Chúa Nhật XXXI  thường niên - Năm A
ĐẠO ĐỨC THẬT VÀ ĐẠO ĐỨC GIẢ
SƯU TẦM 

Có một bà vợ thường xuyên càu nhàu về tình trạng khô khan nguội lạnh của ông chồng. Hơn thế nữa, bà còn tỏ ra khinh ghét tất cả những hình ảnh ông đã xâm trên mình.

Ngày kia, trong một cố gắng nhằm cải thiện đời sống cũng như mối liên hệ với vợ, ông đã quyết định xâm hình Chúa Giêsu thật to trên tấm lưng của mình. Trở về nhà, ông hớn hở giơ tấm lưng trần cho vợ xem và hỏi:

- Bà có biết ai đây hay không?

Chẳng đợi cho vợ trả lời, ông liền nói:

- Chúa đấy.

Thế nhưng, bà vợ bỗng nổi giận đùng đùng và quát lớn:

- Thật là báng bổ. Chúa nào lại ở trên cái lưng bẩn thỉu và nhớp nhúa của ông.

Nói rồi, bà vơ lấy cái chổi và cứ thế quất vào tấm lưng của ông cho đến khi bật cả máu.

Sau trận đòn ấy, ông ra ngồi dưới một gốc cây và bật khóc. Ông khóc không phải vì trân đòn của bà vợ thuộc vào hạng sư tử Hà Đông, nhưng khóc vì nhận ra rằng mình không còn cách nào để làm đẹp lòng bà vợ luôn tự hào về tình trạng đạo đức của mình.

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đọan Tin mừng sáng hôm nay và chúng ta dễ dàng nhận ra hai mẫu người đã được Chúa Giêsu nhắc đến. Mẫu người thứ nhất là những người luôn vỗ ngực tự hào vì mình công chính và đạo đức. Còn mẫu người thứ hai là những kẻ tội lỗi và bị xã hội loại trừ.

Chúng ta còn thấy được chân dung hai mẫu người này qua những lời giảng dạy cùa Chúa và nhất là qua những câu chuyện Ngài đã kể.

Chẳng hạn câu chuyện về người con phung phá.

Cậu em tượng trưng cho kẻ tội lỗi, còn người anh cả tượng trưng cho những người tự nhận mình là đạo đức và công chính. Khi nghe biết thằng em mình đã ăn năn sám hối, quay trở về và được người cha niềm nở tiếp đón, thì anh ta đã sừng sổ và giận dữ. Trong lúc người cha dịu dàng khoan dung, thì anh ta đã bực tức xỉa xói:

- Thằng con hư đốn của cha.

Chủ đích của câu chuyện dĩ nhiên nói về lòng nhân từ và khoan dung của Thiên Chúa, nhưng đồng thời qua đó, Ngài còn nhắm tới bọn biệt phái và luật sĩ vì đám người này đã tỏ ra bực bội và tức tối khi thấy những kẻ tội lỗi được Chúa Giêsu ân cần tiếp đón.

Và hơn thế nữa, họ vốn tự hào là những người đạo đức và công chính, để rồi có thái độ kinh bỉ, chỉ trích và gay gắt kết an những kẻ tội lỗi.

Chúng ta cũng thấy được chân dung hai mẫu người trên qua câu chuyện về người biệt phát và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện.

Người biệt phái thì huênh hoang tự đắc:

- Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì con chẳng phải là kẻ ham hố, bất lương hay ngọai tình. Con cảm tạ Chúa vì con không giống cái thằng thu thuế kia. Con dâng cho Chúa một phần muời hoa lợi của con…

Ngược lại, người thu thuế thì đứng ở đằng xa, cúi đầu, đấm ngực và khiêm tốn kêu cầu:

- Lạy Chúa, xin thương xót con vì con chỉ là một kẻ tội lỗi.

Và Chúa Giêsu đã kết thúc câu chuyện:

- Ta nói cho các ngươi hay khi trở về, không phải người biệt phái mà là người thu thuế được nên công chính trước mặt Thiên Chúa.

Sở dĩ như vậy là bởi vì ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên.