Chúa Nhật XXXII thường niên, Cung Hiến Thánh Đường Latêranô
NHÀ CHÚA
Lm Raphael Xuân Nguyên

Hai tiếng Nhà Chúa gợi lên hình ảnh vô cùng linh thiêng và thánh thiện.  Nhà Chúa cũng đồng nghĩa với Nhà Thờ hay Đền Thờ.  Vì sự thánh thiêng cao cả ấy, nên những kẻ xúc phạm đến Nhà Chúa hay Đền Thờ của Ngài liền chịu cơn thịnh nộ của Chúa đổ trên đầu họ: "Hãy đem những thứ này khỏi đây, và đừng làm Nhà Cha Ta thành nơi buôn bán!"   Họ đã buôn bán những gì trong Nhà Chúa đến nỗi làm cho Chúa Giêsu nổi giận?

Trong Phúc âm hôm nay kể ra vài ba thứ như bò, chiên, chim câu và đổi chác tiền bạc.  Tất cả đều là sản phẩm có thể đem lại lợi nhuận cho việc buôn bán.  Nhưng ở đây lại "buôn bán trong Đền Thờ", sẽ gợi ta hai ý nghĩa sau đây:  Thứ nhất dựa trên quan niệm lễ vật thời đó dâng vào đền thờ để đền tội, nên bò, chiên, chim câu và tiền bạc được các nhà lãnh đạo tôn giáo dành ưu tiên cho đem vào Đền Thờ để sát tế.  Từ đó, mới có việc lợi dụng buôn bán xảy ra trong Đền Thờ.  

Thứ hai, cũng chính do việc lợi dụng buôn bán ấy, sẽ đưa ta nghĩ đến các nhà lãnh đạo tôn giáo là những người đã trực tiếp nhúng tay vào để kiếm lợi nhuận cho họ.  Vì biết rõ điều đó, Chúa Giêsu đã nổi giận cảnh cáo những người buôn bán, và lập tức các nhà lãnh đạo tôn giáo phản ứng mạnh với Người, vì làm cho họ bị mất đi mối lợi ấy!

Nhìn vào khung cảnh hỗn loạn trong Đền Thờ lúc Chúa Giêsu bện giây thừng đánh đuổi những kẻ buôn bán, mỗi người Kitô hữu hôm nay tự nhiên sẽ ý thức hơn khi bước đến Nhà Chúa, Nhà Thờ hay Đền Thờ Chúa để tôn thờ Ngài.  Người ta có thể vẫn còn chứng kiến các cảnh buôn bán xưa trong Nhà Chúa hay trong Đền Thờ Chúa dưới nhiều hình thức khác nhau.  Vì không ý thức, không sợ hay đã lì trong những cảnh buôn bán ấy, lương tâm của một số Kitô hữu sẽ không còn cảm nghiệm được cơn thịnh nộ của Chúa nữa.  Đó có thể là cách giữ đạo máy móc bằng những hình thức bên ngoài.  Khi các hình thức của Phụng Vụ và Kinh Nguyện càng trở nên nặng nề phức tạp và vô ý thức, thì sự đơn sơ của tình mến Chúa càng giảm bớt; thế vào đó sẽ là sự đánh giá giả tạo bằng số lượng tiền bạc được trả cho danh dự cá nhân những kẻ đến làm việc phượng tự trong phụng vụ. 

Cũng có thể là các hình thức tham dự các Phép Bí Tích một cách chiếu lệ cho xong bổn phận Kitô hữu: như chịu Rửa Tội cho có tên Công Giáo hay Kitô hữu, chịu Hôn Phối cho hợp lệ giống với người ta, trong khi chỉ nhắm đến cách trưng diện quần áo và tiệc tùng cho đẹp, cho oai, hoặc cho hấp dẫn sang trọng để đạt được mục đích riêng cá nhân mình, và sau đó liền từ giã Nhà Chúa.  

Cũng có thể sống rất buông thả tội lỗi, đợi cho đến giờ sau hết mới thánh hiến đền thờ bằng việc xức dầu thánh như lá buà hộ mạng cho ăn chắc chăng!  

Và cũng có thể là chính hình thức buôn bán của các nhà lãnh đạo tôn giáo xưa được lặp lại, khi các nhà lãnh đạo tôn giáo hôm nay đang biến Nhà Chúa hay Nhà Thờ thành chỗ kiếm tiền cách này hay cách khác, với lý do bác ái hoặc xây dựng Nhà Chúa, nhưng thực ra chỉ để mưu cầu lợi ích cá nhân mình. 

Ngoài ra, tất cả các hình thức phạm tội đều là những hình thức buôn bán tệ hại xấu xa và bôi nhọ Nhà Chúa hay Đền Thờ Chúa.

Mừng Ngày thánh hiến Đền Thờ Lateran Rôma gợi các Kitô hữu trực tiếp Đền Thờ sống động của Chúa là Nhà Chúa và chính bản thân mình.  Ngoài các việc tôn thờ, giữ các giới răn, kinh nguyện và các việc bác ái, mỗi Kitô hữu có thể xem lại các hình thức khác liên quan đến việc buôn bán trong Đền thờ, để sẽ giúp mình vâng nghe lời Chúa Kitô: "Hãy đem những thứ này khỏi đây, và đừng làm Nhà Cha Ta thành nơi buôn bán!"�  Nhờ thực hành lời Chúa dạy, chúng ta sẽ được tham dự vào sự chết và sự phục sinh với Chúa Kitô như Ngài đã phán:  "Cứ phá đền thớ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây lại."