Chúa Nhật XXX  thường niên - Năm A
YÊU MẾN THIÊN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ
VÀ YÊU NGƯỜI NHƯ CHÍNH MÌNH
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Câu hỏi những người biệt phái đặt ra cho Chúa Giêsu là câu hỏi vốn được đặt ra giữa những người biệt phái và luật sĩ nhưng đã trở thành nan giải: điều răn nào là điều răn trọng nhất. Đối với những người do thái, lề luật vốn là niềm tự hào của họ, bởi vì lề luật do Thiên Chúa ban tặng, là dấu chứng giao ước của Thiên Chúa với họ. Những người do thái hằng phải luôn ghi nhớ và thi hành lề luật. Để ghi nhớ, họ phải làm hộp đựng bản văn lề luật quan trọng nhất để đeo trên trán, trên tay, trước ngực, trên cửa nhà để nhắc nhở họ luôn thi hành khoản luật quan trọng là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thế nhưng bên cạnh khoản luật quan trọng mà họ thuộc nằm lòng, lề luật càng lúc càng tăng thêm nhiều khiến những người do thái cảm thấy phân vân bối rối không biết làm thế nào để chu toàn lề luật. Câu hỏi đặt ra trong bài phúc âm hôm này cho thấy sự bối rối của họ trước quá nhiều điều khoản lề luật phải chu toàn.  

          Câu trả lời của Chúa Giêsu chắc hẳn làm cho những người do thái hài lòng và đồng ý, bởi vì Chúa Giêsu cũng nhắc lại giới răn căn bản nhất mà họ vốn cố gắng giữ là điều khoản của bản văn sách đệ nhị luật 6,4 gọi là kinh Shema nghe đây . Nhưng điều ngạc nhiên và đánh động những thính giả của Chúa Giêsu là nêu lên điều răn thứ hai hãy yêu thương người khác như chính mình và lời kết luận vắn gọn nhưng rất quan trọng xúc tích của Chúa Giêsu: “toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều gồm tóm trong hai giới răn này”. Câu trả lời của Chúa Giêsu chắc hẳn phải làm những người biệt phái và luật sĩ phải ngạc nhiên, bởi vì họ đã không thể nối kết được giới răn yêu người như Chúa Giêsu đã làm. So với lời giải đáp của Chúa Giêsu thì cách thực hành của những người do thái quả còn rất xa lạ, họ chưa đủ sức để nhận định đúng mức tầm vóc quan trọng của điều răn thứ hai này cần phải thực hành để chu toàn lề luật.  

        Thực vậy, khi hỏi điều răn nào trọng nhất, những người biệt phái cho thấy thái độ của họ đối với lề luật rất khác xa với thái độ của Chúa Giêsu. Cung cách đặt câu hỏi và hành động của những người do thái là phân mãnh lề luật và vì thế làm mất đi trọng tâm và tính thống nhất của lề luật. Vì thế họ rơi vào một hoàn cảnh chơi vơi lạc lỏng giữa những thực hành rất vất vả đa đoan mà không bao giờ có thể đạt đến đích điểm. Trái lại thái độ của Chúa Giêsu lại rất tập trung và vì thế, người đã gọn gàng đi đến đích điểm của việc chu toàn lề luật một cách hiệu quả. Vì thế, thay vì giới hạn đòi hỏi của lề luật như những người biệt phái làm để phân mãnh những lề luật cách vô ích thành những điều phải làm hay không phải làm cách rất nặng nề, Chúa Giêsu dạy rằng giới răn của lề luật phải bao trùm tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với chính mình và người thân cận. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến mọi người với cả con người chúng ta. Việc thực hành này là thống nhất độc đáo, vì dành cho Thiên Chúa toàn thể tình yêu của chúng ta, những gì chúng ta là cũng như chúng ta có và đồng thời không được phân ly giới răn yêu người thân cận với tình yêu dành cho chính mình. Tình yêu người khác phải được thực hành hoàn hảo đến mức độ không còn phân biệt giữa tình yêu chính mình với tình yêu người khác.  

       Giới răn thứ hai này có thể gợi lên hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất, ai là người thân cận của tôi ? Tổng kết lại những lời dạy của Chúa Giêsu, có thể nói  rằng người thân cận không chỉ là người ở gần với chúng ta như là cha mẹ, anh chị em hay bà con, người cùng quê hương xứ sở,  nhưng là bất cứ ai mà chúng ta gặp trong cuộc đời của chúng ta. Nói cách khác, mọi người đều là người thân cận của chúng ta, nhất là những ai đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Thứ đến, yêu người thân cận như thế nào? Làm sao thực hiện tình yêu này cách cụ thể. Chúa Giêsu trả lời : tình yêu chúng ta dành cho người thân cận cũng chính là tình yêu chúng ta dành cho chính mình. Có thể chúng ta vốn yêu mình theo bản năng tự nhiên, nhưng chúng ta không nghĩ nhiều tình yêu chính bản thân mình bao gồm những khía cạnh căn bản nào. Tự nhiên, chúng ta biết phải chăm sóc và kính trọng chính bản thân mình. Vậy tình yêu đối với tha nhân cũng đòi hỏi như thế. Chúng ta cố gắng chăm sóc cho người khác và kính trọng họ theo mức độ như chúng ta dành cho chính mình. Chúng ta vốn không làm điều gì trong lời nói và việc làm có thể làm giảm đi phẩm giá của mình, giới hạn khả năng của mình để phát triển cá nhân mình, hoặc làm lu mờ vẻ đẹp bên trong của mình thế nào thì chúng ta cũng không làm như thế cho người khác. Tình yêu định rõ tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân. Càng thực hành giới răn tình yêu Thiên Chúa và tha nhân chúng ta càng sống thực sự hoàn hảo tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Hơn nữa, tình yêu sẽ là nguồn của mọi vâng phục của chúng ta đối với bất cứ giới răn nào. Khi đã có tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta sẽ có sức mạnh để chu toàn mọi giới răn khác một cách tự nhiên. Vì thế tình yêu Thiên Chúa và tha nhân là giới răn lớn nhất bởi vì đây chính là điều kiện giúp chúng ta chu toàn tất cả Lề luật của Thiên Chúa. 

          Lời dạy của Chúa Giêsu về tình yêu như là giới răn trọng nhất không phải là những lời nói trống rỗng.  Đây cũng là những gì Chúa Giêsu đã thực hiện cách quyết định trong việc chu toàn công trình cứu độ được Chúa Cha trao phó. Chính vì tình yêu đối với Chúa Cha và đối với mọi người mà người đã hiến dâng mạng sống mình trên thập giá. Để cụ thể hóa, chúng ta thử đọc lại bài đọc 1 trích từ sách Xuất hành chương 22. Đây là những hướng dẫn rất cụ thể những hoàn cảnh mà những người do thái được nhắc nhở : như phải biết sống chan hòa yêu thường đùm bọc cách đặc biệt đối với những khách ngoại kiều cư ngụ trên xứ sở của họ bởi vì chính bản thân của họ vốn đã là những khách ngoại kiều ở Ai cập và họ đã bị đối xử cách tồi tệ và họ đã cảm nghiệm những đau khổ của thân phận người ngoại kiều; đừng làm hại cô nhi quả phụ là những người được Thiên Chúa bảo vệ cách đặc biệt bởi vì làm hại cô nhi quả phụ sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề; trường hợp có cho người nghèo vay mượn tiền của, đừng hối thúc họ trả lại cũng như đừng lợi dụng mà ép họ phải chịu lãi nặng. Trường hợp người nghèo phải cầm cố chiếc áo che thân, thì phải lo sớm trả lại cho họ để họ che thân ban đêm khi ngủ. Vì thế, giới răn tình yêu mà Chúa Giêsu đã đúc kết khi trả lời câu hỏi của những người biệt phái và luật sĩ thực là quyết liệt,  thúc đẩy chúng ta biết ra khỏi vòng hạn hẹp của tình yêu tự nhiên của chúng ta, đưa chúng ta đến sự thống nhất đời sống cách hiệu quả và ở trong tầm tay của chúng ta. Thực hành giới răn tình yêu này lôi kéo những cố gắng của chúng ta thực sự vào trọng tâm của đời sống của chính mình, bởi vì thực hành này giúp chúng ta đạt đến chính thánh ý Thiên Chúa và tránh cho chúng ta khỏi phải rơi vào những vòng lẩn quẩn vất vả vô ích vô tận không bao giờ có thể đi đến mục đích.