Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm A
NHƯ ĐỨC GIÊSU ĐÃ YÊU THƯƠNG
Suy niệm của JKN

Câu hỏi gợi ý:

1. Đức Giêsu đã làm cho Ladarô sống lại, điều đó chứng tỏ điều gì? Phải là ai mới có thể thực hiện được điều ấy?

2. Bạn còn nhớ nội dung các bài Tin Mừng Chúa Nhật mùa Chay vừa qua không? Loạt bài Tin Mừng mùa Chay muốn chứng tỏ điều gì về Đức Giêsu?

3. Đức Giêsu xúc động và khóc trước mộ Ladarô cho thấy tình yêu và tình cảm của Ngài thế nào? Ta có cần biểu lộ tình yêu của mình đối với tha nhân một cách cụ thể như thế không?

Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu có khả năng làm cho kẻ chết sống lại

Dùng quyền năng siêu nhiên để làm cho người bệnh nan y được khỏi bệnh thì có khá nhiều người làm được. Nhưng làm cho người đã chết sống lại thì chỉ những người có sứ mạng đặc biệt của Thiên Chúa mới thực hiện được nhờ quyền năng vô biên của Ngài. Trong Cựu Ước ta thấy ngôn sứ Ê-li-a đã làm cho con trai của bà góa ở Sa-rép-ta sống lại (xem 1Vua 17,17-24), và ngôn sứ Ê-li-sa cũng làm như thế cho đứa con trai của bà Su-nêm (xem 2Vua 4,32-37). Trong Tân Ước, ngoài Đức Giêsu ra, ta thấy có Phê-rô cũng đã làm cho bà Ta-bi-tha đã chết sống lại (xem Cv 9,39-42). Còn Đức Giêsu, Ngài đã làm cho người chết sống lại ít nhất 3 lần: cho con trai bà góa thành Na-in (x. Lc 7,11-15), cho con gái một ông trưởng hội đường (x. Mt 9,18-26; Mc 5,35-43; Lc 8,49-56), và cho Ladarô như bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại (x. Ga 11,34-45).

Nơi những trường hợp được hồi sinh vừa kể, việc sống lại – hầu tiếp tục sự sống ở trần gian ít lâu nữa để rồi cũng lại chết – chỉ là một hình ảnh hay dấu chỉ của sự sống lại vĩnh viễn để sống sự sống đời đời. Sự sống lại để sống đời đời này chính Đức Giêsu đã thực hiện cho chính mình (x. Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-7; Ga 20,1-10). Đó chính là bằng chứng bảo đảm cho niềm tin vào sự sống lại của chính chúng ta để hưởng sự sống vĩnh cửu. Thật vậy, “nếu Đức Kitô không phục sinh, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là vô ích” (1 Cr 15,14), là hoàn toàn vô căn cứ, không dựa trên một nền tảng nào. Và việc phục sinh của Ngài cũng chính là bằng chứng để ta tin Ngài là Con Thiên Chúa, đồng thời cũng là Thiên Chúa. Vì trong lịch sử nhân loại, sống lại để sống vĩnh cửu như thế – nghĩa là hiện nay, sau 2000 năm, Ngài vẫn đang sống, và sẽ còn sống mãi – thì chỉ có một mình Đức Giêsu mà thôi.

2. Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia, và cũng là con người như chúng ta

Các bài Tin Mừng các Chúa Nhật Mùa Chay muốn chứng tỏ Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ngài chính là Đấng Thiên Sai mà các ngôn sứ đã hứa, mà người Do Thái trông chờ hàng mấy trăm năm.

Việc Đức Giêsu chịu cám dỗ (Chúa Nhật thứ 1 mùa Chay) cho thấy Đức Giêsu là người đích thực, Ngài rất thông cảm với sự yếu đuối của con người. Việc Đức Giêsu hiển dung (CN 2 mùa Chay) cho thấy thần tính của Ngài, cho thấy Ngài là Con Thiên Chúa, được chính Chúa Cha giới thiệu. Câu chuyện về nước hằng sống với người phụ nữ Sa-ma-ri (CN 3 mùa Chay) cho thấy Ngài có khả năng đem lại sự sống vĩnh cửu cho con người, và Ngài tự xác nhận mình là đấng Mêsia mà mọi người trông đợi. Việc làm sáng mắt người mù từ khi mới sinh (CN 4 mùa Chay) cho thấy quyền năng đặc biệt của Ngài và cách Ngài hành xử theo tình yêu hơn là theo lề luật.

Quyền năng ấy lại còn đặc biệt hơn nữa với bài tường thuật Ngài làm cho kẻ chết đã 4 ngày sống lại trong bài Tin Mừng hôm nay (CN 5 mùa Chay). Trong bài Tin Mừng này, Ngài còn tự xác nhận mình chính là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ngài thì sẽ được sự sống đời đời.

Cuối cùng, Chúa Nhật kế tiếp (CN Phục Sinh) thuật lại việc sống lại của chính Ngài sau khi chịu tử nạn làm hy tế đền tội cho nhân loại. Sự sống lại này là dấu chứng vĩ đại và chắc chắn nhất chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia.

Bài Tin Mừng hôm nay chứng minh một cách tổng hợp Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người, một con người đúng là con người, hết sức nhân bản. Ngài là Thiên Chúa, vì có khả năng làm cho kẻ chết sống lại. Là con người, vì khi đến nhà người mình yêu thương đã chết, Ngài cũng “thổn thức trong lòng và xao xuyến” (câu 33b), Ngài đã khóc (câu 35) khi đứng trước mộ Ladarô. Chắc hẳn Ngài đã tỏ ra xúc động rất nhiều đến nỗi những người có mặt ở đấy đã phải thốt lên: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!” (câu 36).

Như vậy, Ngài không chỉ yêu thương chúng ta bằng thứ tình yêu đầy tính thần linh của một vị Thiên Chúa, mà còn yêu bằng chính tình cảm đầy tính người của con người. Và dù mang tính con người, tình yêu ấy vẫn rất bao la, rộng rãi, và triệt để: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b). “Đến cùng” ở đây là tới mức tận cùng của tình yêu con người, không ai – kể cả Ngài – có thể yêu hơn được nữa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

3. Hãy yêu thương như Đức Giêsu đã yêu thương

Đức Giêsu đã yêu thương ta và yêu thương mọi người bằng trái tim con người thế nào, Ngài cũng mời gọi ta yêu thương nhau, yêu thương tha nhân y như vậy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Có yêu thương như thế, ta mới chứng tỏ mình theo Ngài: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Tình yêu nhân bản của Đức Giêsu được biểu lộ ra bên ngoài bằng sự xúc động mãnh liệt như trường hợp đối với Ladarô, nhất là bằng những hy sinh đến chết cho nhân loại. Tình yêu tuy ẩn sâu kín trong lòng con người không ai thấy được, nhưng nếu là tình yêu đích thực thì nó luôn luôn được biểu lộ ra ngoài thành những ánh mắt trìu mến, cử chỉ yêu thương, lời nói dịu dàng, và nhất là bằng sự quan tâm, giúp đỡ, hy sinh thật sự cho người mình yêu. Tình yêu không thể dấu kín. Tình yêu dấu kín trong lòng là tình yêu đáng nghi ngờ. Nếu “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17.26), thì một cách tương tự, tình yêu không được biểu lộ cụ thể là tình yêu giả hiệu. Chính “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại” (Tt 3,4), và “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). Vì thế, chúng ta hãy biểu lộ tình yêu của mình đối với mọi người bằng những cử chỉ, lời nói và hành động cụ thể.

Cầu nguyện

Lạy Cha, Cha đã tỏ tình yêu của Cha một cách cụ thể cho nhân loại qua việc sai Đức Giêsu là hiện thân của Cha đến thế gian chịu chết để cứu chuộc họ. Đức Giêsu cũng biểu lộ tình yêu của Ngài một cách rất cụ thể qua việc khóc thương Ladarô, và qua việc hiến mình đến chết cho nhân loại. Xin giúp con cũng biết thật sự yêu thương những người chung quanh con, và biểu lộ tình yêu thương ấy thật cụ thể qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói và hành động. Amen.