Chúa Nhật I Mùa Chay |
NHỮNG CÁM DỖ NGÀY NAY |
LM Nguyễn Hữu Thy |
Mỗi năm vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay Thánh, Giáo Hội đều cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng tường thuật câu chuyện Ðức Giêsu sau 40 ngày ăn chay trong sa mạc đã bị ma quỉ cám dỗ trên 3 lãnh vực khác nhau : 1) Lòng ham mê dính bén vật chất : « Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy biến những hòn đà này thành bánh ăn đi » (Mt 4,3). 2) Tính khoe khoang, háo danh : « Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình (từ trên nóc cao này của đền thờ) xuống đất đi » (Mt 4,6). 3) Lòng ham mê chức quyền, danh vọng phú quí : «Tôi sẽ cho ông mọi sự vinh hoa lợi lộc của các nước thế gian, nếu ông thờ lạy tôi »(Mt 4,8-9). Ðó là những cám dỗ của cuộc sống thực tế hằng ngày mà không chỉ Ðức Giêsu xưa kia đã phải trải qua, nhưng tất cả mọi người chúng ta chắc chắn cũng đều phải đối mặt. Và chỉ những ai biết can đảm kiên trì chiến đấu để đứng vững, để giữ cho tâm hồn luôn được trong sáng và cuộc sống không bị hoen ố trước những cám dỗ lừa lọc đó, thì mới nhận được «tấm vé » vào Nước Trời (x.Mt 5,8). Thực ra, đã làm người sống trên đời, không một ai có thể tránh khỏi được những cám dỗ, những thử thách. Người ta có thể nói được rằng cám dỗ hay thử thách là điều kiện tất nhiên của cuộc sống trần thế. Dĩ nhiên Thiên Chúa không dựng nên con người và bắt phải vật lộn với những « trớ trêu » của cuộc đời để mà chơi, hay bỏ mặc con người một mình trong cuộc vật lộn may rủi sống còn đó, vì Thiên Chúa không hề cám dỗ ai bao giờ (x Gc 1,13-14) và nếu cuộc đời có những cám dỗ và những thử thách của nó, thì Thiên Chúa lại ban cho con người sự tự do và sức mạnh của ý chí. Ðàng khác, « lửa thử vàng, gian nan thử nhân đức » ! Do đó, không chỉ những người nghèo, những người bị sa vào hoàn cảnh đói khổ cơ cực mới bị cám dỗ, theo câu « cùng tư lạm hỉ : túng làm càn », nhưng cả những kẻ giàu sang ăn sung mặc sướng cũng đều phải đối mặt với những cám dỗ của đời. Dĩ nhiên, rất có thể mỗi giai cấp xã hội kể trên có những cám dỗ riêng biệt, không hẳn phải giống nhau. Nhưng ngoài ba cám dỗ điển hình đã nêu trên, ngày nay con người còn phải đối mặt với những cám dỗ mang nặng màu sắc thời đại. Vâng, theo não trạng và ngôn ngữ con người ngày nay, việc kiếm cơm ăn áo mặc từ đá sỏi, từ cát bụi hay đất đai, không hẳn là chuyện xấu, đáng trách. Chẳng những thế, người ta còn kiếm cơm bánh nuôi thân từ các vật thể vô tri khác, như : sắt thép, gỗ, dầu xăng, xi-măng, cả đến những đống rác công cọng hôi thối vùng ngoại ô mỗi thành phố lớn, v.v… Ở đời một người được đánh giá cao hay bị chê trách không vì nghề nghiệp hay kế sinh nhai, nhưng là dựa theo tư cách và thái độ sống của người ấy. Nói cách khác, việc « biến » đất, đá sỏi hay các vật thể khác thành cơm bánh không phải là sự cám dỗ. Là cám dỗ hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào mục đích của con người khi « biến » các thứ đó thành cơm bánh. Cổ nhân đã nói : «hư giả tại tâm : xấu hay tốt là do tại lòng con người », nên không phải cái từ bên ngoài qua miệng vào trong con người sẽ làm cho con người ra ô uế, nhưng là cái từ trong miệng con người phát ra mới làm cho con người ra ô uế (x.Mt 15,11). Ðúng vậy, sự cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, tức chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác. Ðó chính là lúc người ta chỉ « biến » sỏi đá thành cơm bánh cho riêng mình một cách dư dật, trong khi đó lại không thèm quan tâm đến bao đồng loại chung quanh đang đói khổ cùng quẫn, lại vẫn thản nhiên nhìn người khác đang quằn quại đau thương dưới sức nặng của « thập giá » cuộc đời. Nói cách khác, người ta ca tụng và tôn vinh thập giá, nhưng lại chỉ muốn kẻ khác vác, còn mình lại tìm đủ trăm ngàn lý do để thoái thác khỏi phải đụng vai vào. Còn tệ hơn nữa, nếu như người ta chẳng những không ra tay giúp đỡ những anh em đồng loại đang bị đè bẹp dưới sức nặng của « thập giá » cuộc đời, đang trong cảnh cùng khổ, trái lại còn lợi dụng « nước đục thả câu », lợi dụng khi người anh em đồng loại đang trong cơn đường cùng, không có lối thoát, để bắt ép họ, hầu mong kiếm được nhiều lợi lộc cho mình hơn. Ðó là một hành động bất nhân, là một tội ác, hoàn toàn trái ngược với tin thần bác ái Kitô giáo. Một cuộc sống « tầm gửi » trên mồ hôi nước mắt, trên xương máu của người anh em đồng loại như thế thì không những là một tội ác đối với đồng loại, mà còn là một xúc phạm nặng nề đến chính Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa và là Cha chung đầy yêu thương của toàn thể nhân loại. Ðây chính là cơn cám độc hại ngày nay. Xã hội loài người hôm nay hoàn toàn khác hẳn với xã hội cách đây một trăm năm, sáu mươi năm, hay năm mươi năm, v.v… về trước. Con người ngày nay đã đạt được những tiến bộ khoa học tột bậc, nền kinh tế được cải thiện và được nâng cao, nên cũng đã tạo cho mình có được những điều kiện sống đầy đủ tiện nghi hiện đại, xứng đáng với nhân vị hơn. Hầu như tất cả mọi lãnh vực sống đều đươc bảo hiêm : Bảo hiểm tính mạng, bảo hiểm sức khõe, bảo hiểm giao thông, bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm súc vật, bảo hiểm nhà cửa và đồ dùng, v.v… Tự bản, tất cả các tiến bộ đó là những may mắn, là ơn lành của Thiên Chúa, được phú bẩm vào các khả năng của con người. Dĩ nhiên, trong thực tế những văn minh tiến bố đó cũng rất có thể trở thành những tai họa hay là những án phạt cho con người. Mọi sự hoàn toàn tùy thuộc vào cách thức, thái độ đón nhận và sự xử dụng của con người : Hoặc một cách hợp lý hay một cách vô trách nhiệm, hoặc biết san sẻ cách công bằng với đồng loại hay chỉ biết ích kỷ hưởng thụ một mình. Thiện hay ác, tốt hay xấu, ơn lành hay sự chúc dữ, phần thưởng hay án phạt, v.v… Tất cả đều tùy thuộc chủ thể được thụ hưởng là con người. Ðây thực sự là một sự cám dỗ ngày nay. Trong khi đó Mùa Chay Thánh là thời gian thuận tiện nhất để con người chân thành tự kiểm thảo, thành tâm sám hối và quay gót trở về với Thiên Chúa và với anh em đồng loại, để con người có được những quyết định đúng đắn và hợp lý cho cuộc sống mình. Vâng, thời gian mà con người cần phải thành thực nhìn thẳng vào chính mình đề nhận ra được những bất toàn trong cuộc sống và ăn năn cải thiện, đã điểm. Con người không được phép bước mãi theo vết chân cũ của mình, bước mãi trên con đường ích kỷ hẹp hòi. Vì đó là con đuờng lầm lạc sai trái, con đường của sự cám dỗ, con đường dẫn tới chỗ chết : trước hết chết trong trái tim, và sau cùng linh hồn cũng chết theo. Ðúng vậy, Mùa Chay Thánh nhắc nhở mỗi người trong chúng ta phai lo sửa sai quan điểm sống của mình cho đúng với tinh thần bác ái của Phúc Âm, phải biết nhận ra nơi tất cả những người đồng loại khuôn mặt những người anh chị em của chúng ta và cùng với họ chung vai gánh đỡ thập giá cuộc đời trong tình huynh đệ. Ðược vậy, chúng ta tất cả đã theo đúng vết chân Ðức Kitô trên con đường thập giá mà Người đã đi qua vì tình yêu đối với nhân loại. Chỉ qua con đường thập giá chúng ta mới đạt tới được sự phục sinh khải hoàn như Người. Bởi vậy, mặc dù thương yêu Con Một mình vô cùng, Thiên Chúa Cha đã không cứu Người khỏi những đau khổ và sự chết, hầu cho cả nhân loại được cứu sống, nhưng đã ban cho Con Một mình mọi quyền lực để thắng vượt sự chết và đã tôn vinh Con Một Người với sự phục sinh khải hoàn trong vinh quang bất diệt. Vậy, bạn và tôi, chúng ta cùng nhất trí đồng hành với nhau trên con đường Ðức Kitô đã một lần đi qua chứ? |