Chúa Nhật XXXIV TN - ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
AI ĐANG CHỜ ĐỢI TÔI
Chú giải của Noel Quesson

Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.

Trong bài giảng lớn cuối cùng này của Đức Giêsu, người thợ mộc hèn mọn Nadarét sau cùng biểu lộ ý thức phi thường mà Người có về vai trò của mình. Ơ đây, chúng ta có sự khẳng định mạnh mẽ nhất về thiên tính của Đức Giêsu theo nghĩa chặt chẽ. Trong vài ngày nữa, Người sẽ bước vào cuộc khổ nạn (Mt 26,1-5) và trở thành "ông vua" bị nhạo báng, bị đội mão gai, bị giết chết như một người nô lệ tầm thường. Nhưng Người biết mình là ai. Một ngày kia Người sẽ đến trong vinh quang để phán xét thế gian, là đặc quyền mà Cựu ước dành cho Giavê. Ở đây Đức Giêsu lấy lại tước hiệu Con Người mà Người đã sử dụng nhiều lần trong bài giảng về thời Thế Mạt (Cánh chung): Mt 24,3.27.30.37.39.44. Kể từ ngôn sứ Đanien (7,13), Con Người là nhân vật mầu nhiệm, có nguồn gốc từ trời, mà sách Khải Huyền Do Thái (Đặc biệt là sách Hê-nóc) mô tả như vị Thẩm Phán của thời Thế Mạt.

Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.

Thỉnh thoảng chúng ta nên nghĩ đến "Ngày" này. Tôi sẽ được đưa về với ngày đó rất nhanh. Lúc đó mọi sự vật trần gian sẽ có một tỉ lệ mới: Lạy Chúa, xin Chúa ngay từ bây giờ giúp con phán đoán mọi sự việc theo quan điểm vĩnh cửu, để phân biệt cái gì là không đáng kể với cái gì là quan trọng. “Các dân thiên hạ..". Tôi cũng thế, tôi sẽ có mặt ở đó. Một đám đông to lớn chờ phán xét. Cũng có mặt ở đó tất cả những người mà tôi yêu thích, tất cả những người mà tôi biết, tất cả những người mà tôi có trách nhiệm.

Nhưng cũng có mặt mọi người khác: Do Thái và không Do Thái, Kitô hữu và không phải Kitô hữu, tín hữu và không tín hữu, Hồi giáo, Ấn giáo, người theo thuyết vật linh… những nhà thần bí suốt đời sống trong sự cầu nguyện, và những người vô thẩm mà cả đời không bao giờ cầu nguyện... tất cả đều đứng trước mặt Đức Giêsu! Người là vị Vua Mục tử, tước hiệu mà văn chương của các ngôn sứ cũng đã dùng để nói về Gia-vê (Ed 34,11-22).

Bấy giờ Đức vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng:"Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho cắc ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”.

Trong vài ngày nữa, Đức vua này, Con Thiên Chúa sẽ bị đóng đinh. Tuy nhiên Người ý thức được "ý định của Thiên Chúa từ thuở tạo thiên, lập địa!". Người nói Thiên Chúa đã tạo ra con người… để một ngày ban cho con người Nước của Người làm gia nghiệp. Nhưng sự phán xét dựa trên tiêu chuẩn nào? Trên quy tắc nào sự sàng lọc được thực hiện?

Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn Ta khát, các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu, các người đã thăm nom, Ta ngồi tù, các người đã đến thăm.

Vậy chúng ta được phán xét dựa trên và chỉ dựa trên tình yêu. Và dựa trên một tình yêu rất đơn giản: cho ăn, cho uống, tiếp đón, cho mặc, thăm viếng, săn sóc. Như thế, những cử chỉ yêu thương khiêm hạ và chân thật có một giá trị vô cùng, một giá trị vĩnh cửu. Vả lại danh sách những hành động yêu thương mà Đức Giêsu kể ra không hạn chế. Đó chỉ là những gương mà chúng ta có thể kéo dài ra tùy theo cuộc sống của mỗi người.

Con tôi khóc ban đêm, và tôi thức dậy để dỗ dành âu yếm nó. Bà mẹ già của tôi không thể ngồi dậy, và tôi đã đỡ bà ra khỏi giường để cho bà ngồi vào ghế bành. Những người láng giềng của chúng tôi thiếu thốn tình bạn họ cần và chúng tôi đem tình bạn đến với họ. Trong giáo xứ, linh mục cần các bậc phụ huynh phụ trách việc dạy giáo lý và tôi đã chấp nhận trách nhiệm này và nó chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Các đồng nghiệp của tôi cần được bảo vệ và tôi đã lãnh trách nhiệm về cộng đoàn và chính sách.

Thế giới thứ ba yêu cầu chúng ta giúp đỡ để phát triển, và tôi đã tham dự vào chiến dịch thế giới chống nghèo đói…Người phối ngẫu, con cái tôi, bạn bè tôi... đang cần những cử chỉ yêu thương của tôi... Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng:

"Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp đón hoặc trân truồng là cho mặc. Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?"

Sự ngạc nhiên của những người "được cứu” là một trong những yếu tố gây kinh ngạc trong cảnh này. Theo Đức Giêsu không một ai trong số những người được Chúa Cha chúc phúc có vẻ nhận biết đích xác điều gì đã được diễn ra trong đời sống hàng ngày của họ: ý nghĩa sau cùng của các hành động họ làm chỉ được tiết lộ vào giờ sau hết.

Như thế, cuộc phán xét sau cùng này mà chúng ta tưởng tượng trong tương lai, còn rất xa trong thời gian, thực ra lại là một biến cố thường xuyên: Chính HÔM NAY là ngày phán xét? Thiên Chúa sẽ không cần phán xét con người, mà con người ta phán xét mình trong suốt cuộc đời.

Thiên Chúa chỉ cần tiết lộ điều đã được "che giấu” trong mỗi ngày mà họ đã sống. Đời sống vĩnh cửu đã được bắt đầu. Vậy điều gì đã được "che giấu” và không được nhận thức?

Để đáp lại Đức vua sẽ bảo họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”

Điều được "tiết lộ vì thế chính là sự hiển diện khó tin được của Đức Giêsu! Khi toàn bộ lịch sử nhân loại sẽ hoàn tất, và để tóm thu toàn bộ lịch sử ấy, Đức Giêsu chỉ có thể nói về Người, như thể trong vô số người đàn ông và đàn bà, chỉ mình Người đã hiện hữu, bằng sự hiện diện vô số và ẩn giấu. 'Ta đói …Ta khát… Ta ngồi tù… Ta là khách lạ.. Ta đau ốm...". Như thế, cuộc quang lâm sau cùng, sáng chói trong vinh quang của Đức Giêsu từ trên các đám mây sẽ là bằng chứng cho một "sự đến" khác, bí mật và ẩn giấu nhưng thường xuyên, và xảy ra qua những hành động yêu thương. Một cách rõ ràng và hiển nhiên sự hiện diện huy hoàng của Đức Giêsu trong ngày Thế Mạt sẽ nói rằng Người không ngừng đến và không ngừng hiện diện trong mỗi người anh em đang cần đến chúng ta.

Lạy Chúa, xin giữ cho chúng con luôn canh thức cho đến giờ Chúa sẽ hiện ra.

Rồi Đức vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó".

Lạy Đức Giêsu, Đấng mạc khải tình yêu của Chúa Cha, chính Chúa đã tuyên bố những lời đáng sợ như thế. Con lắng nghe và không thể trốn tránh trách nhiệm đã gạt bỏ những gì gây phiền nhiễu cho con trong Tin Mừng. Thật vậy Tin Mừng không phải là một thuyết duy tâm mơ hồ và nặng tình cảm, đó là lời kêu gọi của một yêu sách cực độ. Từ chối yêu thương... không giống như yêu thương? Không - tình yêu không thể có chỗ của nó bên cạnh Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta nhận thấy có một khía cạnh có tầm quan trọng tột bậc: Chúa Cha đã chuẩn bị thiên đàng cho người từ thuở tạo thiên lập địa... còn hỏa ngục không được chuẩn bị cho con người nhưng cho sa tan và các sứ thần của nó. Ơ đây chúng ta gặp lại nhân vật hắc ám mà ngay từ lúc đầu đã được giới thiệu như kẻ thù của Đức Giêsu (Mt 4,1), kẻ đã gieo cỏ lùng vào cánh đồng lúa mì (Mt 13,39), kẻ mà Đức Giêsu đã nhiều lần đi đầu để tiêu diệt (Mt 9,34; 12,24; 8,31; 15,22; 17,18). Tín điều về hỏa ngục không do Giáo Hội bày đặt ra. Chúng ta nghe từ chính miệng Đức Giêsu: “Quân bị nguyền rủa, đi đi cho khuất mắt Ta…”

Tín điều về Hỏa ngục có nghĩa như sau: Thiên Chúa có đủ tình yêu cao cả để cho tạo vặt được tự do với sự tự do chân thật, kể cả tự do nói "không" với Thiên Chúa. Dĩ nhiên Thiên Chúa không muốn có Hỏa ngục. Và sự hiện diện dù của chỉ một người bị sa Hỏa ngục đối với chúng ta cũng là một cớ vấp ngã, đối với Thiên Chúa thì còn hơn thế nữa. Giữa Hỏa ngục “có thể" và Hỏa ngục thực, Thiên Chúa can thiệp với tất cả năng lực của Tình Yêu Của Người: chính ở chỗ đó, thập giá của Đức Giêsu được dựng lên Thiên Chúa đã làm tất cả để không một ai phải vào chỗ đó nội các tạo vật dứt khoát nói "không" với Thiên Chúa. "Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ". "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người' tội lỗi" (Mt 9,13). "Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi" (Rm 5,9). "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu (1Tm 2,4). Hỏa ngục vì là sự khước từ tuyệt đối Tình yêu nên lúc nào cũng chỉ hiện hữu từ một phía... phía của người đã tạo ra hỏa ngục cho chính mình. Nhưng chính Thiên Chúa không thể có bất cứ sự cộng tác nào trong sự lệch lạc ấy. Chừng nào còn có dù chỉ một con người ở trong sự khước từ ấy thì có thể nói Thiên Chúa còn thấy mình bị đóng dấu sắt nung đỏ bởi sự từ chối ấy xúc phạm đến tình yêu vô hạn của Người và người ta đoán rằng dấu ấn này đã mang hình thể của thập giá?

Vì xưa Ta đói, các Ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom". Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ đâu?": Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các người không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy". Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.

Cả hai cảnh phán xét hoàn toàn giống nhau và đối nhau: điều mà những người này đã làm, những người khác bỏ không làm. Mọi con người dù là Kitô hữu hay không, dù biết hay không biết Đức Giêsu sẽ bị xét đoán trên cùng một tiêu chuẩn: không phải số lời cầu nguyện đã đọc, những hành động thờ phụng đã hoàn tất …những tình yêu cụ thể mà người ấy sẽ biểu lộ cho các anh em mình. Không làm điều xấu chưa đủ. Còn phải làm điều tốt. Mỗi con người ngay từ HÔM NAY được phán xét bằng điều tốt lành mà người ấy làm cho những người cần đến người ấy. Vậy ngày hôm nay, ai đang chờ đợi tôi một điều gì?