Chúa Nhật CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
CẢM MẾN CÔNG ƠN CỦA CÁC ANH HÙNG TỬ ĐẠO
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Ngày lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam là dịp để chúng ta ca tụng Thiên Chúa đã làm những việc vĩ đại trên Quê hương Ðất nước và nơi Dân tộc anh hùng chúng ta. Chúng ta chiêm ngưỡng lại khuôn mặt đẹp đẽ và ý chí quật cường của bao bậc tiền bối. Chúng ta học để quý mến sự sống mà chúng ta đang mạng trong mình và do các ngài để lại. Và chúng ta sẽ cố gắng phát huy cơ nghiệp mà tiền nhân đã hy sinh mạng sống để giữ lại cho chúng ta.

 

A. Cảm Mến Công Ơn Của Các Anh Hùng Tử Ðạo

Bài sách Macabê thuật lại câu truyện tử đạo của một gia đình 7 mẹ con ở thời Cựu Ước. Ðó là một gia đình không tên không tuổi; và vì thế được phụng vụ coi như là tiêu biểu cho bao bậc tử đạo vô danh. Chúng ta có thể tựa vào câu truyện ấy để nhắc tới những bậc tử đạo quá nhiều trên Ðất nước chúng ta.

Thực vậy, Hội Thánh Việt Nam có nhiều tử đạo bậc nhất thế giới: xét cả về tổng số, cả về tỷ số... Người ta đã nói tới con số 300,000 tử đạo ở Việt Nam. Ðược mấy Giáo hội có nhiều tử đạo như vậy! Và con số 300,000 kia ở thời bấy giờ, chắc phải chiếm tới 3, 4 phần trăm tổng số tín hữu. Chúng ta rùng mình khi nghĩ đến điều ấy. Nhưng thật như lời người ta nói: máu tử đạo làm nảy sinh kẻ có đạo. Chính Ðức Yêsu cũng đã dạy trong Phúc Âm: hạt thóc có rơi xuống đất, thối đi thì mới mọc lên cây, đem lại mùa màng phong phú. Chúng ta ngày nay có đời sống đạo, là nhờ có đông đảo tiền nhân đã cương quyết giữ vững niềm tin cho đến cùng Chắc chắn có nhiều bậc phụ huynh ngồi đây, nhiều gia đình Công giáo ở bên cạnh chúng ta có thể tính lên đời thứ ba thứ tư và gặp thấy một hay nhiều tử đạo trong gia tộc của mình. Ít nhất ai cũng nói được rằng tổ tiên của mình đã phải giữ đạo một cách rất vất vả. Và tất cả chúng ta đều là con cháu các tử đạo theo cả hai nghĩa thiêng liêng và xác thịt.

Ðiều đó chắc chắn không cần phải nói thêm. Nhưng phải nói lên điều này, là: 300,000 tử đạo kia là một đoàn thể đông đảo đủ mọi màu sắc, khác nào một cánh đồng bát ngát đủ mọi sắc hương. Giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ có; nhưng số giáo dân đông hơn nhiều. Và già có, trẻ có; thanh niên, phụ nữ, nhi đồng cũng có: không thiếu một hạng người nào. Ðặc biệt hơn nữa là rất nhiều người đã tử đạo trong y phục lý trưởng cũng như quân nhân. Họ là những người dân tốt, phục tùng Nhà nước, làm việc tận tâm, được lòng quan chức nêu gương cho mọi người.

Tổng đốc Trịnh Quang Khanh là viên chức có lẽ đã giết rất nhiều tín hữu ở miền Bắc. Thế mà dưới quyền ông vẫn có nhiều người lính có đạo. Và những người này nhiều khi lại gương mẫu và xuất sắc. Ông quý mến họ và ra sức dụ dỗ họ bỏ đạo... Ông không hiểu rằng chính đức tin họ đang giữ là động lực cho đời sống công dân tốt lành kia. Thấy họ cương quyết trung thành với tín ngưỡng đang khi vẫn nhiệt tình với chức năng, ông tìm cách bao che cho họ. Nhưng họ không chịu. Ông Huy, ông Thể, ông Hiếu và nhiều người khác dưới quyền Trịnh Quang Khanh đã ra xưng đạo, trước sự khâm phục và xót thương của bao nhiêu chiến sĩ, không cùng một quan điểm tôn giáo nhưng không thể không cảm mến những người chiến hữu và đồng bào giá trị như vậy.

Chúng ta không thể kể hết ở đây về đời sống gia đình, xã hội của các Tử đạo Việt Nam. Chúng ta thường chỉ biết các ngài tử đạo nghĩa là chịu chết vì đạo. Cùng lắm chúng ta chỉ hay nghĩ tới lòng can đảm, chí chịu đựng của các ngài khi bị tra tấn, hành hạ. Nhưng chúng ta cần phải biết: Tử đạo là ơn rất lớn. Nó đưa thẳng người ta về thiên quốc và lên bàn thờ các thánh ngay ở đời này. Một ơn như vậy không dành cho bất cứ một người nào đâu, nhưng chỉ dành để cho những phần tử ưu tú được Chúa lựa chọn. Ở thời các tử đạo, rất nhiều tín hữu đã bị bắt. Có những người đã chối Chúa. Vì họ không mến đủ! Và sở dĩ như vậy vì như lời thánh Yoan nói: người ta không mến Chúa vô hình khi không yêu mến Người nơi anh em hữu hình. Các tử đạo, dù ở chức năng nào, trước khi tuyên chứng lần cuối cùng về lòng yêu mến Ðấng vô hình, cũng đã trải qua nhiều thử thách trong đời sống phục vụ tha nhân. Chúng ta cứ đọc lại mà xem! Hết mọi hạnh thánh tử đạo Việt Nam đều kể rằng trước khi ra pháp trường hay chịu chết trong ngục để xưng đạo, các ngài đã là những người mẹ, người cha chu toàn phận sự gia đình; những người chồng người vợ thi hành tốt mọi phận sự công dân; những người con hiếu thảo và những người lính dũng cảm; những y sĩ và lý trưởng được đồng bào quý mến việc phục vụ. Bởi vì không ai có thể trở thành công dân Nước Trời sau này, nếu đã không là những công dân tốt trên mặt đất.

Ngay cái chết của các tử đạo Việt Nam cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về khía cạnh vừa nói. Anh em Macabê được tử đạo trong một hoàn cảnh đơn giản hơn. Họ là những người Israel bị ngoại xâm Batư bắt phải bỏ đạo của tổ tiên. Trong một cái chết họ đã tỏ ra trung thành với Thiên Chúa và Tổ Quốc. Trường hợp các tử đạo Việt Nam éo le hơn. Những người bắt các ngài bỏ đạo lại là vua quan "phụ mẫu chi dân". Thế nên các ngài không có một lời nào xúc phạm đối với các quan tòa. Và cho đến lúc chết các ngài vẫn chứng tỏ đã chu toàn tốt đẹp mọi nghĩa vụ xã hội. Các ngài đã chết trong tình mến Chúa yêu người và thương nhà thương Nước. Các ngài đã hy sinh mạng sống cho đức tin và chân lý ở trên giải đất này... Cho nên Giáo hội toàn cầu chỉ biết các ngài là tử đạo của Việt Nam.

Do đó khi mừng lễ các ngài, chúng ta phải biết để ý đến nét Việt Nam nơi các ngài. Chúng ta phải soi gương các ngài chu toàn các nhiệm vụ xã hội một cách thánh thiện. Và cho được như vậy chúng ta phải tìm hiểu động lực bên trong thúc đẩy đời sống của các ngài.

Bài thư Phaolô có thể giúp chúng ta làm công việc này.

 

B. Ði Theo Ðường Lối Của Các Tử Ðạo

Quả thật các Tử đạo Việt Nam có thể mượn những lời thư Phaolô hôm nay để nói với chúng ta. Một đàng các ngài không giấu giếm sự thật. Bí quyết khiến các ngài có thể vượt thắng trăm ngàn thử thách là chính sự sống và sự sống lại của Chúa Yêsu trong thân xác yếu hèn của các ngài. Các ngài nói: chúng tôi chứa đựng những kho tàng ấy trong những bình sành để biết rằng quyền lực vô song ấy là của Thiên Chúa chứ không phải phát xuất tự chúng tôi. Các ngài chịu khổ cực tư bề nhưng không bị đè bẹp, bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi... bởi vì sự sống của Ðức Kitô tỏ hiện nơi thân xác của các ngài. Chính Ðức Kitô trong bài Tin Mừng cũng đã nói không phải các tử đạo ở trước tòa nhưng là Thánh Thần nói trong các ngài.

Và để có Thánh Thần và sự sống của Ðức Kitô ở trong mình như vậy, các tử đạo đã phải hư vô hóa mình, tức là chết cho bản thân, không sống theo xác thịt tự nhiên nữa, nhưng theo Thần trí của Ðức Kitô, tức là đường lối của Người. Hết mọi tử đạo đều đã chết cho đức tin và vì đức tin; nhưng đức tin ở đây không phải là một hệ thống tư tưởng vũ trụ nhân sinh quan mà là đức tin sống động, tin Thiên Chúa và tin Ðức Yêsu Kitô đã yêu thương mình cho đến chết. Ðó là đức tin đầy lòng mến và đầy lòng trông cậy, chắc chắn rằng nếu cùng chết với Ðức Kitô và vì Ðức Kitô thì sẽ được sống lại với Ngài và được đồng thừa tự với Ngài. Thế nên, các tử đạo là những người đầy Chúa Yêsu sau khi đã tát cạn bản ngã và các khuynh hướng xấu xa ở nơi mình.

Và cũng chính nhờ đó mà đàng khác, các vị tử đạo trước khi hy sinh mạng sống mình vì Chúa, đã có một đời sống xã hội đáng khâm phục. Ðiều này cũng rất dễ hiểu! Lời thư Phaolô viết: sự chết hoành hành nơi chúng tôi còn sự sống hoạt động nơi anh em. Các tử đạo cũng có thể nói: chúng tôi đã chết cho bản thân để sự sống tăng trưởng nơi anh em. Thật vậy, con người đã chết đi cho chính mình, thì sống cho Chúa. Nhưng đối với họ, Thiên Chúa không phải chỉ là Ðấng Vô hình, mà hơn nữa còn là Ðấng đang hiện diện trong Hội Thánh và trong anh em. Mọi hành vi làm cho người anh em nhỏ mọn nhất là làm cho Chúa. Thành ra các đấng thánh là những người nhìn thấy Thiên Chúa ngay ở đời này và cụ thể trên mặt đất này nơi Hội Thánh và nơi anh em. Và vì họ không còn sống cho chính bản thân và vì bản thân nữa, nên mọi phục vụ của họ chỉ còn quy vào một đối tượng. Ðó là Thiên Chúa nơi tha nhân... Ðó là tha nhân trong cái nhìn của đức tin và lòng mến. Các tử đạo làm tốt các nhiệm vụ xã hội là vì thế. Và mọi người thật có lý để nghi ngờ những kẻ đã phản bội đức tin của mình.

Như thế, nếu hôm nay mừng lễ các Tử đạo Việt Nam, chúng ta phải để ý đến nét Việt Nam nơi các ngài, tức là phải soi gương các ngài trong đời sống xã hội phục vụ anh em đồng bào, thì chúng ta người có đức tin phải luôn duy trì và phát triển động lực thúc đẩy đời sống xã hội kia tức là Thánh Thần và Ðức Kitô ở trong mình. Và cho được như vậy, chúng ta phải mang sự chết của Ngài trong thân xác, là biết chết cho bản thân và các khuynh hướng vị kỷ. Phải làm như vậy mới đi vào được đường lối của các tử đạo và mới có thể theo các ngài cho đến cùng. Bởi vì muốn nên giống các ngài hoàn toàn, chúng ta không những phải biết sống như các ngài mà còn phải biết chết như các ngài. Mà muốn chết như các ngài, chúng ta phải sống đạo như trên mà vẫn không quên Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.

 

C. Tin Tưởng Như Các Tử Ðạo

Chúa nhắc nhở chúng ta biết số phận thông thường của các môn đệ Người: "Người ta sẽ bắt bớ các con". Và trong sách Tin Mừng Yoan, Người còn nói rõ hơn: đó là điều thật dễ hiểu, vì tôi tớ không trọng hơn Thầy. Có lạ chăng là việc thế gian yêu các con chứ các con có thuộc về thế gian nữa đâu mà thế gian quý mến các con! Và lịch sử làm chứng Hội Thánh của Ðức Yêsu, Hội Thánh tiếp nối sứ mạng cứu thế của Người, luôn luôn có các tử đạo, không ở nơi này thì ở nơi khác, không dưới hình thức này thì dưới hình thức khác. Ðó là mầu nhiệm, nhưng là mầu nhiệm tương đối dễ hiểu.

Sứ mệnh của Ðức Yêsu cũng như của Hội Thánh Người là sứ mệnh tuyên chứng. Tuyên chứng về chân lý, về những chân lý siêu phàm; thế mà chân lý thì như ánh sáng và thế gian đã bị tối tăm bao phủ nên luôn luôn muốn vùi dập ánh sáng. Và cũng đồng thời tuyên chứng về tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa yêu thương loài người và chẳng tình yêu nào lớn bằng tình yêu nơi người hy sinh mạng sống vì người mình muốn yêu.

Thế nên chính khi chịu chết vì đạo, người tín hữu trở thành chứng tá hoàn toàn hơn cả. Cái chết của họ vừa nói lên niềm tin chắc chắn, vừa nói lên tình mến tận cùng. Chỉ những kẻ có niềm tin yếu ớt mới sợ tử đạo. Nhưng nếu chúng ta yếu thì đã có Chúa ban Thánh Thần của Người đến nâng đỡ sự yếu đuối nơi chúng ta. Và việc này tùy ở chúng ta trong lúc bình thường có cầu xin và sống đạo để nhận được nhiều Thánh Thần hay không?

Giờ đây chúng ta cử hành thánh lễ. Chung quang bàn thờ này hiện diện vô hình đoàn thể các tử đạo Việt Nam. Các ngài ước mong chúng ta dâng lễ này sốt sắng và hiệu quả. Nếu chúng ta cầu xin và nhất là phó thác bản thân trong tay Chúa thì Người sẽ ban sự sống của Chúa Yêsu và Thánh Thần của Người cho chúng ta. Chính Thánh Thần sẽ là sức mạnh cải tạo cho chúng ta một nếp sống mới để chúng ta dần dần sống bớt đi cho mình và nhiều hơn cho Chúa, tức là cho Người ở trong anh em. Như vậy chúng ta sẽ có đời sống trần gian này tốt để chúng ta cũng sẽ chết tốt như các tử đạo. Chúng ta sẽ tuyên xưng Chúa khi sống và khi chết. Chúng ta sẽ khơi được lòng ngưỡng mộ của mọi người. Chúng ta sẽ xứng đáng với tổ tiên đức tin của mình, những vị mà chúng ta mừng lễ hôm nay. 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)