Chúa Nhật X thường niên - Năm A - THIÊN CHÚA BA NGÔI
MẦU NHIỆM CAO CẢ
                                      Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Hôm nay, Hội Thánh trên khắp hoàn cầu mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một mầu nhiệm lớn nhất, cao cả nhất và khó hiểu nhất trong đạo Công Giáo chúng ta.

Với trí khôn hạn hẹp của con người làm sao chúng ta hiểu được mầu nhiệm cao cả này, nếu Chúa Giêsu không mạc khải cho nhân loại biết. Vậy Chúa Giêsu mạc khải mầu nhiệm này như thế nào?.

 Thưa, Chúa Giêsu không đọc một bài diễn văn dài dòng văn tự, chứa đựng những giáo lý thần học cao siêu hay một bài giảng thuyết suông như chúng ta vẫn thường nghe thấy nơi các bài diễn văn của một ai đó, nhưng trong ba năm rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu từ từ mạc khải cho nhân loại biết có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.

Đầu tiên, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết có một Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngài mời gọi: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Ngài bảo chúng ta hãy có lòng thương xót như Chúa Cha là Đấng hay xót thương (Lc 6,36). Ngài dạy chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha qua kinh lạy Cha... (Mt 6,7-14).

Khi dạy về chính mình, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta biết Ngài là Con Một của Chúa Cha, Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai, được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ nhân loại. Ngài đến để thi hành thánh ý Chúa Cha. Khi đi rao giảng Tin mừng, Ngài đã làm rất nhiều phép lạ để chứng minh Ngài là Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự (Mt 9, 2-8). Rồi cuối cùng khi tắt thở trên cây Thánh giá, Ngài phó linh hồn trong tay Chúa Cha.

Khi dạy về Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi” (Ga 14,16). Và quả thật, sau khi Chúa Giêsu về trời 10 ngày, thì Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Cuối cùng trước khi Chúa Giêsu về trời, Ngài ra lệnh cho các tông đồ tiếp tục sứ mạng của Ngài là: “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ. Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).

Như vậy, chúng ta thấy Ba Ngôi chia sẻ cho nhau mọi sự mình có: "Mọi sự Cha có đều là của Thầy" (Ga 16,15).

Ba Ngôi cùng nhau hành động trong sự hoà hợp. Thánh Thần không tự mình mà nói nhưng chỉ nhắc lại và đào sâu lời Chúa Giêsu, giống như Chúa Giêsu cũng không tự mình mà nói nhưng chỉ nói những gì mình nghe được từ Cha.

Nếu sống là sống với, sống cho, sống nhờ thì chúng ta có thể gặp được mẫu mực sống tuyệt vời nơi Ba Ngôi Thiên Chúa.

Sự sống của chúng ta có tương quan với từng Ngôi một. Chúa Cha, tình yêu sáng tạo, dựng nên muôn loài muôn vật. Chúa Con, tình yêu cứu chuộc bằng hy sinh mạng sống. Chúa Thánh Thần, tình yêu thánh hoá trong nguồn ơn thánh. Chúng ta biệt qui cho dễ hiểu, chứ thật ra, Ba Ngôi liên kết với nhau trong một tình yêu. Nghĩa là: đồng sáng tạo, đồng cứu chuộc và đồng thánh hoá.

Anh chị em thân mến,

Cuộc đời Kitô hữu chúng ta gắn liền với Chúa Ba Ngôi, và tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bằng dấu Thánh giá.

Từ khi lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta được ghi dấu Thánh giá trên mình, lúc đó có Chúa Ba Ngôi ngự trong linh hồn ta. Rồi trong đời sống hằng ngày, từ việc ăn uống, học hành, hay làm những việc đạo đức, từ khởi sự cho đến hoàn thành, chúng ta đều làm dấu Thánh giá. Và ngay cả khi chúng ta nhắm mắt lìa đời nằm dưới nắm mồ, cũng được khắc ghi Thánh giá trên ngôi mộ.

Như vậy, mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh giá, là chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Chúng ta muốn ghi dấu Ba Ngôi Thiên Chúa trên mình, và trong mọi hoạt động của chúng ta. Hay nói đúng hơn, chính Ba Ngôi đã không ngừng ghi dấu trên cuộc đời chúng ta và trong suốt dòng lịch sử.

Vậy hôm nay, mừng kính mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, chúng ta nên ý thức hơn mỗi khi làm dấu Thánh giá, mỗi khi đọc kinh Sáng danh và kinh Tin kính, là chúng ta làm với tất cả tấm lòng tôn kính và hãnh hiện tuyên xưng niềm tin của mình vì là môn đệ Chúa Kitô. Amen.