thương tha thứ và chúc lành cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta.