Chúa Nhật XXI thường niên - Năm A
THẦY LÀ AI?
SƯU TẦM

Rembrandt vẽ Đức Giêsu rất con người với tất cả ánh sáng và bóng tối. El Greco trình bày một Đức Giêsu đòi hỏi và hoang dã, hơi gầy và tình cảm. Còn Angelico miêu tả một Đức Giêsu ngọt ngào giống như thiên thần. Có những hình vẽ Đức Giêsu là Chúa Chiên Lành, hiền từ và yêu thương, ôm lấy những con chiên hay bế trẻ thơ trong cánh tay. Có hình vẽ Đức Giêsu là quan án, nghiêm khắc, ngồi trên ngai, đang nhìn thấu suốt tâm tư của con người.

Điều không ai nghi ngờ là, con người được miêu tả nhiều nhất trong nghệ thuật trải qua bao thế kỷ, là Đức Giêsu Kitô. Ngày xưa cũng như ngày nay, người ta vẫn tiếp tục vẽ ra hình ảnh của Ngài. Bài Phúc âm hôm nay, nói đến sự kiện Chúa Giêsu rút về vùng Caesarea Philippi và hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?” Họ trả lời: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ thì bảo là Elia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Ngài hỏi thẳng các môn đệ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

William Barclay đã nêu lên những lý do rất hợp lý giải thích tại sao Chúa Giêsu lại rút về vùng Caesarea Philippi để dạy cho các môn đệ biết Ngài là ai. Vào thời điểm này, Chúa Giêsu phải đối diện với một vấn đề rất gay go. Cuộc đời trần thế của Ngài quá ngắn ngủi, đã có ai thực sự hiểu và nhận biết Ngài là ai chưa? Vì thế, Chúa đã chọn lựa rất kỹ lưỡng địa danh này để đặt câu hỏi “Thầy là ai?”

Theo William Barclay, vùng Caesarea Philippi cách biển Galilêa 25 dặm về phía đông bắc, ngoài vùng đất cai trị của vua Hêrôđê, đa số dân chúng không phải là Do Thái, chịu ảnh hưởng của những thần ngoại đạo, với nhiều đền thờ cổ thờ thần Baal của người Syrian. Vùng này lại có nhiều hang động nằm sâu trong núi. Một trong những hang này được tin tưởng là nơi sinh ra của vị thần Pan, thần của vũ trụ. Những huyền thoại về các thần của người Hy Lạp đã được gom góp lại trên phần đất này. Xa hơn nữa, hang này đã được truyền tụng là nơi xuất phát ra những nguồn suối nước tạo nên dòng sông Giođan. Nhưng quan trọng hơn hết, có một đền thờ vĩ đại bằng cẩm thạch trắng để thờ vị thần của hoàng đế Caesar.

Đang khi nhóm người Do Thái chính thống âm mưu giết Ngài như một kẻ rối đạo, Ngài đi đến một vùng đất thiêng thánh nhất của dân ngoại để mạc khải sự thật của Ngài. Đây là một bối cảnh có ý nghĩa sâu xa và có lẽ cũng là nơi an toàn để Chúa Giêsu cùng với 12 môn đệ tuyên xưng niềm tin. Qua lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu mạc khải về thần tính của Ngài ở địa vị tối thượng trên hết mọi thần linh.

Câu trả lời của thánh Phêrô là kết quả của những ngày tháng gặp gỡ chính con người Đức Kitô. Ông đã quan sát đời sống hằng ngày của Ngài khi giảng dạy, làm phép lạ, chữa lành bệnh nhân, kêu gọi dân chúng thay đổi đời sống, tiếp xúc với những người tội lỗi, phụ nữ và trẻ em, ăn uống, gần gũi và yêu thương những người bị bỏ rơi… Khi sống chung với Đức Giêsu Kitô, sự nhận thức của Phêrô về Ngài được mở ra dần dần. Ông nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Lời tuyên xưng phát xuất từ sự gặp gỡ chân thành trong tâm hồn của Phêrô.

Đức Tổng giám mục Oscar Romero của El Salvador, người đã bị bắn chết đang lúc dâng thánh lễ, đã phát biểu một cách hùng hồn rằng: “Kitô giáo không phải là một bộ sưu tập những sự thật để tin, những luật lệ phải tuân giữ… Kitô giáo là một con người… Kitô giáo là Chúa Kitô”.

Chính sự kết hợp mật thiết và gắn bó với Chúa Giêsu mà Phêrô đã được đặt làm thủ lãnh của Giáo Hội: “Con là Đá, trên đá nầy Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được.