Chúa Nhật I Mùa Chay |
ĐỂ THIỆN CHIẾN HƠN |
Giờ vinh quang của lễ rửa qua chưa được bao lâu, tiếp đến là chiến trận của sự cám dỗ. Có một điểm nổi bật ở đây, hết sức sống động, mà ta không thể bỏ qua, ấy chính là Chúa Thánh Thần đã đẩy Chúa Giêsu vào sa mạc để trải qua thời gian thử thách. Chính Thánh Linh vừa ngự xuống trên Ngài lúc chịu lễ rửa đã đưa Ngài vào sa mạc để chịu thử nghiệm. Sống trên đời, chúng ta không thể nào tránh được việc tấn công của cám dỗ, nhưng điều chắc chắn là những cuộc cám dỗ không nhằm mục đích khiến chúng ta phải sa ngã, chúng được đưa đến để củng cố các gân cốt của trí tuệ, tấm lòng và linh hồn chúng ta, nhưng nhằm đem lại lợi ích cho chúng ta. Chúng không được đưa đến để nhắm tàn hại hủy diệt chúng ta. Chúng là những phương tiện thử nghiệm để khi ra khỏi đó, chúng ta sẽ trở thành những chiến sĩ, những lực sĩ thiện chiến hơn, mạnh mẽ hơn của Thiên Chúa. Giả sử có một thanh niên chơi túc cầu thật hay trong đội dự bị và thấy có nhiều triển vọng, huấn luyện viên của cậu sẽ làm gì đây. Chắc chắn ông không xếp cho cậu đá cho đội hạng bét để suốt trận cậu chẳng cần đổ mồ hôi, nhưng ông xếp cho cậu đá đội tuyển chính thức để cậu phải chịu thử thách như chưa bao giờ chịu thử thách trước đó. Đó là mục đích mà sự cám dỗ nhắm vào, đó là cơ hội tạo cho chúng ta tự chứng minh nhân cách của mình, để khi ra khỏi đó được vững vàng, mạnh mẽ hơn cho cuộc chiến đấu. Bốn mươi ngày là mệnh đề không nên hiểu theo nghiã đen, người Hêbơrô thường dùng từ ấy để chỉ thời gian đáng kể. Môsê được cho biết đã lên đỉnh núi với Chúa Giavê bốn mươi ngày (Xh24,18). Sau khi được bữa ăn của thiên sứ để đi trong bốn mươi ngày (1V 19,8). Người Hêbơrơ không dùng câu bốn mươi ngày theo nghĩa đen, nhưng nhằm chỉ một thời gian tương đối dài. Chính qủy Xatan đã cám dỗ và thử thách Chúa Giêsu. Phần phát triển quan niệm về qủy Xatan rất lý thú, đáng cho chúng ta chú ý. Từ ngữ Xatan trong Hy văn chỉ có nghiã đơn giản là chống đối, kẻ thù. Trong Cựu Ước nó vẫn được dùng nhiều lần theo nghiã là những kẻ thù thông thường, những người chống đối. Vị thiên sứ của Đức Giavê là Xatan đứng chặn đường Balaam (Ds 22,22). Dân Philitinh sợ rằng Đavit có thể trở thành Xatan của họ (2S 19,22); Đavit xem Abisai như Xatan của mình (2S 19,22). Salômôn tuyên bố rằng Thiên Chúa đã ban cho ông được hoà bình, thịnh vượng đến nỗi nhà vua không còn sa tan nào chống lại mình nữa (1V 5,4). Ban đầu từ ngữ ấy chỉ có nghĩa là kẻ thù theo nghĩa rộng nhất của nó, nhưng trên đường đi xuống nó đã thêm một bước nữa và bắt đầu có nghĩa là kẻ kiện cáo người khác. Chính theo nghiã ấy, chứ Xatan đã được dùng ở sách Gióp. Cần ghi nhận rằng trong chương đó, Xatan chính là một trong nhiều người con trai của Thiên Chúa (G 1,6), nhưng công tác đặc biệt của Xatan là soi mói, bới lông tìm vết con người (G 1,7) để tìm dịp kiện cáo họ trước mặt Chúa Trời. Việc làm của Xatan là kiếm đủ chuyện để chống lại ai đó. Một danh hiệu khác nữa của Xatan là ma qủy. Từ ngữ ma qủy vốn do từ diabolos, nghĩa đen là kẻ nói hành. Từ ngữ ý nghĩa về một kẻ kiếm chuyện để chống lại một người đến ý nghĩa về kẻ cố ý và qủy quyệt nói hành, nói xâú một người trước mặt Thiên Chúa chỉ có một bước ngắn. Nhưng trong Cựu Ước, Xatan hãy còn là một sứ giả của Giavê, chứ chưa phải là kẻ qủy quyệt số một của Ngài, nó chỉ là kẻ thù của loài người mà thôi. Rồi tiếp tục con đường đi xuống của nó, từ ngữ ấy đã bước đến bước cuối cùng. Sau khi bị lưu đày, dân Dothái học hỏi được một số tư tưởng Batư. Tư tưởng Batư được lập lên nền trên quan niệm cho rằng trong vũ trụ này có hai thế lực: một thế lực của ánh sáng và một thế lực của tối tăm, một thế lực của điều thiện và một thế lực của điều ác. Toàn thể vũ trụ là bãi chiến trường của chúng, và loài người phải chọn đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp ấy. Thật ra người ta nhìn biết và cảm thấy cuộc đời quả giống như vậy. Tóm lại, trên đời này có Chúa Trời và kẻ thù của Ngài. Hầu như không thể tránh được việc Xatan bị coi là kẻ thù số một của Ngài. Tiêu biểu cho mọi thù địch. Đó chính là nghĩa của tên nó, loài người luôn luôn hiểu về nó như thế, Xatan đã trở thành yếu tính của mọi sự chống nghịch với Thiên Chúa. Sang Tân Ước, chúng ta thấy ma qủy hay Xatan ẩn mình sau bệnh tật và đau khổ của con người (Lc 13,16), chính Xatan quyến rũ Giuđa (Lc 22,3), ma qủy là kẻ chúng ta phải chống lại (1 Pr 5,8-9; Gc 4,7), chính quyền lực của ma qủy bị công việc của Chúa Cứu Thế đập tan (Lc 10,1-9), chính ma qủy đã định phải hủy diệt hoàn toàn vào ngày sau cùng (Mt 25,41). Xatan là thế lực chống lại Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta có toàn thể yếu tính về câu chuyện về sự cám dỗ. Chúa Giêsu cần quyết định phải làm công việc của mình như thế nào. Ngài biết rằng đây là một công việc phi thường và Ngài cũng ý thức đến những quyền lực phi thường. Thiên Chúa đã phán với Ngài "Hãy đem tình yêu thương của ta đến cho loài người, hãy yêu thương họ đến nỗi con sẽ vì họ mà chịu chết, hãy chinh phục họ bằng tình yêu thương không gì chiến thắng được, cả khi con phải kết thúc nó trên thập giá". Qủy Xatan bảo với Đức Giêsu "Hãy dùng quyền phép của ngươi để quét sạch loài người, hãy tiêu diệt các kẻ thù của ngươi, hãy chiếm lấy thế gian bằng sức mạnh, quyền phép và làm đổ máu". Thiên Chúa phán với Đức Giêsu "Hãy thiết lập vương quyền bằng tình yêu thương"; Xatan bảo Ngài "Hãy thiết lập một chế độ độc tài bằng bạo lực". Hôm đó, Chúa Giêsu đã phải chọn giữa phương pháp của Thiên Chúa và đường lối của kẻ thù của Thiên Chúa. Câu chuyện ngắn gọn của Maccô kể lại việc cám dỗ chấm dứt bằng hai nét sống động. 1. Có thú rừng ở chung với Ngài. Trong vùng sa mạc có beo, gấu, heo rừng, chó rừng lang thang khắp nơi. Người ta thường cho rằng đó là những chi tiết sống động làm tăng thêm vẻ đen tối, ghê rợn của khung cảnh. Nhưng thực sự không phải vậy, đây là một điều hết sức đẹp đẽ vì có thể nó có ý nghiã là các thú dữ đã đến để kết bạn với Chúa Giêsu. Trong giấc mơ của dân do thái về hoàng kim thời đại, họ vẫn mơ có một ngày nào đó, sự thù địch giữa loài người và loài vật sẽ không còn nữa. "Trong ngày đó, vì dân Ta, Ta sẽ thiết lập một giao ước với thú vật đồng hoang, với chim chóc trên trời, với loài bò sát dưới đất" (Hs 2,20). "Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ... Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển" (Is 11,6-9). Và những ngày sau này, thánh Phanxicô đã giảng đạo cho thú vật. Rất có thể ở đây chúng ta được nếm trước sự đẹp đẽ của thời kỳ mà con người và loài thú sẽ sống hoà bình với nhau. Có lẽ ở đây chúng ta được thấy bức tranh trong đó loài thú nhận biết trước loài người rằng Ngài là Bạn và là Vua của của chúng. 2. Có thiên sứ hầu chuyện. Trong giờ thử thách bao giờ cũng có sự thêm sức của Chúa Trời. Lúc Êlisê và kẻ tôi tớ ông bị kẻ thù bao vây tại Đôthan và dường như chẳng còn đường nào thoát được, Êlisê xin Chúa mở mắt cho kẻ tôi tớ ông , và chàng thanh niên ấy thấy chung quanh họ những ngực và xe bằng lửa của Thiên Chúa (2V 6,17) Chúa Giêsu đã không bị bỏ mặc một mình để chiến đấu trong cô đơn, và chúng ta cũng vậy. |