Chúa Nhật XXII thường niên - Năm A
THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ
SƯU TẦM

I. ĐẠI DIỆN ĐỨC KITÔ HAY PHẢN NGHỊCH ĐỨC KITÔ (16, 21-23)

Trên đây, Đức Kitô vừa được các môn đệ nhìn nhận như Đấng phải đến để thực hiện một khúc rẽ trong lịch sử. Vì thế, mặc dầu dân Do Thái không nhận biết Chúa, các môn đệ vẫn tin nhận Ngài như vị Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống. Thánh Phêrô vừa tuyên xưng đức tin này. Nhờ thế, Ngài đã được Chúa trao quyền thủ lãnh cùng với chìa khoá nước trời. Nền móng đầu tiên của Giáo hội đã được thiết lập, căn cứ trên sứ mệnh của vị Tông đồ. Quyền lực ma quỷ cũng không nổi lên chống lại được. Tuy nhiên khi Chúa Giêsu vừa mới quyết định hoàn tất việc kỳ diệu này, thì bóng đen hoả ngục đã bắt đầu quấy rối. Bối cảnh bỗng thay đổi đột ngột.

1) Cảnh tương phản:

Chính Đức Kitô không ngần ngại loan báo, Ngài sẽ bị thất bại, chịu đau khổ, chịu chết rồi sẽ sống lại. Đó thực là một tương phản ghê sợ: Ngài là vị Cứu tinh, Con Thiên Chúa, sử dụng vương quyền Thần Linh, thiết lập một cộng đồng mới cho Thiên Chúa, thế mà Ngài sẽ bị kết án, bị xử hình do chính dân Ngài chọn. Nếu ngay từ bây giờ, Ngài rời bỏ dân Israel và các thủ lãnh, họ cũng chẳng thay đổi ý kiến để cứu Ngài. Ngược lại, sự xa cách này càng làm họ ngoan cố từ chối Ngài rồi tăng thêm lòng căm thù. Có ba tầng lớp được dân tín nhiệm: Bậc Lão thành, đại diện giai cấp lãnh đạo, các Tư tế coi việc Phụng tự trong đền thánh, các Luật sĩ, chuyên viên luật pháp. Tất cả các tầng lớp đều kết án Ngài. Chúa Kitô bị chối bỏ nhân danh dân tộc , Đền thờ và luật pháp. Than ôi, tình cảnh đó đã là một thảm trạng không phải cho Chúa Giêsu nhưng cho dân Do thái.

Chúa Giêsu đã tiên báo định mệnh của Ngài quá đột ngột, khiến cho các môn đệ xúc động không còn nghĩ đến biến cố Phục sinh nữa. Sự Phục sinh đối với họ có lẽ quá khó hiểu. Các bản văn tiên tri ám chỉ những đau khổ của tôi tớ Giavê vẫn là những giòng chữ chết, vô nghĩa trước mắt họ. Họ không nghĩ tới mầu nhiệm Thập giá.

2. Đối với Phêrô, Phêrô cũng cảm thấy một tương phản như thế:

Chúa là người được chọn, được đặc ân, nắm trong tay vương quyền tối thượng siêu nhiên, thế mà bỗng nhiên bị lao xuống vực thẳm. “Cút đi Sa-tan”. Lời Chúa có vẻ thô bạo. Nhưng hình thức đó nói lên tầm nghiêm trọng của vấn đề. Đường lối do Chúa Cha chỉ định sẽ đưa đến Golgotha. Ai muốn Ngài xa khỏi đường lối này, là kẻ nuôi những tư tưởng hoàn toàn phàm tục để cám dỗ Chúa. Thánh giá là tột đỉnh của đời Chúa Giêsu, là bí mật đích thực và là mầu nhiệm chân chính của ơn cứu chuộc. Nhờ sự chết của Ngài, chúng ta sẽ được sống nhờ việc Ngài tự huỷ, chúng ta sẽ được Phục sinh.

Đối với Phêrô, lời Chúa dạy thực là khẩn thiết. Vì yêu mến Chúa, Phêrô can ngăn Chúa. “Thầy đừng chịu như thế”. Hình như đó là lời can ngăn phát sinh do tình yêu giả trá, vì tình yêu chân chính đưa đến Thiên Chúa. Tình yêu đó nhận biết rằng Thánh ý Thiên Chúa là tình yêu, nên tất cả những gì không tùng phục thiên ý, chỉ là vẻ nhiệt thành bên ngoài, chứ không phải lòng mến thực sự. Thánh Phêrô đã có đức tin đảm nhận tất cả để đáp lại lời Chúa. Ngài còn phải học để biết tin tưởng và yêu mến một cách trung thực. Người sẽ phải chu toàn phận sự theo tinh thần Thiên Chúa chứ không phải theo quan niệm nhân loại. Người phải đổi cách sống và suy nghĩ. Người phải biết đòi hỏi đó. Ngài và những người kế vị phải chấp nhận như thế.

Kết quả ra sao sau lời can ngăn của Phêrô? Chúa Giêsu đã khiển trách “cút đi Satan”. Chúa khiển trách vì Phêrô đã nuôi những tư tưởng phàm tục do ma quỷ xúi dục. Thế là đấng mà Chúa Giêsu tuyển chọn làm kẻ đại diện, đã vô tình biến thành kẻ phản nghịch. Lời Luther sau này ám chỉ Giáo Hoàng là địch thủ chí tử của Đức Kitô, hình như vô tình đã có một vài dấu vết nơi vị Giáo Hoàng tiên khởi.

Nhưng chớ vội lầm tưởng! Tin Mừng đã đổi giọng điệu! Chắc hẳn Người sẽ là địch thủ của Đức Kitô nếu Người đã ngoan cố theo cách suy nghĩ riêng: “Như thế, người ta sẽ thấy rõ vẻ mâu thuẫn giữa chức vụ và tinh thần của Người”. Song không phải như thế. Trong các đoạn Tin Mừng kế tiếp, ta thấy rằng chính Thánh Phêrô được Chúa dẫn lên núi biến hình cùng với Thánh Giacôbê và Gioan. Người đã được chiêm ngắm Chúa trong vinh quang. Lời Chúa tiên báo cách nghiêm trọng sự phục sinh của Ngài lúc đó rất dễ hiểu với Thánh Phêrô. Trong chương mười bảy Tin Mừng Matthêu, Chúa đã dùng một phép lạ đặc biệt, giúp Phêrô được hiểu biết chắc chắn về chức vụ là con Thiên Chúa của Ngài. Trong chương 19, chính Phêrô đã nói nhân danh anh em đồng viện, rồi cũng chính người cùng với hai con ông Giêbêđêô đã gần Chúa trong vườn Cây dầu. Sau đó, người đã chối Chúa, lao sâu xuống vực thẳm lần thứ hai. Nhưng khi Chúa đã sống lại, theo Tin Mừng Thánh Gioan, Ngài đã trao phó cho Thánh Phêrô quyền chăn dắt đoàn chiên. Công vụ sứ đồ mô tả Phêrô là người hướng dẫn và là thủ lãnh của Giáo Hội sơ khai. Quả thực, trong khoảnh khắc, Phêrô đã nghĩ lại. Ý tưởng nhân loại do ma quỷ xúi dục đã nhường chỗ cho ý nghĩ do Thiên Chúa linh ứng. Môn đệ đã qua ngưỡng cửa Thánh giá. Người đã chấp nhận tinh thần của Thầy Chí Thánh. Chức vụ trong Giáo Hội phải nhằm mục đích phục vụ Thánh giá. Các viên chức trong Giáo hội không được ích kỷ, không được để bị lôi cuốn bởi tính yếu đuối và lòng đạo đức sai lạc trong các quyết định. Vị đại diện Đức Kitô phải theo tinh thần Đức Kitô chu toàn nhiệm vụ đã nhận lãnh. Chỉ khi nào biết mặc lấy tinh thần Đức Kitô, nhận lãnh chức vụ nơi Ngài, hoàn toàn giống như Ngài, được niêm ấn bằng Thánh giá, bấy giờ họ mới không phải là địch thủ của Đức Kitô.

Vậy ngay từ khi bắt đầu huấn luyện tông đồ, Chúa đã nói về Thánh Giá. Người ta không xứng đáng với danh hiệu tông đồ, nếu không yêu thích Thánh Giá. Đó là chân lý không những có giá trị đối với Phêrô, nhưng còn đối với chúng ta.

II. BẮT CHƯỚC ĐỨC KITÔ (16, 24-28)

Không phải chỉ có Chúa Giêsu và Thánh Phêrô mới được mời gọi chịu đau khổ, nhưng tất cả các môn đệ của Chúa cũng đều phải chịu đau khổ.

Ở đây không mập mờ “Nếu ai muốn làm môn đệ của ta hãy bỏ mình”. Phải từ bỏ những nguyện vọng, chương trình, tư tưởng riêng để hoà hợp với nhãn quan Thiên Chúa. Vì tư tưởng loài người không phải là tư tưởng của Thiên Chúa. Về vấn đề này, lời Chúa nói với Phêrô rất rõ ràng. Kitô giáo không phải để mỗi người tôn vinh chính mình theo chiều hướng nhân loại, nhưng Kitô giáo đòi phải thực hiện một bước tiến mới mẻ tuyệt đối: Phải chết đi để được sống, từ bỏ để lãnh nhận, từ chối để quyết đáp.

Tự thâm tâm phải từ bỏ để vác thập giá mình theo Chúa. Đó là một tâm tình sẵn sàng chịu chung số phận với Chúa Giêsu, chịu bách hại và lùng bắt. Thánh giá là sự hành quyết nhục nhã dành cho những tên nô lệ. Phải biết chuẩn bị chịu khổ hình này. Phải liều chịu như vậy. “Ai muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình vì ta, sẽ cứu được”. Ở đây không những chỉ nói về lợi lộc và thua thiệt đối với của cải tạm thời, nhưng đối với chính mạng sống để bị thua thiệt hoàn toàn hay được lợi lộc hoàn toàn. Phải từ bỏ cả vũ trụ hư nát hơn là đánh mất linh hồn hay làm hại linh hồn bất diệt. Cuộc sống vĩnh cửu thực là vô giá. Lấy gì đền bù lại linh hồn. Vậy ta phải có mục đích duy nhất là bắt chước Đức Kitô. Tôn giáo không phải chỉ là một lãnh vực hoạt động trong hoạt động khác của cuộc sống. Kitô giáo cũng không phải chỉ là một hỗ trợ phụ thuộc, ngược lại, Kitô giáo đòi hỏi phải chọn lựa quyết liệt để trở nên con người hoàn toàn mới mẻ.

Sở dĩ Chúa Giêsu đòi hỏi như thế là vì một nguyên do rất đặc biệt “Con Người phải đến trong vinh quang Chúa Cha với các Thiên thần, bấy giờ Ngài sẽ thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự nghiệp của họ”. Sự kiện ấy đem lại một viễn tượng mới về cùng đích tối hậu trường tồn và vĩnh cửu: Ta phải từ bỏ để chuẩn bị ngày Chúa đến. Tất cả những gì thuộc về dương thế và thời gian đều có tính cách chuẩn bị và tiên phong. Mục đích thực sự của chúng ta là Thiên đàng vĩnh cửu. Đức Kitô đã đến lần thứ nhất để hoàn tất thực tại này. Nhưng thực tại ấy vẫn còn bí ẩn nhiệm mầu để chỉ hiển hiện khi Chúa bày tỏ vinh quang rực rỡ trong lần tái giáng. Như thế người công giáo nhìn về một vũ trụ khác mà ngay từ bây giờ họ có thể hướng tới. Thế giới hiện tại tạm thời cũng có đôi chút hấp dẫn. Những ai đứng bên ngoài Kitô giáo không biết đến thực tại khác ngoài thế giới này, thì họ cho thái độ của Kitô giáo là một thái độ mơ mộng đầy ảo tưởng, không biết lợi dụng thế giới và thời gian. Ngược lại người công giáo lại gọi kẻ dấn thân hoàn toàn vào trần thế mà quên đi thực tại siêu việt, là kẻ mù quáng thiển cận và suy bại. Đó là những lập trường không thể đội trời chung. Một đàng quá ích kỷ vụ lợi, một đàng đòi xả kỷ hy sinh; một đàng thích hưởng thụ, một đàng thích dâng hiến cuộc sống. Để đáng được làm môn đệ của Chúa Giêsu, phải nắm vững lập trường: Sẵn sàng chịu thua thiệt để được lợi lộc. Thái độ chấp nhận này sẽ biến đổi tất cả đời sống. Không gì nguy hiểm hơn việc tối thiểu hoá tinh thần bắt chước Đức Kitô. Dù sao, không thể vừa thuộc về Thiên Chúa vừa thuộc về ma quỷ. Thiên quốc vinh quang của Thiên Chúa thực bao la! Được vĩnh viễn tham dự vinh quang này là một ơn huệ cao trọng, vì thế ta sẵn sàng bỏ những gì khác để đền đáp ơn huệ này. Đó là một thái độ đáp trả vô điều kiện, phát xuất từ một tâm hồn vui vẻ, bằng lòng bước theo đường Thánh giá, chịu vác Thánh giá hằng ngày. Chết là điều kiện tiên khởi và tuyệt đối để được sống lại. Chỉ có ai hiểu được điều ấy mới là người Công giáo.