Thứ Tư lễ tro - Mùa Chay - Năm A
HỠI NGƯỜI HÃY NHỚ MÌNH LÀ TRO BỤI

GB. Đào Thiện Hải op

Ngay sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, Thiên Chúa đã phán với Ađam rằng ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất (St 3,19b). Hôm nay, qua nghi thức xức tro trên đầu, Giáo Hội cũng lặp lại những lời ấy với các Kitô hữu, để nhắc nhở họ về thân phận yếu đuối mỏng giòn của con người.

Quả thật, thân phận con người là mỏng giòn, là mong manh yếu đuối hệt như lời Thánh Vịnh viết:

Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,

như cỏ đồng trổi mọc ban mai,

nở hoa vươn mạnh sớm ngày,

chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn. (Tv 89,5-6).

Thân phận mỏng giòn của con người đã được Thiên Chúa sắp đặt trong một thế giới luôn vận động, biến đổi. Nhưng chính nhờ sự vận động này mà nhân loại được phát triển, được tiến lên. Đây là chính một lời mời gọi tiến bước, một thách đố để vươn lên cao hơn, một thức tỉnh để gây niềm hy vọng. Thử hỏi, nếu thế giới không biến đổi thì liệu ngày nay chúng ta có được hưởng những thứ tiện nghi như chúng ta thấy ngày hôm nay không? Hay là chúng ta cứ phải sống như những người trong thời đại đồ đá? Nếu sự sống của con người chúng ta bất biến, thân phận của con người vững chắc, không suy suyển, thì liệu chúng ta có quí trọng sự sống không?

Thật vậy, chỉ khi cảm nhận được thân phận mỏng giòn, ta mới biết quí trọng sự sống; có những đau yếu bệnh tật, ta mới biết quý trọng sức khỏe; có những lúc mất tự do, ta mới biết trân trọng tự do; có những khó khăn vất vả tìm kiếm, ta mới biết thế nào là niềm vui khám phá và có những lúc sa chân lỡ bước con người mới dễ cảm thông tha thứ.

Trong thân phận mỏng giòn của mình, con người phải đón nhận cái chết như là một tất yếu của cuộc sống. Không ai có thể tránh được cái chết, dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết (Tv 48,13). Dẫu ta là Hoàng đế, Tổng thống hay một kẻ thường dân thì cái chết cũng không từ bỏ chúng ta. Dẫu ta là người giàu nhất thế giới, của cải ăn ba đời không hết hay chỉ là một kẻ khố rách áo ôm thì ta cũng phải trở về với cát bụi như sách Thánh Vịnh viết:

“Mạng người dù giá cao mấy nữa,

thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời.

Nào phàm nhân sống mãi được sao

mà chẳng phải đến ngày tận số?” (Tv 48,9-10)

Đứng trước cái chết, ai cũng sợ hãi và tìm cách lẩn trốn. Vì vậy, dù sống trong thời đại nào chăng nữa, con người vẫn luôn luôn kiếm tìm cho mình sự bất tử, một phương dược trường sinh hay một vài phương pháp nhằm tránh né cái chết.

Hãy nhớ lại hình ảnh của Tần Thủy Hoàng trong lịch sử, người đã chấm dứt thời Chiến Quốc và thống nhất Trung Hoa vào khoảng năm 221 TCN. Ông vẫn hằng khao khát tìm kiếm thuốc trường sinh để có thể hưởng thụ quyền lực, sự giàu có của mình. Nhưng cuối cùng thì ông vẫn phải trở về lòng đất, và đến nay, nhân loại vẫn chưa thể đáp ứng được khát vọng của ông, dù ông đã năm xuống hơn 2000 năm.

Nhưng đối với chúng ta là những Kitô hữu thì một niềm hy vọng được khơi lên trong chính nghi thức xức tro hôm nay. Bởi lẽ, việc nhận được một nhúm tro trên đầu với hình Thánh Giá, nhắc nhớ chúng ta đến một cuộc trao đổi tuyệt vời giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đó là việc Ngôi Hai Thiên Chúa đã chết trên Thập Giá, để cho nhân loại được sống. Đây có thể nói là giao điểm giữa chết và sống. Thực vậy, nếu tro bụi là biểu tượng cho sự chết, thì dấu Thánh Giá được vẽ trên đầu chúng ta lại là biểu tượng cho sự sống. Thánh Giá chính là chìa khóa mở cửa cho con người bước vào sự sống trường sinh, vào với sự bình an đích thực như lời dạy của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu tại Côlôxê:

“Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,

Thiên Chúa đã đem lại bình an

cho mọi loài dưới đất

và muôn vật trên trời.” (Cl 1,20)

Được lôi kéo ra từ hư vô, do quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa, ta không thể đời đời tìm gặp lại Người nếu không bước qua thực tế đen tối của cái chết, vốn là một hậu quả và hình phạt của tội lỗi. Dẫu chỉ là tro bụi, nhưng nhờ Chúa Kitô, thân phận bụi tro không mất đi, không tan biến đời đời, nhưng lại được mặc lấy sự sống vĩnh cửu, sự sống phục sinh huy hoàng của chính Chúa Kitô.

Thánh Phaolô đã dạy chúng ta: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).

Cái chết vẫn hiện hữu, tồn tại. Ta phải chấp nhận và nhìn ngắm nó, không phải để lo lắng, để buồn sầu nhưng là để kích thích ta đạt tới sự thiện. Chính tư tưởng về cái chết giúp ta nhìn nhận của cải thế tục là giả trá và cuộc đời chóng qua. Ý thức được như thế, ta mới thấy được nhu cầu cần phải đổi mới, phải hoán cải. Nhờ đó ta mới cảm nhận được bàn tay nâng đỡ và tha thứ đầy yêu thương của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, qua nghi thức xức tro trên đầu ngày hôm nay, chúng con mới cảm nghiệm được sự mỏng giòn, yếu đuối và bất toàn của con người. Xin cho chúng con đừng quá gắn bó với những gì chóng qua, những của cải phù vân ở đời và chỉ một lòng tìm kiếm Ngài là sự sống, niềm hạnh phúc và bình an vĩnh cửu. Amen.