Chúa Nhật II Mùa Chay
CÙNG THẦY, LÊN NÚI
 Lm Trịnh Ngọc Danh

Đứng trước biển cả bao la, mới thấy thân phận con người nhỏ bé, và từ trên nuí cao, tâm hồn có dịp hướng lên cao để thấy bầu trời như vô tận và nhìn xuống để cảm nghiệm cái hạn hẹp của mình. 

Núi là một địa điểm cao. Lên núi là hướng thượng. Núi là nơi thanh vắng ít ồn ào náo động. Đứng trên núi chúng ta có cái nhìn bao quát ở phía dưới. Leo lên núi đòi hỏi cố gắng, vất vả. 

Ra khơi, lên núi, vào hoang địa, đến nơi thanh vắng là những động tác mà Chúa Giêsu thường làm để tìm những giây phút lắng đọng tâm hồn, để tránh những xô bồ, ồn ào của phố thị, để chuẩn bị cho những công việc quan trọng cần phải làm mà mục đích chính là cầu nguyện, kết hợp với Chúa Cha trước khi hành động. 

Bốn ngọn núi mà Chúa Giêsu đã lên, đánh dấu bốn biến cố quan trọng trong thời gian 3 năm rao giảng Tin Mừng và thực hiện sứ vụ cứu thế của Ngài. 

Lần thứ nhất, trên núi Hattin, Chúa Giêsu đã công bố Hiến Chương Nước Trời: Phúc cho những người có tinh thần nghèo khó, những người đau buồn, những người đói khát điều công chính, những người hay thương xót người, những người có lòng trong sạch, những người ăn ở thuận hòa, những người bị bách hại vì lẽ công chính, những người vì Thầy mà bị thiên hạ ghen ghét bách hại, bị vu khống…Họ sẽ là những người được hưởng Nước Trời 

Lần thứ hai, trên núi Tabor, “Chúa đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan đi riêng với Ngài lên núi cao và Ngài biến hình trước mặt các ông. Áo Ngài bổng chói lọi trắng tinh như tuyết. Rồi Êlia và Môisen hiện ra và đàm đạo với Ngài”. 

Lần thứ ba, trên núi cây Dầu, trong vườn Giệtsimani, trước viễn tượng đau thương sắp xảy đến, Chúa cũng lại đưa ba môn đệ ấy đi theo, hy vọng các ông thông cảm được đôi chút nỗi đau buồn của mình, nhưng các ông lại ngủ say sưa không mở mắt nổi; Ngài đã phải đánh thức họ tới ba lần, nhưng các ông vẫn cứ ngủ. Thôi thì cứ ngủ cho đã đi! 

Lần thứ bốn, trên Núi Sọ, đồi Golgotha, đây là tột đỉnh đau thương mà Chúa Giêsu phải trải qua: bị kết án, vác thập gía lên đồi Golgotha và chịu đóng đinh, chịu chết trên núi Sọ. Có thể vì sợ hãi, vì sợ liên lụy nên không thấy có mặt bên thánh gía, hay có mặt  nhưng đứng xa xa ở một chỗ kín đáo nào đó; chỉ có Mẹ Maria, Gioan, môn đệ đã hai lần lên núi với Thầy Giêsu, Bà Maria, chị Mẹ Maria, và cô Maria Magdalena có mặt bên cây thánh giá trước khi Chúa trút hơi thở cuối cùng. 

Hôm nay, Chúa Nhật thứ II Mùa Chay, năm B, qua trích đoạn Tin Mừng của Thánh Máccô, Giáo hội muốn cho chúng ta chứng kiến lại biến cố đã xảy ra trong lần lên núi thứ hai trên núi Tabor: Chúa Giêsu biến hình hay Chúa Giêsu hiển dung.

Biến cố ấy xảy ra như thế này: Sau khi đưa ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan đi riêng ra cùng Ngài lên núi cao, Chúa Giêsu biến hình trước mặt các ông. Áo Ngài bổng chói lọi trắng tinh như tuyết. Rồi Êlia và Môisen hiện ra và đàm đạo với Ngài. 

Như bà Êlisabeth đã vui mừng khi được Đức Maria đến thăm: “ Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”?

Như Đức Maria đã vui mừng đón nhận hồng ân của Thiên Chúa qua lời loan báo của sứ thần Gabriel: “Linh hồn tôi ca ngợi Chúa và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi; vì Người đã nhìn thấy phận hèn tôi tớ Người, thực từ đây thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước; vì Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng và danh Người là Thánh.” 

Như ông Abraham đón nhận tin vui: bà Sara, vợ ông có thai, sẽ sinh một con trai vào lúc tuổi đời đã gần 90. 

Ba môn đệ của Chúa theo Ngài lên núi, cũng vui mừng khi chứng kiến cảnh tượng vinh quang huy hoàng của Thầy mình.

Ông Phêrô không uống rượu, không say, nhưng ông choáng ngợp, ngây ngất như người say. Ông nói: “ Thưa Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen và một cho Êlia”, nhưng rồi ông lại chẳng nhớ ông nói gì. Vì hoảng sợ.  

Tại sao lại có ý định làm lều? Vì sao các môn đệ lại kinh hoàng khi được nhìn thấy cảnh vinh quang của Thầy mình? Vì sao Chúa Giêsu lại cấm các ông không được kể lại cho ai những gì vừa thấy trước khi Con Người từ cõi chết sống lại? 

Làm lều tức là có ý định “dừng bước giang hồ”, là tìm chốn ngơi nghỉ, là mãn nguyện với niềm hạnh phúc đạt được. Vì sợ các môn đệ sau khi chứng kiến được sự vinh quang huy hoàng của Chúa: “ Thưa Thầy, chúng con ở đây thì thật là hay!” hay khi đã nhận ra Thầy là ai như lời ông Phêrô: “ Thầy là Đấng Kitô”, các ông sẽ háo hức, thỏa mãn với những gì đã thấy, đã nghe mà quên đi con đường phải đi, nhiệm vụ phải hoàn thành, nên Ngài đã cấm các ông tiết lộ cho bất cứ ai trước khi Con Người từ trong cõi chết sống lại. 

Các ông hoảng sợ, vì có lẽ từ trước cho đến nay, các ông chưa hề thấy một cảnh tượng lạ lùng như thế! Lạ lùng, phấn kích làm cho các ông hoảng sợ trong ngây ngất đến nỗi ông Phêrô nói mà không biết mình nói gì.  

Ba môn đệ có thể là biểu tượng cho mỗi người Kitô hữu chúng ta, đồng thời cũng là hình ảnh của Giáo hội nơi trần thế trong cuộc sống đức tin.

Hồ hỡi, ngất ngây, sung sướng khi nhìn thấy vinh quang của Chúa trên núi Tabor, mệt mỏi, nặng nề, chênh vênh trong vườn Giệtsimani trên núi cây Dầu, và hoang mang, sợ sệt, trốn chạy trên đồi Gôngôtha. 

Cuộc hành trình đức tin là một cuộc hành trình lâu dài, liên lĩ, không cho phép chúng ta thỏa mãn,  nghỉ ngơi, an phận. Cuộc hành trình đức tin phải luôn luôn được canh tân, đổi mới, bồi dưỡng. Có những lúc chúng ta phấn kích như ba môn đệ trên núi Tabor trong cuộc sống đức tin; cũng có những lúc chúng ta sao lãng, nhẹ dạ, vì những lo toan của cuộc sống để rồi ngủ say sưa như ba môn đệ đã ngủ lúc Thầy Giêsu cần có người cảm thông, chia sẽ nỗi đau buồn nơi vườn Giệtsimani; và cũng có những lúc chúng ta xấu hổ, sợ hãi không dám sống vững mạnh, kiên cường trong đức tin như các môn đệ đã lui vào bóng tối, xa lánh trên con đường đi lên núi Sọ với Thầy Giêsu; nhưng đó là những bước thăng trầm của cuộc hành trình đức tin.

Khi thấy các môn đệ buồn sầu, đau khổ, không muốn chấp nhận cuộc khổ nạn của Thầy, nên Ngài đã hé mở cho các ông vinh quang của Nước Thiên Chúa để hun đúc, củng cố niềm tin và niềm hy vọng nơi Ngài như tiếng nói của Thiên Chúa Cha mà các ông đã nghe được: “ Đây làCon Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Ngài”. 

Đức tin Kitô giáo là con đường đưa chúng ta vào một cuộc sống bình an, phó thác, nhìn đau khổ và cái chết như những phương tiện dẫn đến vinh quang : từ đau khổ đến vinh quang, từ cõi chết đến sống lại, từ thập giá đến phục sinh. Đức tin giúp chúng ta sẵn sàng đón nhận đau khổ, vững lòng khi gặp đau khổ và chiến thắng đau khổ để đạt tới một đích diểm quan trọng hơn như Abraham đã vào vườn Giệtsimani với Chúa Giêsu để thổn thức với Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã thổn thức với Cha Ngài: để cuối cùng đã chấp nhận hiến tế cho Thiên Chúa người con duy nhất mà Ngài đã ban tặng cho ông.

Hồ hỡi, ngất ngây, sung sướng khi nhìn thấy vinh quang của Chúa trên núi Tabor, mệt mỏi, nặng nề, chênh vênh trong vườn Giệtsimani trên núi cây Dầu, và hoang mang, sợ sệt, trốn chạy trên đồi Gôngôtha;  đó là ba trạng thái tâm lý trong đời sống đức tin của mỗi người trong chúng ta và của cả Giáo Hội, là những bước thăng trầm của đức tin, là những thử thách mà đức tin phải vượt qua trong phó thác và chấp nhận.  

Trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta đã cảm nghiệm được gì bên máng cỏ nơi hang Bêlem, trong vườn Giệtsimani trên núi cây Dầu, và trên núi Sọ, đồi Golgotha!